TIẾP CẬN TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI- phần 2
XÂY DỰNG MỐI TƯƠNG TÁC THAM VẤN TRỊ LIỆU
Trong tham vấn và trị liệu tâm lý, cách thức mà chúng ta giao tiếp, xây dựng mối tương tác với thân chủ chiếm một vị trí rất lớn, nó diễn ra liên tục và xuyên suốt cả một quá trình làm việc, nó có thể bắt đầu ngay từ giây phút thân chủ có thông tin về bạn. Trong công việc tham vấn và trị liệu tâm lý, chúng ta không chỉ quan tâm đến kiến thức mà còn cần thường xuyên trau dồi kỹ năng.
Các kiến thức và kỹ năng tham vấn cần thường xuyên được học hỏi, rèn luyện và áp dụng, đôi khi chúng ta xem nhẹ nó hay không quan tâm đến nó dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng mối tương tác giữa nhà tham vấn và thân chủ trong việc hỗ trợ tâm lý và quản lý sức khỏe tinh thần. Đây là kinh nghiệm và là bài học lớn mà những nhà chuyên môn thường hay nhắc nhở những cộng sự, những người mới bắt đầu làm việc trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, những phản hồi thông tin từ phía thân chủ cũng hết sức cần thiết, giúp cho nhà tham vấn hay trị liệu biết cách điều chỉnh và nâng cao năng lực nghề nghiệp của chính mình.
“Gần đây có nhiều bài báo và tài liệu mà tôi đọc, có bác sĩ viết rằng trị liệu tâm lý không có ích gì cho bệnh nhân tâm thần phân liệt cả. Làm thế nào mà ông ta đưa ra tuyên bố như vậy mà không tính đến quan điểm của tôi, một người ngồi ở đây, tại góc này, người đã tìm thấy nhiều sự hỗ trợ, sự hiểu biết và sự chấp nhận từ nhà trị liệu của tôi? Marianne không ngại ngần đồng hành cùng tôi, đi cùng tôi suốt quãng thời gian khó khăn của tôi. Cô lắng nghe tôi khi tôi cần tống ra ngoài những suy nghĩ chứa đầy trong tâm trí tôi. Cô đưa ra ý kiến cố vấn khi tôi gặp khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Cô nhìn nhận tôi như một con người chứ không phải là một cơ thể đang thử nghiệm các loại thuốc trong phòng thí nghiệm. Trị liệu tâm lý rất quan trọng đối với tôi và nó thật sự có ích”. (McGrath, 1987)
Lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận thân chủ như là một con người đang gặp khó khăn về mặt tâm lý, đang cần sự hỗ trợ và giúp đỡ để vượt qua khó khăn và các thử thách trong cuộc sống, là những kỹ năng cần có, là cả trái tim và là tấm lòng của nhà tham vấn, nhà trị liệu tâm lý đang làm việc với thân chủ. Nó là chìa khóa để mở cửa tâm hồn thân chủ, là phương tiện để đưa bạn đến gần với thân chủ, nó là chất xúc tác làm nên sự thành công của việc áp dụng hướng tiếp cận trị liệu hay liệu pháp tâm lý để làm việc với thân chủ.
Có thân chủ làm việc hơn 15 buổi điều trị rối loạn lo âu, trong phần lượng giá đã chia sẻ với nhà tham vấn rằng: Em đã nghe, đã gặp một số người, em đã tham gia nhiều lớp huấn luyện về kỹ năng, họ cũng chia sẻ những điều như làm “chủ bản thân” hay “hãy là chính bạn”, biết là như vậy nhưng em không tin những gì họ nói, em thấy nó sáo rỗng quá. Riêng khi cô nói, cô giải thích, em tin, em tin đó là thật, nó đem đến cho em niềm hy vọng, em tin đó là điều mà em có khả năng đạt tới, nó nằm trong tầm tay của em!”.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà thân chủ có thể đến với bạn, cam kết làm việc với bạn để bạn có thể đồng hành cùng họ, đi cùng họ trong một chặng đường dài để giúp họ vượt qua các khó khăn tâm lý và bệnh tật? Điều này không nằm ngoài khuôn khổ của kỹ năng, kiến thức, tâm huyết và cả nhân cách của một nhà tham vấn, nhà trị liệu tâm lý.
Nghề tham vấn, trị liệu tâm lý là một nghề không giống như những nghề khác, có nhiều công cụ, máy móc, phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ. Nghề tham vấn, nghề trị liệu tâm lý “công cụ của chúng ta chính là nhân cách của chúng ta”, toàn bộ những gì mà chúng ta có là một con người đang tương tác với con người dựa trên kỹ năng, kiến thức, sự trải nghiệm. Điều mà tôi muốn nói đó là làm thế nào để có thể tương tác với thân chủ, giúp thân chủ chữa lành vết thương tâm lý trong khi chúng ta thiếu phương tiện hỗ trợ. Một bác sĩ y khoa cần có ống nghe để thăm khám, cần có máy móc để chụp X quang, chụp CT, Scan não, cần có phòng lab để làm thí nghiệm, cần có thuốc để điều trị. Còn chúng ta, chúng ta có gì và cần gì?
Các điều kiện cần có
Cơ sở vật chất: Xét về cơ sở vật chất chúng ta cần có một phòng tham vấn đủ yên tĩnh để trò chuyện, hai cái ghế và một cái bàn nhỏ, chúng ta cần bộ hồ sơ thân chủ đã được mã hóa, chúng ta cần vài bộ câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra đánh giá, một cuốn tập, một cây viết, còn gì nữa? Cơ bản về vật chất chúng ta chỉ cần những thứ như vậy, nhưng quan trọng nhất là điều kiện đủ để trở thành một nhà tham vấn, một nhà trị liệu tâm lý là gì?
Kiến thức: về kiến thức chuyên môn, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, một người tốt nghiệp có bằng cử nhân về tâm lý, cử nhân tâm lý lâm sàng, có thể làm tham vấn tâm lý, huấn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng sống, hỗ trợ tâm lý cho các vấn đề cá nhân. Một người làm công việc tư vấn về sức khỏe tinh thần cần có ít nhất bằng thạc sĩ, thạc sĩ tham vấn tâm lý, thạc sĩ tâm lý, thạc sĩ tâm lý lâm sàng, thạc sĩ công tác xã hội lâm sàng, bác sĩ tâm thần, những người được huấn luyện chuyên sâu về sức khỏe tinh thần, các lý thuyết chuyên sâu về tham vấn trị liệu tâm lý. Ở mức độ này các chuyên gia làm việc, áp dụng một số lý thuyết nền tảng như: Trị liệu gia đình hệ thống, liệu pháp phân tâm mới, liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp hỗ trợ…
Kỹ năng: Kỹ năng tham vấn tâm lý là các kỹ thuật mà nhà tham vấn tâm lý, nhà trị liệu tâm lý áp dụng để xây dựng tương tác với thân chủ, xây dựng niềm tin ở thân chủ, giúp thân chủ cảm nhận rằng họ đang ở trong một môi trường an toàn để nói chuyện với tham vấn viên, những vấn đề thầm kín nhất họ chia sẻ sẽ không bị lộ thông tin, không bị đánh giá, lên án hay trừng phạt, họ nhìn thấy rằng họ được chấp nhận, được tôn trọng, được bộc lộ và nhận được sự hỗ trợ. Đó là những kỹ năng trợ giúp, cho thân chủ hiểu và cảm nhận rằng họ được giúp để tự đứng lên, tự chịu trách nhiệm và giải quyết vấn đề của chính họ.
Hệ thống các kỹ năng cần có
Có rất nhiều kỹ năng cần có cho một nhà tham vấn và trị liệu làm việc với thân chủ như: Kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng quan sát… Trong giới hạn của tài liệu, dưới quan điểm của nhận thức hành vi và kinh nghiệm của bản thân, tôi sẽ chia sẻ 4 kỹ năng cơ bản, quan trọng và cần thiết.
Kỹ năng lắng nghe hiệu quả
Xây dựng và phát triển kỹ năng lắng nghe để hiểu thân chủ, hiểu đúng ý nghĩa và thông điệp mà họ muốn truyền tải hay chia sẻ, từ đó có thể phản ứng trở lại một cách thích hợp. Lắng nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng nó không dễ dàng chút nào. Trước hết đòi hỏi nhà chuyên môn có một đôi tai có thể thực hiện đầy đủ chức năng nghe của mình như không bị điếc, không bị lãng tai… và lắng nghe thân chủ biểu đạt cả bằng ngôn ngữ bằng lời và ngôn ngữ không lời, giúp cho việc giao tiếp đạt hiệu quả.
– Lắng nghe những từ ngữ được nói ra. Ngôn ngữ bằng lời là những gì họ nói, ngôn ngữ không lời là những gì họ thể hiện qua nét mặt, qua dáng ngồi, qua tư thế ngồi, qua sự dịch chuyển mắt, qua cách cử động đôi bàn tay, đôi bàn chân… Lắng nghe ngôn ngữ bằng lời theo từng cung bậc khác nhau nghe câu, từ được nói ra, ví dụ: “Tôi phải đi đến trường”; nghe từ nói ra cộng với âm điệu của nó như to hay nhỏ, nhấn mạnh hay không nhấn mạnh và nhấn mạnh ở những từ nào, ví dụ: “Tôi phải đi đến trường”, “Tôi phải đi đến trường” hoặc “Tôi phải đi đến trường” hay “Tôi phải đi đến trường?” (lên giọng ở cuối câu).
– Lắng nghe ngôn ngữ không lời: Là những gì thân chủ thể hiện qua dáng điệu, nét mặt, ánh mắt, chính là ngôn ngữ cơ thể của họ.
– Lắng nghe những ngôn ngữ không lời phối hợp với ngôn ngữ bằng lời thông qua việc nghe từ nói ra cộng với dáng điệu cơ thể của họ, ví dụ: Một người vừa nói: “Tôi phải đến trường” vừa thể hiện cái bĩu môi dài, hoặc vừa chống tay lên hông, hay vừa nói vừa cúi đầu gằm mặt xuống đất, hay vừa kết thúc câu “Tôi phải đến trường” đồng thời chu miệng và nhăn mặt, hay kết thúc với một hơi thở dài.
– Lắng nghe ý nghĩa của câu, của từ được nói ra, hay thông điệp được ẩn chứa đằng sâu câu nói hay cách thể hiện đó, đây là một bước cao, đòi hỏi sự tập trung chú ý, sự nhạy cảm và khả năng phân tích của chuyên gia. Ví dụ, khi một thân chủ kể về cuộc đời bị vùi dập đau khổ của mình với một giọng đều đều, thỉnh thoảng cười và kết thúc bằng một câu nói: “Đúng là cuộc đời” với một cái nhún vai. Nếu như phân tích bằng cách lắng nghe thân chủ ở cấp độ một và hai, chúng ta thấy có gì đặc biệt ở thân chủ? Thân chủ cười có phải là thân chủ đang vui, thân chủ nhún vai có phải thân chủ thể hiện thông điệp bất cần? Thân chủ nói giọng đều đều có phải thân chủ đang kể chuyện của một ai đó? Nếu là anh chị, anh chị sẽ phân tích như thế nào, thông điệp mà thân chủ thật sự muốn đưa ra là gì?
Lắng nghe ở cấp độ này còn có yêu cầu nhiều hơn thế, đó là lắng nghe cảm xúc của thân chủ: Khi nhà tham vấn, nhà quan sát nhận ra được thông điệp của thân chủ, nhà tham vấn sẽ phản hồi bằng cách nói: “Sau khi nghe chị nói, nghe chị kể về cuộc đời, thỉnh thoảng chị mỉm cười và nói là “Đúng là cuộc đời!”, đằng sau cái thể hiện đó, tôi nghe được rằng chị đang làm hết khả năng của mình để đè nén nỗi đau xuống, chị muốn giấu kín nó vào trong lòng, muốn mình mạnh mẽ và vững chãi, không muốn người khác nhìn thấy nó! Khi nghe đến đây thân chủ gật đầu và bật khóc, nhà tham vấn dừng nói, để một khoảng lặng, khoảng lặng “kim cương” đủ để cho thân chủ bộc lộ ra bên ngoài những gì bị đè nén, bị dồn ép bên trong việc lắng nghe được các cảm xúc như vui buồn, đau khổ, giận hờn, căng thẳng, lo âu mà thân chủ bộc lộ, chia sẻ và mang đến cho nhà tham vấn sẽ giúp cho mối quan hệ giữa nhà than vấn và thân chủ trở nên gần gũi, hiểu biết, đều thấu cảm và hỗ trợ cho thân chủ.
Trong công việc của mình và trong tâm lý chung của con người tôi hiểu rằng không dễ gì trong một hay hai buổi tham vấn mà thân chủ có thể chia sẻ những bí mật riêng tư của họ cho bạn, họ không biết bạn là ai, bạn là người như thế nào và liệu thông tin họ chia sẻ với bạn có được bảo mật hay không? Thậm chí họ biết về bạn thông qua một lời giới thiệu của ai đó, họ vẫn muốn tận mắt nhìn và được nói chuyện trực tiếp với bạn. Những câu hỏi tôi thường hỏi thân chủ đó là: Làm thế nào mà anh chị biết đến tôi, biết đến phòng tham vấn này? Anh chị mong đợi điều gì khi đến đây? Cũng có những thân chủ họ đã dành thời gian đi gặp rất nhiều nhà tâm lý, nhiều nhà tham vấn trong thành phố. Họ đến gặp người này một hoặc hai lần, họ ngưng và tiếp tục đi tìm người khác. Việc đi gặp nhiều chuyên gia như vậy không ngoài mục đích tìm người mà họ cho rằng hiểu được vấn đề của họ, phù hợp đón nhận chia sẻ của họ và có thể giúp họ vượt qua được những khó khăn mà họ gặp phải.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn cần có về kỹ năng thì làm cách nào để giúp cho nhà tham vấn có thể rút ngắn khoảng cách, xây dựng mối tương tác và niềm tin ngay từ những buổi tham vấn đầu tiên? Đó chính là việc rèn luyện kỹ năng và trong đó kỹ năng lắng nghe như đã đề cập ở trên là kỹ năng cơ bản nhất. Khi nhà tham vấn tâm lý xây dựng được kỹ năng lắng nghe một cách hiệu quả, đó là tiền đề cơ bản giúp cho họ xây dựng và phát triển các kỹ năng khác như: Kỹ năng thấu cảm, mối quan hệ cộng tác, quản lý bản thân…
Thấu cảm
Là nền tảng cho tất cả tham vấn và trị liệu tâm lý. Là chìa khóa để bạn mở cửa tâm hồn thân chủ. Thấu cảm là khả năng cảm thông, thấu hiểu thân chủ cả về mặt nhận thức và xúc cảm tinh cảm. Sự thấu cảm thể hiện qua hai hình thức là thấu cảm nhận thức và thấu cảm tâm trạng.
Đoàn, 22 tuổi, sang Mỹ du học. Em đang học cao đẳng ngành cộng đồng được khoảng 1 năm thì em quyết định quay trở về nước để chữa bệnh. Trong khoảng thời gian bên Mỹ, em sống chung với gia đình người bác, ngoài giờ học, Đoàn phụ bác gái việc nhà, chơi với cháu – con của chị họ, giúp bác trai làm bài tập Anh văn. Sống với gia đình bác được một thời gian, Đoàn cảm nhận sự bất an, hoảng loạn, lo sợ và căng thẳng, cảm nhận bác trai yêu thương nhưng bệnh tật và không có quyền lực gì trong gia đình, anh chị họ đi làm thường xuyên, ở nhà có cháu nhỏ chơi với cháu nhưng cháu thỉnh thoảng cũng nghịch ngợm, phá phách; người mà Đoàn gặp thường xuyên đó là bác gái. Mọi khi gặp mặt nói chuyện hay bác sai bảo việc gì Đoàn cảm thấy rất căng thẳng, hốt hoảng và sợ hãi, cho đến một ngày em phát bệnh, đi bệnh viện Bác sĩ bảo em bị rối loạn lo âu và căng thẳng, cần thời gian, không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Em được chuyển sang sống ở phòng trọ, ở đây ngoài giờ học quay trở về phòng đối diện với bốn bức tường, không có người thân, em sợ hãi nghĩ về những nguy hiểm có thể xảy ra đối với mình. Sau đó, gia đình quyết định đưa em về Việt Nam để chữa trị. Khi được sống gần gũi gia đình người thân, được điều trị, em khỏe mạnh trở lại. Thế rồi, mong muốn được đi du học, được đến một đất nước mà nơi đó em có thể rèn luyện tiếng Anh, nói chuyện tiếng Anh với người bản xứ lại thôi thúc em và em quyết chí ra đi một lần nữa. Lần này, sang Mỹ được một thời gian ngắn thì cảm xúc lo âu sợ hãi căng thẳng lại xuất hiện trở lại, em quyết định quay trở về Việt Nam. Trở về Việt Nam, mặc dù được học trong một môi trường quốc tế nhưng em vẫn có cảm xúc hối tiếc, luôn trách mắng bản thân là người “không có ý chí, không có nghị lực, là đứa né tránh khó khăn, rồi không biết tương lai sẽ như thế nào”. Em sợ người khác đánh giá và phán xét em là đứa thất bại, em tránh gặp những người hàng xóm của mình.
Thấu cảm tâm trạng có thể được bộc lộ qua sự phản ứng cảm xúc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Sự phản ứng trực tiếp có thể thể hiện qua câu nói “Bạn nhận thấy nó rất đau!” hay “Tôi cảm nhận bạn đang rất căng thẳng”. Phản ứng gián tiếp có thể là: “Một vài người có thể cũng sẽ đau nếu bị như vậy” hay “Nếu tôi ở trong hoàn cảnh của bạn tôi cũng sẽ cảm thấy rất đau!”
Trong trường hợp của Đoàn, nhà tham vấn thể hiện sự thấu cảm cảm xúc trực tiếp thông qua phản ứng: “Nghe em chia sẻ, chị cảm nhận em cảm thấy căng thẳng khi đối mặt với bác gái!”, “Chị cảm nhận sự cô đơn của em khi một mình chống chọi với bệnh tật khi không có người thân bệnh cạnh!” và “Chị cảm nhận sự hối tiếc của em khi em đánh mất cơ hội học tập mà mình đã có trong tầm tay!”, “Chị hiểu, em đang lo lắng và căng thẳng khi quay trở lại và thích ứng trở lại với môi trường Việt Nam”. Tiếp nhận sự phản hồi cảm xúc từ nhà tham vấn, thân chủ phản hồi bằng cách thở dài với ánh mắt buồn, rơm rớm nước mắt và sau đó tiếp tục câu chuyện một cách chi tiết.
Một điều đáng chú ý là việc thể hiện sự thấu cảm cũng cần lưu ý đến vấn đề giới tính, hoàn cảnh văn hóa của nhà tham vấn và thân chủ. Khi làm việc với đa dạng thân chủ, điều mà tôi nhận thấy là khi thể hiện sự thấu cảm đối với một số người nước ngoài hay Việt kiều thì sự phản ứng thấu cảm trực tiếp đạt hiệu quả cao; một số là nam giới bộc lộ cảm xúc và giải tỏa cảm xúc bằng cách bật khóc một cách dễ dàng hơn là thanh thiếu niên Việt Nam.
Nói một cách khái quát, việc nhận ra được các vấn đề về mặt cảm xúc thông qua việc thể hiện thấu cảm một cách trực tiếp hay gián tiếp cũng đều gia tăng cảm xúc của thân chủ về việc họ được thấu hiểu. Là một nhà tham vấn chúng ta cần tiếp tục lượng giá và quyết định cấp độ thấu cảm cảm xúc mà chúng ta sử dụng với thân chủ đạt được hiệu quả nhất định như thế nào. Cần lưu ý việc thể hiện thấu cảm cảm xúc nhất thiết phải có sự thống nhất và gắn bó giữa ngôn ngữ bằng lời và ngôn ngữ không lời. Về bản thân tôi, tôi thường thể hiện phản ứng thấu cảm cảm xúc một cách trực tiếp tới thân chủ hơn là gián tiếp.
Thấu cảm nhận thức có liên quan đến việc hiểu biết và nỗ lực của nhà tham vấn trong việc hiểu các vấn đề mà thân chủ đang đối mặt. Trong trường hợp của Đoàn, nhà tham vấn có thể làm rõ vấn đề có liên quan đến việc thích nghi với môi trường mới, cú “sốc” về văn hóa, sự khác nhau về quan điểm và giá trị sống của những người Việt đang sống ở trong nước và người Việt đang sống ở nước ngoài. Ví dụ: Nhà tham vấn có thể diễn tả thấu cảm nhận thức qua câu nói: “Việc di chuyển đến một môi trường mới việc thay đổi hoàn cảnh sống mới ở một quốc gia khác hay một gia đình khác có thể cũng gây khó khăn cho chúng ta!”, và “Chị không hiểu là quan điểm sống giữa gia đình bác gái và gia đình em hay quan điểm của chính em có gì giống và khác nhau?”; “Nếu được, em có thể kể thêm cho chị nghe về một trải nghiệm hay tình huống nào khi em đối mặt với bác gái mà em cảm thấy hoang mang, lo lắng, căng thẳng?”. Thấu cảm nhận thức có thể được chứng minh hoặc giải thích thông qua việc giao tiếp và hiểu biết về nhân sinh quan của thân chủ cũng như những tác động từ gia đình hoặc các trải nghiệm mà họ có. Nhà tham vấn cũng cần phối hợp và hiểu biết về sự đa dạng hay sự giao thoa về mặt văn hóa thông qua các vấn đề mà thân chủ mang đến. Việc đối thoại về các kiến thức hay các hiểu biết về thế giới quan khác nhau và ghi nhận khả năng ảnh hưởng, tác động văn hóa có thể gia tăng sự tín nhiệm của nhà tham vấn, nhà trị liệu đối với thân chủ. Ví dụ, việc một tham vấn viên có thể tham vấn bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng một dân tộc khác, hay các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp cho người nước ngoài sẽ tạo cảm giác tin cậy cho thân chủ. Nếu tham vấn viên có một tầm hiểu biết rộng rãi về xã hội có liên quan đến thân chủ thì khả năng thấu cảm về mặt nhận thức sẽ dễ dàng được thiết lập và chia sẻ.
Tóm lại, khi làm việc với đa dạng thân chủ, việc lắng nghe hiệu quả giúp chúng ta hiểu những thông tin và thông điệp mà thân chủ muốn chia sẻ. Sự thấu cảm giúp chúng ta cảm thông và hiểu thân chủ về khía cạnh xúc cảm. Chúng ta tin rằng sự thấu cảm cần bao gồm cả tầm nhìn rộng mở và khả năng chấp nhận đa dạng quan điểm thực tế về con người, về nhân cách và thực tế văn hóa. Chúng ta cũng cần nhạy cảm đối với các tác động xã hội như sự phân biệt đối xử, giới, tuổi tác, hay các thành kiến về giới.
Chúng ta tin rằng việc nhận và phản ứng thấu cảm là sự tương tác trực tiếp giữa cá nhân với cá nhân mà không có một khuôn mẫu bắt buộc cụ thể nào. Một cách khái quát, nhà tham vấn cần học cách lượng giá, cách phản hồi thấu cảm nhận thức và thấu cảm tâm trạng để xác định rõ mức độ tác động của mình đối với thân chủ và việc cần thiết nâng cao nhận thức về mặt thấu cảm trong mối quan hệ và tương quan giữa thân chủ và nhà tham vấn ra sao, từ đó có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa thân chủ và nhà tham vấn, làm giảm cảm giác khác biệt giữa đôi bên, gia tăng lòng tin và động cơ của thân chủ trong việc hoàn thành nhiệm vụ trị liệu qua hướng dẫn và định hướng của nhà tham vấn.
Kĩ năng quản lý cấu trúc và thời lượng tham vấn
Quản lý tốt cấu trúc của buổi tham vấn nghĩa là nhà tham vấn bám sát mục đích tham vấn. Các mục đích này được định sẵn khi nhà tham vấn chọn lựa phương pháp tiếp cận, một phần dựa trên các bằng chứng khoa học sẵn có, cũng như căn cứ vào kinh nghiệm cá nhân.
Quản lý tốt thời lượng buổi tham vấn sẽ giảm thiểu sự mệt mỏi ở cả hai phía, tăng cường hiệu quả tham vấn và tạo tính chuyên nghiệp hiệu quả. Thời gian: Thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào từng dạng và mức độ vấn đề của thân chủ, trị liệu nhận thức hành vi là một dạng trị liệu ngắn hạn so với trị liệu phân tâm, liên tục trong vòng từ 8 đến 15 phiên tham vấn và trị liệu (mỗi phiên từ 45 – 60 phút) kéo dài từ 3 đến 6 tháng và những buổi theo dõi sau tham vấn và trị liệu, có thể cách 3 tuần 1 lần, 1 tháng 1 lần… cho các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần như trầm cảm, rối nhiễu lo âu… và theo mức độ trầm trọng của nó… Đối với các vấn đề liên quan đến cá nhân như lòng tự trọng thấp, thiếu tự tin, stress, khó khăn trong làm việc nhóm, giao tiếp… có thể từ 3 đến 5 phiên tham vấn liên tục sau đó theo dõi cách quãng 3 tuần, 1 tháng, thêm khoảng 1 hay 2 phiên tham vấn nữa.
Kỹ năng quản lý bản thân
Kỹ năng quản lý bản thân giúp nhà trị liệu, nhà tham vấn xác định rõ mục đích của công việc mình đang làm trong một phiên tham vấn hay phiên trị liệu và biết mình cần chuẩn bị phương tiện gì và chuẩn bị như thế nào, quản lý việc chuyển di cảm xúc và thể hiện cảm xúc của mình ra sao.
Xây dựng tính chuyên nghiệp của buổi tham vấn, trị liệu tâm lý: kĩ năng lắng nghe thân chủ để thu thập thông tin, kĩ năng lượng giá vấn đề hay đưa ra chẩn đoán, kĩ năng cung cấp thông tin và kĩ năng can thiệp cụ thể với các chương trình can thiệp, phòng ngừa hay theo dõi cho từng phiên tham vấn hay trị liệu.
Chuẩn bị: Chuẩn bị các test đánh giá nếu như cần thiết, tắt điện thoại hoặc không mang điện thoại vào phòng tham vấn (Đây là một điều thiệt cho nhà tham vấn vì họ cần tách mình ra khỏi những gì có thể gây cản trở cho quá trình làm việc với thân chủ), chuẩn bị phòng, bút viết, bảng nếu như cần thiết. Các tâm trạng bực bội, không vui hay buồn nhà tham vấn cũng cần quản lý và giải tỏa trước khi bước vào phòng tham vấn. Trong trường hợp nhà tham vấn đang có chuyện buồn hay có vấn đề về sức khỏe mà không thể làm việc trong phiên tham vấn đó thì họ cần nghỉ ngơi, thông báo hoãn hay chuyển đổi thời gian tham vấn. Trong trường hợp tham vấn khẩn cấp mà sức khỏe không cho phép họ cần chuyển hoặc nhờ nhà giám sát chuyên môn hay đồng nghiệp trợ giúp.
Quản lý chuyển di cảm xúc sang thân chủ (áp đặt): Trong suốt quá trình tham vấn cần quản lý chuyển cảm hay thể hiện cảm xúc riêng tư liên quan đến vấn đề cá nhân của mình. Việc phản ứng về cảm xúc của tham vấn dựa trên quan điểm thái độ, giá trị niềm tin của mình đối với thân chủ, dù đó là tích cực, hay tiêu cực đều mang tính chất là phán xét khi đang làm việc với thân chủ.
Ví dụ: Khi thân chủ chia sẻ nỗi đau sau khi đổ vỡ hôn nhân hay một cuộc tình, một nhà tham vấn phản ứng bằng cách như: “Hồi xưa chị cũng vậy, chị cũng từng yêu một người và người đó cũng đối xử với chị như vậy, rồi thời gian cũng nguôi ngoai và nó giúp chị nhận ra một điều rằng người đó không xứng đáng…”
Khi chia sẻ điều này, mục đích của tham vấn viên là muốn biểu lộ sự cảm thông và đồng cảm với thân chủ về nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu, nhưng cần hết sức cẩn thận khi chia sẻ, thể hiện sự thấu cảm theo kiểu này, bởi vì lúc này bạn đã chuyển vai từ một người lắng nghe sang người nói chuyện, bạn đang phản ứng theo cách đặt giá trị và quan điểm của bạn lên thân chủ, có khi bạn cho rằng thời gian sẽ qua cùng nỗi đau nhưng với họ có thể là không, có khi bạn tin rằng người yêu cũ của bạn không xứng đáng, nhưng họ tin rằng người đó vẫn xứng đáng còn người có lỗi trong cuộc chia tay có thể là chính họ…
Có khi thân chủ khác bạn nhiều về quan điểm, về lối sống, bạn cũng cần hết sức chú ý đến các vấn đề nhạy cảm như giới tính, xu hướng tình dục, hay làm việc với những người có HIV/AIDS, những người lớn tuổi hơn bạn. Sự khác biệt này sẽ cản trở bạn tiếp cận thân chủ nếu như bạn áp đặt quan điểm hay lối sống cá nhân của bạn lên họ.
Ví dụ: Thân chủ sau khi được sự hướng dẫn của một nhà tham vấn A về cách chăm sóc quản lý con, nhưng thân chủ làm ngược lại với những gì nhà tham vấn hướng dẫn, nhà tham vấn A này phản ứng “Tôi đã nói rồi mà chị không nghe, không nên quản lý con chặt quá, cũng không nên quản lý con lỏng quá”.
Hay một ai đó đến gặp nhà tham vấn và hỏi “Chị nghĩ sao về Gay (đồng tính nam)?” hoặc “Chị nghĩ sao về đồng tính nữ?” Nếu như bạn vội vàng trả lời câu hỏi dựa trên quan điểm cá nhân mà không tính đến mục đích của câu hỏi, hay tầm quan trọng của vấn đề đồng tính nam hay đồng tính nữ đối với họ, thì khả năng đổ vỡ mối tương tác, thấu hiểu và tin tưởng sẽ rất cao.
Quản lý chuyển di cảm xúc ngược (bị ảnh hưởng bởi thân chủ). Nhà tham vấn cần quản lý cảm xúc tiêu cực lên bản thân mình khi làm việc với thân chủ có cơ chế tự vệ thấp hoặc quá mạnh, hoặc làm việc với các chuyển cảm ngược của thân chủ, hay với những thân chủ khuyến khích nhà tham vấn tâm lý hay nhà trị liệu từ bỏ họ.
Ví dụ trường hợp của B: B, 20 tuổi được anh chị nhân viên xã hội chuyển gởi cho nhà tham vấn để giúp hỗ trợ về mặt tâm lý. B đang được một tổ chức từ thiện hỗ trợ cho trẻ em nghèo và trẻ em đường phố học nghề, gần đây, B cảm thấy mệt mỏi, lo âu hay bị đau đầu, mất ngủ, nhiều suy nghĩ rối rắm xuất hiện trong đầu, B đi gặp bác sĩ tâm thần được chẩn đoán là rối nhiễu lo âu cần điều trị thuốc và hỗ trợ tâm lý. B gặp nhà tham vấn bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ và giúp đỡ về mặt tâm lý. Trong phiên tham vấn thứ hai khi nhà tham vấn đi sâu và đặt câu hỏi về quá khứ về thời thơ ấu và hoàn cảnh gia đình thì em ngưng trả lời, giọng nói trở nên to và nhấn mạnh: “Em nghĩ là chị nên tập trung vào vấn đề, chị nên chú ý đến vần đề là…, vấn đề của em là những suy nghĩ rối rắm của em… Em nghĩ chị nên tập trung vào vấn đề và vấn đề của em là… Những chuyện khác em nghĩ nó không có liên quan gì đến em, vấn đề của em là…. chị nên cho em lời khuyên”. Có một khoảng lặng giữa thân chủ và nhà tham vấn, sau đó thân chủ tiếp tục phản ứng theo một hướng khác với một giọng nhỏ và nhẹ nhàng hơn, “Em xin lỗi chị, em không cố ý, em làm chị buồn, chị thất vọng về em quá, em xin lỗi chị, vấn đề của em là…”.
Ở đây thân chủ phát triển cảm xúc rằng anh ta đang bị kiểm soát, đang bị một ai đó xem thường và rằng anh ta nhìn thấy điều đó trong tôi, anh ta phản ứng theo kiểu kiểm soát và ra lệnh đối với tôi. Khi thân chủ cảm thấy thất vọng về bản thân, họ chuyển cảm giác rằng người khác đang thất vọng về họ hoặc họ làm cho người khác thất vọng, họ khôn khéo ngăn cản chuyên gia đặt câu hỏi quan trọng mà họ cần được hỏi để thu thập thông tin và đánh giá. Đôi khi, điều này như một cái bẫy và có thể nhà tham vấn cho rằng thân chủ không sao với vấn đề đó, chia sẻ cũng được, không chia sẻ cũng được theo kiểu bàng quan hay bực bội, nhưng thật ra thân chủ hy vọng rằng nhà tham vấn sẽ không từ bỏ họ, sẽ bảo vệ những phần khỏe mạnh của họ, mặt khác họ cũng muốn cho thấy họ đang rất tuyệt vọng và đang cần sự hỗ trợ để nhanh chóng vượt qua khó khăn mà họ đang gặp phải.
Khi làm việc với thân chủ có những phản ứng như trên, đôi khi bạn cảm thấy bực bội, mệt mỏi, khó chịu, nó dây dưa như một trò chơi đấu trí, cần sự hiểu biết, tính toán và sự khéo léo. Tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu tích cực cho biết rằng bạn đang tương tác với thân chủ về mặt cảm xúc, bạn đang tiến đến gần họ, hiểu họ một cách mạnh mẽ bằng sự phản ứng cảm xúc của chính bạn.
Và bằng cách vô thức thân chủ đang kiểm tra khả năng bạn quản lý cảm xúc và khả năng bạn vượt qua các khó khăn đó như thế nào, bạn có đủ bản lĩnh để đi tiếp cùng họ hay không, hay bạn từ bỏ họ. Họ thể hiện sự quan tâm và kiểm tra việc bạn có thật sự thành thật với cảm xúc của bạn hay không và bạn có thật sự hiểu họ hay không.
Ví dụ: Sau khi gần kết thúc phiên tham vấn thân chủ hỏi “Chị có ổn không?”
Thân chủ: Chị có ổn không?
Nhà tham vấn: Chị ổn, không sao cả
Thân chủ: Em thấy chị mệt
Nhà tham vấn: Chị không sao
Thân chủ: Em làm phiền chị quá, em thấy mình có lỗi quá.
Nhà tham vấn: Không sao mà, đã bảo là không sao đâu yên tâm đi.
Thân chủ: Im lặng (suy nghĩ: mình làm phiền chị quá). Nếu như chị không khỏe thì báo cho em nhé, em làm phiền chị quá, em ngại quá.
Thông thường chúng ta sẽ trả lời và phản hồi lại thân chủ theo kiểu trấn an, thân chủ sẽ không tin chúng ta vì trên mặt chúng ta biểu hiện sự mệt mỏi và căng thẳng thật, từ đó thân chủ sẽ cho rằng thân chủ đang làm phiền chúng ta và sẽ gia cố ý tưởng rằng họ là người có lỗi trong việc gây ra cho người khác sự mệt mỏi. Sự phản ứng này sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ giữa tham vấn viên và thân chủ.
Trong trường hợp trên, phản ứng cần có là thể hiện sự thành thật với bản thân về cảm xúc, thể hiện sự hiểu biết về tâm lý của thân chủ và cả những gì mà họ đã chia sẻ với nhà tham vấn.
Thân chủ: Chị có ổn không?
Nhà tham vấn: Chị hơi mệt và hơi căng một chút.
Thân chủ: Chị có cần nghỉ ngơi gì không ạ?
Nhà tham vấn: Chị nghĩ là sau cuộc nói chuyện này chị sẽ giải lao 15 phút trước khi bước vào cuộc tham vấn mới. Khi nghe những gì em kể, em chia sẻ, chị cảm nhận sự mệt mỏi và căng thẳng khi tập trung, điều đó giúp cho chị càng hiểu hơn về vấn đề của em, chị biết là em đang căng thẳng khó khăn như thế nào khi phải đối mặt với những tình huống như vậy.
Thân chủ: Dạ mệt mỏi lắm chị ơi, căng thẳng và nặng nề lắm.
Nhà tham vấn: Nó nặng nề quá, nó áp lực quá và nhiều thứ nó đan xen vào nhau quá.
Thân chủ: Dạ, chị không biết đâu chứ nó kinh khủng lắm, em chịu đựng mười mấy năm nay rồi.
Nhà tham vấn: Để giảm áp lực, bây giờ thì chị em mình sẽ đi vào từng vấn đề và từng chi tiết một để gỡ nó ra em nhé. Trước khi đi vào chi tiết, lựa chọn vấn đề ưu tiên, chị muốn tóm tắt lại các vấn đề mà em vừa chia sẻ với chị để đảm bảo là chị hiểu hết những gì em vừa nói, nếu vấn đề nào chị hiểu nhầm hay thiếu thì em cho chị biết và bổ sung nhé.
Thân chủ: Dạ
Một điều cực kỳ thú vị đối với tôi khi nhà giám sát chuyên môn của tôi chia sẻ: “Với những trường hợp như thế này, không có một liệu pháp nào có thể phù hợp với họ cả, khi bạn vội vã đưa ra hướng tiếp cận, can thiệp, phòng ngừa đều trở nên vô ích vì nó không phù hợp với các dạng thân chủ như trên. Điều quan trọng nhất là xây dựng mối tương tác với thân chủ, chính cách thức mà bạn xây dựng sự tương tác là liều thuốc tốt nhất giúp cho họ vượt qua các khó khăn và thử thách của họ”. Thật vậy, cách thức xây dựng tương tác của nhà tham vấn giúp cho thân chủ nhận diện ra vấn đề và mạnh dạn thay đổi để đối mặt với khó khăn. Sự thành công khi làm việc với thân chủ như đã miêu tả ở trên xem ra khó tin nhưng đây là một kết quả thực tế mà người giám sát chuyên môn của tôi đã đưa ra kết luận “chính cách thức xây dựng sự tương tác và mối quan hệ của cô đã tạo nên sự thành công của cô trong việc làm việc với thân chủ”. Đây là chiêu thức và là kỹ thuật mà tôi gọi là Vô chiêu, một khi các kiến thức mà bạn có và các kỹ năng mà bạn áp dụng một cách nhuần nhuyễn hòa quyện với những nét tính cách và phẩm chất của con người bạn, nó trở nên một phần con người bạn, của nghề nghiệp của bạn, trở nên thuần thục, linh động, mềm dẻo, linh hoạt và từ đó bạn xây dựng mối quan hệ và tương tác với thân chủ một cách tự nhiên, không gượng ép, đầy thấu cảm, hiểu biết và chấp nhận thân chủ. Như một người đã có sự phản hồi đối với nhà tham vấn “Cách thức mà chị nói chuyện và tương tác rất tự nhiên, gần gũi, nhẹ nhàng, ấm áp, đầy hiểu biết, thấu cảm như thể đây là các kỹ năng bẩm sinh của chị vậy!”
Kết luận: Nói tóm lại, việc xây dựng mối tương quan trong quá trình tham vấn, thông qua lắng nghe, thấu cảm, xây dựng mối quan hệ hợp tác, quản lý cấu trúc và timeline của buổi tham vấn, quản lý bản thân để tạo bầu không khí an toàn, tin tưởng, đồng hành, và chuyên nghiệp giúp ích rất nhiều cho thân chủ trong việc giải quyết vấn đề.
“Tổng quan, mức độ trầm cảm của em đã giảm từ 100% xuống còn 30%. Hiện tại, suy nghĩ của em đã tích cực hơn rất nhiều. Việc chia sẻ cảm xúc với người mình tin tưởng thật sự giúp ích rất nhiều cho em trong việc giải quyết vấn đề. Em cũng đã hiểu được nguyên nhân của một số hiện tượng tâm lí mà em gặp phải. Em đã biết cách điều tiết bản thân để có thể bình tĩnh hơn khi đối mặt với vấn đề và cách suy nghĩ hướng giải quyết cũng đã được cải thiện hơn. So với mục tiêu đầu tiên đặt ra khi đến tham vấn là điều tiết cảm xúc để đối mặt với vấn đề và sau đó là tìm hướng giải quyết vấn đề, mức độ hoàn thành mục tiêu được hơn 80%. Em rất hài lòng về kết quả của quá trình tham vấn. Cảm ơn chị về tất cả những gì chị đã cùng em trải qua trong suốt thời gian này. Chúc chị luôn vui vẻ và thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống!
QUY TRÌNH TIẾP NHẬN THÂN CHỦ, LƯỢNG GIÁ VẤN ĐỀ, XÂY DỰNG MỤC TIÊU, LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN, KỸ THUẬT CAN THIỆP VÀ PHÒNG NGỪA
Các bước cụ thể của quy trình cần được tuân thủ như sau:
I. Tiếp nhận thân chủ
Việc tiếp nhận thân chủ trong một môi trường đảm bảo tính riêng tư, bảo mật là cần thiết. Cung cấp thông tin cho thân chủ về nguyên tắc làm việc của tham vấn viên, cách thức bảo mật thông tin, cách thức làm việc liên quan đến thời gian cũng như các quy định cần có khác (xác định hợp đồng điều trị và thời gian làm việc…).
II. Xây dựng sự tương tác với thân chủ
Trong khi làm việc với thân chủ cần chú ý rằng, bạn áp dụng kỹ thuật gì không quan trọng mà điều quan trọng là bạn xây dựng sự tương tác đó như thế nào. Việc xây dựng sự tương tác không chỉ bằng ngôn ngữ có lời mà còn cả bằng ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ cơ thể để thích ứng với thân chủ và xây dựng niềm tin từ phía thân chủ. Đây là một bước cực kỳ quan trọng đối với cả tham vấn viên và thân chủ trong việc thân chủ có nhận thấy được rằng tham vấn viên đang thực sự lắng nghe họ, hiểu họ, thấu cảm với họ, chấp nhận họ, họ có nhận thấy được rằng họ đang an toàn khi nói chuyện với tham vấn viên hay không, đây là tiền đề quan trọng quyết định mức độ thành công trong việc lựa chọn công cụ kỹ thuật và áp dụng nó đối với thân chủ.
III. Thu thập thông tin
Thu thập thông tin giúp bạn hiểu được thân chủ và vấn đề mà thân chủ đang gặp phải.
1. Thu thập thông tin liên quan đến cá nhân: Hoàn cảnh thân chủ, tuổi, giới tính, nghề nghiệp.
2. Thông tin liên quan đến vấn đề của thân chủ hiện tại; thông tin liên quan đến tiểu sử hoặc lịch sử của vấn đề như bao lâu, như thế nào, với ai…
3. Sử dụng các test để thu thập và đánh giá như test -Beck, test -ASI, test -SAS, test về kiểm tra mức độ stress…
4. Tập trung vào vấn đề hiện tại của thân chủ: Thân chủ có thể cùng một lúc mang đến, chia sẻ nhiều vấn đề, nhà tham vấn trị liệu, hướng thân chủ lựa chọn vấn đề ưu tiên và giải quyết theo tuần tự ưu tiên đó.
IV. Phát biểu, trình bày vấn đề theo hệ thống/chẩn đoán
1. Đánh giá thân chủ với các nguy cơ và ý tưởng tự sát. Nếu thân chủ trả lời có, tiếp tục làm việc trên vấn đề này cho đến khi đảm bảo được mức độ an toàn cho thân chủ, trong trường hợp thân chủ có kế hoạch tự sát trong thời gian gần, nhà tham vấn, trị liệu cần có sự hợp tác và giới thiệu thân chủ đến làm việc với bác sĩ tâm thần hoặc các chuyên gia khác, để có hướng điều trị thuốc phù hợp. Nhà tham vấn, trị liệu tiếp tục theo dõi và hợp tác làm việc với bác sĩ cũng như nhân viên công tác xã hội, phối hợp với gia đình để hỗ trợ thân chủ. Nếu thân chủ trả lời không và không có ý tưởng hoặc nguy cơ tự sát sẽ tiếp tục với các bước tiếp theo.
2. Dựa trên các thông tin thu thập được và các triệu chứng của thân chủ, dựa vào kết quả của các test để đánh giá vấn đề và các mức độ sức khỏe tinh thần của thân chủ và hoặc sử dụng bảng hướng dẫn chẩn đoán về sức khỏe tinh thần DSM.IV (của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ), ICD.10 để đưa ra chẩn đoán và phát biểu về vấn đề của thân chủ (tâm lý lâm sàng).
3. Đối với tham vấn viên, những người làm việc trong việc hỗ trợ tâm lý cho thân chủ trong môi trường Việt Nam hiện nay, có thể phát biểu các vấn đề của thân chủ một cách hệ thống dựa trên các vấn đề hiện tại mà thân chủ mang đến và các vấn đề mà thân chủ thể hiện như: Thiếu sự tôn trọng bản thân, xung đột, mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái, căng thẳng trong công việc gia đình, học tập, các vấn đề liên quan đến mối quan hệ như tình bạn, tình yêu, khó khăn trong làm việc nhóm, giao tiếp, thiếu động cơ bản thân… Có những trường hợp thân chủ không gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, chỉ gặp các vấn đề và các khó khăn liên quan đến cuộc sống, cách thích nghi và cách giải quyết vấn đề, xây dựng mục tiêu, quản lý stress… Việc phát biểu vấn đề một cách hệ thống là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự hiểu biết, kiến thức chuyên môn tâm lý, kỹ năng áp dụng kỹ thuật… và quan trọng nhất là việc áp dụng lý thuyết và triết lý để hiểu và phát biểu vấn đề của thân chủ. Việc nhận diện và phát biểu đúng vấn đề thân chủ một cách hệ thống có nghĩa là nhà tham vấn, nhà trị liệu đã đi được một nửa tiến trình trong quá trình làm việc với thân chủ.
V. Triển khai can thiệp
Kỹ năng xây dựng mục tiêu
Xây dựng mục tiêu: Nhà tham vấn, nhà trị liệu cần xây dựng mục tiêu tham vấn cùng với thân chủ.
Làm việc dựa trên sự đồng thuận, sự tiếp cận mục tiêu trong việc giải quyết vấn đề dựa trên giá trị và nhu cầu của thân chủ, nhằm khuyến khích thân chủ tham gia tích cực vào tiến trình tham vấn hoặc trị liệu, tập trung vào giải quyết vấn đề hiện tại và hậu quả về mặt tâm lý, tinh thần mà họ đang gánh chịu. Việc đồng thuận về mục tiêu tham vấn là hết sức cần thiết, việc đồng thuận đó sẽ khởi đầu cho một tiến trình và làm cho tiến trình đó tiến triển. Việc xây dựng mục tiêu dựa trên sự hợp tác và phối hợp giữa nhà tham vấn và thân chủ, giúp cho thân chủ tham gia tích cực và chịu trách nhiệm về bản thân, thể hiện qua các vấn đề và mục tiêu của họ. Nhiệm vụ của nhà tham vấn là làm rõ các lời tuyên bố hay các câu nói của thân chủ và cung cấp lời đề xuất rõ ràng và dứt khoát.
Một điều thường thấy ở sinh viên khi đến gặp nhà tham vấn là: “Em muốn giải tỏa những vấn đề thiếu động cơ, thiếu động lực của em”. Công việc của nhà tham vấn là giúp sinh viên làm rõ và định nghĩa mục tiêu một cách cụ thể hơn và giúp khuyến khích cách thức thay thế về cách diễn đạt tình huống.
Việc xây dựng mục tiêu cụ thể sẽ làm tăng khả năng đo lường sự tiến triển trong tham vấn trị liệu và cần thiết cho việc đạt được mong đợi của thân chủ và của chương trình tham vấn hỗ trợ tâm lý và quản lý chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng mà nhà tham vấn muốn hướng đến.
Để làm rõ và có mục tiêu cụ thể nhà tham vấn sẽ đặt các câu hỏi như sau:
1. Theo em nghĩ thì thế nào là thiếu động cơ, thiếu động lực?
2. Việc thiếu động cơ, thiếu động lực ảnh hưởng đến em như thế nào?
3. Cuộc sống của em hay việc học của em sẽ khác như thế nào nếu như em có động cơ hoặc động lực cao?
4. Nếu như em cải thiện được động cơ hay động lực của mình thì làm cách nào mà em biết là em đã cải thiện được nó?
Thân chủ có thể trả lời như:
1. Là em không muốn đến trường, không muốn đi học, không muốn làm bài tập.
2. Nó có thể làm cho em cảm thấy như em bị mất năng lượng, nó ảnh hưởng đến kết quả học tập của em.
3. Nếu em có động cơ, có động lực em sẽ hứng thú trong học tập, sẽ có kết quả học tập tốt, mọi người sẽ tự hào về em.
4. Em sẽ cảm thấy tự tin hơn thoải mái hơn, tự hào về bản thân hơn. Thoải mái tự tin hơn trong thảo luận nhóm, trong thuyết trình, tự hào rằng mình có ý nghĩa với gia đình mình.
Mỗi phần trả lời được in đậm ở trên sẽ là những mục tiêu cụ thể trong mục tiêu lớn mà thân chủ mong đợi, có thể được tóm tắt như sau:
Mục tiêu chính: Giải tỏa việc thiếu động cơ, động lực.
Mục tiêu phụ:
– Xây dựng hứng thú trong học tập
– Có kết quả học tập tốt (Ví dụ đạt điểm trên trung bình, khá hoặc giỏi)
– Xây dựng sự tự tin, thoải mái và sự tự hào về bản thân
– Tìm thấy ý nghĩa của bản thân
Câu hỏi được đặt ra tiếp theo cho thân chủ sẽ là:
1. Điều gì cản trở bạn hay đang gây khó khăn cho bạn trong việc đạt được mục tiêu mà bạn mong đợi?
2. Những bước cụ thể ban đầu nào mà bạn có thể tạo ra để cho bạn biết rằng bạn đang hướng đến việc cải thiện động cơ hay động lực của bản thân?
Thân chủ có thể sẽ trả lời:
1. Em vừa chia tay với bạn, ba mẹ em bắt em học ngành mà em không thích, em thấy khó quá, môn học xa lạ với thực tế của em quá, em thích tính toán, giải quyết vấn đề hơn là ngồi viết luận, viết về xã hội.
2. Bước đầu tiên em nghĩ là mình cần cải thiện, chứ không thể để tình trạng như thế này mãi được và em tìm đến chị.
Trong việc quyết định mục tiêu, nhà tham vấn cũng có thể có những xác định rõ ràng của thân chủ trong việc thay đổi tư duy, cảm xúc hành vi hay sự tương tác cá nhân, trong mối quan hệ gia đình hoặc xã hội như là kết quả của việc có động cơ và động lực cao.
Ví dụ: Trường hợp của Toàn, thân chủ nói: “Em muốn cải thiện mối quan hệ với mẹ, em không muốn mẹ buồn vì em, em không muốn mẹ lãng phí tiền bạc cho em ăn học”, hay “Em có thể vui vẻ, cởi mở hơn với bạn bè, những lúc như vậy em hơi “điên” một chút, điên theo kiểu nghịch ngợm, hài hước, chọc mọi người cười, khuấy động bầu không khí nhóm.
Việc kết thúc tiến trình xây dựng mục tiêu có thể là đặt câu hỏi và đưa ra lời đề nghị và cam kết làm việc. Ví dụ, câu hỏi có thể là: “Các mục tiêu quan trọng này đã đủ chưa? Em có muốn bổ sung thêm mục tiêu nào nữa không? Trong quá trình làm việc với các mục tiêu để giúp em thay đổi tình trạng của bản thân, chúng ta có thể có những tương tác, những nguyên tắc, yêu cầu và đôi khi có cả bài tập về nhà, vậy em có sẵn sàng làm việc như thế để thay đổi bản thân chưa? Và trong khi làm việc nếu có gì chưa rõ hay thắc mắc thì em cứ mạnh dạn trao đổi và chia sẻ với tôi, em đồng ý chứ?
Từ những thông tin thu thập được thông qua các dạng câu hỏi trên, mục tiêu cụ thể có thể được nhận diện và các can thiệp thích hợp về mặt văn hóa có thể tác động đến thân chủ, nó bộc lộ bức tranh về thế giới quan của thân chủ và thế giới quan đó cũng sẽ được thể hiện và được phát triển qua quá trình tham vấn.
Trong việc tiếp nhận và xây dựng mục tiêu nhà tham vấn cũng sẽ thể hiện cách đánh giá tích cực về thân chủ, sự tôn trọng, ấm áp và chân thật, đây cũng là phẩm chất tạo nên chất keo gắn bó về mặt cảm xúc đối với thân chủ.
Đánh giá tích cực là biểu hiện của nhà tham vấn thông qua cách nhìn nhận về mặt tích cực trong thân chủ, đánh giá đúng về các giá trị và những sự khác biệt mà thân chủ bộc lộ ra. Điều này được thể hiện qua việc nhận diện và tập trung vào những điểm mạnh của thân chủ, hiểu rõ giá trị của một cá nhân hơn là tập trung vào sự thiếu thốn, yếu kém hay vấn đề của thân chủ.
Sự tôn trọng thể hiện qua việc bạn nhìn nhận thân chủ như là một người quan trọng, thể hiện qua việc bạn tập trung chú ý vào họ, dành thời gian cho họ, thể hiện qua các hành động như hỏi thân chủ muốn xưng hô như thế nào, hỏi ý kiến thân chủ về việc họ muốn làm việc ra sao, họ có muốn đưa ra ý kiến gì, kể cả các góp ý của họ, những điều đó được tham vấn viên ghi nhận, hành động qua việc xem trọng nhu cầu của thân chủ, ví dụ như: “Anh chị mong đợi điều gì trong buổi nói chuyện hôm nay?”. Sự tương tác dựa trên nhu cầu, mong đợi và những gì được thể hiện được đánh giá theo cách thức giao tiếp tương quan một cách hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau.
Sự ấm áp là một cảm nhận về mặt cảm xúc mà thân chủ nhận được từ nhà tham vấn, thể hiện qua tín hiệu bằng lời hoặc ngôn ngữ không lời, thể hiện sự chấp nhận và nhận thức sâu sắc, ví dụ như cái gật đầu, cái mỉm cười biểu lộ sự hài hước hay bày tỏ bạn đang rất hứng thú với việc trò chuyện với thân chủ.
Sự chân thực có thể được bộc lộ theo những khía cạnh khác nhau. Một cách khái quát nó có nghĩa là nhà tham vấn đang tương tác với thân chủ trong một thái độ, dáng vẻ rất thật hơn là thông qua việc đóng vai, đó là cảm xúc chân thật không phải là cách thức giấu diếm cảm xúc thật thông qua những gì được thể hiện ra bên ngoài theo cách giả tạo. Các thuộc tính tương tác cá nhân tạo nên nền tảng mạnh mẽ vững chắc có thể làm cho nhà tham vấn, nhà trị liệu gia tăng niềm tin đối với thân chủ, gia tăng sự hợp tác và là động lực để thân chủ tham gia tiến trình và hoàn thành nhiệm vụ tham vấn và trị liệu sau khi đã thiết lập được mục tiêu.
Áp dụng các kỹ thuật
Kỹ thuật trong trị liệu NTHV được chia thành nhiều giai đoạn, theo Ellis có 3 giai đoạn và mỗi giai đoạn ứng với những kỹ thuật cụ thể. Beck không chia theo giai đoạn mà phân chia theo kỹ thuật.
Tuy nhiên, trình tự các bước của việc áp dụng tiếp cận nhận thức hành vi có thể đi theo các bước sau đây:
1. Giải thích bản đồ giúp cho thân chủ hiểu về nguồn gốc và nguyên nhân gây nên các vấn đề của thân chủ theo tiếp cận nhận thức hành vi.
2. Nhận diện các niềm tin cốt lõi, niềm tin tiêu cực hoặc lý giải không hợp lý giúp thân chủ khám phá các niềm tin cốt lõi và không hợp lý gây nên các vấn đề của thân chủ, giải thích cho thân chủ hiểu rõ có sự tách biệt giữa sự kiện, cảm xúc, hành vi, thực thể và suy nghĩ. Trong đó cách mà thân chủ lý giải sự kiện tác động đến cảm xúc của anh ta chứ không phải chính bản thân sự kiện đó, từ đó khám phá niềm tin cốt lõi gây nên vấn đề của thân chủ.
a. Giúp thân chủ nhận diện ra những suy nghĩ xuất hiện trước khi có cảm xúc.
b. Nhận diện những suy nghĩ tự động tiêu cực. Thân chủ ghi nhận lại những suy nghĩ tự động và ntần số xuất hiện trong đầu cô/anh ta.
Ví dụ: Thân chủ với suy nghĩ tự động: “Tôi sợ bị rớt”, “Tôi xấu xí, thua kém người khác nhiều”, được yêu cầu ghi nhận lại những suy nghĩ đó. Việc này giúp cho thân chủ tách biệt giữa suy nghĩ và cảm xúc, để có thể quan sát rõ và làm giảm được cách thức mà thân chủ phản ứng với suy nghĩ tự động đó.
c. Bài tập về nhà: Bài tập về nhà được làm theo cách hướng dẫn của nhà tham vấn trị liệu với mục đích giúp thân chủ ghi nhận lại những suy nghĩ tự động xảy ra tương ứng với từng sự kiện và cảm xúc cụ thể. (Tham khảo ở phần nhận diện các suy nghĩ tự động).
d. Lập thang đo: Dùng thang đo từ 1 đến 10, giúp thân chủ nhận diện vấn đề của họ theo từng cấp độ và giúp thân chủ phân biệt được các cấp độ nặng nhẹ và mức độ khác nhau cụ thể của từng cảm xúc và từng vấn đề.
Ví dụ: Trường hợp Tuấn chia sẻ với nhà tham vấn; “Mọi thứ xảy ra trong tuần đối với em thật sự tồi tệ”.
Nhà tham vấn (NTV): Mọi thứ mà em đề cập ở đây là gì?
Tuấn: Đó là việc học của em và chuyện tình cảm của em.
NTV: Đối với việc học thì cảm xúc tồi tệ của em là ở mức số mấy trong thang đo từ một đến mười, trong đó mười là mức độ nặng nhất?
Tuấn: Ở mức 4 thôi vì em vẫn có thể đến trường được.
NTV: Về tình cảm của em thì sao?
Tuấn: Em nghĩ ở mức số 8 lận, bởi vì nó ảnh hưởng tới em rất nhiêu, mấy ngày nay em không nói chuyện được với bạn, em bực bội, tức tối trong lòng, khó chịu lắm chị ơi.
Chúng ta thấy rằng có hai sắc thái đậm nét khác nhau về những gì mà thân chủ đã trải nghiệm, trong ví dụ này tôi giúp thân chủ hiểu được nét sắc thái khác nhau của các trải nghiệm có liên quan đến việc học và mối quan hệ tình cảm của thân chủ, trong đó cảm xúc tồi tệ về việc học là 4 còn thang đo cảm xúc tồi tệ về mặt tình cảm là 8.
e. Nhận diện niềm tin cốt lõi có tính hủy hoại: Giúp thân chủ nhận ra rằng anh ta có nhiều niềm tin và trong đó có những niềm tin mang tính hủy hoại. Nhà tham vấn, nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ phân loại theo danh sách: Những dạng nào gây nên các rối nhiễu nào và những dạng nào gây nên các bệnh tinh thần nào; những dạng nào thúc đẩy, tạo động cơ; dạng nào níu giữ và cản trở thân chủ.
3. Tranh luận với những niềm tin không hợp lý
a. Sử dụng đối thoại Socratess
Giúp thân chủ có cái nhìn và đánh giá khách quan hơn trên các vấn đề của mình, nhà tham vấn, nhà trị liệu dùng kiểu đối thoại theo triết lý Socratess để bổ sung tính khách quan cho thân chủ.
Ví dụ: Trong trường hợp của thân chủ Thiên với niềm tin: “Tôi là đứa thất bại”. Cuộc đối thoại thách thức với niềm tin đó giữa Thiên và nhà tham vấn diễn ra như sau:
Nhà tham vấn (NTV): Bạn có bằng chứng gì cho biết bạn là người thất bại?
Thiên: Cụ thể là buổi họp hôm qua không thành công.
NTV: Có cách nào khác lý giải về việc không thành công của buổi họp hôm qua?
Thiên: Có lẽ em chưa chuẩn bị phần trình bày tốt, có lẽ họ không thích phần trình bày của em, có lẽ không hứng thú… Em không biết nữa.
NTV: Nếu như niềm tin ban đầu của bạn là đúng thì điều tồi tệ gì sẽ xảy ra?
Thiên: Thì em buồn, em thất vọng về bản thân.
NTV: Bạn buồn, bạn thất vọng về bản thân, vậy điều tồi tệ hay hậu quả gì xảy ra?
Thiên: Em cũng không biết nữa, có lẽ em bị mất việc, mà cũng không đến nổi đâu.
Thông qua những câu hỏi như trên giúp thân chủ học hỏi về chính những suy nghĩ tự động tiêu cực của mình mà đã trở thành một phần vấn đề của thân chủ, từ đó giúp thân chủ nhận ra được tính vô lý và sự phóng đại quá mức về vấn đề mà mình gặp phải để đánh giá vấn đề theo hướng khách quan hơn.
Một số câu hỏi theo kiểu triết lý Socratess khác:
– Có bằng chứng gì hỗ trợ cho ý tưởng này hay không?
– Mức độ tin tưởng của anh chị lúc này mạnh mẽ như thế nào?
– Thang điểm từ 1 đến 10 niềm tin của anh chị ở mức bao nhiêu và người khác là ở mức bao nhiêu?
– Suy nghĩ này ảnh hưởng đến cảm xúc và hành động của anh chị như thế nào?
– Hiện tại có sự méo mó hay xuyên tạc gì trong suy nghĩ của anh chị mà anh chị nhận diện ra nó?
– Trong quá khứ anh chị đã có những trải nghiệm và cảm xúc khác, anh chị nhận xét gì về suy nghĩ này?
b. Tranh luận về mặt ý thức
Sử dụng tranh luận ý thức giúp thân chủ nhận ra tính vô lý và các sai lầm của các niềm tin đó, yêu cầu thân chủ đưa ra các bằng chứng và giải thích về niềm tin của họ bằng cách đặt câu hỏi trực tiếp cho thân chủ như: Làm thế nào anh chị biết đó là thật? Anh chị có thể xác nhận nó? Nó khủng khiếp đối với anh chị như thế nào?
Ví dụ: Trường hợp của Cúc với niềm tin: “Tôi là người hoàn toàn thất bại” khi cuộc họp diễn ra không theo ý của cô.
Nhà tham vấn (NTV): Làm thế nào mà anh chị biết mình là người hoàn toàn thất bại?
Cúc: Thì cuộc họp hôm qua không thành công nên nó cho em biết điều đó.
NTV: Cuộc họp không thành công cho anh chị biết anh chị là người hoàn toàn thất bại? Làm thế nào anh chị biết đó là thật?
Cúc: Em chỉ cảm nhận vậy thôi.
NTV: Anh chị có bằng chứng nào xác nhận sự thật này không?
Cúc: Dạ không, em chỉ cảm nhận vậy thôi! (cười)
NTV: Các bạn đồng nghiệp của anh chị đánh giá về buổi họp đó như thế nào? Có bằng chứng gì cho việc anh chị đánh giá mình là người hoàn toàn thất bại?
Cúc: Dạ không, các bạn em đánh giá buổi họp mặc dù không như kết quả mong đợi nhưng cũng khá tốt, một vài ý kiến phản hồi tốt về bài trình bày của em, em nghĩ em không đến nỗi tệ như em nghĩ!
NTV: Em nghĩ em không đến nỗi tệ như em nghĩ?
Cúc: Dạ!
Thách thức với những niềm tin không hợp lý của thân chủ là hết sức cần thiết, giúp thân chủ nhận ra được suy nghĩ tự động tiêu cực và từng bước xây dựng lại và loại bỏ những niềm tin không hợp lý.
Chú ý: Khi sử dụng kỹ thuật này cần hết sức thận trọng trong việc đặt câu hỏi đối với thân chủ, đặc biệt tuyệt đối không sử dụng những câu hỏi mang tính chất đánh giá, phê phán như: Tại sao bạn lại làm khó bản thân bạn vậy? Tại sao bạn cứ ôm vào mình những chuyện không đâu? Hoặc bạn nói bạn là người thất bại, vậy người thất bại hoàn toàn đã thành công việc gì trong tuần rồi? Hay đưa ra các lời khuyên rằng: “Tôi tin chắc rằng người khác không nghĩ về bạn theo kiểu như thế, đúng không? Bạn thông minh, tài giỏi, bạn tài năng sao lại làm khó bản thân vậy, nên bỏ nó đi, bạn phải biết rằng…”
c. Tranh luận ý thức bằng câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu…”
Khi thân chủ vội vàng đưa ra một kết luận và làm cho tình huống trở nên tồi tệ hơn, nhà tham vấn/ trị liệu cần giúp thân chủ làm rõ hơn về hậu quả thật sự của nó là gì.
Ví dụ: Thân chủ với lời tuyên bố: “Nếu em thi rớt Anh văn thì ba em sẽ chết”.
Nhà tham vấn (NTV): Điều gì làm cho ba em chết? Làm thế nào mà em thi rớt Anh văn lại làm cho ba em chết?
Thân chủ: Ba em bị huyết áp cao, ba bị tai biến mạch máu não nằm một chỗ.
NTV: Ba bị huyết áp cao, ba bị tai biến nằm một chỗ?
Thân chủ: Dạ, không phải em rớt làm ba chết mà em không muốn ba thất vọng về em!
NTV: Nếu như ba thất vọng về em thì đó là một điều rất kinh khủng đối với em!
Thân chủ: Phải, ba thương em nhất nhà, cái gì ba cũng dành cho em hết, em đi học ba cũng khuyến khích em đi, còn má thì không.
NTV: Nếu như em thật sự rớt môn Anh văn thì chuyện gì thật sự sẽ xảy ra?
Thân chủ: Em sẽ phải học lại, sẽ đóng tiền lại, ba em thì sẽ không sao, có thể ba không cho em nhiều tiền vì ba bệnh, em cũng sẽ không xin tiền ba nữa, hiện tại cũng có chú em giúp, người mà em thật sự suy nghĩ đó là má em, em sợ má không cho em đi học tiếp.
Những câu hỏi theo kiểu này giúp thân chủ ngừng thổi phồng sự việc theo kiểu bi kịch hóa, đưa thân chủ trở về việc tìm hiểu rõ hậu quả thật sự của tình huống xảy ra. Từ việc thân chủ cho rằng “em thi rớt Anh Văn thì ba em chết, hậu quả thật khủng khiếp phải không ạ”, nhà tham vấn giúp thân chủ ngưng thổi phồng sự việc, đưa họ trở về với hậu quả thật sự của việc thi rớt Anh văn là họ sẽ phải thi lại, sẽ phải đóng tiền học lại môn học đó. Mặt khác, nhà tham vấn cũng cần nhạy cảm để hiểu ý nghĩa thật sự và mối quan hệ giữa ba của thân chủ và thân chủ như thế nào, điều này sẽ giúp cho nhà tham vấn có thể nhanh chóng hiểu rõ được vấn đề và đưa ra cách thức để làm việc trên các vấn đề đó.
4. Can thiệp về mặt hành vi
Tranh luận về mặt hành vi là việc thực hành thay đổi hành vi, củng cố các hành vi mới một khi niềm tin mới xuất hiện thay thế cho niềm tin cũ. Hướng dẫn thân chủ thư giãn bản thân dựa trên việc áp dụng các kỹ thuật thư giãn để thay đổi và củng cố các hành vi mới. Các kỹ thuật tranh luận về mặt hành vi có thể là nhấn chìm cảm xúc đưa thân chủ về tình huống khủng khiếp nhất; giải cảm ứng bằng cách giải thích và giúp thân chủ đối mặt với tình huống thật thông qua các cấp độ từ thấp đến cao; hồi cảm tràn ngập, củng cố tích cực; củng cố âm tính… tùy thuộc vào từng dạng vấn đề của thân chủ mà áp dụng cho phù hợp.
5. Các kỹ thuật bổ sung và hỗ trợ khác
a. Xây dựng các lời tuyên bố mới và lời nhận xét mới về bản thân
Kỹ thuật này giúp thân chủ ứng phó với những lời nhận xét và giúp gia cố các kiểu suy nghĩ hợp lý.
Ví dụ: Thân chủ với cảm giác xấu hổ và sợ hãi khi nói chuyện trước đám đông.
Suy nghĩ cũ: “Tôi sợ mình thất bại, mọi người sẽ chê cười tôi, tôi sẽ không thể nào trình bày một cách lưu loát được”.
Lời nhật xét và tuyên bố mới thay thế. “Mặc dù tôi đang rất lo lắng và căng thẳng khi đứng nói chuyện trước đám đông, nhưng tôi muốn mình có được một bài trình bày xuất sắc, tôi muốn mình bình tĩnh, tự tin, để trình bày bài một cách lưu loát, tôi sẽ chuẩn bị bài kỹ và làm hết sức theo khả năng có thể của tôi”.
b. Xây dựng lời tuyên bố mang tính thuyết phục
Khuyến khích thân chủ thực hành các lời tuyên bố mới chống lại các niềm tin không hợp lý theo cách thức mạnh mẽ.
Ví dụ: Thân chủ với kiểu suy nghĩ: “Em muốn mình là một sinh viên hoàn hảo, nên em muốn học mọi thứ, muốn làm nhiều lắm, cái gì em cũng muốn học, cái gì em cũng muốn tham gia, em không muốn bỏ cái nào hết, nhiều quá, bây giờ em rối em không biết phải làm sao, em sợ hãi và lo lắng quá, học kỳ này em rớt 2 môn”.
Niềm tin mình phải là người hoàn hảo đã gây nên rối nhiễu lo âu cho thân chủ. Vậy tuyên bố thuyết phục mới cần thay thế là: “Tôi không nhất thiết là một sinh viên hoàn hảo, vì rất khó định nghĩa thế nào là hoàn hảo, tôi muốn mình là một sinh viên đạt điểm tối đa trong các môn mà tôi học, tôi muốn mình là một sinh viên năng động, tự tin, tôi muốn tôi là chính tôi!
c. Quán tưởng
Thân chủ được hướng dẫn cách sử dụng quán tưởng về bản thân họ đã thành công như thế nào, đã tự tin ra sao trong việc hoàn thành nhiệm vụ của họ, điều này được hướng dẫn hoàn toàn ngược lại với những gì mà họ tuyên bố tiêu cực về bản thân.
Ví dụ: Thân chủ với nỗi sợ trình bày bài trước lớp: “Em không làm được điều đó, em sợ mình nói không lưu loát, mọi người sẽ chê cười em!”
Nhà tham vấn, nhà trị liệu giúp thân chủ bằng cách hỏi về những trải nghiệm thành công với tình huống tương tự trong quá khứ, hoặc họ đã nhìn thấy một ai đó trình bày thuyết trình với sự thành công mà họ mong đợi, từ đó học hỏi và áp dụng cho bản thân, tạo dựng bức tranh đó trong đầu của thân chủ thông qua quán tưởng.
d. Tập trung vào giải quyết vấn đề
Nhà tham vấn, trị liệu hướng dẫn thân chủ cả kỹ năng giải quyết vấn đề, xây dựng mục tiêu, xác định mức độ ưu tiên, xây dựng kế hoạch dự phòng, dự đoán các vấn đề hay các thách thức có thể xảy ra. Điều này giúp thân chủ học hỏi kỹ năng, tin tưởng vào bản thân, có kế hoạch chuẩn bị, hạn chế để xảy ra các niềm tin không hợp lý trong quá khứ mà thân chủ đã trải nghiệm.
e. Đóng vai
Có thể thực hành trong phiên trị liệu hoặc bên ngoài như là một bài tập về nhà về tình huống mà thân chủ muốn cải thiện. Việc đóng vai giúp thân chủ ôn luyện các kỹ năng cần thiết và bộc lộ cảm xúc mà thân chủ có thể có đi kèm với tình huống, ngoài ra giúp thân chủ chuẩn bị tâm thế ứng phó với tình huống thật xảy ra trong cuộc sống của họ.
Ví dụ: Trường hợp của Ánh: Ánh cảm thấy khó chịu và bức bối mỗi khi mẹ nói: “Học nhanh đi chứ, rồi còn phải tốt nghiệp, rồi đi làm rồi lo cho em nữa, mẹ không có tiền mà lo cho hai đứa đâu!”.
Khi nghe mẹ nói như vậy em thường bỏ đi không nói gì, buồn phiền khóc một mình, hoặc tức giận phản ứng lại với những lời như: “Làm gì mà mẹ la con hoài vậy, con đi học chứ có đi chơi đâu mà mẹ nói hoài”. Mỗi lần như vậy thì em cảm thấy không khí gia đình trở nên tồi tệ hơn, mẹ vẫn tiếp tục với câu nói như vậy còn em thì tâm trạng bất ổn. Em muốn mình có thể nói chuyện với mẹ một cách bình tĩnh, em muốn mẹ hiểu em, em hiểu là mẹ cũng đang rất lo lắng cho em nhưng em không biết làm cách nào để cho mẹ hiểu.
Việc đóng vai có thể diễn ra theo hai chiều. Nhà tham vấn sẽ đóng vai mẹ và đặt câu hỏi cho thân chủ, với các cấp độ và cường điệu cũng như cách thể hiện ngôn ngữ cơ thể khác nhau. Hướng thứ hai, thân chủ sẽ đóng vai mẹ, tham vấn viên sẽ đóng vai thân chủ và sẽ phản ứng theo những cách thức khác nhau để trả lời câu nói của mẹ. Sau mỗi bước thực hiện giúp thân chủ chia sẻ cảm xúc tương ứng với từng cách phản ứng, lượng giá và lựa chọn cách thức phù hợp mà thân chủ mong đợi đạt được để cải thiện mối quan hệ.
f. Phương pháp giáo dục tâm lý
Khuyến khích thân chủ tiếp tục củng cố hành vi mới, học hỏi thêm các cách hướng dẫn và kỹ năng xây dựng hành vi và củng cố hành vi và niềm tin mới thông qua việc đọc sách, xem tài liệu hoặc các băng ghi âm, hay các đoạn phim giáo dục ngắn.
g. Hướng dẫn cho người khác
Khuyến khích thân chủ hướng dẫn và giảng giải cho người khác biết dựa trên những gì mình đã học được, bằng cách này không chỉ giúp thân chủ củng cố thêm niềm tin xây dựng kỹ năng, thái độ cho bản thân mà còn hỗ trợ, giúp đỡ người khác. Việc hướng dẫn cho người khác có thể xảy ra trong gia đình, trong lớp học, hay trong chính công việc của họ.
Nhà tham vấn và trị liệu tâm lý cần áp dụng linh hoạt các kỹ thuật theo từng dạng vấn đề cụ thể, có những trường hợp đặc biệt liên quan đến trầm cảm, cần nhấn mạnh đến các kỹ thuật thách thức với niềm tin không hợp lý, đối với lo âu và các ám sợ; nhấn mạnh các kỹ thuật về giải cảm ứng, các kỹ thuật khác hỗ trợ rất tốt cho việc làm việc với thân chủ liên quan đến sự thiếu tự tin hay lòng tự trọng thấp, hoặc cải thiện các mối quan hệ.
VI. Tóm tắt
Sau mỗi phiên tham vấn cần dành thời gian khoảng năm đến mười phút để tóm tắt và lượng giá phiên tham vấn đó và sau khi kết thúc một tiến trình cũng làm tương tự như vậy. Việc lượng giá nhấn mạnh vào quá trình của sự chuyển biến và thay đổi của thân chủ, liên quan đến việc thân chủ đã cải thiện được gì, những gì thân chủ cần tiếp tục làm việc để cải thiện, những gì thân chủ còn muốn gia cố hay củng cố thêm. Đồng thời hỏi ý kiến phản hồi của thân chủ về mặt ích lợi và không ích lợi của từng phiên tham vấn hoặc của cả tiến trình tham vấn.
VII. Kết thúc tiến trình
Việc kết thúc tiến trình tham vấn và trị liệu có thể do thân chủ chủ động yêu cầu hoặc do nhà tham vấn quyết định dựa trên sự cam kết và kế hoạch đã thoả thuận. Đưa ra kế hoạch để theo dõi sau đợt tham vấn hoặc trị liệu chính thức.
- Bs Đỗ Thị Thúy Anh chỉnh lý