Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

TẬP ỨC CHẾ VÀ PHÁ VỠ CÁC PHẢN XẠ BỆNH LÝ (79)

Chuyên ngành: Hoạt động trị liệu, Chăm sóc trẻ em, Phục hồi chức năng

I. ĐẠI CƯƠNG

Các phản xạ bệnh lý là các phản xạ nguyên thủy, bất thường tồn tại trong quá trình phát triển của trẻ.

II. CHỈ ĐỊNH

Trẻ bại não tồn tại các phản xạ bệnh lý

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện: Kỹ thuật viên vật lý trị liệu
2. Phương tiện
3. Người bệnh
Mặc quần áo rộng, thoải mái khi thực hiện thao tác.
4. Hồ sơ bệnh án: có chỉ định của bác sĩ điều trị

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kỹ thuật 1: Điều chỉnh tư thế bất thường ở tay
1.1. Mục tiêu: Duỗi ngửa tay và xoay ngoài, bàn tay mở ra.
1.2. Thực hiện
– Tư thế: Đặt trẻ ngồi trên sàn, kỹ thuật viên ngồi đối diện với trẻ.
– Một tay kỹ thuật viên đỡ dưới khuỷu, một tay đỡ bàn tay của trẻ, nâng tay trẻ lên ngang vai duỗi thẳng và xoay ra ngoài.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
1.3. Tiêu chuẩn đạt
– Tay trẻ duỗi thẳng, khớp vai xoay ngoài, bàn tay mở.
– Gia đình tự làm được.
2. Kỹ thuật 2: Tạo thuận phá vỡ phản xạ duỗi chéo ở tư thế nằm
2.1. Mục tiêu: phá vỡ phản xạ duỗi chéo.
2.2. Thực hiện
– Tư thế: Trẻ nằm ngửa/ sấp, kỹ thuật viên ngồi phía dưới chân trẻ.
– Hai tay kỹ thuật viên đặt trên khớp gối trẻ làm động tác dạng và xoay ngoài hai chân.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
2.3. Tiêu chuẩn đạt
– Chân trẻ dạng và xoay ngoài.
– Gia đình tự làm được.
3. Kỹ thuật 3: Phá vỡ phản xạ duỗi chéo tư thế ngồi trên sàn
3.1. Mục tiêu: phá vỡ phản xạ duỗi chéo
3.2. Thực hiện
– Tư thế: Trẻ ngồi, kỹ thuật viên ngồi sau lưng trẻ
– Hai tay của kỹ thuật viên ôm mặt trong của khớp gối dạng 2 chân của trẻ và xoay
ngoài.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
3.3. Tiêu chuẩn đạt
– Trẻ ngồi với chân dạng và xoay ngoài
– Gia đình tự làm được.
4. Kỹ thuật 4: Phá vỡ phản xạ duỗi chéo bằng cách đặt trẻ ngồi trong ghế có bộ phận tách chân
4.1. Mục tiêu: phá vỡ phản xạ duỗi chéo
4.2. Thực hiện
– Tư thế: trẻ ngồi trong ghế đặc biệt
– Bế trẻ đặt ngồi vào ghế với 2 chân dạng ở 2 bên bộ phận tách chân, lưng phải thẳng, đùi vuông góc với thân, cẳng chân vuông góc với đùi, bàn chân đặt bằng ở trên bộ phận đặt chân.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
4.3. Tiêu chuẩn đạt
Trẻ ngồi thẳng với chân tách dạng sang 2 bên, xoay ngoài. Gia đình tự làm được
5. Kỹ thuật 5: Phá vỡ phản xạ duỗi chéo ở trẻ tập đi trong thanh song song
5.1. Mục tiêu: Phá vỡ phản xạ duỗi chéo
5.2. Thực hiện
– Tư thế: Trẻ đứng bám trong thanh song song.
– Dùng bàn xương cá hướng dẫn trẻ đi đặt chân vào đúng từng ô hoặc dùng 1 đoạn gỗ/tre dài buộc cao đến mức khớp gối của trẻ. Cho trẻ đi với 2 chân dạng sang 2 bên của đoạn gỗ/tre. Với trẻ múa vờn cần phải đeo bao cát vào khớp gối và cổ chân.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
5.3. Tiêu chuẩn đạt
Trẻ đi với chân dạng, xoay ngoài. Gia đình tự làm được.
6. Kỹ thuật 6: Phá vỡ phản xạ nâng đỡ hữu hiệu
6.1. Mục tiêu: giúp trẻ gập gối, háng, cổ chân dễ dàng.
6.2. Thực hiện
– Tư thế: Trẻ nằm ngửa, kỹ thuật viên ngồi phía chân trẻ.
– Kỹ thuật viên một tay đỡ sau gối, một tay đỡ phía gân gót và bàn chân. Gập háng, gối, bàn chân.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
6.3. Tiêu chuẩn đạt
– Gập bàn chân dễ dàng.
– Gia đình tự làm được.

VI. THEO DÕI

Trẻ kháng lại kỹ thuật viên khi tập rung nhẹ cơ để làm giảm co cứng. Trò chuyện với trẻ để giúp trẻ thư giãn.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

– Đau do căng cơ quá mức: Ngừng tập, dùng thuốc giảm đau.
– Gãy xương, trật khớp: Gửi khám và điều trị ngoại khoa.