Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT PHỤC HỒI CÁC VẤN ĐỀ CẢM XÚC (số 19)

Chuyên ngành: Tâm lý lâm sàng, Phục hồi chức năng

1. ĐẠI CƯƠNG

– Rối loạn cảm xúc là một hội chứng bất thường của hoạt động tâm thần khi tâm lý có sự thay đổi không ổn định về mặt cảm xúc. Những người mắc phải hội chứng này có thể chuyển đổi tâm trạng từ hưng phấn sang trầm cảm một cách nhanh chóng và xen kẽ.
– Phục hồi các vấn đề cảm xúc là liệu pháp tâm lý nhằm tăng cường các trạng thái cảm xúc tích cực cho người bệnh để người bệnh có sức khỏe tâm thần tốt từ đó giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
– Kỹ thuật phục hồi các vấn đề cảm xúc giúp người bệnh xây dựng lại các mối quan hệ đã mất đồng thời giúp người bệnh hồi phục về trí nhớ, cải thiện sự chú ý.
– Giúp người bệnh dần hồi phục sự tương tác và giao tiếp tự tin khi tham gia giao tiếp.

2. CHỈ ĐỊNH

– Các rối loạn trầm cảm
– Rối loạn lo âu
– Các rối loạn ám ảnh, ám ảnh sợ xã hội, ám sợ đám đông,
– Rối loạn stress sau sang chấn.
– Khó khăn trong giao tiếp,
– Rối loạn giao tiếp ngôn ngữ ở người tự kỷ.
– Tâm thần phân liệt
– Các bệnh lý tâm thần khác trong giai đoạn phục hồi
– Sử dụng rượu, nghiện ma túy…
– Các bệnh lý cơ thể có liên quan đến tâm lý hành vi: Cao huyết áp, ung thư, lão khoa, các bệnh lý tổn thương não sau giai đoạn cấp như tai biến mạch não, viêm não…

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh đang kích động, chống đối không tự nguyện tham gia,
– Người bệnh đang có bệnh lý cấp tính nội khoa chưa kiểm soát được.
– Giai đoạn cấp tính của các bệnh lý tâm thần.
– Sa sút trí tuệ hoặc chậm phát triển tâm thần nặng.

4. THẬN TRỌNG

Người bệnh có các triệu chứng loạn thần còn dao động.

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện: 03 người
a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc cán bộ tâm lý
b) Nhân lực hỗ trợ
– 01 Điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa tâm thần hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
5.2. Thuốc
– Không có
5.3. Vật tư
– Tài liệu
– Test tâm lý
– Các thang lượng giá về cảm xúc (thang đánh giá tâm trạng nhanh).
– Bảng kiểm để lượng giá hoạt động của người bệnh ….
5.4. Trang thiết bị
– Tivi
5.5. Người bệnh
– Tập trung người bệnh giải thích cho người bệnh tin tưởng yên tâm.
– Người bệnh nắm được các bước tiến hành trong quá trình tham gia hoạt động.
– Người bệnh biết cách tự đánh giá mức độ thay đổi cảm xúc hành vi của bản
thân.
– Tối đa 03 người.
5.6. Chuẩn bị hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định
– Hồ sơ bệnh án chuyên khoa: Phiếu điều trị, Kế hoạch phục hồi chức năng.
– Sổ ghi chép của cán bộ hướng dẫn.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện kỹ thuật: Phòng trị liệu
5.9. Kiểm tra hồ sơ, phiếu chỉ định
– Người thực hiện tiếp nhận người bệnh, tiếp nhận phiếu chỉ định, kiểm tra đối chiếu phần thông tin hành chính trên phiếu chỉ định với thông tin cá nhân của người bệnh.
– Nhập tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán … của người bệnh vào máy và vào sổ theo dõi.

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bước 1: Đánh giá tâm trạng nhanh trước khi thực hiện và đánh giá mức độ khó khăn của người bệnh do các vấn đề cảm xúc gây ra, những cảm xúc chưa phù hợp, tiêu cực, cảm xúc rối loạn gây trở ngại cho hoạt động chức năng.
Bước 2: Định hình trường hợp
Bước 3: Lên kế hoạch trị liệu, xác định mục tiêu ưu tiên hay cần cải thiện trước.
Bước 4: Khi trị liệu người thực hiện có thể đóng vai, làm mẫu hướng dẫn để người bệnh có thể nắm được và thực hiện các hoạt động. Người bệnh có thể thực hiện các kỹ thuật dưới sự hướng dẫn của người thực hiện.
Bước 5: Đánh giá quá trình thực hiện kỹ thuật. Xác định kết quả đạt được trong buổi trị liệu và lên kế hoạch những việc cần phải thực hiện ở buổi sau. Động viên khuyến khích người bệnh trong và sau khi tham gia trị liệu
Bước 6: Theo dõi và kết thúc
– Theo dõi sự thực hiện bài tập về nhà sau mỗi buổi trị liệu.
– Lên kế hoạch cho tương lai.
– Đánh giá tâm trạng nhanh sau mỗi buổi trị liệu.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Theo dõi diễn biến tâm lý người bệnh trong quá trình tham gia trị liệu
– Theo dõi mức độ tập trung của người bệnh, sự phối hợp khi tham gia hoạt động
– Xử trí tai biến nếu có.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Minh Hằng (2016), Giáo trình Tâm lý học lâm sàng, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Võ Văn Bản (2008), Thực hành điều trị tâm lý, Nhà xuất bản y học.
3. Phạm Toàn (2017), tâm lý trị liệu, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.