TIA TỬ NGOẠI
Ultraviolet
Định nghĩa
Tia tử ngoại là một dạng bức xạ ánh sáng mà mắt người không nhìn thấy được, có phổ bước sóng nằm trong khoảng từ 340 đên 180 nm. Tia tử ngoại chỉ chiếm từ 0-4% tổng năng lượng bức xạ mặt trời. Tia tử ngoại chia làm ba loại:
Tử ngoại A (còn gọi là tử ngoại sóng dài), bước sóng λ 340 ÷ 320 nm.
Tử ngoại B (còn gọi là tử ngoại sóng trung), bước sóng λ 320 ÷ 275 nm.
Tử ngoại C (còn gọi là tử ngoại sóng ngắn), bước sóng λ 275 ÷ 180 nm.
Tia tử ngoại do Ritter tìm ra vào năm 1800 khi ông sử dụng lăng kính để tán xạ ánh sáng từ mặt trời và khám phá ra tia tử ngoại, là một thành phần nằm ngoài vùng ánh sáng khả kiến, gần phần ánh sáng màu tím, thông qua sự ghi chép phản ứng xảy ra trên một tấm giấy ảnh (AgNO).
Hình: Ritter dùng lăng kính để tán xạ ánh sảng từ mặt trời và khám phá ra tia tử ngoại nằm ngoài vùng ánh sáng khả kiến, gần phần tia tím thông qua sự ghi chép trên một giấy ảnh AgNO;
Tác dụng sinh lý
– Gây biến đổi sinh hóa học đối với đời sống các loài sinh vật.
– Tác dụng xuất hiện muộn (sau 5-8 giờ) và để lại hậu quả trong một thời gian nhất định.
– Tùy theo độ dài sóng và cường độ bức xạ có thể làm biến đổi cầu trúc các phần tử protein, giải phóng ra các chất sinh học có tác dụng giãn mạch mạnh (histamin) làm tăng tuần hoàn, tăng tính thấm tại chỗ.
-Tạo sắc tố da melanin (pigmentation) làm da sạm đen sau vài lần điều trị; kết hợp hiện tượng dầy sừng hóa biểu bì, làm tăng khả năng chịu bức xạ tử ngoại (phản ứng có tính thích nghi).
– Tăng tổng hợp vitamin D (tạo ra 7 – dehydrocholesterin từ nguồn ergosterol sẵn có trong da) làm tăng khả năng hấp thụ can xi, phospho.
Hình: Sơ đồ tổng hợp vitamin D3
– Với liều nhẹ, có tác dụng kích thích phát triển tổ chức (mô hạt). Với liều mạnh, có tác dụng ức chế phát triển tổ chức hoặc hủy diệt tế bào vi khuẩn (tác dụng sát khuẩn: tử ngoại C/B).
Tia cực tím gây hại cho DNA của sinh vật theo nhiều cách. Một trong những cách phổ biến nhất là tác động vào liên kết giữa 2 đơn phân kế cận thay vì giữa các đơn phân bổ sung trên 2 mạch đối nhau (tạo bậc thang). Kết quả là DNA có một chỗ phình trong cấu trúc và nó không còn có thể thực hiện những chức năng bình thường nữa.
Chỉ định điều trị
– Chống viêm, đặc biệt các viêm cấp tính có phù nề tổ chức mạnh.
– Với liều cực mạnh: gây chết, hoại tử mô và sát khuẩn bề mặt vết thương.
– Với liều nhỏ: kích thích quá trình biểu mô hóa và mô hạt làm vết thương chóng liền sẹo.
– Giảm và cắt đau do viêm dây, rễ thần kinh, đau do viêm khớp.
– Là tia chống còi xương ở trẻ em.
– Tăng cường sức đề kháng, khả năng chịu đựng và thích nghi của cơ thể với môi trường bên ngoài (yếu tố rèn luyện).
Chống chỉ định: Tình trạng suy kiệt, sốt cao, bệnh đang tiến triển (lao phổi, ung thư, viêm gan…) thì không được chiếu toàn thân, viêm da đang chảy nước mạnh, trạng thái mẫn cảm tử ngoại…
Hình thức sử dụng
– Chiếu tại chỗ.
– Chiếu toàn thân: “tắm tử ngoại” (còn gọi là “tắm điện”). Chỉ định cho một số trường hợp để chống còi xương hay làm yếu tố rèn luyện đề dự phòng các đợt dịch, hoặc chống dị ứng, mẩn ngứa da…
Phương tiện và kỹ thuật điều trị
– Đèn tử ngoại thạch anh – thủy ngân:
+ Q-250: công suất nhiệt 250 W.
+ Q-400: công suất nhiệt 400 W.
– Đèn tử ngoại lạnh (tử ngoại sóng ngắn): công suất vài chục watt (không nóng) dùng điều trị cho các xoang, hốc (mũi, họng, tai).
Hình: Đèn tử ngoại dùng trong điều trị
Kỹ thuật chiếu đèn:
– Chiếu tại chỗ: căn cứ vào “Liều sinh học” tử ngoại đề xác định liều chiếu:
+ Chống viêm, chống nhiễm trùng chung: 2-3 liều sinh học (LSH).
+ Kích thích tái tạo mô bị khiếm khuyết (vết thương, loét): 1-2 LSH.
+ Sát khuẩn, ức chế viêm phát triển: 5-10 LSH trở lên (chỉ chiếu 1-2 lần).
– Chiếu toàn thân (tắm tia tử ngoại):
+ Mục đích: chống còi xương, tăng cường sức đề kháng miễn dịch (là yếu tố rèn luyện cơ thể).
+ Liều chiếu: chỉ chiếu dưới 1 LSH (người lớn: 1⁄4 LSH; trẻ em: ⅛ LSH).
+ Khoảng cách chiếu: 100 cm.
Liều sinh học tử ngoại
Liều sinh học (LSH) tử ngoại là cảm ứng cơ sở của cơ thể đối với bức xạ tia tử ngoại. Liều sinh học tử ngoại là thời gian tối thiểu (tính bằng giây/phút) để một đèn tử ngoại đặt cách xa 50 centimet chiểu thẳng góc vào da gây ra được một đỏ da tối thiểu (có rìa rõ nét và phân biệt được về màu sắc với da lành xung quanh).
Cách đo như sau:
+ Sử dụng thước đo liều sinh học tử ngoại Gorbatrev (có khoét 6 ô cửa sổ).
+ Khoảng cách chiếu đèn đến da 50 cm (góc chiếu 90°)
+ Vùng đo: nửa trên ngực hoặc lưng (nơi có cảm ứng da bằng 100%).
+ Thời gian chiếu tính cho 1 ô cửa sổ từ 15 đến 30 hoặc 60 giây.
+ Đọc kết quả sau 24-48 giờ. Đánh giá kết quả bằng cách chọn ô có phản ứng đỏ da mà có bờ rõ nét phân biệt được với màu sắc da lành ở vùng xung quanh.
Cách tính liều chiếu tại chỗ:
– Dựa vào “Liều sinh học” đo được.
– Dựa theo cảm ứng da của từng vùng cơ thể: vùng nửa trên của ngực và lưng cảm ứng 100%; vùng nửa dưới ngực và lưng cảm ứng 50%; vùng đùi, cẳng chân, cánh tay, cẳng tay cảm ứng 25-50%; vùng đầu mặt cổ cảm ứng 10- 25%; da bàn tay, bàn chân cảm ứng 5-10%; da gan bàn tay, gan bàn chân 0-5%.
+ Cách tính cụ thể như sau: nếu liều sinh học đo được là 60 giây (1 LSH ở ngực là 60 giây), thì liều chiếu ở đùi sẽ là 120 giây (cảm ứng 50%), ở cẳng tay, cẳng chân sẽ là 240 giây (cảm ứng 25%)…
Tai biến, tai nạn và biện pháp phòng tránh, khắc phục
– Bỏng tử ngoại: Chủ yếu do chiếu quá liều (quá thời gian quy định).
Nguyên nhân do giải phóng quá mức chất sinh học gây giãn mạch (histamin). Xử trí bằng cách chiếu hồng ngoại liều ấm tại chỗ 15-20 phút đề làm tăng phân tán chất histamin.
Đề phòng tránh các tác dụng không mong muốn do chiếu đèn tử ngoại (giãn mạch rộng, kéo dài) thì diện tích chiếu đèn tại chỗ một lần không được phép quá rộng (trên 1/6 diện tích cơ thể).
– Mẫn cảm tử ngoại: một số bệnh nhân có thể có cảm giác ngầy ngật, mệt mỏi, cần dừng điều trị.
– Chiếu tia tử ngoại vào mắt có thể gây tình trạng viêm giác mạc (cảm giác khô, rát mắt, khó nhắm mở…) nhưng thường nhẹ, vài ngày tự khỏi.
– Nõ, vỡ bóng đèn gây bỏng sâu, rất nguy hiểm.
Chú ý: tuổi thọ bóng đèn suy giảm theo thời gian sử dụng. Thông thường sau 400-500 giờ sử dụng, liều tử ngoại chỉ còn khoảng 1⁄4 so với ban đầu, vì vậy để tiếp tục sử dụng có hiệu quả, cần phải đo xác định lại “Liều sinh học” tử ngoại.
Tham khảo tài liệu bài số 17 và 18 phần 1, sách Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, năm 2010 (bản đầu tiên là 2002).
tia tử ngoại
- Bs Đỗ Thị Thúy Anh chỉnh lý