TẬP PHÂN NHÓM HÌNH (số 42)
-
ĐẠI CƯƠNG
Hoạt động phân nhóm hình hay sắp xếp các hình ảnh vào các nhóm (Sorting/ categorisation tasks) là hoạt động điều trị tập trung vào khiếm khuyết ở hệ thống ngữ nghĩa. Những nghiên cứu nhắm vào hệ thống ngữ nghĩa có sử dụng các bài tập ngữ nghĩa bao gồm các đặc điểm hoặc gợi ý ngữ nghĩa, đoán nghĩa, phân nhóm hình, hoặc nối từ với hình ảnh đã cho thấy các bài tập này có thể cải thiện những khiếm khuyết về ngữ nghĩa.
Trong hoạt động phân nhóm hình, người bệnh được yêu cầu chọn ra tất cả các hình ảnh phù hợp với một tiêu chí cụ thể từ một bộ tranh với số lượng nhất định phù hợp. Tiêu chí có thể có phạm vi hẹp là các hình ảnh có chung nhiều đặc điểm như “động vật nuôi” hoặc có phạm vi rộng là các hình ảnh có chung chỉ một hoặc một vài đặc điểm như “những thứ có màu xanh”. Các nhóm được đề xuất trong nghiên cứu của Behrmann và Lieberthal (1990) gồm: động vật, bộ phận cơ thể, màu sắc, phương tiện giao thông, đồ gia dụng và thức ăn.
-
CHỈ ĐỊNH
Các loại bệnh lý thần kinh ở người lớn và trẻ em hoặc các khuyết tật có:
– Rối loạn ngôn ngữ bao gồm mất ngôn ngữ lưu loát, mất ngôn ngữ không lưu loát, mất ngôn ngữ toàn bộ có ảnh hưởng đến hệ thống ngữ nghĩa.
– Rối loạn nhận thức.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh có tình trạng không ổn định về các dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, SpO2.
-
THẬN TRỌNG
– Không có
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
- a) Nhân lực trực tiếp:
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
- b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư:
– Găng tay
– Mũ giấy
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
– Bộ thẻ hình với các nhóm chủ đề khác nhau.
5.4. Trang thiết bị: không có
5.5. Người bệnh
– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …
– Người thực hiện giải thích và làm mẫu nếu người bệnh có tình trạng mất ngôn ngữ tiếp nhận.
5.6. Hồ sơ bệnh án:
Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: Phòng tập Phục hồi chức năng
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
(1)Qui trình cơ bản: phân nhóm 2 hình
Bước 1: Người điều trị để trên bàn 2 hình thuộc hai nhóm loại khác nhau. Ví dụ con vật và trái cây.
Bước 2: Người điều trị làm mẫu phân nhóm hình. Ví dụ hình con vật xếp theo con vật, hình trái cây xếp theo trái cây.
Bước 3: Người điều trị đưa hình ngẫu nhiên cho người bệnh để người bệnh tự xếp vào nhóm.
* Nếu người bệnh thực hiện sai, cung cấp phản hồi, trợ giúp ở mức tối thiểu để người bệnh có thể tự thực hiện được tối đa:
– Kéo sự chú ý của người bệnh đến sự lựa chọn
– Cung cấp tên gọi
– Cung cấp thêm thông tin
– Cử chỉ
– Thông tin bằng chữ viết
– Phối hợp tất cả những phản hồi trên
* Nếu người bệnh thực hiện đúng
Phản hồi trực quan bằng cách khen, ra dấu, đánh dấu (tích) vào bảng kết quả.
Bước 4: Báo kết quả cho người bệnh và người nhà. Ví dụ như số lần làm đúng. Động viên nếu người bệnh chưa thực hiện được.
Bước 5: Thực hiện bài tập tương tự với 2 nhóm hình khác hoặc tăng dần độ khó.
Ghi lại kết quả để theo dõi diễn tiến điều trị qua thời gian thực hiện, mức trợ giúp (cần nhắc liên tục – thường xuyên – thỉnh thoảng – hay người bệnh tự nhận biết mình làm sai và tự sửa sai), tỉ lệ đúng – sai.
(2)Tăng dần độ khó:
– Tăng sự liên quan về ngữ nghĩa giữa giữa hai nhóm.
Ví dụ rau và trái cây, đồ dùng trong nhà và phương tiện giao thông…
– Tăng số lượng nhóm phân loại.
Ví dụ 3 nhóm thay vì 2 nhóm.
– Giảm dần trợ giúp hoặc nhắc nhở.
(3)Phối hợp với các bài tập khác:
– Người bệnh có xu hướng sẽ đọc, hoặc nói tên của đồ vật/con vật trong hình. Nên có thể phối hợp tập gọi tên, tập mô tả sau khi hoàn thành một lượt bài tập để đỡ chán, tuy nhiên bài tập phân nhóm hình sử dụng 20-30 hình thì chỉ tập gọi tên vài hình tiêu biểu tùy theo mức độ nói khó của người bệnh.
– Đối với người bệnh có tình trạng suy giảm ngôn ngữ mức độ nặng mà đã thực hiện khá với bài tập phân nhóm hình thì chọn bài tập này làm bài tập kết thúc cho buổi tập để động viên tinh thần người bệnh. (Khi người bệnh thấy được mình có kết quả tích cực trong buổi tập và trong chương trình trị liệu).
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Không có tai biến, nhưng ở người bệnh có mất ngôn ngữ mức độ nặng hoặc rối loạn nhận thức thì cần làm mẫu, động viên, khuyến khích tập nhiều lần và hướng dẫn người nhà cách tập với người bệnh.
– Theo dõi mức độ hợp tác và sức khỏe của người bệnh để có sự điều chỉnh phù hợp khi thực hiện bài tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hough, M. S., & Pierce, R. S. (1989). Contextual influences on category concept generation in aphasia. Clinical aphasiology, 18, 507-531.
- Lupyan, G., & Mirman, D. (2013). Linking language and categorization: Evidence from aphasia. Cortex, 49(5), 1187-1194.
- Whitworth, A., Webster, J., & Howard, D. (2014). A cognitive neuropsychological approach to assessment and intervention in aphasia: A clinician’s guide. Psychology Press.