PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRẺ BỊ VẸO CỔ DO TẬT CƠ
Đây là bài số 118 phần 2, sách Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, năm 2010 (bản đầu tiên là 2002). Một hướng dẫn từ góc nhìn của các nhà Vật lý trị liệu.
I. ĐỊNH NGHĨA
Vẹo cổ là một tật thường gặp, trẻ thường nghiêng đầu về một bên, đồng thời mặt nhìn về bên đối diện.
Tham khảo chẩn đoán phân biệt của các BS chỉnh hình (Chỉnh hình nhi thực hành- Lynn Staheli, 2006, dịch Bs Huỳnh Mạnh Nhi)
II. NGUYÊN NHÂN
Không được rõ, có nhiều giả thuyết cho rằng do di truyền, nhiễm khuẩn, chèn ép thai trong tử cung, chấn thương trong khi đẻ (thường do đẻ ngược).
III. LÂM SÀNG
Phát hiện ra bệnh thường do bác sĩ sản khoa, nếu đứa trẻ sơ sinh mang sẵn trong cơ những bướu thường nhận thấy 10 hay 15 ngày sau. Bướu lớn dần trong vòng 2-4 tuần, sau đó nhỏ dần và bướu mất trong khoảng 5-6 tuần.
Biến dạng thường thấy sau đó là: đầu méo, mắt xệ, một nửa mặt bẹt, xương chũm lồi, xương đòn và vai phía có tật thường cao hơn phía bình thường.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Bảo tồn
Bằng phương pháp vật lý trị liệu phải được thực hiện sớm vài tuần đầu sau khi sinh.
2. Phẫu thuật.
Khi phương pháp điều trị bảo tồn không có kết quả thì sau 6 tháng phải được chuyển mổ.
V. LƯỢNG GIÁ
Lượng giá khởi đầu phải được thực hiện bởi kỹ thuật viên vật lý trị liệu và dựa theo tiêu chuẩn sau đây:
– Hình dáng tổng quát của đứa trẻ, đặc biệt tư thế của đầu tương quan đối với thân người và chi.
– Hình dáng và tính chất cơ ức đòn chũm (khối u).
– Tầm vận động cột sống cổ.
– Mức độ đối xứng của mặt và sọ – đầu ở vị trí đường giữa và mặt xoay về phía trước.
– Có đau khi cử động hoặc sờ đến khối u không.
– Các dấu hiệu khác: các phân xạ bất thường và các biến dạng khác nếu có.
VI. VẬT LÝ TRỊ LIỆU
1. Mục đích
– Ngăn ngừa cơ ức đòn chũm rút ngắn.
– Lấy lại tầm vận động bình thường của cột sống cổ.
– Sửa tư thế tốt, ngăn ngừa các biến dạng thứ cấp xảy ra ở sọ mặt và cột sống cổ.
2. Kỹ thuật
a. Xoa bóp:
Nhẹ nhàng trên cơ ức đòn chũm và cơ thang trên.
b. Kéo giãn thụ động
Kéo giãn thụ động cơ ức đòn chũm, thực hiện ngày 3 lần, mỗi lần 15 phút.
Những điều cần lưu ý khi kéo giãn thụ động:
– Xoa bóp khi khối u không có triệu chứng nóng và đau.
– Kéo giãn bằng tay kỹ thuật viên nhẹ nhàng, không kéo giãn tối đa ngay tức khắc, mà phải kéo giãn từ từ.
– Không nên tập khi đứa trẻ có sức kháng cự, mà nên dừng lại đợi khi trẻ thả mềm.
– Không nên vừa tập vừa ăn.
– Trong trường hợp khối u quá lớn, nó tạo nên một áp suất đè lên mạch máu cổ. Cho nên khi thực hiện cử động xoay đễ gây ra đau và xanh tím, chỉ nên tập xoay một cách từ từ cho đến khi khối u nhỏ đi.
– Thời gian kéo giãn thụ động 5 phút cho mỗi lần tập nhưng có thể kéo dài hơn nếu đứa trẻ cho phép và kỹ thuật viên cố gắng giữ cho đứa trẻ thư giãn.
– Đứa trẻ phải đưa đến khoa vật lý trị liệu nhiều lần trong vài tuần đầu, cho đến khi người mẹ tiếp thu được đầy đủ các phương pháp tập luyện rôi sau đó hẹn họ đến tái khám.
c. Kích thích thụ động:
Dùng đồ chơi có nhiều màu sắc hoặc gương mặt người mẹ để kích thích đứa trẻ xoay đầu chủ động trong tư thế nằm sấp, nằm ngửa để đạt đến tư thế đối xứng.
d. Can thiệp tại nhà:
Điều quan trọng nhất phải hướng dẫn đúng đắn các phương pháp can thiệp tại nhà, thực hiện nhiều lần trong ngày do chính các bà mẹ, hẹn tái khám mỗi tháng hoặc 2 tháng một lần.
3. Nẹp
Ít dùng cho trẻ trừ trường hợp đặc biệt.
4. Can thiệp sau phẫu thuật
– Áp dụng 36 giờ sau khi mổ.
– Tập chủ động trợ giúp để lấy lại tầm vận động trong mọi tư thế sấp, ngửa.
– Chủ động đề kháng nhẹ và không gây đau.
– Giữ đầu thẳng trong tư thế ngồi, đứng, và bất cứ tư thế nào.
VII. KỸ THUẬT CAN THIỆP CỤ THỂ
1. Xoa bóp
Dùng ngón cái hoặc ngón giữa, ngón trỏ xoa nhẹ dọc bờ khối u và đọc theo cơ thang trên (tránh nhồi mạnh).
2. Kéo giãn thụ động
– Đặt trẻ nằm ngửa trên bàn.
– Kỹ thuật viên đứng về phía bình thường của trẻ, đối mặt với trẻ.
– Kỹ thuật viên hơi nghiêng qua người đứa bé.
– Một tay với qua người trẻ, bàn tay giữ đai vai cẩn thận, không đè lên lỗ tai.
– Bàn tay khác giữ đầu và cằm.
– Kéo đầu trẻ nghiêng về phía kỹ thuật viên để gập bên cổ.
– Sau đó cho trể xoay mặt về phía đối diện (hai động tác nên tách rời), lặp lại 10 lần rồi cho nghỉ 5 phút. .
3. Kéo giãn chủ động
– Dùng đồ chơi kích thích trẻ xoay đầu trong mọi tư thế sấp, ngửa.
– Cho trẻ nằm trên trái bóng (nghiêng về mọi phía).
4. Tư thế tạo thuận
– Nằm giữa, chêm 2 túi cát hai bên.
– Nằm nghiêng, một gối nhỏ ở đầu cả hai bên (chú ý về bên có khối u).
– Dùng đồ chơi có màu sắc, có tiếng động đặt về bên đối nghịch của đứa trẻ.
– Nôi của trẻ phải được đặt về hướng có nhiều người qua lại.
– Cách bế ẵm: để trẻ trên hai cánh tay kỹ thuật viên, mặt hướng ra trước, bên cổ có khối u ở phía dưới.
5. Sau phẫu thuật
Ngoài các kỹ thuật trên, cho trẻ ngồi trước gương, trẻ cố gắng giữ đầu càng cao càng tốt với một ít đề kháng của bàn tay kỹ thuật viên trên đỉnh đầu của trẻ.
Đăng nhập để bình luận.