Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT HỖ TRỢ TĂNG TỐC THÌ THỞ RA Ở TRẺ NHỎ

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng, Nhi khoa

I. ĐẠI CƯƠNG

Kỹ thuật hỗ trợ tăng tốc thì thở ra là một sự tăng tốc thụ động, chủ động trợ giúp hoặc chủ động của thông lượng khí thở ra nhằm mục đích huy động và tống xuất đờm rãi ở khí phế quản.
Kỹ thuật hỗ trợ tăng tốc thì thở ra (AFE-Accéleration du Flux Expitatoirte).

II. CHỈ ĐỊNH

Áp dụng cho trẻ sinh non, nhũ nhi và trẻ nhỏ có bệnh lý gây ứ đọng đờm rãi ở phổi, sau phẫu thuật và các vấn đề hô hấp có nguồn gốc thần kinh hoặc chấn thương làm ứ đọng đờm rãi.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Dấu hiệu sinh tồn không ổn định như huyết áp, nhịp tim, SpO2 < 85%…
– Tình trạng giảm tiểu cầu < 80.000 ở trẻ sinh non và < 50.000 ở trẻ nhỏ là những chống chỉ định, vì trường hợp này có thể gây xuất huyết.
– Ho ra máu, tràn máu màng phổi ở giai đoạn đang chảy máu.
– Tràn khí, tràn dịch màng phổi chưa dẫn lưu.
– Suy hô hấp.
– Phù phổi cấp.
– Cao áp động mạch phổi.
– Bệnh tim bẩm sinh nặng chưa phẫu thuật (tứ chứng Fallot).
– Bệnh lý đang phù não, xuất huyết não.
– Bệnh xương thủy tinh.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Bác sĩ phục hồi chức năng, cử nhân hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
2. Phương tiện
Bàn tập có nệm bọc simili cao ngang hông người điều trị, mask giấy, găng tay sạch, cồn 70º sát trùng tay và mặt bàn tập, giấy thấm nhỏ thấm các chất tiết từ mũi miệng, giấy thấm lớn lót đầu trẻ khi tập.
3. Bệnh nhi
Cởi áo trẻ và đặt trẻ nằm ngửa, đầu và thân thẳng trục. Đặt trẻ nằm gần về phía người điều trị đang đứng.
4. Hồ sơ bệnh án
Hỏi bệnh.
– Sốt.
– Sổ mũi, nghẹt mũi, khò khè, tiếng rít thanh quản.
– Ăn uống có bị ói hay không.
– Ngủ dễ hay khó.
– Các bệnh lý đi kèm như trào ngược dạ dày thực quản.
Khám lâm sàng.
– Da niêm hồng hay tím, đo SpO2 nếu cần.
– Dấu hiệu sinh tồn: nhịp thở, nhiệt độ.
– Dấu hiệu khó thở: thở nhanh, cánh mũi phập phồng, co lõm ngực, hõm ức.
– Cận lâm sàng: tham khảo X-quang phổi, công thức máu.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ
Xác định đúng chẩn đoán và chỉ định điều trị. Đọc lại kết quả X-quang phổi, công thức máu (lưu ý số lượng tiểu cầu).
2. Kiểm tra người bệnh
Xác định đúng người bệnh, đánh giá tình trạng hiện tại trước khi tập.
3. Thực hiện kỹ thuật

3.1. Cách đặt tay
Hai bàn tay trong tư thế thoải mái, một bàn tay đặt trên ngực, bàn tay kia đặt trên bụng của trẻ. Bàn tay trên ngực đặt giữa xương ức và đường nối giữa hai núm vú. Điểm tựa đặt hoàn toàn trên bờ trụ của bàn tay, nhưng bề mặt tiếp xúc thay đổi theo kích cỡ của bàn tay và kích thước của ngực trẻ. Bàn tay trên bụng đặt tại vị trí trung tâm trên rốn. Ngón cái và ngón trỏ cố định các xương sườn dưới để cảm nhận chu kỳ thở.
3.2. Bắt kịp nhịp thở và hướng lực của thao tác
Hai bàn tay di động theo nhịp thở của trẻ để nhận biết được thì thở ra của trẻ, đồng thời chuẩn bị hướng lực của hai bàn tay: lực của bàn tay trên ngực theo đường chéo từ trên xuống dưới và từ trước ra sau. Lực của bàn tay trên bụng theo đường chéo từ dưới hướng lên trên và từ trước ra sau. Điểm gặp nhau của hai lực này ở đốt sống D12, L1.
3.3. Thực hiện kỹ thuật
Bắt đầu trong giai đoạn đầu của thì thở ra, sự tăng tốc được thực hiện và duy trì trong suốt thì thở ra. Có thể áp dụng một trong hai cách sau:
Cách 1: bàn tay trên ngực chủ động tăng tốc thì thở ra, bàn tay trên bụng thụ động như một điểm tựa giữ lại, đặc biệt được sử dụng cho trẻ nhỏ để tránh trào ngược.
Cách 2: tạo một sự tăng tốc mạnh thì thở ra, hai bàn tay trên ngực và bụng cùng tác động một cách đồng bộ và chủ động trong suốt thì thở ra của trẻ.
3.4. Kỹ thuật được lặp đi lặp lại liên tục 5 – 6 lần theo thì thở ra của trẻ
Giúp đờm rãi di chuyển dần lên khí quản. Thực hiện vài lần cho đến khi đờm rãi được huy động đến phần gần của khí quản, lúc này cảm nhận được sự di động của đờm rãi dưới lòng bàn tay của người điều trị đang đặt trên ngực trẻ, thì áp dụng kỹ thuật kích thích ho để tống đờm rãi ra ngoài. Trong trường hợp trẻ tự khởi phát cơn ho thì không cần kích thích ho.
3.5. Thời gian thực hiện kỹ thuật khoảng từ 5 – 10 phút, tùy tình trạng của trẻ
3.6. Lưu ý thao tác
Bắt đầu quá sớm trước thì thở ra sẽ kích hoạt sự khóa của lồng ngực theo phản xạ để tự vệ. Bắt đầu quá trễ thì việc gia tăng thông lượng khí thở ra được huy động quá ít không khí và không hiệu quả. Thao tác chỉ sử dụng phần cánh tay của người điều trị với khuỷu gập nhẹ, không sử dụng sức nặng phần thân trên của cơ thể người điều trị.

VI. THEO DÕI

– Màu sắc da niêm ở môi, mặt.
– SpO2 trước, trong và sau khi tập đối với các bệnh lý tim mạch hoặc ở những trẻ có SpO2 không ổn định.
– Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, cần được bác sĩ khám trước mỗi lần tập để phát hiện sớm tình trạng diễn biến nặng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

Xuất huyết dưới da ở vùng mặt: giải thích cho cha mẹ hiểu về những chấm xuất huyết xuất hiện trên mặt trẻ sau khi tập là do sự gia tăng áp lực trong lồng ngực trong khi tập đ gây ra tình trạng xuất huyết các mạch máu nhỏ li ti ở trên mặt và hiện tượng này sẽ tự khỏi.

BẢNG KIỂM KỸ THUẬT HỖ TRỢ TĂNG TỐC THÌ THỞ RA Ở TRẺ NHỎ

SST Các bước thực hiện Không
1 Giải thích cho cha mẹ kỹ thuật sắp thực hiện
2 Đặt tay thực hiện thao tác đúng kỹ thuật
Bàn tay trên ngực đặt giữa xương ức và đường nối hai núm vú
Bàn tay trên bụng đặt tại vị trí trung tâm trên rốn
3 Chuẩn bị lực của hai bàn tay trước khi thực hiện thao tác
Bắt đầu kỹ thuậtKết thúc kỹ thuật
4 Hướng lực của hai bàn tay đúng trong khi thực hiện kỹ thuật
5 Thao tác nhẹ nhàng: không sử dụng lực quá mạnh, quá đột ngột
6 Thao tác an toàn: không làm trẻ bệnh nhi đau, khó thở, tụt SpO2 đột ngột
7 Thao tác hiệu quả:
Hai bàn tay không trượt trên da bệnh nhi
Nghe được luồng khí thở ra
Cảm nhận được đàm di chuyển dưới lòng bàn tay đặt trên ngực bệnh nhi
Khởi phát phản xạ ho tự động
8 Kết hợp với kỹ thuật kích thích ho đúng thời điểm khi đàm  đang ở phần gần
9 Chuyển đổi kỹ thuật phù hợp với vị trí của đàm đang được
huy động
10 Quyết định kết thúc buổi tập thích hợp
11 Theo dõi bệnh nhi và đo SpO2 sau khi tập khoảng 5 phút (nếu
bệnh nhi mệt, thở nhanh, vã mồ hôi …)
12 Ghi hồ sơ