Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

TẬP VẬN ĐỘNG MIỆNG (số 47)

Chuyên ngành: Ngôn ngữ trị liệu, Phục hồi chức năng
  1. ĐẠI CƯƠNG

– Vận động miệng là kỹ năng đề cập đến chức năng và việc sử dụng thích hợp các cơ vùng mặt (bao gồm môi, hàm, lưỡi, má và vòm miệng) để giao tiếp bằng lời nói và nuốt. Các kỹ năng vận động miệng đầy đủ ở tất cả mọi người là rất quan trọng để giao tiếp bằng lời nói và nuốt thức ăn an toàn. Sự phát triển vận động miệng bình thường bắt đầu trong giai đoạn bào thai và tiếp tục phát triển theo tuổi. Một người trưởng thành điển hình về thần kinh có thể tiêu thụ chất lỏng và chất rắn bằng miệng một cách an toàn đồng thời có thể sử dụng ngôn ngữ lời nói để giao tiếp.

– Các kỹ năng vận động miệng sai lệch hoặc không đầy đủ có thể dẫn đến giao tiếp bằng lời nói kém và khó nuốt. Một số người lớn được chẩn đoán mắc chứng khó nuốt, rối loạn cảm xúc, chứng mất ngôn ngữ sau đột quỵ và các tình trạng thần kinh khác có biểu hiện của các cơ miệng hoạt động không đầy đủ. Các bài tập vận động miệng giúp cải thiện sức mạnh, phạm vi chuyển động và sự phối hợp của các cơ miệng sẽ tạo điều kiện cho chức năng nói và nuốt tốt hơn.

  1. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán các bệnh lý hoặc tổn thương thần kinh và/hoặc cấu trúc đầu cổ có các biểu hiện:

– Lỗi âm thanh trong lời nói hoặc kỹ năng ngôn ngữ không đầy đủ

– Nói ngọng, giọng nói nghe có tính giọng mũi

– Tư thế há miệng, không khép kín hàm

– Lưỡi thè ra khỏi miệng, lưỡi hoặc môi lệch sang một bên, không thể nâng cao hoặc lè lưỡi

– Chảy nước dãi hoặc đọng quá nhiều nước bọt có thể gây sặc tự nhiên khi không ăn uống.

– Thức ăn rơi vãi ra ngoài miệng khi đang ăn

– Làm sạch thức ăn trong khoang miệng trước khi nuốt không đúng cách

– Thời gian ăn dài hơn

– Khó nhai và cắn

– Thường xuyên bị nghẹn hoặc ho khi ăn

– Nôn trong khi cho ăn

– Không thể mút, liếm, nhai hoặc thổi

– Các vấn đề về cảm giác miệng

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh không tỉnh táo

– Người bệnh không hợp tác

  1. THẬN TRỌNG

– Không có

  1. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

  1. a) Nhân lực trực tiếp

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

  1. b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư:

– Đèn pin

– Cây đè lưỡi

– Chai rửa tay nhanh

– Bàn, ghế.

– Bảng viết

– Bút (viết), giấy.

– Gương soi, bài tập được in ra giấy hoặc video hướng dẫn

– Găng tay

– Mũ giấy

– Khẩu trang y tế

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn

– Khăn lau tay

5.4. Trang thiết bị

– Phòng yên tĩnh, ánh sáng đầy đủ thích hợp

5.5. Người bệnh

– Người bệnh hiểu mục tiêu và các bước lượng giá.

– Người nhà/người chăm sóc cũng cần hiểu mục tiêu và các bước lượng giá (nếu có tham dự).

– Người bệnh cần tỉnh táo để có thể thực hiện được các bài tập vận động theo hướng dẫn trực tiếp từ KTV hoặc qua video

5.6. Hồ sơ bệnh án

– Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

– Ghi chép hồ sơ bệnh án, phiếu lượng giá.

– Bảng cam kết hoặc đồng thuận (nếu cần, ví dụ trong trường hợp nghiên cứu khoa học).

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,75 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện:

– Phòng tập ngôn ngữ trị liệu.

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

  1. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

6.1. Bài tập về môi: Các bài tập tầm vận động và tăng sức mạnh cơ

Thổi bong bóng bằng chai nước hoặc thổi bóng cao su

Nở một nụ cười (giữ trong 6 giây), thư giãn và lặp lại tương tự

Nở nụ cười rồi nói “uuuuu”, “iiiiii”

Cười và nhăn mặt luân phiên (10 lần)

Chu môi (giữ 3-6 giây)

Mím môi và di chuyển từ bên này sang bên khác mà không di chuyển lưỡi của bạn

Chơi kéo co bằng cách ngậm một viên kẹo dai vào giữa môi và kéo nó ra xa

Bập môi vào nhau (5 lần)

 

6.2. Bài tập cơ má

– Thổi bong bóng hoặc thổi bóng

– Phồng cả hai má bằng không khí và giữ (3-6 giây)

– Phồng từng má một và giữ không khí (3-6 giây)

– Xoa bóp má bằng hai ngón tay theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ (6 lần)

6.3. Bài tập về hàm

* Tập trợ giúp/chủ động/đề kháng:

– Nâng môi dưới như đang bĩu môi và giữ (3-6 giây)

– Tập cắn (3-6 lần)

– Tập nhai

* Tập tầm vận động:

– Chuyển động hàm tròn, lên và xuống

– Mở rộng hàm và nói “ooooo” (giữ 3-6 giây)

– Xoa bóp nhẹ nhàng quai hàm và môi

– Kích thích đá trên hàm và môi để cải thiện nhận thức về giác quan.

6.4. Bài tập về lưỡi

* Tập trợ giúp/chủ động/đề kháng cơ lưỡi:

– Đẩy lưỡi lên vòm miệng cứng (3-6 giây)

– Chạm lưỡi vào răng cửa và giữ (3-6 giây)

– Thè lưỡi ra ngoài miệng (giữ 3-6 giây)

– Đẩy và giữ lưỡi bên trong cả hai bên má (3-6 giây)

– Gấp và giữ đầu lưỡi giữa hai môi (3-6 giây)

* Tập tầm vận động lưỡi:

– Vận động lưỡi bên ngoài miệng: lên – xuống, 2 bên (kẹo, mật ong, sữa chua,…)

– Chạm vào tất cả các răng bằng cách quét lưỡi

– Chạm xen kẽ các răng phía trên bên trái và bên phải và giữ (3-6 giây)

– Liếm môi trên và môi dưới

* Tập gốc lưỡi: Tác động đến phần thấp nhất của lưỡi (giữa lưỡi gà và thanh quản), khác với phần sau của lưỡi.

– Kéo luỡi về phía sau trong miệng

– Ngáp và giữ vị trí xa nhất

– Làm động tác như súc miệng và giữ lại vị trí xa nhất

6.5. Bài tập vòm họng

– Phồng má và thở bằng mũi

– Thổi ống hút

– Chuyển bóng nhỏ qua ống hút từ bát này sang bát khác

– Thổi bông gòn hoặc xà phòng trong nước

– Nói “ma ba”, “na da” xen kẽ

6.6. Luyện phát âm:

Phát âm lặp lại “pa pa pa”, “ta ta ta”, và “ka ka ka”. Tốc độ được tăng, giảm và thay đổi, đồng thời thực hiện động tác vỗ tay.

  1. THEO DÕI, XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Người lượng giá cần quan sát và ghi nhận tình trạng sức khỏe của người bệnh trong khi lượng giá. Nếu người bệnh biểu lộ mệt mỏi, mất tập trung, thiếu hợp tác thì nên tạm dừng và tìm hiểu nguyên nhân để có xử trí thích hợp.

– Trong trường hợp người bệnh không thể tiếp tục buổi lượng giá thì cần tôn trọng người bệnh và dừng lại. Hẹn người bệnh và gia đình tiếp tục lượng giá trong một buổi khác.

– Nếu người bệnh có dấu hiệu bất thường, báo bác sĩ trực để xử trí kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bath, P. M., Bath, & Smithard, D. G. (2000). Interventions for dysphagia in acute stroke. Cochrane Database Syst Rev(2), CD000323.
  2. Bulow, M., Olsson, R., & Ekberg, O. (2002). Supraglottic swallow, effortful swallow, and chin tuck did not alter hypopharyngeal intrabolus pressure in patients with pharyngeal dysfunction. Dysphagia, 17(3), 197-201.
  3. Clark, H. M. (2003). Neuromuscular treatments for speech and swallowing: A tutorial. Am J Speech Lang Pathol, 12(4), 400-415.
  4. Crow, H. C., & Ship, J. A. (1996). Tongue strength and endurance in different aged individuals. J Gerontol A Biol Sci Med Sci, 51(5), M247-250. 5. Ding, R., Larson, C. R., Logemann, J. A., & Rademaker, A. W. (2002). Surface electromyographic and electroglottographic studies in normal subjects under two swallow conditions: Normal and during the Mendelsohn maneuver. Dysphagia, 17(1), 1-12.