PHỤC HỒI KỸ NĂNG SỐNG CƠ BẢN (số 152)
-
ĐẠI CƯƠNG
Phục hồi chức năng sống cơ bản là phương pháp điều trị tâm lý giúp người bệnh phục hồi và phát triển lại các kỹ năng sống cơ bản mà họ bị suy giảm hay mất đi do bệnh lý tâm thần. Các kỹ năng sống cơ bản bao gồm: kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, kỹ năng tự chăm sóc bản thân thực hiện các hoạt động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Trong đó chức năng sinh hoạt hàng ngày là các hoạt động cơ bản bao gồm ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo, ngủ, bài tiết…. là những chức năng rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người để tồn tại và thích nghi với môi trường.
Mục tiêu của phục hồi kỹ năng sống cơ bản giúp cho người bệnh biết tự chăm sóc bản thân, biết cách sinh hoạt ăn uống lành mạnh phù hợp với tình trạng sức khoẻ, biết cách giữ gìn vệ sinh thân thể, thu xếp chỗ ăn ở, sử dụng các phương tiện công cộng để đi lại, biết tự phục vụ bản thân với các nhu cầu trong sinh hoạt hàng ngày.
Phục hồi các chức năng tâm thần nói chung và phục hồi kỹ năng sống cơ bản nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc tái tạo lại sức khoẻ và khả năng sinh hoạt, tự phục vụ và làm việc của người bệnh đã bị ảnh hưởng do quá trình bị rối loạn tâm thần, bệnh cơ thể hoặc do bị chấn thương, giúp người bệnh cải thiện một cách đầy đủ về cảm xúc, vận động cơ thể, tái hoà nhập cộng đồng, xã hội.
-
CHỈ ĐỊNH
– Tâm thần phân liệt giai đoạn đã điều trị ổn định
– Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ và vừa
– Trầm cảm vừa và nặng giai đoạn đã điều trị thuốc ổn định
– Ám ảnh cưỡng bức không kèm theo trầm cảm nặng giai đoạn chưa điều trị ổn định, Ám ảnh sợ đặc hiệu
– Rối loạn lo âu lan toả
– Rối loại stress sau sang chấn
– Các bệnh lý tâm thần khác trong giai đoạn phục hồi.
– Các bệnh lý cơ thể có liên quan đến tâm lý hành vi : cao huyết áp, AIDS, ung thư, lão khoa, các bệnh lý tổn thương não sau giai đoạn cấp như tai biến mạch não, viêm não…
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Loạn thần cấp
– Trầm cảm nặng giai đoạn chưa điều trị ổn định
– Chậm phát triển tâm thần nặng
– Các bệnh lý thực tổn giai đoạn nặng
– Hưng cảm giai đoạn nặng
– Nhân cách Paranoia
– Bệnh nhân và người nhà từ chối điều trị
-
THẬN TRỌNG
Người bệnh có các triệu chứng loạn thần còn dao động.
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện: 03 người
a) Nhân lực trực tiếp
– Bác sĩ chuyên khoa tâm thần/Bác sĩ phục hồi chức năng/Kỹ thuật viên phục hồi chức năng/Cán bộ tâm lý
b) Nhân lực hỗ trợ
– Điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa tâm thần/ phục hồi chức năng tâm thần có bằng cấp hoặc chứng chỉ được công nhận.
5.2. Thuốc
Không có
5.3. Vật tư
– Dụng cụ tuỳ thuộc từng buổi sinh hoạt cụ thể để người bệnh thực hành các bài tập, kỹ năng được nhân viên y tế hướng dẫn: khăn mặt, bàn chải đánh răng, chậu rửa mặt, cốc, quần áo, xà phòng, bát thìa, chăn màn …
– Các thang lượng giá về cảm xúc (thang đánh giá tâm trạng nhanh).
– Bảng kiểm để lượng giá hoạt động của người bệnh ….
5.4. Trang thiết bị
Tuỳ thuộc vào kế hoạch phục hồi chức năng và theo từng chủ đề sẽ cần các trang thiết bị khác nhau.
Một số trang thiết bị cơ bản: Ti vi, Loa, máy vi tính, micro …
5.5. Người bệnh
– Người bệnh trong giai đoạn ổn định, không có biểu hiện rối loạn hành vi tác phong, hợp tác, nhận thức được các hướng dẫn của nhân viên y tế thực hiện chương trình huấn luyện kỹ năng sống cơ bản, hiểu được yêu cầu của hoạt động.
– Số lượng người tham gia tối đa 10 người
5.6. Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định
– Hồ sơ bệnh án chuyên khoa: Phiếu điều trị, Kế hoạch Phục hồi chức năng.
– Sổ ghi chép của cán bộ hướng dẫn.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật
0,5 giờ.
5.8. Địa điểm thực hiện kỹ thuật
Phòng trị liệu phục hồi kỹ năng.
5.9. Kiểm tra hồ sơ, phiếu chỉ định
– Người thực hiện tiếp nhận người bệnh, tiếp nhận phiếu chỉ định, kiểm tra đối chiếu phần thông tin hành chính trên phiếu chỉ định với thông tin cá nhân của người bệnh.
– Nhập tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán … của người bệnh vào máy và vào sổ theo dõi.
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Bước 1: Giới thiệu, làm quen và đánh giá tâm trạng nhanh trước khi thực hiện.
Bước 2: Người thực hiện giới thiệu mục đích hoạt động (hoạt động gì, mục đích của buổi sinh hoạt, nội dung cụ thể, cách thức tham dự, người tham dự, người làm mẫu, người trợ giúp), nội quy thực hiện.
Bước 3: Người thực hiện làm mẫu, hướng dẫn người bệnh thực hiện từng kỹ thuật theo từng chủ đề khác nhau. Với mỗi chủ đề hoạt động người thực hiện cần hướng dẫn người bệnh một cách chi tiết tỉ mỉ để người bệnh quan sát.
Bước 4: Người bệnh tự thực hiện các thao tác kỹ thuật dưới sự giám sát của người thực hiện. Với từng hoạt động theo chủ đề sẽ dần giúp người bệnh cải thiện các chức năng sống cơ bản củ một cá thể.
Bước 5: Thảo luận đánh giá nhận xét, chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc trong quá trình thực hiện hoạt động, có thể có ghi chép lại và cam kết thực hiện bài về nhà với các hoạt động cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Người thực hiện luôn củng cố khích lệ người bệnh trong quá trình thực hiện kỹ thuật.
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
7.1. Theo dõi
– Theo dõi diễn biến tâm lý người bệnh trong quá trình tham gia hoạt động
– Theo dõi mức độ tập trung của người bệnh, sự phối hợp tham gia hoạt động.
7.2. Tai biến và xử trí
Theo dõi và xử trí tai biến nếu có.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng (2009), Phục hồi chức năng Tâm thần- xã hội cho người bệnh tâm thần.
- Phục hồi chức năng tâm lý xã hội đối với bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú tại BVTT tỉnh Bà Rịa (http://bvtamthan-brvt.com.vn/news/van- ban-phap- quy/phuc-hoi-chuc-nang-tam-ly-xa-hoi-doi-voi-benh-nhan-tam-than-dieu-tri-noi-tru-tai-bvtt-tinhbrvt.html)
- Phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người bệnh tâm thần tại cộng đồng, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (htttps://www.maihuong.gov.vn/vi/chuong- trinh-phcn/phcn-tam-ly-xa-hoi-cho-nguoi-benh-tam-than-tai-cong-dong.html)