ÐO DÒNG NIỆU ĐỒ – Uroflowmetry
I. ĐẠI CƯƠNG
Ðây là phép đo duy nhất trong các phép thăm dò niệu động học mà không xâm nhập (noninvasive). Cách đo khá đơn giản chỉ cần người bệnh đi tiểu một lượng nước tiểu thích hợp vào phễu hứng của máy thăm dò niệu động học được gắn kết với một máy biến năng, rồi trọng lượng của nước tiểu sẽ được chuyển thành dung tích và ghi lại thành biểu đồ với tốc độ ml/giây. Tốc độ dòng tiểu là kết quả sau cùng của hoạt động đi tiểu, do đó chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như sự co bóp cơ chóp bọng đái, sự giãn lỏng của cơ thắt niệu đạo và sự thông suốt của niệu đạo. Tuy nhiên nếu phối hợp niệu dòng đồ với việc đo lượng tiểu tồn lưu, ta có thể ước đoán về tính hiệu quả của hoạt động đi tiểu.
II. CHỈ ĐỊNH
– Phì đại tuyến tiền liệt.
– Sau mổ phì đại tuyến tiền liệt.
– Tiền sử tiểu khó: tiểu ngập ngừng, tiểu phải rặn, tiểu ngắt quãng, dòng tiểu yếu, cảm giác làm trống bàng quang không hết sau khi đi tiểu.
– Thăm dò thường quy trước khi phẫu thuật: rỉ tiểu gắng sức, trước mổ phì đại tuyến tiền liệt.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Nhiễm khuẩn tiết niệu.
– Đang có kinh nguyệt.
– Đang có thai.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng được đào tạo kỹ thuật.
2. Phương tiện
Máy thăm dò niệu động học kết nối với hệ thống biến năng ghi áp lực dòng tiểu liền với dụng cụ hứng nước tiểu, bệ ngồi đi đái.
3. Người bệnh
Giải thích cho người bệnh hiểu và làm đúng thao tác.
4. Hồ sơ bệnh án
Bệnh án chẩn đoán, các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán và phiếu chỉ định của bác sĩ.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra lại hồ sơ bệnh án và các phiếu chỉ định.
2. Kiểm tra người bệnh
Kiểm tra người bệnh xem đúng chỉ định không.
3. Thực hiện kỹ thuật
Bước 1: mỗi người bệnh được uống 400 – 500 ml nước chờ 2 – 4 giờ đến khi có cảm giác buồn đi tiểu.
Bước 2: hướng dẫn, giải thích cho người bệnh hiểu và đi tiểu đúng cách vào dụng cụ chuyên dụng tránh sai sót kết quả.
Bước 3: yêu cầu tiểu hết vào dụng cụ hứng nước tiểu được đặt trên một đĩa xoay đồng hồ lưu lượng chuẩn. Hệ thống hứng nước tiểu gắn với biến năng ghi áp lực dòng tiểu được đặt ở khu vực kín đáo, không ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.
Bước 4: sau khi tiểu xong tiến hành siêu âm đo lượng tiểu tồn dư. Nước tiểu tồn dư được đo bằng siêu âm trên xương mu ngay lập tức sau khi đi tiểu.
Bước 5: kết thúc kỹ thuật, giải thích kết quả cho người bệnh, ghi chép các thông số vào phiếu ghi kết quả: dòng niệu đỉnh (Qmax ml/s), thời gian đi tiểu, lượng nước tiểu tự người bệnh đi được, lượng tiểu tồn dư, hiệu suất tống xuất cơ bàng quang.
4. Những điểm lưu ý
– Yêu cầu để cho tốc độ một dòng chảy nước tiểu được dụng cụ đo chính xác là thể tích nước tiểu ít nhất 150 ml.
– Không dùng các chất kích thích, hút thuốc trước khi tiến hành đo dòng niệu đồ.
– Cần để người bệnh đi tiểu khu vực kín đáo, tránh bị tác động bởi yếu tố bên ngoài.
Thời gian đo từ 15 – 30 phút.
VI. THEO DÕI
Theo dõi và hướng dẫn người bệnh làm đúng động tác.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Không có tai biến.