Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT CAN THIỆP PHCN BẰNG NẸP VAI – CÁNH – CẲNG – BÀN TAY CÓ NẮN CHỈNH (số 134)

Chuyên ngành: Chấn thương, chỉnh hình
  1. ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa: Nẹp vai-cánh-cẳng-bàn tay có nắn chỉnh là một loại dụng cụ phục hồi chức năng giúp nắn chỉnh về tư thế giải phẫu cho bệnh nhân bị tổn thương phần khớp vai, cánh tay sai về cấu trúc sinh lý.

Nẹp được làm từ tấm nhựa PP 4mm bao quanh từ bả vai, cẳng tay tới bàn tay.

  1. CHỈ ĐỊNH

– Nắn chỉnh khớp vai, khớp khuỷu và cổ tay

– Chỉnh tư thế của của khớp vai về vị trí tự nhiên

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Co cứng quá mức cho phép nắn chỉnh.

– Tổn thương da cũng như phù nề.

  1. THẬN TRỌNG

Không có

  1. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng

– 02 Kỹ thuật viên chỉnh hình

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư

– Nhựa tấm, da, vải, carbon, khớp gối cơ học, dây đai, đinh tán, nhám dính, băng bột thạch cao, bột thạch cao

– Những phụ gia và vật tư tiêu hao khác

– Găng tay

– Mũ giấy

– Khẩu trang y tế

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn

– Khăn lau tay

5.4. Trang thiết bị

– Máy móc và dụng cụ chuyên dụng như:

– Máy mài, máy khoan

– Hệ thống máy hút chân không, hệ thống máy hút bụi

– Lò nung nhựa

– Máy khác như máy may, máy dóng,…

– Dụng cụ cầm tay chuyên dụng:

– Máy khoan cầm tay, máy cưa lọng, máy khò

– Dụng cụ cầm tay khác như máy thổi hơi nóng cầm tay, dũa, kìm…

5.5. Người bệnh

Giải thích, hướng dẫn cho người bệnh sẵn sàng hợp tác điều trị và hoàn thành thủ tục trước khi thực hiện

5.6. Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ, bệnh án đầy đủ, có chẩn đoán, chỉ định rõ ràng

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 8-9 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: Đơn vị xưởng chỉnh hình phục hồi chức năng

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

  1. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

6.1. LÀM NẸP VAI – CÁNH – CẲNG – BÀN TAY CÓ NẮN CHỈNH

Bước 1. Thăm khám, lượng giá và tư vấn cho bệnh nhân

– Hỏi bệnh và thông tin người bệnh (môi trường sống, nghề nghiệp, mong muốn của bệnh nhân …)

– Lượng giá bệnh nhân: Thử bậc cơ, đo tầm vận động khớp

– Tư vấn và hướng dẫn cách sử dụng Nẹp sao cho phù hợp.

Bước 2. Bó bột tạo khuôn cốt âm

– Chuẩn bị nước, bột thạch cao, khu vực bó bột thuận lợi và an toàn cho nhân viên y tế và bệnh nhân

– Đánh dấu các điểm mốc, các điểm chịu lực và điểm tránh chịu lực, đo và ghi lại kích thước số đo trước khi bó

– Tiến hành bó bột cho bệnh nhân, đợi bột khô và cắt tháo bột ra khỏi bệnh nhân

Bước 3. Đổ bột vào cốt âm tạo cốt dương

– Đánh dấu lại các điểm mốc, hàn kín cốt và gia cố bằng băng bột trước khi đổ bột

– Pha bột và đổ bột vào cốt

Bước 4. Nắn chỉnh trên cốt dương

– Đánh dấu lại các điểm mốc, Điểm cần nắn chỉnh.

– Sửa chỉnh cốt dương: Chinh sửa cốt theo tình trạng vai tay của bệnh nhân (phụ thuộc vào từng bệnh nhân và từng trường hợp cụ thể)

Bước 5. Ráp nhựa vào cốt dương bằng máy hút chân không

– Đo và cắt nhựa theo kích thước của nẹp

– Đặt tấm nhựa vào lò nhiệt 220ºC theo thời gian đã định

– Ráp tấm nhựa đã nung mềm lên cốt dương, bật máy hút chân không.

– Vuốt và uốn nhựa theo cốt dương, đợi nhựa nguội

Bước 6. Xác định lại tư thế của góc độ của khớp cổ tay

– Cắt nhựa ra khỏi cốt dương. Xác định góc độ khớp cổ tay, đánh dấu lên nẹp nhựa

Bước 7. Chuẩn bị cho bệnh nhân thử nẹp

– Mài sơ qua trước khi thử, vẽ đường viền nẹp, kiểm tra điểm tỳ đè.

Bước 8. Hoàn thiện nẹp

– Mài mịn đường viền Nẹp, tán dây khoá, điều chỉnh đai cho phù hợp với kích thước.

6.2. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG NẸP VAI – CÁNH – CẲNG – BÀN TAY CÓ NẮN CHỈNH

Người bệnh ở tư thế ngồi thoải mái để thuận tiện cho việc mang nẹp

Bước 1: Đặt cổ bàn ngón tay vào trong nẹp ở tư thế chức năng

Bước 2: Điều chỉnh cẳng tay, khuỷu tay đúng vị trí. Khi bàn tay được đặt đúng trong nẹp, thít chặt dây cố định vùng cổ tay.

Bước 3: Hướng dẫn người bệnh đeo nẹp liên tục để giữ cánh tay ở tư thế chức năng.

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

* Theo dõi người bệnh trong quá trình làm nẹp

* Tái khám

– Định kỳ 3-6 tháng/lần

– Đánh giá kết quả sử dụng của nẹp

– Đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh

– Kiểm tra độ vừa vặn của nẹp

– Kiểm tra tình trạng nẹp nếu dây đai, khóa, đệm lót hỏng do quá trình sử dụng: thay dây đai, khóa, đệm lót, sửa chỉnh cho vừa vặn, phù hợp

* Chỉ định làm mới trong các trường hợp sau:

+ Hết thời gian sử dụng của nguyên vật liệu

+ Thay đổi thiết kế để phù hợp với tiến trình điều trị, phục hồi chức năng của người bệnh

+ Thay đổi thiết kế để phù hợp với thay đổi về thể chất của người bệnh

* Tai biến và xử trí

– Tổn thương da bệnh nhân trong quá trình bó bột và tháo khuôn bột: xử trí tùy theo mức độ tổn thương của người bệnh

– Đau hoặc trầy da, da đổi màu, chai do tỳ đè quá mức tại các điểm cần nắn chỉnh và điểm chịu lực do quá trình sử dụng nẹp: điều chỉnh, thay thế, thay đổi hoặc làm mới nhằm đảm bảo duy trì tốt chức năng hỗ trợ của nẹp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chapter 1 – Atlas of Limb Prosthetics: Surgical, Prosthetic, and Rehabilitation Principles
  2. Atlas of Amputations and Limb Deficiencies, Fourth Edition
  3. SirindhornSchool of Prosthetics & OrthoticsFaculty of Medicine SirirajHospital, MahidolUniversity – Manual 2010.
  4. WHO standards for prosthetics and orthotics, 2017 (ISBN 978-92-4-151248-0).