Tính chuyên nghiệp trong thực hành y khoa
-
Khái niệm tính chuyên nghiệp trong y khoa
Theo Hiệp hội các Trường Y Hoa Kỳ (Association of American Medical Colleges), tính chuyên nghiệp “là khả năng hiểu bản chất và thể hiện hành vi ứng xử có đạo đức và chuyên nghiệp trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ. Điều này bao gồm sự tôn trọng, trách nhiệm giải trình, sự xuất sắc và học thuật, sự chính trực, lòng vị tha, năng lực văn hoá, lãnh đạo, sự quan tâm và lòng trắc ẩn, tính bảo mật” [1]
Theo Hội đồng Chuyên khoa Y tế Hoa Kỳ (American Board of Medical Specialties), “tính chuyên nghiệp trong y khoa là một hệ thống niềm tin trong đó các thành viên tuyên bố với nhau và với cộng đồng những tiêu chuẩn và giá trị đạo đức mà họ cam kết tuân thủ trong công việc và những gì mà cộng đồng và mỗi người bệnh có thể mong đợi từ cán bộ y tế” [2] Năm 2006, Trường Y Hoàng Gia ở Anh định nghĩa tính chuyên nghiệp là “tập hợp những giá trị, hành vi và mối quan hệ làm nền tảng cho sự tin tưởng của công chúng vào thầy thuốc” [3]
-
Tầm quan trọng của tính chuyên nghiệp trong thực hành y khoa
Đã có những bằng chứng cho thấy hành vi không chuyên nghiệp của nhân viên y tế có liên quan đến tỷ lệ các sai sót y khoa, tỷ lệ tử vong và các tác dụng không mong muốn trên người bệnh. [4]
Tính chuyên nghiệp cung cấp nền tảng cho thực hành chăm sóc sức khỏe an toàn, hiệu quả và có đạo đức. Vai trò chính của thầy thuốc là cứu chữa. Khi tiếp xúc với một người bệnh, chúng ta xem xét hành động chữa lành đúng và tốt cho người bệnh đó trong hoàn cảnh cụ thể của họ. Một hành động chữa lành đúng được cung cấp thông qua các bằng chứng khoa học và lâm sàng. Trong khi đó, một hành động tốt quan tâm đến ý kiến của người bệnh và dựa vào ưa thích của họ để cân nhắc và thích ứng với nhận định lâm sàng. Như vậy chúng ta không chỉ quan tâm đến việc “người bệnh có vấn đề gì không?” (qua xem xét bệnh sử, tiền sử, khám thực thể, kết quả xét nghiệm và dữ liệu khác) và “có thể làm gì cho người bệnh?” (qua bằng chứng khoa học và bao gồm các phương pháp điều trị ) mà chúng ta còn cần đặt 1 câu hỏi thận trọng “Nên làm gì cho người bệnh này?” để có thể đưa ra sự lựa chọn tốt nhất cho họ [5]. Để làm được điều này, chuyên gia y tế không chỉ đơn thuần có năng lực chuyên môn tốt mà còn cần trau dồi nhiều kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm, vận động cho người bệnh, nghiên cứu và kỹ năng lãnh đạo.
Tính chuyên nghiệp ưu tiên đặt lợi ích và sức khỏe của người bệnh vào trung tâm trong tất cả các quyết định và hành động lâm sàng. Đó là một khái niệm thay đổi năng động dựa trên các giá trị nghề nghiệp và vai trò đức tính tôn trọng bản thân và người khác, lòng trắc ẩn, tự nhận thức, trung thực, liêm chính, trách nhiệm và cam kết cải tiến liên tục và tự điều chỉnh.
Mỗi nghề nghiệp yêu cầu sự tập hợp và ứng dụng của một khối kiến thức và kỹ năng. Các cá nhân trong một nghề nghiệp được liên kết với nhau bởi cam kết chung. Trong ngành Y, các bác sĩ tự quản lý bản thân thông qua các hội đồng chuyên môn của ngành, của bệnh viện và trong tương lai có thể là Hội đồng Y khoa quốc gia và các nhóm đánh giá thuộc các ban ngành liên quan. Cũng như các nghề nghiệp khác, nghề Y cũng đáp ứng theo kỳ vọng của xã hội đối với Y học là: các dịch vụ y tế có năng lực được đảm bảo, có tính vị tha, chính trực, đạo đức, trách nhiệm giải trình, minh bạch, đưa ra các khuyến nghị khách quan và thúc đẩy lợi ích công cộng. Việc thừa nhận những kỳ vọng này là rất quan trọng vì chúng là cơ sở của một loạt các nghĩa vụ cần thiết để duy trì nghề y như một nghề.
-
Chuẩn năng lực của tính chuyên nghiệp qua những hành vi cụ thể Theo quy định của các Hiệp hội Y khoa thế giới
Năm 1999, “Hội đồng kiểm định các chương trình giáo dục Y khoa sau đại học Hoa Kỳ” (Accreditation Council for Graduate Medical Education) đã đưa ra các năng lực chung, áp dụng cho mọi chuyên ngành, cần phải đạt được khi tốt nghiệp. Một trong sáu năng lực này là tính chuyên nghiệp [6]. Sinh viên y khoa thực hành chuyên môn trong bệnh viện phải thể hiện cam kết thực hiện những trách nhiệm nghề nghiệp, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và nhạy cảm với quần thể người bệnh đa dạng. Sinh viên được mong đợi sẽ: (1) Thể hiện sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự liêm chính; đáp ứng được nhu cầu của người bệnh và xã hội; có trách nhiệm giải trình với người bệnh, xã hội và nghề nghiệp; cam kết về sự xuất sắc và sự phát triển liên tục về chuyên môn: (2) Thể hiện cam kết về các nguyên tắc đạo đức liên quan đến việc cung cấp hoặc từ chối chăm sóc lâm sàng, bảo mật thông tin của người bệnh, sự đồng ý của người bệnh và thực hành nghề nghiệp; (3) Thể hiện sự nhạy cảm và đáp ứng với người bệnh phù hợp với văn hóa, tuổi, giới tính và tình trạng khuyết tật.
Năm 2002, Hiến chương thầy thuốc đã được ra đời bao gồm những tính chuyên nghiệp Y khoa trong thiên niên kỷ mới [7] . Hiến chương được xây dựng bởi Hội đồng Nội khoa Hoa Kỳ (American Board of Internal Medicine, Hiệp hội Bác sĩ Hoa Kỳ (American College of Physicians) và Liên đoàn Nội khoa Châu Âu (European Federation of Internal Medicine), sau đó đã được chấp nhận bởi nhiều tổ chức ngành Y khác. Hiến chương xác định ba nguyên tắc cơ bản của tính chuyên nghiệp: Thứ nhất, (1) Đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết. Nguyên tắc này tập trung vào lòng vị tha, niềm tin và quyền lợi của người bệnh. Điều lệ quy định rằng các yếu tố thị trường, áp lực xã hội và các vấn đề hành chính không được cản trở nguyên tắc này. Nguyên tắc thứ hai, (2) Tôn trọng quyền tự quyết của người bệnh. Nguyên tắc này kết hợp sự trung thực với người bệnh và nhu cầu giáo dục và trao quyền cho bệnh nhân đưa ra quyết định y tế phù hợp. Nguyên tắc thứ ba, (3) Công bằng xã hội. Nguyên tắc này đề cập đến cam kết xã hội của thầy thuốc và công bằng trong phân phối các nguồn lực chăm sóc. Bác sĩ cần xem xét các nguồn lực sẵn có và nhu cầu của tất cả bệnh nhân trong khi chăm sóc từng bệnh nhân. Hiến chương cũng liệt kê 10 cam kết trách nhiệm nghề nghiệp về tính chuyên nghiệp, gồm:
– Cam kết năng lực chuyên môn
– Cam kết trung thực với người bệnh
– Cam kết bảo mật bảo mật thông tin cho người bệnh
– Cam kết duy trì mối quan hệ phù hợp với người bệnh
– Cam kết nâng cao chất lượng chăm sóc
– Cam kết cải thiện tiếp cận với dịch vụ chăm sóc
– Cam kết phân phối công bằng các nguồn lực hữu hạn
– Cam kết kiến thức khoa học
– Cam kết duy trì lòng tin bằng cách quản lý xung đột lợi ích
– Cam kết trách nhiệm nghề nghiệp
Chuẩn năng lực tính chuyên nghiệp cho sinh viên Y khoa tại Việt Nam
Năm 2015, Bộ Y tế ban hành chuẩn năng lực của Bác sĩ đa khoa (1854/QĐ-BYT) [8], bao gồm 3 lĩnh vực lớn, trong đó có NĂNG LỰC HÀNH NGHỀ CHUYÊN NGHIỆP với 4 tiêu chuẩn và 22 tiêu chí như sau:
Tiêu chuẩn 1. Hành nghề phù hợp với bối cảnh văn hóa xã hội và điều kiện thực tế.
Tiêu chí 1. Tôn trọng về điều kiện kinh tế, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa của mỗi vùng và của mỗi cá nhân.
Tiêu chí 2. Sẵn sàng thực hiện độc lập và phối hợp các hoạt động chăm sóc sức khỏe liên ngành, đa ngành, cam kết làm việc dựa trên quy tắc đạo đức và pháp lý và chịu trách nhiệm về các quyết định xử trí chuyên môn của mình.
Tiêu chí 3. Thể hiện được tâm huyết với quyết định lựa chọn nghề nghiệp của bản thân bằng cam kết làm việc theo các tiêu chuẩn thực hành tốt và duy trì chuẩn mực chuyên môn, đạo đức, văn hóa ở mức độ cao nhất.
Tiêu chí 4. Tiếp cận người bệnh và những vấn đề sức khỏe cộng đồng một cách khoa học, thấu đáo, trung thực, trách nhiệm, thông cảm, vị tha và yêu thương.
Tiêu chí 5. Ủng hộ nguyên tắc mọi thành phần trong xã hội được quyền tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt. Tiêu chí 6. Coi trọng việc kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền.
Tiêu chí 7. Phát huy vai trò và hình ảnh của người bác sĩ, giá trị nghề bác sĩ trong ngành y tế và xã hội qua năng lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện trách nhiệm xã hội với tác phong chuyên nghiệp, lối sống lành mạnh và văn hóa giao tiếp, ứng xử tốt.
Tiêu chuẩn 2. Hành nghề theo tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp
Tiêu chí 1. Chịu trách nhiệm cá nhân đối với việc ra quyết định và can thiệp chăm sóc sức khỏe người bệnh, cộng đồng.
Tiêu chí 2. Luôn đặt sự an toàn, quyền lợi của người bệnh làm trung tâm. Nhận biết các nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh trong chăm sóc người bệnh.
Tiêu chí 3. Thực hành nghề y trong phạm vi chuyên môn được cấp phép, tuân thủ các quy định nghề nghiệp và phù hợp với điều kiện sức khỏe.
Tiêu chí 4. Giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án. Chỉ được phép công bố thông tin khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị với những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.
Tiêu chí 5. Nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y học
Tiêu chuẩn 3. Hành nghề theo quy định của pháp luật
Tiêu chí 1. Hành nghề theo các quy định pháp lý của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia.
Tiêu chí 2. Tuân thủ quy định, quy tắc, văn hóa giao tiếp ứng xử của nơi làm việc.
Tiêu chí 3. Báo cáo các hành vi vi phạm trong chuyên môn, hành nghề với cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân với những báo cáo đó.
Tiêu chí 4. Áp dụng cách tiếp cận dựa trên tính pháp lý và đạo đức trong việc sử dụng thích hợp các nguồn lực chăm sóc y tế.
Tiêu chuẩn 4. Học tập suốt đời cho phát triển cá nhân và nghề nghiệp
Tiêu chí 1. Tự đánh giá và sử dụng các nguồn thông tin phản hồi về công việc của bản thân một cách hệ thống, thường xuyên, có cơ sở khoa học. Xác định rõ nhu cầu thực tế công việc, mục tiêu, nguyện vọng phát triển nghề nghiệp, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.
Tiêu chí 2. Lập kế hoạch và tham gia các hoạt động học tập, phát triển nghề nghiệp sử dụng các nguồn lực hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, sáng tạo.
Tiêu chí 3. Sẵn sàng tham gia các hoạt động đào tạo phù hợp với năng lực khi được yêu cầu. Hỗ trợ nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp cho đồng nghiệp.
Tiêu chí 4. Có khả năng sử dụng tiếng Anh và/hoặc các ngôn ngữ khác trong học tập, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp.
Tiêu chí 5. Thu thập, đánh giá và sử dụng được các thông tin y học giá trị và đáng tin cậy trong nước và nước ngoài trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Tiêu chí 6. Tiếp cận các lưu trữ và hồi cứu các thông tin lâm sàng trong hồ sơ bệnh án (giấy và điện tử), thư viện, các nguồn thông tin trực tuyến một cách phù hợp, đầy đủ, chính xác đảm bảo tính bảo mật và tính pháp lý.
Từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021, nhóm chuyên gia kỹ thuật của 5 Trường Đại học Y Dược (Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Huế) đã làm việc và đưa ra đồng thuận về 13 thuộc tính của tính chuyên nghiệp cần được giảng dạy tại Việt Nam bao gồm: Tôn trọng, trung thực/liêm chính, lòng vị tha, trách nhiệm/chịu trách nhiệm, sự xuất sắc và học thuật, thấu cảm, bảo mật, giao tiếp cho và nhận phản hồi, tư duy phản biện, tự phản ánh, quản lý thời gian, cân bằng cuộc sống, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề [9]. Ngoài ra, các Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và Huế đề xuất thêm kỹ năng lãnh đạo và năng lực văn hoá. Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và Thái Nguyên đề xuất thêm kỹ năng giải quyết vấn đề. Hành vi mong đợi và không mong đợi của từng thuộc tính cũng được mô tả để thuận tiện cho việc quan sát và lượng giá sinh viên y khoa như bảng dưới đây:
Xem bản gốc ở dưới.
-
Kết luận
Tính chuyên nghiệp là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định cho thực hành y khoa tốt. Vai trò đa chức năng của chuyên gia y tế đòi hỏi sự chuyên sâu và đặc thù đối với tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp là một thành phần quan trọng trong giao ước mặc định của cộng đồng chuyên môn đối với xã hội. Yêu cầu này đòi hỏi cán bộ y tế không chỉ cần đưa ra được các quyết định tốt cho bệnh nhân của mình dựa trên bằng chứng mà chúng ta cần áp dụng những quyết định đó theo cách chuyên nghiệp và giúp ích được nhiều nhất cho người bệnh. Trong tư cách là chủ tịch Hiệp hội các Trường Y khoa Hoa Kỳ, Jordan Cohen, đã phát biểu : “Người thầy thuốc chuyên nghiệp được xác định không chỉ bởi những gì họ phải biết và làm, mà quan trọng nhất là bởi ý thức sâu sắc về những gì liên quan tới nghề nghiệp và bản thân người thầy thuốc”.10 Các thuộc tính và biểu hiện của tính chuyên nghiệp cần được phổ cập rộng rãi đến những người thực hành nghề và cần được thiết kế giảng dạy ở tất cả các cấp đào tạo khác nhau trong giáo dục y khoa tại Việt Nam.
Bài gốc
- BS Đỗ Thị Thuý Anh