TẬP ĐI VỚI GẬY
I. ĐẠI CƯƠNG
Gậy là một loại dụng cụ trợ giúp di chuyển cần thiết để giúp người gặp khó khăn trong di chuyển, đi lại. Các loại gậy: gậy 01 chân đế và gậy nhiều chân đế.
II. CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh liệt nửa người, người lớn tuổi.
– Người bệnh tập sử dụng chân giả, nẹp chỉnh hình.
– Trẻ bại não.
– Một số bệnh lý chi dưới khác (thoái hóa khớp gối,… ).
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh có rối loạn tri giác nhận thức, không hiểu lệnh và không điều khiển được các cử động của cơ thể.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, cán bộ y tế hành nghề được đào tạo chuyên khoa.
2. Phương tiện
– Gậy 01 chân đế hoặc nhiều chân đế.
– Chiều cao của gậy: ngang gai chậu trước trên của người bệnh.
3. Người bệnh
4. Hồ sơ bệnh án
Bệnh án và phiếu điều trị chuyên khoa
– Các xét nghiệm liên quan.
– Lượng giá các dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và tình trạng người bệnh.
– Đọc kỹ phiếu điều trị.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
– Cầm gậy đối bên
+ Người bệnh cầm gậy ở tay đối bên với chân yếu. Đầu tiên đưa gậy về phía trước, ra phía ngoài khoảng 5 – 10 cm, kế đến bước chân yếu lên ngang hoặc bằng gậy.
+Chân mạnh bước lên bằng gậy.
– Cầm gậy cùng bên
+ Người bệnh cầm gậy cùng bên với chân yếu. Di chuyển gậy cùng lúc với chân yếu.
– Cách lên xuống cầu thang bằng gậy
+ Đi lên cầu thang: đặt chân lành lên bậc thang tiếp theo, dồn trọng lượng thân thể lên chân đó, gậy và chân yếu sẽ cùng di chuyển lên bậc thang đó.
+ Xuống cầu thang: đặt gậy và chân yếu xuống trước, sau đó bước chân lành xuống bậc thang đó. Chân yếu luôn luôn có gậy để trợ giúp.
– Thời gian: 10 – 20 phút.
VI. THEO DÕI
Theo dõi tình trạng, mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh trong và sau khi làm kỹ thuật.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
+ Trong khi tập với gậy, người bệnh có thể bị ngã hoặc dụng cụ bị gãy.
+ Xử trí: kiểm tra kỹ dụng cụ trước khi tập, phải luôn có một người đi cạnh để trợ giúp người bệnh.