TẬP VỚI RÒNG RỌC (59)
I. ĐẠI CƯƠNG
Ròng rọc là dụng cụ tập khớp vai. Ngoài ra, còn có tác dụng tập mạnh các cơ chi trên, thân mình, đặc biệt cơ lưng to.
II. CHỈ ĐỊNH
Đau, hạn chế vận động khớp vai do nhiều nguyên nhân:
– Viêm quanh khớp vai, chấn thương khớp vai
– Liệt nửa người
– Di chứng sau bó bột, bất động
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh có khó khăn về nhận thức, không hiểu mệnh lệnh, không hợp tác
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện: bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
2. Phương tiện: ghế, ròng rọc
3. Người bệnh
– Người bệnh trang phục gọn gàng
– Giải thích và hướng dẫn cách tập cho người bệnh để phối hợp
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Tập vận động gấp duỗi khớp vai
– Tư thế người bệnh: ngồi trên ghế tựa, quay lưng lại ròng rọc, hai tay người bệnh nắm lấy hai tay cầm của ròng rọc.
– Tư thế kỹ thuật viên: Đứng bên cạnh khớp vai được treo và:
+ Xác định điểm treo: ngay tại đỉnh đầu (cho dây rơi theo trọng lực).
+ Nâng đỡ: cổ tay, bàn tay.
+ Thực hiện cử động gấp – duỗi khớp vai: Dùng tay lành kéo xuống, điều này giúp tay bên bệnh được nâng lên trên đầu, kéo càng cao càng tốt cho đến khi vai duỗi tối đa.
+ Giữ 5-10 giây. Thư giãn, và lặp lại động tác: 10-20 lần
2. Tập vận động dạng, khép khớp vai
– Tư thế người bệnh: ngồi trên ghế tựa, ngồi nghiêng, bên vai bệnh sát với ròng rọc, hai tay nắm lấy hai tay cầm.
– Tư thế kỹ thuật viên: Đứng bên khớp vai được treo của người bệnh
+ Xác định điểm treo: ngay tại đỉnh đầu ( cho dây rơi theo trọng lực).
+ Nâng đỡ: cổ tay, bàn tay.
+ Thực hiện cử động dạng – khép khớp vai : Dùng tay lành kéo xuống, kéo tay bên bệnh được nâng lên trên đầu càng cao càng tốt.
+ Giữ 5-10 giây. Thư giãn và lặp lại động tác: 10-20 lần
3. Tập vận động xoay trong khớp vai
– Tư thế người bệnh: đứng, quay lưng vào ròng rọc. Tay lành đưa lên trên đầu, nắm lấy tay cầm. Tay bệnh đưa ra sau lưng (sao cho ngón cái chạm vào cột sống) và nắm lấy tay cầm kia
– Tư thế kỹ thuật viên: Đứng bên khớp vai được treo
+ Xác định điểm treo: phía bên vai bệnh (cho dây rơi theo trọng lực).
+ Nâng đỡ: cổ tay, bàn tay.
+ Thực hiện cử động xoay trong khớp vai: Dùng tay lành kéo xuống, điều này giúp kéo tay bên bệnh được nâng lên cao ở phía sau lưng.
+ Giữ 5-10 giây. Thư giãn và lặp lại động tác: 10-20 lần
VI. THEO DÕI
– Theo dõi có biểu hiện quá sức ở người bệnh.
– Theo dõi không để người bệnh làm các cử động thay thế
– Theo dõi sự tiến triển của người bệnh
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Đau cơ: Thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu.
– Tập quá sức: Nghỉ ngơi.