TẬP ĐI TRÊN MÁY CHẠY THẢM LĂN (TREADMILL) CÓ NÂNG ĐỠ MỘT PHẦN TRỌNG LƯỢNG (số 7)
1. ĐẠI CƯƠNG
Tập đi trên máy chạy thảm lăn có nâng đỡ một phần trọng lượng (Body weight supported treadmill training) là một phương pháp để luyện tập lại việc đi bộ trong chuyên ngành phục hồi chức năng. Thiết bị này có hệ thống đai treo nâng đỡ một phần trọng lượng cơ thể người bệnh khi tập đi trên thảm lăn, áp dụng cho những bệnh có yếu liệt chi dưới có khả năng đi lại hoặc sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình chi dưới. Phương pháp này giúp người bệnh tái rèn luyện sớm, tăng cường khả năng đi lại, cải thiện dáng đi, tiến đến độc lập trong di chuyển.
2. CHỈ ĐỊNH
– Liệt nửa người do tổn thương não: tai biến mạch máu não (đột quỵ não), chấn thương sọ não, viêm não, viêm màng não, u não…
– Liệt hai chi dưới, liệt tứ chi không hoàn toàn do tổn thương tủy sống: chấn thương tủy sống, viêm tủy, áp xe tủy, u tủy…
– Bệnh lý thần kinh cơ: xơ cứng rải rác, xơ cột bên teo cơ…
– Rối loạn thần kinh ngoại biên: viêm đa rễ đa dây thần kinh…
– Rối loạn dáng đi.
– Bệnh Parkinson.
– Bệnh viêm khớp.
– Sau phẫu thuật chỉnh hình, thay khớp chi dưới, cần sử dụng chi giả.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Bệnh lý tim, phổi nặng (nhồi máu cơ tim cấp, đau thắt ngực không ổn định, rối loạn nhịp tim, tắc mạch phổi…)
– Huyết khối tĩnh mạch chi dưới, huyết khối cấp…
– Tăng huyết áp động mạch: HATT>200mmHg, HATTr>110mmHg
– Hạ huyết áp tư thế đột ngột.
– Động kinh.
– Vết thương chưa lành hoặc loét nặng ở vùng lưng và chi dưới
– Phù nề hoặc co rút nặng chi dưới
– Người bệnh mất nhận thức.
– Người bệnh có sử dụng 1 số thiết bị cấy ghép dưới da (bơm Baclofen…)
4. THẬN TRỌNG
– Không thực hiện trên các người bệnh không hợp tác
5. CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
5.4. Trang thiết bị
– Máy chạy thảm lăn có nâng đỡ trọng lượng cơ thể được thiết kế với 2 phần chính là hệ thống khung treo hỗ trợ trọng lượng cơ thể và hệ thống máy chạy thảm lăn.
– Bộ dây đai có kích cỡ phù hợp
5.5. Người bệnh
– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện: mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …
– Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, SpO2
– Quan sát sức khỏe tổng quát xem người bệnh có đủ khả năng tập đi với máy không?
5.6. Hồ sơ bệnh án
– Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 – 01 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: Phòng tập phục hồi chức năng
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Bước 1: Chuẩn bị: máy chạy thảm lăn được đặt ở phía dưới hệ thống khung treo, dây dẫn, ổ cắm điện, kích cỡ đai cố định phù hợp cho người bệnh. Bật máy và kiểm tra trước khi tập cho người bệnh.
Bước 2: Hỗ trợ người bệnh di chuyển vào thảm lăn:
– Dùng xe lăn hoặc tự người bệnh nắm vào thanh cố định ở hai bên của máy (nếu có) để di chuyển vào vị trí.
– Gắn đai cố định cho người bệnh sao cho phù hợp: không chặt quá, lỏng quá, cao hoặc thấp quá, sao cho người bệnh cảm thấy thoải mái, dễ thở, không đau hay bất cứ khó chịu gì. Mức độ hỗ trợ trọng lượng không quá 30% trọng lượng cơ thể, có thể giảm dần khi kiểm soát tư thế, thăng bằng bắt đầu cải thiện
– Điều chỉnh từ từ để người bệnh đứng lên từ mặt thảm lăn, hai chân người bệnh đứng tiếp xúc toàn bộ trên thảm lăn, gót chân không bị kiễng lên. Khi đã đứng dậy được mà người bệnh thấy khó chịu do đai bị kéo lên chèn nhiều vào ngực, cổ hoặc vùng chậu hông… điều chỉnh lại dây đai cho phù hợp.
Bước 3: Điều chỉnh màn hình máy các thông số sau:
– Điều chỉnh độ dốc thảm lăn ở mức 0 độ.
– Điều chỉnh tốc độ phù hợp với tình trạng của từng người bệnh. Với những người bệnh cơ lực yếu, chưa tự bước đi được, cần phải điều chỉnh từ mức tốc độ nhỏ nhất, khi người bệnh cải thiện có thể tăng dần mức tốc độ.
Bước 4: Bắt đầu quá trình tập luyện như sau:
– Với người bệnh liệt nửa người, người tập thứ 1 ngồi bên cạnh (hoặc đối diện) chân liệt của người bệnh, một tay giữ cổ chân, một tay hỗ trợ gối để điều chỉnh bước đi trong các thì chống và đu đưa. Người tập thứ 2 đứng phía sau hỗ trợ giữ hông và đỡ vai bên liệt của người bệnh. Trong trường hợp người bệnh liệt nhẹ, khả năng giữ thăng bằng tốt có thể không cần đến sự hỗ trợ của người tập thứ 2.
– Với người bệnh liệt hai chân, hai người tập ngồi bên cạnh hai bên chân liệt của người bệnh, một tay giữ cổ chân, một tay hỗ trợ gối để điều chỉnh bước đi trong các thì chống và đu đưa.
*Chú ý:
– Luôn luôn kiểm tra vị trí chính xác của người bệnh trong suốt quá trình tập, đầu gối không chạm vào bề mặt trong khi đi bộ lơ lửng trong bộ đai.
– Cứ 5-10 phút hỏi cảm giác người bệnh một lần. Thời gian tập tùy thuộc vào khả năng và tình trạng sức khỏe của người bệnh, thông thường từ 20-60 phút, có thể nghỉ 1-3 lần, thời gian nghỉ mỗi lần 3-5 phút.
Bước 5: Kết thúc tập luyện:
– Nên giảm tốc độ từ từ cho đến khi trở về 0 để kết thúc quá trình tập.
– Hỗ trợ cho người bệnh ngồi xuống xe lăn.
– Tháo đai cố định, đưa người bệnh ra ngoài giường nằm nghỉ 15-30 phút.
– Hỏi cảm giác và dặn dò người bệnh.
7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi người bệnh:
– Theo dõi những biểu hiện quá sức của người bệnh. Luyện tập không đúng hoặc các bài tập quá mức có thể dẫn đến tổn thương sức khỏe.
– Theo dõi mạch, huyết áp trước – trong – sau khi tập.
– Theo dõi vị trí chính xác của người bệnh, vị trí đặt bước chân.
– Theo dõi sự tiến triển của người bệnh để tăng hoặc giảm tốc độ của thảm lăn.
Những yêu cầu khi sử dụng máy:
– Thiết bị chỉ sử dụng với người đã được huấn luyện cẩn thận, chuyên nghiệp.
– Để ý giới hạn đối với trọng lượng tối đa của người luyện tập.
– Quan tâm đến các hướng dẫn khử trùng thường xuyên bộ phận chịu tải, đai đeo.
– Không sử dụng thiết bị này kết hợp với thiết bị khác.
– Không sử dụng thiết bị với bất kì chống chỉ định nào.
– Dây đai phải được thay thế bởi kỹ thuật của nhà phân phối ít nhất 12 tháng/lần.
Chú ý xử trí các tai biến trong khi tập cũng như sau khi tập:
– Tăng huyết áp: thuốc hạ huyết áp.
– Đau cơ: Thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lý trị liệu.
– Tập quá sức: nghỉ ngơi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Duncan PW, Sullivan KJ, Behrman AL, et al. Body-Weight–Supported Treadmill Rehabilitation after Stroke. N Engl J Med. 2011;364(21):2026-2036.
2. Friesen D. Body Weight Supported Treadmill Training in Neurological Rehabilitation. Propel Physiotherapy. Published October 28, 2019.
3. Thompson N, Wilcox D, Jackson K. A Clinical Guideline Using Biodex Technology for the Treatment of Patients Affected by Cerebrovascular Accident.
4. Kwakman RCH, Sommers J, Horn J, Nollet F, Engelbert RHH, van der Schaaf M. Steps to recovery: body weight-supported treadmill training for critically ill patients: a randomized controlled trial. Trials. 2020;21(1):409.