Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT ỨC CHẾ CO CỨNG TAY (75)

Chuyên ngành: Hoạt động trị liệu, Phục hồi chức năng

I. ĐẠI CƯƠNG

1. Định nghĩa
Co cứng là sự tăng của trương lực cơ cùng với sự phóng đại của các phản xạ gân xương do cung phản xạ cơ bị kích thích qúa mức. Co cứng là hậu qủa của tổn thương bó tháp, đồng thời đó cũng là một thành phần nằm trong hội chứng Neuron vận động trên.
2. Biểu hiện lâm sàng
– Biểu hiện lâm sàng của co cứng là tăng trương lực cơ, tăng phản xạ gân xương, hạn chế hoặc mất vận động tự chủ ở tay. Co cứng làm kháng lại các vận động, co cứng tăng khi người bệnh chú ý thực hiện các vận động đặc biệt khi gắng sức (cố làm gì đó). Cụ thể là co cứng các cơ gấp, nhóm cơ hạ đai vai và tay, cơ cố định và kéo xương bả vai ra sau, cơ khép và xoay trong cánh tay, cơ gấp và quay sấp khuỷu tay và cổ tay, cơ gấp và khép các ngón tay
– Mẫu co cứng ở vai và tay: Đai vai bị kéo xuống dưới, ra sau; khớp vai khép, xoay trong; khớp khuỷu gấp, cẳng tay quay sấp; cổ tay gấp mặt lòng, nghiêng phía xương trụ; các ngón tay gấp, khép
3. Hậu quả của co cứng
– Giảm hoặc mất khả năng vận động của tay và toàn thân, ảnh hưởng đến chăm sóc và điều trị, khó hoặc không thực hiện các hoạt động tự chăm sóc bản thân trong đời sống và sinh hoạt thường ngày
– Có thể gây nên các biến chứng như loét da, đau, co rút gây biến dạng và mất chức năng khớp, tay và nửa người bên liệt.

II. CHỈ ĐỊNH

– Khi co cứng ảnh hưởng đến vận động, thực hiện chức năng của tay và toàn thân
– Trước khi tập vận động và hoạt động trị liệu

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Khi người bệnh không có biểu hiện co cứng

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
– Kỹ thuật viên đã được đào tạo và thành thạo kỹ thuật
– Người nhà hoặc bản thân người bệnh đã được hướng dẫn đầy đủ
2. Phương tiện
– Giường bệnh hoặc giường tập
– Bàn ghế, nẹp, túi cát…
3. Người bệnh
Thông báo, giải thích rõ ràng để người bệnh và gia đình yên tâm và chủ động phối hợp
4. Hồ sơ bệnh án: Phiếu điều trị vật lý có chỉ định của bác sỹ
– Ngày điều trị, giờ điều trị
– Tình trạng người bệnh trước trong và sau khi tập
– Tên kỹ thuật viên thực hiện y lệnh

V. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án
– Chỉ định của Bác sỹ
– Tên kỹ thuật viên thực hiện y lệnh
2. Kiểm tra người bệnh
– Tình trạng người bệnh trước khi tập
– Đánh giá tình trạng co cứng: vị trí, mức độ
3. Thực hiện kỹ thuật
3.1. Ở tư thế nằm
– Kỹ thuật vị thế: Người bệnh nằm ở vị thế chống lại mẫu co cứng
– Ức chế co cứng: Người tập thực hiện các động tác vận động ngược lại với mẫu co cứng, cụ thể là đưa xương bả vai lên trên và ra trước; dạng và xoay ngoài khớp vai; duỗi khớp khuỷu và xoay ngửa cẳng tay; gấp khớp cổ tay về phía mu bàn tay; duỗi, dạng ngón tay cái và các ngón khác
3.2. Ở tư thế ngồi
– Kỹ thuật vị thế ức chế co cứng: Ghế ngồi có chiều cao phù hợp với người bệnh; đầu, thân mình thẳng, cân xứng hai bên, hai vai cân đối; trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân; bàn chân sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc; lưng thẳng.
– Kỹ thuật ức chế co cứng: Ngồi dồn trọng lượng lên tay liệt ở tư thế tay liệt duỗi, xoay ngửa, khớp khuỷu duỗi, khớp cổ tay gấp mặt mu; ngón tay cái và các ngón tay khác duỗi, dạng.
3.3. Ở tư thế đứng
Dồn trọng lượng lên tay liệt ở tư thế đứng với tay liệt duỗi, xoay ngửa, khớp khuỷu duỗi, khớp cổ tay gấp mặt mu; ngón tay cái và các ngón tay khác duỗi, dạng.

VI. THEO DÕI

– Đánh giá tình trạng người bệnh sau khi tập
– Theo dõi phát hiện các dấu hiệu bất thường
– Nếu có bất thường xử trí kịp thời theo đúng phác đồ, báo cáo bác sỹ
– Ghi chép hồ sơ bệnh án: Tình trạng người bệnh trong và sau khi tập

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

– Đau cơ: Thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu
– Tập quá sức: Nghỉ ngơi.