Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

LƯỢNG GIÁ TRẺ EM BẰNG TEST DENVER (120)

Chuyên ngành: Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý lâm sàng, Phục hồi chức năng

I. ĐẠI CƯƠNG

Test Denver dùng để đánh giá sự phát triển của trẻ nhỏ dưới 6 tuổi nhằm phát hiện sớm những bất thường của trẻ cũng như đánh giá được sự tiến bộ của trẻ sau điều trị. Test Denver được sử dụng phổ biến, đơn giản và dễ làm.

II. CHỈ ĐỊNH

Trẻ em tuổi từ 0-6 tuổi (bình thường và khuyết tật đã được chẩn đoán trước đó).

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH:

Không

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện: Bác sỹ, cán bộ tâm lý.
2. Phương tiện
– Phiếu đánh giá Denver
– Bộ dụng cụ đánh giá Denver:
+ Một túm len màu đỏ
+ Một ít quả nho khô (có thể thay thế bằng các loại hạt được làm chín có kích thước dưới 1 cm)
+ Một cái xúc xắc có cán cầm nhỏ
+ Tám khối vuông (2,5 x2,5 cm) với 2 khối màu đỏ, 2 khối màu vàng, 2 khối xanh nước biển, 2 khối xanh lá cây. Các khối vuông có thể bằng gỗ, nhựa sơn màu phủ kín cả 6 mặt của khối.
+ Một lọ thủy tinh trong đường kính miệng lọ 1,5cm
+ Một quả chuông nhỏ
+ Một quả bóng quần vợt (không được dùng bóng bàn thay thế)
+ Một bút chì (có thể thay thế bằng bút bi, bút dạ màu)
3. Người bệnh: tỉnh táo, thoải mái
4. Hồ sơ bệnh án
– Có chỉ định của bác sĩ khám
– Kết quả đánh giá

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tư thế: (30 phút)
Trẻ ngồi trên lòng cha/ mẹ hoặc ngồi một mình. Cho trẻ chơi tự do vài phút để trẻ làm quen với môi trường đánh giá. Khi chính thức bắt đầu đánh giá cần cất tất cả các đồ chơi quanh trẻ để trẻ tập trung.
Cách đánh giá:
– Ghi tên vào phiếu đánh giá
– Hỏi ngày, tháng và năm sinh của trẻ để tính tuổi thực rồi kẻ đường tuổi trên phiếu đánh giá.
– Ghi ngày đánh giá. Nếu muốn thực hiện một lần đánh giá khác trên cùng một phiểu đánh giá phải dùng màu mực khác và ngày đánh giá lần sau.
– Đánh giá lần lượt theo trình tự các lĩnh vực của phiếu Denver
– Đánh giá từng lĩnh vực một trên nguyên tắc mỗi mục có đường tuổi đi qua đều phải đánh giá sao cho mỗi lĩnh vực đều phải có ít nhất 3 mục làm được và 3 mục không làm được.
– Với mục trẻ không làm được có thể thực hiện 3 lần. Hương dẫn cha mẹ bảo cháu làm hoạt động đó
– Dành thời gian cho trẻ thực hiện hoạt động.
– Nếu trẻ không làm được hỏi gia đình xem những lúc khác trẻ có thường xuyên làm được hay không
Cách điền phiếu:
Đánh dấu (Đ) nếu trẻ làm được, (S) nếu trẻ không làm được, (K) nếu trẻ không muốn làm hoặc không có điều kiện kiểm tra tại mục đánh giá trẻ. Trung thành với mức phát triển của trẻ. Không tự ý thay đổi kết quả đánh giá.
Người đánh giá phải:
– Đọc trước và hiểu rõ các mục cần đánh giá.
– Lặp lại ba lần nếu nghi ngờ đánh giá không chính xác.
– Động viên khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động
Đánh giá kết quả:
– Không bình thường nếu:
+ Ở hai lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có ít nhất hai biểu hiện chậm phát triển hoặc ở một lĩnh vực có có ít nhất hai biểu hiện chậm phát triển; tại lĩnh vực khác có 1 biểu hiện chậm phát triển và những lĩnh vực làm được nằm hoàn toàn phía bên trái của đường tuổi
– Khả nghi, nếu:
+ Ở một lĩnh vực có ít nhất hai biểu hiện chậm phát triển.
+ Tại một hoặc nhiều lĩnh vực có 1 biểu hiện chậm phát triển và những lĩnh vực làm được nằm hoàn toàn phía bên trái của đường tuổi
– Bình thường nếu: Không có các biểu hiện trên.
– Ghi các nhận xét khác phía sau phiếu đánh giá: Tiền sử sinh đẻ, quan hệ gia đình, thái độ của trẻ khi tiến hành đánh giá…

VI. THEO DÕI

Trẻ có thể bỏ các vật nhỏ (các loại hạt) vào mồm gây dị vật đường thở.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

Như xử trí dị vật đường thở