KỸ THUẬT TẬP MẠNH CƠ BẰNG PHẢN HỒI SINH HỌC (BIOFEEDBACK)
I. ĐẠI CƯƠNG
Tập Biofeedback là phương pháp dựa vào các phản hồi sinh học được ghi lại khi người bệnh thực hiện bài tập. Phản hồi sinh học có thể là hình ảnh (biểu đồ, đồ thị, âm thanh, nhờ có phương pháp này mà người bệnh học cách kiểm soát chủ động các bài tập của mình đồng thời bác sĩ có thể đánh giá khả năng thực hiện và sự tiến bộ của người bệnh.
II. CHỈ ĐỊNH
– Tăng cường sức mạnh cơ tứ chi và chống teo cơ: do nằm bất động, sau mổ chấn thương chỉnh hình, bệnh xương khớp, sau tổn thương thần kinh như tai biến mạch não, Parkinson, sơ cứng rải rác, sơ cột bên teo cơ, bệnh lý thần kinh ngoại biên…
– Tập mạnh các nhóm cơ nuốt.
– Tập mạnh cơ sàn chậu: sau sinh, són tiểu gắng sức, sau phẫu thuật sàn chậu.
– Tập trong vật lý trị liệu hô hấp.
– Rối loạn thần kinh cơ: loạn trương lực cơ, rối loạn thăng bằng, tư thế…
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh không hợp tác.
– Không có khả năng hiểu.
– Bệnh toàn thân cấp chưa kiểm soát được.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng và kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
2. Chuẩn bị máy tập Biofeedback
– Tùy theo mục đích và chỉ định cần tập Biofeedback mà có sự chuẩn bị người
bệnh và máy khác nhau.
– Máy Biofeedback cho chi.
– Máy tập Biofeedback dùng tập nuốt, tập nhóm cơ sàn chậu.
– Máy tập Biofeedback thăng bằng.
3. Người bệnh
Là phần rất quan trọng để đạt được hiệu quả của bài tập Biofeedback.
– Người bệnh được giải thích mục đích và hiểu được bản chất của tập Biofeedback.
– Người bệnh được giải thích kỹ và hiểu được các tín hiệu hiển thị: bằng hình ảnh như đồ thị, âm thanh… tương xứng với các cấu trúc giải phẫu và hoạt động chức năng của phần chi thể được tập luyện. Ví dụ khi nuốt, có điện cực ghi lại điện cơ sinh ra do các cơ tham gia vào quá trình nuốt, điện cơ được hiển thị bằng âm thanh, mức
độ của âm thanh được chia theo độ cao của biểu đồ trên màn hình. Khi nuốt yếu âm thanh nhỏ và độ cao của biểu đồ thấp. Kỹ thuật viên yêu cầu nuốt gắng sức, cơ làm việc nhiều hơn, mạnh hơn thì âm thanh thu được to hơn và độ cao của biểu đồ tăng đến mức mong muốn.
– Người bệnh cần được tập thử.
4. Các máy tập Biofeedback
Có loại máy đơn trị liệu hoặc đa trị liệu với nhiều phần mềm Biofeedback ứng dụng (máy tập cơ sàn chậu, máy mạnh cơ chi trên/ chi dưới, máy tập nuốt, máy tập thư giãn, giảm đau, máy tập sử dụng trong tâm thần điều trị các rối loạn lo âu, sợ hãi…).
V. TIẾN HÀNH
Bước 1. Cài đặt các chương trình tập Biofeedback theo chỉ định,
– Biofeedback điện cơ.
– Biofeedback tư thế.
– Biofeedback lực cơ.
– Biofeedback tầm vận động khớp.
– Biofeedback nhiệt.
– Biofeedback điện não đồ.
Bước 2. Cài đặt các thông số của người bệnh vào máy, cài đặt thời gian điều trị.
Bước 3. Lắp đặt điện cực có dây dẫn hoặc không cần dây dẫn tùy theo vùng điều trị.
Bước 4. Bật máy để người bệnh bắt đầu điều trị
Ví dụ : Tập biofeedback để tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu trong điều trị són tiểu gắng sức ở người cao tuổi hoặc phụ nữ sau sinh.
– Giải thích mục đích và bài tập.
– Kết nối điện cực âm đạo với máy.
– Cài đặt thông số vào máy.
– Tập thử.
Lực cơ sàn chậu được thể hiện bằng tín hiệu hình ảnh hay âm thanh mà người bệnh có thể nhìn/nghe khi co cơ và khi thư giãn.
– Bắt đầu thực hiện bài tập Kegel và theo dõi các tín hiệu máy để điều chỉnh
cường độ tập mong muốn.
Thời gian tập: từ 15 – 30 phút/buổi tập.
VI. THEO DÕI
Tùy theo mục đích của bài tập sẽ có các chỉ số theo dõi phù hợp để đánh giá tiến triển của người bệnh.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
Hầu như không có tai biến hay tác dụng phụ trong quá trình luyện tập.