Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

Hầu và vòm miệng

Chuyên ngành: Giải phẫu, Ngôn ngữ trị liệu

Đại cương

Hầu là ngã tư của đường hô hấp và tiêu hóa. Nếu nhìn một người từ phía trước mặt, ta thấy ngã tư hầu với đường hô hấp gồm mũi ở trên và thanh quản ở phía trước, giao với đường tiêu hóa gồm miệng ở dưới và thực quản ở sau.

Về mặt cấu tạo, hầu là một ống cơ sợi, dài khoảng 12 đến 14 cm. Hầu đi từ nền sọ, ở trên, tới phía dưới, ngang mức đốt sống cổ 6 ở phía sau, và bờ dưới sụn nhẫn ở phía trước. Ở ngang mức dưới này, phía sau, hầu liên tiếp với thực quản.

Chỗ rộng nhất của hầu ở ngay dưới nền sọ, đo được khoảng 3.5 cm, thông với hốc mũi ở phía trước, là tị hầu. Nơi hẹp nhất chính là chỗ tiếp nối với thực quản, khoảng 1.5 cm, và cũng là chỗ hẹp nhất của toàn bộ ống tiêu hóa.

Hình thể trong của hầu

Do liên quan ở trước lần lượt với mũi, miệng và thanh quản, nên khoang hầu được chia thành ba phần: tị hầu, khẩu hầu và thanh hầu.

Tỵ hầu

Là phần hầu nhìn vào ổ mũi ở phía trước. Ổ mũi thì ở phía trên của xương khẩu cái và ngành ngang xương hàm trên. Ổ mũi chia tách với tị hầu bởi lỗ mũi sau. Đầu sau của cuốn mũi giữa và dưới nằm trong lỗ này.

Thành trên của tị hầu là vòm hầu tạo nên bởi mặt dưới thân xương bướm và phần nền xương chẩm. Niêm mạc ở đây có nhiều mô bạch huyết, chạy dài xuống thành sau tạo nên hạnh nhân hầu. Ở trẻ nhỏ khi bị viêm nhiễm, hạnh nhân hầu có thể sùi to và làm cản trở đường thở, tuy nhiên nó thường teo đi sau tuổi dậy thì.

Thành sau đi từ phần nền xương chẩm đến hết cung trước đốt đội tức đốt 1 cột sống cổ.

Thành bên tị hầu có lỗ hầu của vòi tai. Lỗ này ở vị trí cách đều thành trên, thành sau và lỗ mũi sau (1-1.5cm). Phía trên và sau của lỗ hầu này có một gờ lồi do sụn vòi tai đẩy lồi niêm mạc lên. Nếp niêm mạc từ phần dưới gờ này chạy xuống dọc thành hầu, gọi là nếp vòi hầu trong đó có cơ vòi hầu. Phía dưới lỗ này cũng lồi lên do cơ nâng màn khẩu cái đội niêm mạc lên tạo thành gờ cơ nâng.

Khẩu hầu

Trải dài, ở phía trước, từ màn khẩu cái tới bờ trên nắp thanh môn, phía sau ngang đốt sống cổ 2 và 3.

Phần phía trước này có thể chia 2 tầng. Tầng trên mở vào miệng ở eo khẩu- hầu, còn gọi là eo họng. Eo họng được giới hạn bởi cung khẩu cái lưỡi ở 2 bên, lưỡi gà ở trên, và lưng lưỡi ở dưới. Phía sau cung khẩu cái lưỡi là cung khẩu cái hầu. 2 cung này có thể nhìn thấy giống như cáí trụ nhô ra từ phía bên, khi nhìn sâu vào phía sau miệng (há miệng). Vì thế các cung này còn được gọi là trụ trước và trụ sau miệng. Giữa 2 trụ này có hạnh nhân khẩu cái.

Tầng dưới là mặt hầu của lưng lưỡi. Ở đây có hạnh nhân lưỡi. Phía dưới, niêm mạc từ nắp thanh môn lật lên gốc lưỡi ở 3 chỗ, theo chiều trước sau, ở giữa là nếp lưỡi-nắp giữa, và 2 bên là các nếp lưỡi- nắp bên. Nằm giữa các nếp này là 2 thung lũng trên nắp thanh môn.

Màn khẩu cái:

Khẩu cái mềm là một vạt di động, rủ xuống từ bờ sau khẩu cái cứng, dốc xuống dưới và ra sau, ngăn cách tỵ hầu và khẩu hầu. Ranh giới giữa khẩu cái cứng và khẩu cái mềm có thể xác định được bằng cách sờ hoặc dựa vào sự biến đổi màu sắc khổ cái mềm có màu đỏ sẫm hơn và một chút màu vàng nhẹ.

Khẩu cái mềm là một nếp niêm mạc dày, bao bọc trong nó có: một cân, các mô cơ, các mạch máu, các thần kinh, mô bạch huyết và các tuyến niêm mạc. Gần như một nửa chiều dày của nó là mô tuyến niêm mạc, nằm giữa các cơ, và mặt niêm mạc này hướng vào miệng. Niêm mạc mặt miệng được lót bằng biểu mô vảy tầng trong khi niêm mạc mặt mũi được phủ bằng biểu mô trụ có lông. Mặt miệng của khẩu cái mềm có các nụ vị giác.

Ở trạng thái thư giãn, có thể coi mặt trước là mặt miệng của khẩu cái mềm, thì lõm và có một đường đan khẩu cái ở giữa. Mặt sau thì là mặt phía mũi, lồi và liên tiếp với sàn mũi. Bờ trước trên bám vào bờ sau khẩu cái cứng và hai bờ bên thì hòa lẫn với thành bên hầu. Bờ sau dưới thì tự do và treo giữa miệng và hầu. Trên đường giữa của bờ này có một mỏm hình nón gọi là lưỡi gà nhô xuống dưới. 

1/3 trước của khẩu cái mềm chứa ít cơ hơn, và cấu tạo chủ yếu bằng cân khẩu cái. Vùng này ít di động, nằm ngang hơn so với phần còn lại của khẩu cái mềm. Đây là vùng chính chịu tác động của cơ căng màn khẩu cái.

Cân khẩu cái là một tấm sợi mỏng được tạo nên từ các gân tỏa rộng ra của các cơ căng màn khẩu cái. Nó bám vào mặt dưới bờ sau khẩu cái cứng ở sau các mào khẩu cái, và mở rộng vào trong, từ sau các lỗ khẩu cái lớn. Nó dày ở 2/3 trước khẩu cái mềm nhưng rất mỏng ở sau. Ở gần đường giữa nó bao bọc cơ lưỡi gà. Tất cả các cơ khẩu cái khác bám vào cân khẩu cái.

Thanh hầu:

Thanh hầu nằm sau toàn bộ chiều dài của thanh quản, trải dài từ bên trên nắp thanh môn, nơi tiếp giáp với khẩu hầu, tới bờ dưới sụn nhẫn, nơi nó liên tiếp với thực quản. Thành trước thanh hầu là một thành có 2 tầng. Tầng trên chính là lỗ vào thanh quản, còn mặt sau của sụn nhẫn và các sụn phễu nằm ở dưới lỗ này, là tầng dưới. Ở mỗi bên lỗ vào thanh quản có một xoang lê.

Ở trạng thái nghỉ, thành sau thanh hầu trải dài từ mép dưới đốt sống cổ 3 tới trên đốt sống cổ 6. Trong lúc nuốt, nó có thể được nâng lên đáng kể bởi các cơ nâng xương móng.

Lỗ vào thanh quản là một lỗ chếch, được giới hạn bởi bờ nắp thanh môn ở trên, các sụn phễu dưới và các nếp phễu-nắp ở hai bên.

Xoang lê được giới hạn, ở trong bởi nếp phễu nắp, và ngoài bởi sụn giáp và màng giáp móng.

Bài được soạn chủ yếu từ: Giải phẫu người- BM GP- Trường ĐH Y Hà Nội