Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

TỔNG QUAN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRONG CÁC BỆNH THẦN KINH

Chuyên ngành: Chăm sóc người có vấn đề sức khỏe, Phục hồi chức năng

Tổn thương thần kinh có khi là vĩnh viễn nếu neuron vận động bị huỷ hoại hoàn toàn; có khi chỉ là nhất thời nếu neuron chỉ ở trạng thái phù nề, làm ngưng hoạt động trong một thời gian, hoặc nếu sợi trục của neuron bị tốn thương còn có khả năng tái sinh. Những tổn thương này gây ra triệu chứng gọi là tật tiên phát như liệt, tê, co cứng… làm giảm năng lực sinh hoạt của người bệnh. Hơn nữa, những tật tiên phát ấy có thể trở thành nguyên nhân gây ra những tật thứ phát
như co rút và teo cơ nếu người bệnh không được chăm sóc đúng cách. Hậu quả tai hại là người bệnh không thể sử dụng được phần chỉ bị co rút khi chức năng phục hồi trong trường hợp thương tổn nhất thời, hoặc gặp khó khăn khi tập luyện chức năng trong trường hợp tổn thương vĩnh viễn.

I. MỤC ĐÍCH

Mục đích của vật lý trị liệu là phục hồi chức năng cho người bệnh tới mức cao nhất có thể đạt được, để họ có thể hoạt động và sống không phụ thuộc vào người khác.

Để đạt được mục đích trên cần phải:

1. Ngăn ngừa các tật thứ phát.

2. Tập luyện cơ thể để người bệnh có được những cử động hữu hiệu, an toàn và chấp nhận được.

3. Tập luyện phục hồi chức năng để người bệnh sinh hoạt với năng lực còn lại.

II. PHƯƠNG PHÁP

1. Sự co rút và các biến dạng có thể được ngăn ngừa bằng các phương pháp giữ đúng tư thế, vận động thụ động và kéo giãn. Teo cơ là di chứng khó ngăn ngừa hơn, nhất là trong trường hợp tổn thương vận động dưới, vì chỉ có sự vận động chủ động mới ngăn ngừa được.

2. Luyện tập cơ được tiến hành bằng những phương pháp khác nhau phụ thuộc vào loại tổn thương thần kinh.

2.1. Tổn thương vận động trên

Sự tập luyện cơ làm gia tăng hiệu quả co cơ khi neuron vận động hoạt động trở lại. Một mặt, kỹ thuật viên làm giảm co cứng để người bệnh có thể thực hiện các cử động tự ý. Những phương pháp làm giảm co cứng gồm: đắp nước đá, làm cử động thụ động chậm và nhất là các ức chế của Bobath. Đó là những tư thế ngược lại tư thế quan sát thấy ở người bệnh co cứng.

Mặt khác kỹ thuật viên tăng thêm sự hữu hiệu của cử động tự ý, bằng cách dùng các kích thích nông và sâu tạo ra những phản xạ bình thường hoặc bất bình thường để trợ lực những cơ yếu.

Các kích thích thường được dùng gồm:

– Kích thích da: vuốt nhẹ da làm co cơ ở ngay chỗ kích thích.

– Kích thích thụ thể bản thể: cử động thụ động, cử động chủ động, tư thế và đề kháng để có tác dụng tăng cường sự co cơ.

– Kéo cơ giãn: sự co cơ được tăng cường nếu cơ bị kéo giãn trước đó.

2.2. Tổn thương neuron vận động dưới .

Sự tập luyện nhằm tạo ra cử động điều hợp và tăng cường lực cơ. Để tạo ra cử động điều hợp cần hạn chế cử động, tránh luyện tập quá sức và dùng các cử động thay thế trong giai đoạn cơ đang phục hổi, vì một khi cử động đã thành quen thuộc thì khó có thể thay đối được. Khi cơ đã làm được cử động điều hợp, tăng cường lực cơ bằng luyện tập có đề kháng và gia tăng các hoạt động.

3. Tập luyện chức năng có nhiều hình thức khác nhau tuỳ theo giai đoạn phục hồi và loại khiếm khuyết chức năng. Nếu cần tránh cử động thay thế trong giai đoạn cơ đang phục hồi thì trái lại cần tập cho người bệnh dùng những cử động và chức năng không còn hy vọng phục hồi. Người bệnh mất cảm giác cần tập để điều hợp cử động. Người bệnh liệt bán thân, cần tập dùng tay mạnh thay thế tay liệt. Nếu mức độ phục hồi bị hạn chế, người bệnh tập đi cần tập di chuyển với nẹp và nạng hoặc xe lăn.

Trong mọi trường hợp, hoạt động trị liệu là phương pháp rất có ích để tập luyện các động tác của sinh hoạt hàng ngày. Để giúp người bệnh sinh hoạt dễ dàng, nếu cần, kỹ thuật viên phải hướng dẫn họ tìm và sử dụng các dụng cụ thích nghi cần thiết trong đời sống hàng ngày.

III. PHƯƠNG PHÁP LƯỢNG GIÁ NGƯỜI BỆNH

Tất cả người bệnh cần điều trị bằng vật lý trị liệu đều phải được bác sĩ chẩn đoán rõ bệnh tật. Nhiệm vụ của kỹ thuật viên là dùng tác nhân vật lý và các kỹ thuật tập luyện để góp phần điều trị bệnh và phục hồi chức năng. Để làm được nhiệm vụ ấy, kỹ thuật viên phải lượng giá người bệnh cả về chức năng tâm lý và chức năng vận động/ cảm giác trước khi trị liệu.

Người bệnh thần kinh thường bị rối loạn chức năng trên nhiều mặt nên lượng giá phải toàn diện. Tuy nhiên, kỹ thuật viên sẽ tuỳ từng trường hợp mà chỉ chú trọng đến những biểu hiện rối loạn chức năng nào mà vật lý trị liệu có thể cải thiện, hoặc có thể sử dụng như một phương pháp trị liệu.

1. Sự lượng giá người bệnh có thể được tiến hành bằng nhiều cách. Trò chuyện với người bệnh cho ta biết trạng thái tri giác và tâm lý của người bệnh. Đó là những yếu tố có tính quyết định đối với chương trình trị liệu. Rối loạn ngôn ngữ nếu có cũng được phát hiện bằng cách này.

2. Trạng thái sức khoẻ chung của người bệnh có thể được lượng giá một cách khái quát bằng sự quan sát màu da và dáng điệu. Các cử động không tự ý, các tư thế và dáng đi bất thường và các biến dạng khớp cũng có thể dễ dàng nhận thấy bằng quan sát.

3. Nắn cơ và làm cử động thụ động cho biết trạng thái trương lực cơ. Nếu trương lực tăng, cơ có trạng thái cứng và đề kháng lại cử động thụ động. Trái lại, cơ có trạng thái mềm và không đề kháng lại cử động thụ động nếu trương lực cơ giảm.

4. Thử cơ bằng tay là phương pháp lượng giá cơ thông dụng, giúp ta phân loại bậc cơ thành 5 bậc.

5. Để lượng giá trạng thái dinh dưỡng và tuần hoàn, cần đo chu vi các chi để biết mức độ teo cơ và mức độ tiến triển của bệnh. Tìm những vết loét ở những vùng xương không có cơ che chở, triệu chứng phù nề ở cẳng chân và nhất là mắt cá chân. Đo chiều dài các chi và tìm các dấu hiệu sưng khớp hoặc trật khớp ở người bệnh kinh niên.

6. Tầm vận động các khớp cần được đo chính xác trong những trường hợp có biến dạng.

7. Những rối loạn về điều hoà cử động và cân bằng được phát hiện bằng cách cho người bệnh làm động tác chỉ mũi bằng ngón trỏ, đứng chân trước, chân sau, hoặc đứng một chân. So sánh động tác khi người bệnh nhắm mắt và mở mắt.

8. Một số phản xạ bất thường là bệnh lý cần được ghi nhận, vì có thể là trở ngại cho người bệnh hoạt động bình thường. Một số khác có thể được sử dụng như là phương pháp trị liệu.

8.1. Rung giật gân gót

Đặt bàn tay ở lòng bàn chân và đẩy bàn chân cho gấp mặt lưng. Cơ bắp chân sẽ có những nhiễu loạn liên tiếp làm cho bàn chân rung giật. Phản xạ này ngăn cản người bệnh đứng trên bàn chân rung giật.

8.2. Phản xạ nắm

Kích thích lòng bàn tay làm các ngón tay gập lại. Cần tránh gây ra phản xạ này khi tập duỗi các ngón tay.

8.3. Phản xạ trương lực cổ không đối xứng.

Khi đầu xoay sang một phía, nhóm cơ gập phía sọ và nhóm cơ duỗi phía mặt tăng trương lực. Ứng dụng vào trị liệu: quay đầu người bệnh về phía mà kỹ thuật viên muốn tăng cường cơ 3 đầu cánh tay.

8.4. Phản xạ thu hồi hay phản xạ gập

Gập mạnh các ngón chân sẽ làm cho ba khớp cổ chân, gối và háng gấp lại. Có thể ứng dụng phản xạ này để tập nhóm cơ gấp khớp háng bị yếu.

9. Những rối loạn về cảm giác như đau, tê (mất cảm giác đau và nóng lạnh) và nhất là mất cảm giác tư thế, có ảnh hưởng rất. quan trọng đối với chương trình trị liệu.

Khi lượng giá cảm giác, phải nhớ che mắt người bệnh.

10. Thị giác và thính giác của người bệnh bị tổn thương não cần được đánh giá mới có thể chọn phương pháp trị liệu thích hợp với từng người.

Việc lượng giá người bệnh đem lại những yếu tố cần thiết dùng làm cơ sở cho trị liệu. Việc làm này cần được tiến hành kỹ lưỡng và chính xác, nhưng không nên phí thì giờ với những chi tiết không cần thiết cho vật lý trị hiệu. Kỹ thuật viên nên nhớ rằng, mục đích của mình khi khám bệnh không phải là chẩn đoán xác định, mà là lượng giá người bệnh để có thể trị liệu với kết quả tốt. `