Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

TIÊM BOTULINUM TOXINE NHÓM A VÀO ĐIỂM VẬN ĐỘNG ĐỂ ĐIỀU TRỊ CO CỨNG CƠ DƯỚI HƯỚNG DẪN CỦA SIÊU ÂM (số 136)

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng
  1. ĐẠI CƯƠNG

Là phương pháp điều trị co cứng cơ, hỗ trợ tạo thuận việc tập luyện chức năng và chăm sóc bệnh nhân trong chuyên ngành Phục hồi chức năng.

Botulinum toxine nhóm A có tác dụng ở màng trước khớp thần kinh (xi náp), làm ức chế giải phóng Acetylcholin (là một chất trung gian dẫn truyền thần kinh), do đó làm tê liệt dẫn truyền qua xinap thần kinh-cơ và làm cơ giãn ra.

Tiêm Botulinum toxine nhóm A (Dysport hoặc Botox) vào điểm vận động của cơ bị co cứng do di chứng của một số bệnh tổn thương thần kinh trung ương như: chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não (đột quỵ não), chấn thương tủy sống, viêm tủy… làm các cơ này giảm, hết co cứng.

Siêu âm là phương pháp giúp xác định cơ mục tiêu có nhiều ưu điểm như:

– Cho hình ảnh thực tế tức thời: Hình ảnh cơ mục tiêu, hình ảnh kim và quan sát được việc tiêm thuốc trực tiếp

– Cho độ phân giải cao của các tổ chức mô mềm bao gồm: Cơ, dây thần kinh, mạch máu … do đó có độ chính xác cao hơn so với các phương pháp khác

  1. CHỈ ĐỊNH

Bệnh nhân bị co cứng cơ do các nguyên nhân tổn thương thần kinh trung ương: chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não (đột quỵ não), chấn thương tủy sống, bại não, viêm não, viêm màng não, viêm tủy, u tủy, xơ cứng rải rác, xơ cột bên teo cơ…

– Khi co cứng gây ảnh hưởng đến chức năng: như ảnh hưởng đến việc đặt tư thế bệnh nhân, khi vận động, khi thực hiện các hoạt động chăm sóc hàng ngày (ADL), chăm sóc vệ sinh cá nhân…

– Khi co cứng có thể dẫn đến những biến chứng: như loét, đau, co rút, biến dạng khớp….

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Co cứng mức độ nhẹ (Ashworth độ 1) hoặc rất nặng (Ashworh độ 4)

– Bệnh nhân bị co rút cố định

– Bệnh nhân rối loạn ý thức.

– Bệnh nhân rối loạn đông máu.

– Bệnh cơ hoặc rối loạn teo cơ tại chỗ.

– Bệnh lý toàn thân nặng (nhiễm khuẩn nặng, suy thận…).

4 . THẬN TRỌNG

Người bệnh có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc

– Không thực hiện trên các vùng da bị tổn thương

  1. CHUẨN BỊ

5.1.Người thực hiện

a. Nhân lực trực tiếp

– 01 bác sĩ có chứng nhận đào tạo tiêm thuốc Botulinum toxin nhóm A

b. Nhân lực hỗ trợ

– 02 người trợ giúp là bác sĩ, kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng

5.2. Thuốc:

– Thuốc Botulinum toxine nhóm A, (biệt dược: Dysport, Botox…)

– Nước muối sinh lý 0.9%

5.3. Vật tư:

– Găng tay sạch, găng tay vô khuẩn

– Mũ giấy

– Khẩu trang y tế

– Ga trải giường, gối kê

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn, Betadin

– Khăn lau tay

– Kim tiêm và Bơm tiêm 1 ml hoặc 5 ml (số lượng 1-10 cái tùy theo số lượng cơ mục tiêu được tiêm, để tạo thuận cho thao tác, nên dùng một bơm tiêm và một kim tiêm cho một cơ và cho một lần chọc kim)

– Gel siêu âm

– Bông, cồn sát trùng 70 độ, Betadine

– Băng dính

– Bộ tiêm truyền vô khuẩn

5.4. Trang thiết bị

Giường bệnh

– Xe tiêm

– Máy kích thích điện hoặc máy điện cơ để xác định vị trí dây thần kinh.

– Máy siêu âm: Sử dụng đầu dò thẳng, tần số siêu âm từ 5 -15 Mhz (tùy theo cơ mục tiêu ở sâu hay ở nông)

5.5. Người bệnh

– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …

– Tư thế người bệnh thích hợp cho thủ thuật

– Kiểm tra và bộc lộ vùng da cần tiêm

– Hoàn thành các thủ tục hành chính trước khi thực hiện thủ thuật (Ký cam kết…)

5.6. Hồ sơ bệnh án:

– Hồ sơ bệnh án theo quy định

– Hoàn thành đầy đủ, có chẩn đoán, theo dõi bệnh hằng ngày.

– Đánh giá mức độ co cứng theo thang điểm Ashworth cải biên, đánh giá chức năng vận động chi dưới, thang điểm chức năng…..

– Tiền sử dị ứng thuốc

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 1 – 1,5 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: phòng thủ thuật

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

  1. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bước 1: Đánh giá người bệnh trước khi tiến hành thủ thuật, xác định các cơ co cứng (các cơ mục tiêu) cần điều trị. Kiểm tra mạch, huyết áp, nhịp thở

Bước 2: Chuẩn bị thuốc và máy siêu âm

– Điều dưỡng pha loãng thuốc Botulinum toxine với dung dịch Natriclorua 0,9%. Độ pha loãng tùy theo kích thước cơ, cơ càng lớn thuốc nên pha loãng hơn để khuếch tán và hấp thụ tốt hơn. Đối với các cơ chi trên và chi dưới, thuốc thường được pha với 2,5 ml NaCl 0.9% (tương đương 20 UI Dysport /0,1 ml hoặc 4 UI Botox/0,1 ml).

– Bác sĩ chuẩn bị máy siêu âm : Sử dụng đầu dò thẳng, tần số siêu âm từ 10 – 15 MHz

Bước 3:

Sát khuẩn tại chỗ tiêm bằng cồn 70 độ hoặc Betadine.

Lưu ý: nếu sát trùng bằng cồn 70 độ, phải chờ cồn khô mới được đâm kim.

Bước 4:

Xác định chính xác cơ mục tiêu trên siêu âm

Bước 5: Tiến hành tiêm.

Tiêm Botulinum toxine nhóm A vào vị trí cơ đã được xác định

– Sử dụng 2 cách tiêm:

+ Cách tiêm In- Plane (IP) (trong mặt phẳng): Kim được chọc theo chiều dài hoặc trục dọc của đầu dò -> do đó, có thể thấy toàn bộ chiều dài của kim, bao gồm cả đầu kim.

+ Cách tiêm Out of Plane (ngoài mặt phẳng): Kim được chọc ngang qua hoặc bên dưới trục ngắn của đầu dò -> đầu kim hoặc thân kim chỉ thấy như một đốm tăng âm.

Bước 6: Sát trùng vị trí tiêm, thu dọn dụng cụ, dặn dò người bệnh

LƯU Ý:

– Liều lượng tiêm và số vị trí tiêm tùy thuộc vào thể tích cơ được tiêm. Tổng liều mỗi lần tiêm là 500 -1000 UI Dysport hoặc 100-200 UI Botox tùy theo mức độ co cứng, số lượng cơ được tiêm, thể trạng và cân nặng bệnh nhân.

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

-Theo dõi bệnh nhân sau tiêm đến 48h sau.

Hầu hết các tác dụng phụ chỉ thoáng qua và xảy ra chủ yếu trong vài tuần đầu sau tiêm, thường biến mất trong vòng 2 tuần.

– Hội chứng giả cúm, mệt mỏi

– Đau tại chỗ tiêm

– Yếu cơ hệ thống: có thể xảy ra trên những bệnh nhân bệnh lý cơ từ trước như nhược cơ, xơ cứng cột bên teo cơ, bệnh Charcot-Marie-Tooth…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Danile Truong, Mark Hallett, Christopher Zachary, Dirk Dressler (2013) – Manual of Botulinum Toxin Therapy; Second Edition; Cambridge University Press.
  2. Jancovic J (2004) – Botulinum toxin in clinical practice; J Neurol Neurosurg Psychiatry; 75; 951-975.
  3. Katharine E.Alter, Mark Hallett, Barbara Karp, Codrin Lungu (2021) – Ultrasound-Guided Chemodenervation Procedures, Text and Atlas ; Demosmedical Publishing Ltd
  4. Peter Moore (1995) – Handbook of Botulinum Toxin Treatment; Blackwell Science Ltd
  5. Wolfgang Jost (2008) – Pictorial Atlas of Botulinum Toxin Injection, Dosage, Localization, Application; Quintessence Publishing Co, Ltd