KỸ THUẬT THÔNG MŨI HỌNG NGƯỢC DÒNG Ở TRẺ EM
I. ĐẠI CƯƠNG
Kỹ thuật thông mũi họng ngược dòng là một sự dẫn lưu chất tiết bằng dung dịch NaCl 0,9% trong mũi họng ra ngoài, để trẻ dễ thở hơn.
II. CHỈ ĐỊNH
Áp dụng cho trẻ em có bệnh lý gây ứ đọng chất tiết trong mũi họng.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Phẫu thuật vùng hàm – mặt.
Chảy máu cam.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, điều dưỡng đ được đào tạo kỹ thuật.
2. Phương tiện
Nước muối sinh lý NaCl 0,9 %, giấy lót đầu loại thấm nước, dày và dai khổ 40 x 60 cm, giấy lấy chất tiết mũi và đàm loại dai và mềm, dung dịch sát trùng Alcol 70º,
thùng đựng chất thải lây nhiễm. Máy đo Sp02.
Bàn tập thích hợp
– Quy cách: bàn cao ngang hông người điều trị, rộng 60 cm.
– Nệm bàn: dày 5 cm, có độ đàn hồi tốt. Nệm bọc simili trơn láng và có màu sáng.
– Sắp xếp bàn tập trong phòng: nơi có đủ ánh sáng để dễ quan sát trẻ, các bàn tập cách nhau khoảng 1,5 – 2 m để ngăn ngừa nhiễm trùng chéo.
3. Bệnh nhi
– Tư thế trẻ: cởi áo trẻ và đặt trẻ nằm nghiêng, đầu và thân thẳng trục, mặt trẻ xoay nhẹ về phía mặt bàn. Đặt trẻ nằm gần về phía người điều trị đang đứng. Tuyệt đối tránh ngửa đầu ra sau vì có nguy cơ hít sặc dẫn đến ngưng tim ngưng thở.
– Cách giữ trẻ: mẹ đứng dưới chân trẻ. Một tay mẹ giữ hai tay trẻ khoanh lại trước ngực. Tay kia mẹ giữ ngang hông trẻ. Không giữ hai chân trẻ vì cách giữ này sẽ tạo một đòn bẩy từ chân của trẻ làm cho người điều trị rất khó khăn để cố định đầu.
4. Tư thế người điều trị
Chuyên viên vật lý trị liệu đứng sau lưng trẻ với hai chân dang, sử dụng bụng của
mình để giúp cố định đầu trẻ.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Thực hiện bốn bước với các thao tác sau:
* Thông rửa mũi với NaCl 0,9%
1. Đặt tay: một tay giữ đầu trẻ ở tư thế trung tính bằng phần mềm của lòng bàn tay, với ngón cái đặt sau đầu trẻ. Tay kia cầm chai dung dịch NaCl.
2. Đặt chai NaCl vào lỗ mũi nằm trên song song với mặt bàn, hướng về khoang mũi
theo vị trí giải phẫu học của khoang mũi.
3. Thực hiện bơm chậm và liên tục vào khoang mũi trên, tạo thành một dòng chảy liên tục từ khoang mũi trên xuống khoang mũi dưới để làm loãng và đưa chất tiết chảy ra ngoài qua lỗ mũi dưới.
– Số lượng dung dịch NaCl: tối thiểu 30 ml, tối đa tùy theo tình trạng của trẻ, trung bình khoảng từ 30 – 60 ml.
– An toàn của thao tác: luôn giữ đầu trẻ ở tư thế trung tính, không để chất tiết mũi và dung dịch NaCl chảy ra dính vào mắt trẻ.
* Hỉ mũi (thực hiện trong thì thở ra)
1. Đặt tay: một ngón tay trên cánh mũi của lỗ mũi trên, không đè lên mắt trẻ. Một ngón tay của bàn tay kia đặt dưới hàm tại gốc lưỡi.
2. Thực hiện: hai ngón tay này đồng thời đóng kín miệng và lỗ mũi trên của trẻ trong thì thở ra, làm cho không khí từ trong phổi đi ra ngoài qua lỗ mũi dưới và đưa chất tiết trong mũi ra ngoài. Có thể sử dụng thêm một ngón tay đặt ở môi dưới của trẻ để giúp đóng kín miệng khi cần thiết.
– Hai ngón tay trước khi thực hiện thao tác phải có sự chuẩn bị lực. Trong khi thực hiện luôn luôn duy trì sự tiếp xúc.
– Thao tác nhẹ nhàng: không làm nhăn nhó mặt mũi trẻ một cách thái quá, không đẩy lệch mũi trẻ.
– An toàn của thao tác: không gây dập lưỡi.
– Hiệu qủa của thao tác: chất tiết mũi chảy ra ngoài theo lỗ mũi dưới. Trong khi thực hiện, nếu thấy không còn chất tiết chảy ra ngoài theo lỗ mũi dưới thì ngưng thao tác này.
* Đưa chất tiết mũi xuống họng (thực hiện trong thì hít vào)
1. Đặt tay: hai ngón tay cái đặt dưới hàm. Các ngón tay còn lại của hai bàn tay ôm giữ hai bên mặt trẻ.
2. Thực hiện: hai ngón cái giữ miệng trẻ đóng lại trong thì hít vào để đưa chất tiết còn lại trong khoang mũi đi xuống họng.
– Thao tác nhẹ nhàng: không đẩy cổ của trẻ ưỡn ra sau thái quá.
– An toàn của thao tác: không gây dập lưỡi, chảy máu miệng.
– Hiệu qủa của thao tác: cảm nhận được hoặc nghe được trẻ hít vào mạnh khi đóng miệng trẻ lại.
* Đẩy đờm (đưa chất tiết từ họng ra khỏi miệng)
Thực hiện trong thì thở ra
1. Đặt tay: ngón cái đặt dưới hàm ngay tại gốc lưỡi, các ngón tay còn lại đặt dọc theo một bên mặt trẻ. Có thể sử dụng bàn tay kia giúp giữ đầu trẻ ở tư thế trung tính hoặc giúp đẩy đờm.
2. Thực hiện: ngón cái tại gốc lưỡi cho một áp lực nhẹ nhàng, thẳng góc với vòm miệng và di chuyển nhẹ nhàng ngón cái hướng ra trước để đưa chất tiết từ vùng hầu ra khỏi miệng nhờ vào lực đẩy của dòng khí đang thở ra.
– Ngón cái có tác dụng ngăn cản cử động nuốt của lưỡi và làm giảm khẩu kính vùng hầu họng theo chiều trên – dưới giúp làm tăng lực đẩy của dòng khí thở ra để đẩy đờm ra khỏi miệng.
– Thao tác nhẹ nhàng: ngón cái di chuyển tại chỗ, không rời vị trí gốc lưỡi.
* An toàn của thao tác:
Không làm trẻ bị tím tái, nghẹt thở. Điều cần biết là thanh quản của trẻ 0 – 6 tháng tuổi nằm rất cao, nếu ngón cái đặt sai vị trí sẽ có khả năng đặt lên thanh quản hoặc lực đẩy bị lệch hướng cũng sẽ tác động lên thanh quản làm cho trẻ đau, bị tím tái, nghẹt thở. Trẻ sẽ giãy giụa và phản ứng đến cùng.
– Không đẩy cổ trẻ ưỡn ra sau thái quá.
– Không xoay mặt trẻ qua một bên để đẩy đờm trong tư thế nằm ngửa.
– Hiệu quả của thao tác: đẩy đờm đúng vào thì thở ra, thực hiện tối đa 3 – 5 lần có thể đẩy đàm ra khỏi miệng. Không làm trẻ bị ói ọc.
Thời gian từ 10 – 30 phút tùy theo tình trạng của trẻ.
VI. THEO DÕI, TÁI KHÁM
Thực hiện tập vật lý trị liệu hô hấp theo chỉ định hàng ngày của bác sĩ điều trị hoặc theo lịch hẹn của cử nhân hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu khi cần thiết nếu lượng đàm rãi của trẻ nhiều.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Cần thận trọng khi thực hiện kỹ thuật.
– Tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí nhẹ nhàng và tiêu chí an toàn đã mô tả trong 4
bước của kỹ thuật này.
– Nên thực hiện kỹ thuật sau khi trẻ ăn uống ít nhất là 1 giờ.
– Trẻ có thể ăn uống trở lại sau khi tập 15 phút.