NHỮNG KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG HÔ HẤP
I. ĐẠI CƯƠNG
Chức năng của phổi và đường khí phế quản bị bệnh có thể cải thiện tốt hơn thông qua các biện pháp vật lý áp dụng trên bể mặt của lồng ngực. Ngày nay kinh nghiệm về điều trị vật lý lồng ngực đã phát triển và thu được nhiều kết quả trong việc điều trị các bệnh khác nhau.
Trong quá trình điều trị phải quan sát các động tác thở bình thường của bệnh nhân:
1. Cơ hoành co lại, nên vùng trên khoang bụng nâng lên.
2. Sự giãn nở sang hai bên của xương sườn, cũng do kết quả của cơ hoành mà các xương sườn chuyển động lên trên và sang hai bên.
3. Phía trên lồng ngực nâng lên.
Ngoài ra phải phát hiện được các kiểu thở của người bệnh:
1. Dễ thở: là tình trạng thở bình thường gồm những chu kỳ hít vào và thở ra đều đặn, lặp đi lặp lại.
2. Thở mạnh: là tình trạng hô hấp tăng, thường liên quan tới dung tích lên xuống có kèm theo hoặc không kèm theo tăng tần số hô hấp.
3. Thở nhanh: tăng tần số thở.
4. Tăng thông khí phổi: tăng thông khí phế nang liên quan với tần số chuyển hoá (tăng thông khí hô hấp là một sự giảm áp lực CO2 trong máu động mạch).
5. Ngừng thở ra: ngừng thở trong thì thở ra.
6. Ngừng thở vào: ngừng thở trong thì thở vào.
7. Kiểu ngừng thở xen kẽ: ngừng thở ở thì hít vào xen kẽ với thở ra có chu kỳ.
8. Thở kiểu Cheynes-Stokes: những chu kỳ tăng dung tích lên xuống theo sau là giảm dung tích lên xuống (thường tiếp theo là một chu kỳ ngừng thở).
9. Thở kiểu Biot: một chuỗi những động tác thở hổn hển sâu đồng nhất, ngừng thở và sau đó lại thở hổn hển. (kiểu thở có liên quan đến thanh quản- nói hổn hển)
Bất cứ một bệnh nhân nào có kiểu thở bất thường hay phải cố gắng thở sẽ được điều trị. Thở đúng sẽ giúp cho bệnh nhân tăng chịu đựng với tập luyện và trạng thái thư giãn. Thư giãn cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho hô hấp đúng. Cần hướng dẫn trước khi thực hiện các bài tập về hô hấp. Nếu bệnh nhân quá lo lắng, căng thẳng thì bệnh nhân không thể nào thở đúng được.
Ngược lại, có những bệnh nhân được cải thiện một cách rất rõ rệt tình trạng hô hấp của mình do thư giãn tốt và chỉ cần rất ít các bài tập thở.
Các bài tập thở nên cố gắng thực hiện phối hợp với tư thế dẫn lưu.
Tư thế dẫn lưu được coi như một phương pháp cổ điển để giải phóng dịch ra khỏi phổi nhờ trọng lực. Vì vậy phải hiểu rõ về giải phẫu của đường khí phế quản để có thể áp dụng hữu hiệu tư thế dẫn lưu.
Trong phục hồi chức năng bệnh phổi, ngoài sử dụng các bài tập thở, tư thế dẫn lưu, còn sử dụng một số kỹ thuật khác như vỗ, rung lồng ngực, trợ giúp ho, các kỹ thuật này được sử dụng khi có chỉ định.
II. MỘT SỐ KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ VẬT LÝ LỒNG NGỰC VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG PHỔI
A. KỸ THUẬT DẪN LƯU TƯ THẾ
Chỉ định dẫn lưu tư thế
1. Mục đích phòng bệnh, nhằm đề phòng tích tụ các chất tiết đờm rãi
a. Bệnh nhân phải dùng liên tục máy hô hấp (với điều kiện tình trạng bệnh nhân ổn định tương đối để có thể chịu đựng được biện pháp điều trị) vì những bệnh nhân này có nguy cơ bị xẹp phối và viêm phối do ứ đọng.
b. Bệnh nhân phải nằm giường lâu ngày, đặc biệt là những bệnh nhân có “nguy cơ lớn” như bệnh phổi mạn tính, những bệnh nhân bất động sau mổ hoặc có vết mổ ở bụng, ngực.
c. Bệnh nhân có tăng tiết đờm rãi như bệnh giãn phế quản hay bệnh xơ nang (cysic fibrosis).
d. Những bệnh nhân có khuynh hướng hạn chế hô hấp do đau, vì vậy giảm thông khí. Ở những bệnh nhân này có những cơn ho không tiết đờm ra được.
e. Những bệnh nhân phải thở gắng sức.
2. Mục đích điều trị nhằm huy động các dịch đờm bị ứ ra
a. Bệnh nhân có xẹp phổi do ứ chất tiết làm tắc sự đi vào của không khí.
b. Bệnh nhân có áp xe phổi được dẫn lưu (chú ý dẫn lưu cả những vùng lân cận ổ áp xe có nguy cơ bị nhiễm mủ do áp xe trên.
c. Bệnh nhân bị viêm phổi, mặc dù điều trị bằng kháng sinh là quan trọng nhất, nhưng dẫn lưu sẽ giúp cho quá trình thông sạch ứ đọng nhanh và hiệu quả hơn.
d. Những bệnh nhân cần kiểm soát được dịch nhầy trước và sau phẫu thuật.
e. Bệnh nhân trong tình trạng như dùng quá liều thuốc, u thân não hoặc hôn mê.
f. Bất cứ bệnh nhân thần kinh nào bị suy yếu toàn thể hoặc có sự không phối hợp giữa cơ chế nuốt và cơ chế ho.
g. Bất kỳ bệnh nhân nào có dùng hô hấp nhân tạo mà không có khả năng duy trì thông đường phổi.
Kỹ thuật dẫn lưu
a. Chuẩn bị dẫn lưu tư thế
Phải thu thập tất cả thông tin cần thiết:
– Vùng nào là vùng phải coi trọng nhất ?
– Tình trạng của bệnh nhân ra sao?
– Khi nào là lúc điều trị tốt nhất ?
– Làm thế nào để có thể điểu trị tốt nhất ?
Chuẩn bị bệnh nhân.
– Nới lỏng những quần áo chật, đặc biệt là xung quanh cổ và lưng.
– Giải thích cho bệnh nhân về cách chữa một cách đơn giản nhưng phải đầy đủ
– Hãy tạo ra một không khí thoải mái, dễ chịu và tin tưởng với bệnh nhân
– Phải quan sát cẩn thận tất cả các ống thông hoặc bất cứ các dây nối nào dùng trên người bệnh nhân.
– Hãy điều chỉnh các ống để khỏi xê dịch khi thay đổi tư thế người bệnh.
– Đảm bảo có vừa đủ số nhân viên để thay đổi tư thế người bệnh làm sao đỡ gây các phiền phức cho cả người bệnh và nhân viên.
– Đối với bệnh nhân nặng hoặc chưa ổn định, phải kiểm tra mạch và huyết áp trước khi điều trị để làm hồ sơ theo đõi.
– Nếu bệnh nhân muốn ho hoặc muốn khạc đờm rãi hãy để cho bệnh nhân ho và hút đờm rãi trước khi dẫn lưu.
– Nếu phải thay đổi nhiều lần các tư thế, những biện pháp trên vẫn phải được lặp lại.
b. Tiến hành điều trị
– Người điều trị nên đứng phía trước mặt bệnh nhân trong khi dẫn lưu tư thế, có thể quan sát tất cả những thay đổi một cách nhanh chóng. Chú ý không để bệnh nhân ho trực tiếp vào điều trị viên, vì vậy phải đeo khẩu trang.
– Đặt bệnh nhân ở đúng tư thế dẫn lưu hay thay đổi tư thế như chỉ dẫn (hình vẽ). Các tư thế biến đối là những tư thế được dùng trong trường hợp có chống chỉ định cho những tư thế dẫn lưu lý tưởng. Ví dụ: vì bệnh nhân có tình trạng huyết áp không ổn định nên không để giường dốc mà để bằng, chỉ thay đổi tư thế bản thân người bệnh thôi.
– Đặt bệnh nhân ở tư thế phải được duy trì ít nhất 5-10 phút bệnh nhân chịu được. Nếu người bệnh có khối lượng chất ứ đọng lớn và đặc thù thời gian dẫn lưu có thể để lâu hơn (chú ý: nếu các chất dịch đặc và dính lại khó ra, có thể dùng xông hơi qua máy siêu âm nếu bệnh nhân không có chống chỉ định, cho bệnh nhân uống nhiều nước hơn).
– Nếu phải điều trị nhiều tư thế khác nhau thì tổng thời gian nên giới hạn khoảng 30-40 phút là tốt nhất vì để lâu hơn sẽ làm cho bệnh nhân mệt. Nếu phải điều trị nhiều vùng khác nhau, nên chia ra một số vùng điều trị vào buổi sáng, một số vùng điều trị vào buổi chiều, không nên điều trị tất cả các vùng vào một lúc. Nên điều trị những vùng quan trọng nhất vào buổi sáng.
– Nói chung, các kỹ thuật gõ, rung và tập thở nên phối hợp làm luôn khi điều trị nếu như không có chống chỉ định đặc hiệu.
– Sau khi điều trị để bệnh nhân ngồi dậy từ từ, để cho bệnh nhân thở sâu và ho. Nên nhớ rằng các chất dịch không tống ra ngay sau khi điều trị, mà thường sau 30 phút đến 1 giờ cho nên phải nhắc bệnh nhân ho khạc ra. Ỏ những bệnh nhân khó, nên có một y tá (kỹ thuật viên) tham gia vào việc này.
– Người điều trị có thể quyết định thời gian để bệnh nhân ở tư thế dẫn lưu, đến giờ quy định là điều chỉnh giường trở lại tư thế bình thường. Người điều trị luôn ở gần bệnh nhân để quan sát theo dõi và giúp đỡ bệnh nhân.
Chú ý: không nên để bệnh nhân một mình trong tư thế dốc đầu xuống, bệnh nhân phải tỉnh tháo để có thể tự điều chỉnh lại tư thế của mình. Đối với những bệnh nhân hôn mê, xuất huyết não, bệnh nhân có tuổi hoặc rối loạn mạch, bệnh nhân có tổn thương tuỷ sống vùng cổ, viêm khớp nặng hoặc các bệnh đặc biệt khác không nên để họ một mình. Những bệnh nhân này cần theo dõi sát sao, kỹ thuật viên có thể rời bệnh nhân khi họ ở tư thế thẳng (nằm ngửa) nhưng kê giường phẳng hoặc đầu nâng nhẹ khi cần.
– Những nhận xét vè tư thế và hiệu quả phải ghi chép lại và trao đổi trong nhóm đa ngành.
Minh họa các tư thế
Minh họa dẫn lưu tư thế ở trẻ em
Tham khảo VLTL hô hấp trẻ em
Đánh giá kết quả điều trị
a. Về nghe: tiếng phổi có tăng và đều cả hai bên không ? (đôi khi có vẻ như tiếng thở của phổi kém hơn sau điều trị, lý do có nhiều khi vào và như thế tăng tiếng rít phế quản hay tiếng rít thì thở ra).
b. Khám lồng ngực bằng tay, hai bên ngực, có di động đều nhau không? có sự khác nhau như chậm hơn hay co cơ do đau tăng lên…
c. Ho có kết quả không? chất nhầy ho ra bao nhiêu? chất tiết loãng hay đặc? có chỉ định điều trị bằng máy móc gì không? sự phối hợp điều trị đã tốt chưa? liều điều trị có tiến triển lên không? người điều trị có cần tiếp tục hướng dẫn cho bệnh nhân nữa không?
d. Ý kiến của bệnh nhân đối với việc điều trị này như thế nào?
e. Các dấu hiệu về các thông số hô hấp của bệnh nhân ra sao?
g. Phim Xquang phổi có tốt hơn không?
h. So sánh các nhận định của mình với kết quả của các bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên khác.
Chương trình tại nhà cho bệnh nhân
Chương trình tại nhà bao gồm những biện pháp hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc mình, có trách nhiệm với sức khoẻ của chính mình. Lúc đầu nói cho họ rõ khái niệm, lợi ích của các tư thế dẫn lưu, sau đó về cách đặt các tư thế thích ứng. Như vậy, thực tế ta đã giúp người bệnh trở thành một thành viên của đội điều trị.
Khi áp dụng tư thế dẫn lưu ở nhà ta nên chú ý:
a. Không nên kéo dài hơn 30-40 phút cho toàn bộ chương trình.
b. Nên tiến hành điều trị vào buổi sáng trước lúc ăn sáng. Nếu cần điều trị thêm có thể làm vào buổi tối, tốt nhất vào trước lúc đi ngủ 1-1,5 giờ.
c. Hướng dẫn cho bệnh nhân tự vỗ và tập thở khi dẫn lưu.
d. Hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân để giúp đỡ bệnh nhân trong trường hợp yếu hay cần điều trị thêm.
e. Hướng dẫn cho bệnh nhân cách theo dõi dịch đờm như khối lượng, màu sắc, mật độ báo cho người điều trị biết.
B. KỸ THUẬT VỖ LỒNG NGỰC (PERCUSSION)
1. Mục đích
Kỹ thuật vỗ áp dụng trên thành ngực ở vị trí tương ứng với các phân thuỳ phổi có chỉ định bằng dẫn lưu. Mục đích của kỹ thuật là làm rung cơ học và làm long đờm ứ đọng. Vỗ sẽ tạo nên các sóng cơ học tác động qua thành ngực và truyền vào phổi.
2. Kỹ thuật vỗ
– Bàn tay của kỹ thuật viên chụm lại, các ngón khép lại. Khi vỗ sẽ tạo được một đệm không khí giữa tay và thành ngực để loại trừ những kích thích không thoải mái.
– Vai, khuỷu, cổ tay người điều trị phải giữ ở trạng thái thoải mái dễ dàng và mềm mại, không lên gân. Bàn tay luôn ở tư thế chụm lại.
– Hai tay vỗ nhịp nhàng và di chuyển trên thành ngực với lực đều nhau. Yếu tố thư giãn trên người bệnh là do nhịp điệu và tốc độ đều khi vỗ.
– Tốc độ vừa phải bệnh nhân dễ chấp nhận hơn.
– Không cần thiết phải vỗ mạnh quá, hiệu quả thể hiện khi vỗ chụm bàn tay chứ không phải do sức mạnh. Không nên gây đau và khó chịu cho bệnh nhân.
– Người điều trị không cần thiết cứ đứng mãi một chỗ nhất định để vỗ trong suốt thời gian điều trị. Bàn tay nên di chuyển gõ lên trên, xuống dưới hay xung quanh theo kiểu vòng tròn. Không vỗ lung tung khắp lồng ngực người bệnh.
– Khi đã bắt đầu vỗ, nên tiếp tục vỗ 3-5 phút, không nên dừng lại một cách vô lý. Nếu người điều trị không giữ được nhịp điều do mỏi mệt hoặc người bệnh bắt đầu ho, lúc đó có thể chuyển sang rung hoặc ấn ngực.
Ghi chú:
– Không nên để xảy ra hiện tượng đỏ da, nếu có đỏ da và bệnh nhân kêu khó chịu thì xem lại cách điều trị (cách gõ) đã đúng chưa. Nếu đỏ da do mẫn cảm hoặc do điều trị chưa đúng, hoặc gõ trên lổng ngực da trần thì nên lót một miếng vải mỏng hoặc ga khi vỗ.
– Những bệnh nhân gầy thường thích có vải lót khi vỗ. Những bệnh nhân béo mập thích vỗ trực tiếp trên da trần.
– Không nên lót miếng vải dày vì làm căn trở sự truyền sóng cơ học qua thành ngực.
– Không nên gõ lên các vùng xương nhô hẳn lên như xương đòn, cột sống, xương bả vai, những xương sườn bập bênh.
– Cần thận khi điều trị vùng vú, đặc biệt ở các cô gái trẻ vì sẽ gây khó chịu cho bệnh nhân. Nếu ngực to, lấy tay đẩy nhẹ sang một bên (khi cần điểu trị vùng thùy giữa, hay thùy lưỡi), có thể lấy một tay đẩy ngực tay kia vỗ. Nếu như bệnh nhân khó chịu thì dùng kỹ thuật rung cũng được.
C. KỸ THUẬT RUNG LỒNG NGỰC (VIBRATION)
1. Mục đích
Kỹ thuật rung lồng ngực thường được tiến hành khi gõ xong hoặc xen kẽ trong thời gian dẫn lưu tư thế hoặc xen kẽ với vỗ. Rung có tính chất cơ học làm long đờm và đờm di chuyển vào phế quản rộng lưu để thoát ra ngoài.
2. Kỹ thuật rung
– Rung và nén chỉ làm vào thì thở ra. Vì vậy yêu cầu bệnh nhân hít vào sâu, hai tay điều trị viên bắt đầu ấn rung nhẹ vào thời điểm đỉnh cao của thì hít vào và tiếp tục cả thì thở ra. Nếu kiểu thở quá nhanh có thể rung cách một nhịp thở một lần.
– Kỹ thuật rung thực hiện bằng cách căng các cơ toàn bộ từ khớp vai trở xuống bàn tay của kỹ thuật viên.
– Vị trí bàn tay khi rung ngực tay đổi tuỳ theo từng kỹ thuật viên: có thể hai bàn tay ở hai bên ngực, hay có thể đặt tay nọ chồng lên tay kia.
Chú ý: trong thì hít vào, xương sườn dưới di chuyển lên trên và sang bên. Xương ức cũng di chuyển lên trên và làm tăng đường kính trước sau của lổng ngực. Trong khi thở ra, xương sườn di chuyển xuống dưới và vào trong. Nếu bệnh nhân có lồng ngực cứng, không đàn hồi thì gãy xương bệnh lý có thể xảy ra.
Trong quá trình thực hiện phải quan sát theo dõi bệnh nhân.
Minh họa tư thế cho trẻ lớn
3. Kỹ thuật nhún sườn (ribspringing)
Thực hiện trong những trường hợp bệnh lý cần cách điều trị mạnh hơn. Nếu bệnh nhân có thành ngực di động và có thể chịu đựng điều trị, có thể chỉ định làm rung bật xương sườn.
Kỹ thuật cũng giống như kỹ thuật rung ngực nhưng làm mạnh hơn. Xương sườn được “bơm” bằng cách rung bật 3,4 lần trong thì thở ra, ép mạnh hơn sẽ có kết quả huy động đờm rãi tiết nhanh.
Chú ý: cần đánh giá cần thận tình trạng bệnh nhân trước khi thực hiện kỹ thuật này. Những bệnh nhân có lồng ngực hẹp, thành ngực cứng đờ, tăng kích thước theo chiều trước sau và bệnh nhân đau hoặc kỹ thuật viên còn nghi ngờ điều gì thì không nên thực hiện.
C. TẬP THỞ (BREATHING EXERCISES)
1. Chỉ định tập thở
– Đau do phẫu thuật sang chấn.
– Bệnh nhân căng thẳng, lo sợ.
– Phẫu thuật ngoại khoa như phẫu thuật phổi, phẫu thuật bụng (trước và sau mổ).
– Co thắt phế quản.
– Tắc đường thở.
– Xẹp phổi.
– Hạn chế hô hấp do béo bệu, do các tật của hệ cơ xương, có thai, chướng hơi đầy bụng, các tình trạng bệnh lý của phổi như viêm xơ nang phổi, các tai biến thứ cấp khi bị bệnh xơ cứng bì.
– Suy nhược hệ thần kinh trung ương.
– Dùng thuốc mê hay dùng thuốc quá liều.
– Các bệnh phổi dù là tiên phát hay thứ phát.
– Những bệnh thần kinh có yếu cơ như: nhược cơ, Guillain – Barre hoặc tổn thương tuỷ sống.
– Tắc mạch phổi.
– Phù phổi, suy tìm có ứ máu phổi.
– Suy hoặc giảm thông khí phổi.
– Những rối loạn chuyển hoá (toan huyết, kiểm huyết còn đáp ứng bù trừ.
– Những bệnh nhân thở máy thường có những tình trạng vận động cơ hoành không điều hợp.
– Bệnh nhân suy nhược hay nằm liệt giường có khuynh hướng giảm thông khí và có nguy cơ ứ đọng đờm rãi…
Nói tóm lại bất kỳ một lý do gì gây nhịp thở bất thường có thể chỉ định tập thở.
Ở kiểu thở bình thường, cơ hoành và các cơ liên sườn ngoài được sử dụng khi thở nhẹ nhàng. Khi gắng sức, khi lao động mạnh, các cơ hô hấp phụ khác cũng được huy động đó là các cơ ức – đòn – chũm, cơ thang, cơ ngực lớn và cơ răng cưa trước (hay gọi là cơ răng trước).
Khi thở ra bình thường là cử động thụ động do vai trò của các cơ liên sườn trong.
Còn lúc thở ra mạnh gắng sức các cơ thành bụng được huy động đó là cơ thẳng bụng, cơ ngang, cơ chéo ngoài và chéo trong.
Tham khảo các cơ hô hấp ở đây.
Để xác định điều trị đặc hiệu, ta phải đánh giá đúng kiểu thở của bệnh nhân. Quan sát bệnh nhân tốt nhất là đừng cho họ biết. Khi quan sát, kỹ thuật viên thu được một số thông tin:
– Bệnh nhân có thư giãn hay căng thẳng?
– Bệnh nhân có thở đủ không?
– Bệnh nhân có sử dụng cơ hô hấp phụ không?
– Bệnh nhân thích tư thế nào?
– Bệnh nhân có hút thuốc không ? có ho mạn tính không?
– Bệnh nhân nói đủ câu hay cần phải lấy hơi giữa câu?
– Màu sắc da, móng tay và môi có tím không?
Trong quá trình điều trị, tư thế bệnh nhân phải thoải mái, thư giãn để cho thành bụng và ngực cử động tự do. Bệnh nhân nên hít qua mũi và thở ra bằng miệng. Tuy nhiên có một số bệnh nhân quen thở bằng miệng do mũi bị nghẹt hoặc bị polip. Vì vậy không nên ép họ thở bằng mũi. Khi điều trị, chỉ ra lệnh cho bệnh nhân những mệnh lệnh ngắn gọn dễ hiểu. Cho bệnh nhân tập trong thời gian ngắn nhưng nhiều lần có hiệu quả hơn tập một lần thời gian dài. `
Có thể hướng dẫn cho bệnh nhân thở bằng cơ hoành, thở một bên sườn hay cả hai bên, có thể thở phân thuỳ, các bài tập tăng sức toàn thân hay tăng cường cơ hoành.
2. Thở bằng cơ hoành
Thở cơ hoành là một kiểu thở bình thường trong hô hấp. Cơ hoành và các cơ liên sườn ngoài là các cơ của thì thở vào. Trong khi đánh giá khả năng hô hấp của bệnh nhân, người điều trị theo dõi khả năng sử dụng những cơ phụ và cần phải hướng dẫn người bệnh về kỹ thuật thư giãn của các cơ phụ và cơ hoành cho đúng.
Hướng dẫn cho bệnh nhân ở các tư thế khác nhau tăng dần từ dễ đến khó để phối hợp và thực hiện các kỹ thuật.
Tư thế 1:
Nằm ngửa và được trợ giúp chắc chắn ở tư thế gối gập khoảng 45 độ và khớp háng xoay ngoài.
Biện pháp để hướng dẫn thở cơ hoành
– Giải thích cho bệnh nhân mục đích và mục tiêu của tập thở.
– Để bệnh nhân nằm ngửa ở tư thế thoải mái và chắc chắn.
– Làm mẫu cho bệnh nhân xem và tiếp tục giải thích.
– Đặt 1 tay (hoặc 2 tay) vào góc sườn hoành theo nhịp thở của bệnh nhân, yêu cầu người bệnh cứ thở bình thường.
Tay kỹ thuật viên nhẹ nhàng ấn xuống và đẩy nhẹ chỉ khi người bệnh thở ra.
Cứ để người bệnh thở vào và để ngực kháng lại tay người điều trị.
– Sau khi đã làm theo vài nhịp thở như vậy, đến thì thở ra ấn mạnh tay hơn và yêu cầu người bệnh “nào bây giờ thở mạnh đẩy tay tôi lên” (mệnh lệnh bằng lời cần ngắn và nói vào cuối thì thở ra) để chuẩn bị cho bệnh nhân hành động theo. Lúc này không nên nhắc bệnh nhân thở bằng mũi, điều quan trọng nhất là hiểu và sử dụng cử động cơ hoành.
– Người điều trị cứ tiếp tục theo nhịp thở ở góc sườn – hoành và yêu cầu người bệnh thở căng đẩy lại tay mình.
– Sau đó hỏi bệnh nhân xem có thấy gì khác nhau giữa cách thở đang làm với cách mà bệnh nhân vẫn thở từ trước. Nếu bệnh nhân không thấy gì khác nhau, lúc đó kỹ thuật phải tiếp tục lặp lại và mạnh hơn, có thể giải thích thêm cho bệnh nhân cần cảm thấy được sự thay đổi do động tác thở.
– Thấy bệnh nhân thở đúng rồi, yêu cầu bệnh nhân thở một mình độc lập. Tay bệnh nhân phải đặt đúng chỗ và thời gian đành cho sự tập trung vào việc tập thở.
Người điều trị có thể đặt tay mình lên tay bệnh nhân để giúp bệnh nhân biết nhịp thở và trình tự thở.
Chú ý phải kiểm tra và theo dõi một số điểm sau:
– Nên tránh thở ra một cách ép buộc mạnh, vì như vậy gây xẹp đường hô hấp.
– Khuyến khích bệnh nhân thở mím môi, thư giãn, chậm.
– Nên tránh kiểu thở ra kéo dài quá mức. Thông thường những người bệnh phổi mạn tính có thể đẩy hết không khí ra khỏi phổi. Nhưng điều này dẫn đến bệnh nhân ngày càng thở dốc ra một cách thực sự và kiểu thở có thể trở nên không đều.
– Quan sát kỹ thân của bệnh nhân để chắc chắn là bệnh nhân không quá ưỡn lưng để làm ra vẻ “đẩy” bụng ra phía trước.
– Theo dõi bụng người bệnh, xem phần bụng dưới không bị căng lên.
– Một số bệnh nhân có khuynh hướng sử dụng ngực trên quá mức, ngực trên phải thư giãn tương đối.
– Cần nhắc nhở bệnh nhân thở với thể tích mà họ vẫn thường thở vì khi tập bệnh nhân sẽ cố gắng thở rất sâu và có thể làm tăng thông khí phổi. Bệnh nhân phải tập trung thở một thời gian ngắn để tránh tăng thông khí phổi. Người điều trị phải quan sát những dấu hiệu mà bệnh nhân phần nàn như chóng mặt, “kiến bò” ở ngón tay.
Tư thế 2, 3 và 4: ngồi, đứng và đi cầu thang
Cần phải hướng dẫn cho bệnh nhân thở ở các tư thế và hoạt động khác nhau, nếu như chỉ hướng dẫn cho bệnh nhân ở tư thế ngồi hay nằm ngửa, khi họ đứng dậy hay lên cầu thang thì lại không kiểm tra được kiểu thở. Những khi căng thẳng, bệnh nhân khó có thể nghĩ được rõ ràng và tìm cách làm cho đúng. Hô hấp nói chung là một quá trình tự động (vô thức), tuy nhiên bệnh nhân gặp khó khăn về hô hấp cần nghĩ trước (quá trình có ý thức) và có kế hoạch giữ gìn năng lượng, tích trữ sức lực.
Khi bệnh nhân đã hiểu và thực hiện được thở bằng cơ hoành tốt, nên tiến thêm bước nữa ở tư thế ngồi. Ở tư thế ngồi khó hơn nhiều vì thực tế khi nằm bệnh nhân chỉ có việc tập trung vào tập kiểu thở mà thôi. Còn khi ngồi, người bệnh còn phải tự điều chỉnh thăng bằng, thư giãn cơ khớp và thở.
Ở tư thế đứng, bệnh nhân cần thư giãn, thở và giữ thăng bằng tư thế đứng.
Khi đi và trèo thang gác, bệnh nhân sẽ khó khăn hơn nữa. Bệnh nhân phải học, không những để kiểm soát hơi thở, mà còn phải kiểm soát thăng bằng và các hoạt động khác. Khi bệnh nhân đã quen thở đúng với kiểu thở, cố gắng huấn luyện làm sao tỉ số hít vào và thở ra là 1/2. Ví dụ khi bệnh nhân hít vào theo theo đi 2 bước và thở ra cho 4 bước, hoặc hít vào khi đi 3 bước và thở ra khi đi 6 bước.
D. KỸ THUẬT THỞ PHÂN THUỲ HOẶC CẠNH SƯỜN
Chỉ định trong các trường hợp xẹp phổi, viêm phổi, đau do tốn thương cơ dẫn đến giảm khả năng thông khí, sau phẫu thuật lồng ngực hoặc tim mạch, thành ngực cứng đờ, vẹo hoặc gù vẹo cột sống…
Nguyên tắc chính của kiểu thở phân thuỷ hay cạnh sườn là hướng tập trung vào vùng tổn thương. Tay người điều trị đặt lên vùng thành ngực tương ứng với vùng cần tập trung trong phổi để tạo kích thích bản thể đối với những vận động của cơ có liên quan. Tay người điều trị đặt lên thành ngực, chuyển động lên xuống theo nhịp thở trong vài lần, ấn đẩy lồng ngực khi thở ra và để cho bệnh nhân tự cử động khi hít vào. Sau đó đến cuối thì thở ra ấn đấy lồng ngực và yêu
cầu người bệnh đẩy ngược bàn tay ta (người điều trị). Người điều trị tiếp tục trợ giúp khi thở ra và kháng lại đôi chút khi thở ra để đảm bảo cho người bệnh thở vào đầy đủ hơn. Những nơi người điều trị lựa chọn để đặt tay khi điểu trị là : cạnh sườn (một, hai bên), phía trước là phần hạ sườn đối với những thùy dưới phần giữa ngực (ở đường nách giữa) đối với thùy giữa phải, thùy lưỡi, vùng ngực trên cho thùy trên và ra phía sau cho ngực dưới và ngực giữa.
Yêu cầu bệnh nhân hít vào sâu và giữ lại, sau đó yêu cầu người bệnh thở ra, thở ra nữa trong khi vẫn tiếp tục ấn đẩy. Kỹ thuật này đặc biệt có hiệu quả khi áp dụng vùng trên xương ức hoặc vùng cạnh sườn. Sự phối hợp giữa lời yêu cầu và kỹ thuật ấn đẩy rất quan trọng. Ấn đẩy chậm có hiệu quả hơn trong những bệnh phổi mạn tính vì ấn đẩy nhanh quá có thể làm cho bệnh nhân có lổng ngực hình thùng hầu như không co giãn. Đối với những bệnh nhân này ấn mạnh là không thích hợp. Các kỹ thuật viên và y tá điều chỉnh các kỹ thuật này luôn có ích.
Minh họa các tư thế
III. KẾT LUẬN
Trên đây là những kỹ thuật phục hồi chức năng cơ bản ở người bệnh hô hấp, lồng ngực. Nắm vững kỹ thuật chúng ta có thể áp dụng và hướng dẫn bệnh nhân tự điều trị ở bất cứ nơi nào mà người bệnh cần, đặc biệt ở các tuyến cơ sở và ngay tại nhà của bệnh nhân.
- Bs Đỗ Thị Thúy Anh chỉnh lý