PHỤC HỒI CHỨC NĂNG NGÔN NGỮ MẮC PHẢI (số 113)
-
ĐẠI CƯƠNG
– Mất ngôn ngữ (rối loạn ngôn ngữ, thất ngôn) là tình trạng khả năng ngôn ngữ bị khiếm khuyết sau tổn thương não, thường gặp nhất là do đột quỵ, ảnh hưởng đến chức năng ngôn ngữ hiểu và diễn đạt cả về lời nói lẫn chữ viết của người bệnh.
– Các thành phần ngôn ngữ (âm vị, hình vị, ngữ nghĩa, cú pháp) đều có thể bị ảnh hưởng; tuy nhiên mức độ khiếm khuyết có thể khác nhau. Sự ảnh hưởng có thể bao gồm cả ngữ dụng.
– Việc phục hồi chức năng (PHCN) ngôn ngữ, với các phương pháp và kỹ thuật điều trị thích hợp, có thể diễn ra trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm sau tổn thương não, chứ không chỉ giới hạn trong 3-6 tháng đầu sau tổn thương.
– Các phương pháp điều trị bằng thuốc, bằng kích thích từ trường xuyên sọ (TMS), hoặc kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ (tDCS) không nằm trong phạm vi của quy trình này.
– Phục hồi chức năng ngôn ngữ thường được phân thành hai nhóm chính: điều trị phục hồi trực tiếp các khiếm khuyết và điều trị phục hồi khả năng giao tiếp. Phục hồi trực tiếp khiếm khuyết tập trung vào việc giúp người bệnh cải thiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Phục hồi khả năng giao tiếp tập trung vào việc huấn luyện và tăng cường khả năng giao tiếp của cả người bệnh lẫn đối tác giao tiếp (ví dụ: người nhà, người chăm sóc, bạn bè, tình nguyện viên, …), giúp người bệnh tự tin hòa nhập cuộc sống và đạt được chất lượng cuộc sống tốt hơn. Phục hồi chức năng ngôn ngữ sẽ đạt kết quả tích cực nếu có sự áp dụng nhóm đa chuyên ngành trong kỹ thuật và phương pháp phục hồi.
– Chương trình phục hồi chức năng ngôn ngữ nên được cá nhân hóa để giải quyết các nhu cầu, mục tiêu cụ thể của người bệnh và gia đình, dựa trên kết quả lượng giá và kết quả thảo luận cùng với người bệnh và gia đình. Quan điểm lấy người bệnh (và gia đình) làm trung tâm trong phương thức điều trị đa chuyên ngành là quan điểm xuyên suốt trong kế hoạch và chương trình phục hồi chức năng ngôn ngữ.
– Phục hồi chức năng ngôn ngữ cần dựa vào y học chứng cứ (bao gồm 4 thành phần: (1) chứng cứ nghiên cứu thích hợp nhất; (2) kỹ năng và kinh nghiệm của người điều trị và nhóm điều trị; (3) giá trị và mục tiêu của người bệnh và gia đình; (4) bối cảnh và điều kiện nơi làm việc). Khung ICF (International Classification of Functioning, Disability and Health) của Tổ chức Y tế Thế giới là nền tảng để xây dựng kế hoạch phục hồi chức năng ngôn ngữ cụ thể, toàn diện, và thích hợp cho người bệnh.
-
CHỈ ĐỊNH
– Phục hồi chức năng ngôn ngữ do mất ngôn ngữ ở người lớn được áp dụng cho người bệnh có mất ngôn ngữ (thất ngôn, rối loạn ngôn ngữ) sau đột quỵ, chấn thương sọ não, viêm não, u não, hoặc sa sút trí tuệ.
– Phục hồi chức năng ngôn ngữ có thể được áp dụng dưới hình thức điều trị cá nhân (một người điều trị – một người bệnh, tuy nhiên nên có sự tham gia của người thân/người chăm sóc) hoặc điều trị nhóm (một người điều trị – một nhóm người bệnh). Có thể áp dụng điều trị trực tuyến hoặc điều trị từ xa nếu được cho phép.
– Các kỹ thuật phục hồi chức năng ngôn ngữ khả năng giao tiếp còn được áp dụng để hướng dẫn, huấn luyện các đối tác giao tiếp để họ có được kiến thức và kỹ năng giao tiếp hiệu quả với người bệnh. Tổ chức các nhóm hỗ trợ giao tiếp ở cộng đồng và xã hội để tăng cường cơ hội giao tiếp và khả năng hòa nhập của người bệnh vào cộng đồng và vào xã hội, cũng như hỗ trợ người bệnh duy trì những vai trò trong gia đình và xã hội trước khi bệnh và phát huy tích cực những đóng góp tiềm năng của người bệnh trong gia đình, cộng đồng, và xã hội.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Không có chống chỉ định tuyệt đối
– Việc phục hồi chức năng sẽ không đạt kết quả tốt nếu người bệnh không đủ tỉnh táo hoặc không hợp tác tham gia vào buổi trị liệu.
-
THẬN TRỌNG
– Không có
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp:
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ:
– Không (TT3), Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng (TT2)
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư
– Cây đè lưỡi
– Đèn pin
– Bảng viết
– Bộ thẻ hình hoặc chữ viết.
– Sách, báo, tạp chí hoặc bài đọc thích hợp, với các chủ đề khác nhau.
– Bút (viết), giấy.
– Găng tay
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
5.4. Trang thiết bị
Tùy thuộc vào kỹ thuật/phương pháp cụ thể trong chương trình phục hồi chức năng ngôn ngữ, trang thiết bị có thể lựa chọn theo danh sách dưới đây.
– Phòng yên tĩnh, ánh sáng đầy đủ thích hợp hoặc một khu vực thích hợp cho hoạt động nhóm (trong chương trình phục hồi chức năng ngôn ngữ dựa trên giao tiếp)
– Máy ghi âm
– Bàn, ghế.
– Máy tính, máy chiếu, màn hình.
5.5. Người bệnh
– Người bệnh hiểu mục tiêu, các bước kỹ thuật, và cách tham gia hiệu quả kỹ thuật phục hồi chức năng ngôn ngữ; chuẩn bị tốt sức khỏe để tham gia chương trình phục hồi.
– Người nhà/người chăm sóc nên cùng tham dự và cũng cần hiểu mục tiêu và các bước điều trị (nếu có tham dự).
– Người bệnh cần mang theo kính mắt hoặc dụng cụ trợ thính (nếu có) mà người bệnh đang sử dụng. Người bệnh và người thân/người chăm sóc nên có mặt trước giờ hẹn khoảng 10-15 phút.
5.6. Hồ sơ bệnh án
– Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
– Ghi chép hồ sơ bệnh án, phiếu lượng giá.
– Bảng cam kết hoặc đồng thuận (nếu cần, ví dụ trong trường hợp nghiên cứu khoa học).
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện
– Phòng tập ngôn ngữ trị liệu.
5.9. Kiểm tra hồ sơ
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh : đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
6.1. Lựa chọn kỹ thuật/phương pháp phục hồi chức năng ngôn ngữ thích hợp
– Người điều trị ra quyết định dựa trên phân tích bệnh sử, kết quả lượng giá và kết quả thảo luận về mục tiêu và mong muốn với người bệnh (và gia đình) (y học chứng cứ, khung ICF của Tổ chức Y tế Thế giới, và quan điểm lấy người bệnh và gia đình làm trung tâm cần được phân tích và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định lâm sàng).
– Quyết định hình thức điều trị (cá nhân hoặc nhóm ; trực tiếp, …). Quyết định thời gian điều trị (thời gian một buổi điều trị, số buổi điều trị trong 1 tuần, và tổng số tuần của một liệu trình phục hồi) ; tái lượng giá và kế hoạch tiếp theo (ví dụ : dừng sau một liệu trình hay cần có liệu trình phục hồi khác kế tiếp).
– Trong giai đoạn đầu sau tổn thương (ví dụ : đột quỵ, chấn thương não, …) cần tập trung các kỹ thuật hoặc phương pháp phục hồi các khiếm khuyết. Giai đoạn sau, khi người bệnh trở về một số hoạt động sinh hoạt bình thường, cần phối hợp phục hồi các khiếm khuyết với các kỹ thuật hoặc phương pháp phục hồi khả năng giao tiếp. Giai đoạn mãn tính nên chú ý các kỹ thuật hoặc phương pháp phục hồi giúp người bệnh hòa nhập và gia tăng chất lượng cuộc sống.
– Các kỹ thuật hoặc phương pháp phục hồi chức năng ngôn ngữ có thể tập trung vào cải thiện chức năng ngôn ngữ như : truy cập hệ thống ngữ nghĩa (ví dụ : phân nhóm hình, …), nghe hiểu (ví dụ : nghe từ và chỉ vào hình, …), truy xuất từ (ví dụ : gọi/viết tên hình ; nói/viết từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa ; nói/viết các từ cùng nhóm, …), đọc hiểu (ví dụ: ghép câu và hình), viết. Có thể bao gồm phục hồi khả năng ngữ dụng. Một số kỹ thuật hoặc phương pháp phục hồi chức năng ngôn ngữ có thể áp dụng :
– Kỹ thuật phân tích đặc tính ngữ nghĩa (SFA: Semantic Feature Analysis)
– Kỹ thuật tăng cường hiệu quả giao tiếp cho người mất ngôn ngữ (PACE : Promoting Aphasics’ Communication Effectiveness)
– Kỹ thuật CIAT/CILT (Constraint-induced Aphasia Therapy/ Constraint- induced Language Therapy).
– Kỹ thuật đọc lặp lại nhiều lần (MOR: Multiple Oral Reading)
– Kỹ thuật đọc trong mất ngôn ngữ (ORLA: Oral Reading for Language in Aphasia)
– Kỹ thuật điều trị tăng cường hệ thống động từ (VneST: Verb Networking Strengthening Treatment)
– Kỹ thuật kịch bản (Scripting)
– Phương pháp giao tiếp tăng cường và thay thế (AAC: Augmentative and Alternative Communication).
– Kỹ thuật huấn luyện đối tác giao tiếp
6.2. Tiến hành thực hiện kỹ thuật hoặc phương pháp phục hồi chức năng ngôn ngữ
– Tiến hành thực hiện theo quy trình cụ thể của kỹ thuật hoặc phương pháp phục hồi được chỉ định.
– Ghi chép quá trình thực hiện và kết quả điều trị.
– Sau mỗi buổi điều trị cần đưa ra phản hồi và thảo luận với người bệnh, người nhà/người chăm sóc về kết quả của buổi điều trị.
– Hướng dẫn người bệnh (người nhà/người chăm sóc nếu cần) chương trình tập luyện tại nhà.
– Nhắc nhở, động viên người bệnh, người nhà/người chăm sóc tuân thủ chương trình.
– Lên lịch hẹn cho buổi điều trị kế tiếp.
– Thường xuyên thảo luận hoặc hội chẩn ca bệnh (nếu cần) với đồng nghiệp và nhóm điều trị để có kế hoạch phù hợp nhất trong quá trình điều trị.
– Giới thiệu người bệnh khám chuyên khoa khác để kiểm tra nếu cần thiết.
6.3. Tái lượng giá và đo lường tiến bộ
– Tái lượng giá theo kế hoạch.
– Tái lượng giá khi cần thiết (ví dụ: người bệnh không có tiến bộ như dự kiến, …) và thảo luận với người bệnh, người nhà/người chăm sóc để tìm ra nguyên nhân (ví dụ: sự không tuân thủ, kỹ thuật hoặc phương pháp không thích hợp, chương trình chưa thích hợp) và thảo luận cách giải quyết.
– Yêu cầu và giám sát sự tuân thủ người bệnh, người nhà/người chăm sóc đối với chương trình phục hồi, đặc biệt là sự tập luyện tại nhà.
– Đo lường sự tiến bộ của người bệnh và ghi chép.
6.4. Thực hiện kế hoạch tiếp theo
– Lượng giá và đánh giá kết quả của chương trình phục hồi chức năng ngôn ngữ; ghi chép hồ sơ, tài liệu lưu trữ.
– Thảo luận và đưa ra kế hoạch tiếp theo (ví dụ: xuất viện, tạm dừng chương trình phục hồi, tiếp tục chương trình hiện tại, thay đổi qua chương trình mới, tăng cường sự tham gia hòa nhập, …).
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Người điều trị cần quan sát tình trạng sức khỏe của người bệnh trong buổi điều trị. Nếu người bệnh biểu lộ mệt mỏi, mất tập trung, thiếu hợp tác thì nên tạm dừng và tìm hiểu nguyên nhân để có xử trí thích hợp.
– Trong trường hợp người bệnh không thể tiếp tục buổi điều trị thì cần tôn trọng người bệnh và dừng lại. Hẹn người bệnh và gia đình tiếp tục ở buổi điều trị khác.
– Nếu người bệnh có dấu hiệu bất thường, báo bác sĩ trực để xử trí kịp thời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Brady, M. C., Kelly, H., Godwin, J., Enderby, P., & Campbell, P. (2016). Speech and language therapy for aphasia following stroke. Cochrane Database of Systematic Reviews(6). https://doi.org/10.1002/14651858.CD000425.pub4
- Chapey, R. (2008). Language Intervention Strategies in Aphasia and Related Neurogenic Communication Disorders. Wolters Kluwer Health/Lippincott Williams & Wilkins.
- Coppens, P. (2016). Aphasia and Related Neurogenic Communication Disorders. Jones & Bartlett Learning.
- Gerstenecker, A., & Lazar, R. M. (2019). Language recovery following stroke. The Clinical neuropsychologist, 33(5), 928-947. https://doi.org/10.1080/13854046.2018.1562093
- World Health Organization. (2001). ICF: International Classification of Functioning, Disability, and Health. World Health Organization.