Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

Sơ lược về lịch sử y học giấc ngủ

Chuyên ngành: Tin tức, Bác sĩ tư vấn sức khỏe tổng quát
Y học về Rối loạn giấc ngủ đã có những bước tiến bộ đáng kể trong những năm cuối thế kỉ 20, nhưng sự quan tâm cho lĩnh vực này vẫn còn chưa đầy đủ. Điều trị không đặc hiệu khiến cho các nhà lâm sàng thờ ơ với các kiến thức cập nhật. Bài viết soạn theo Oxford textbook of sleep disorders 2nd-2017.

- Bs Đỗ Thị Thúy Anh dịch và chỉnh lý

Tầm quan trọng của giấc ngủ ngày nay đã được công nhận rõ ràng trong cả cộng đồng học thuật và lâm sàng.

Những tiến bộ và cải tiến của hình ảnh thần kinh chức năng đã dẫn đến khả năng lập bản đồ các vùng khác nhau của não trong các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ và các kỹ thuật sinh lý thần kinh đã cho phép các nhà nghiên cứu nghiên cứu những thay đổi ở cấp độ tế bào.

Tuy nhiên, lịch sử nghiên cứu về cơ chế của giấc ngủ là một trong những lịch sử mới bắt đầu.

Buổi bình minh của y học về giấc ngủ hiện đại có thể bắt nguồn từ việc xác định các giai đoạn điện não đồ (EEG) khác nhau của giấc ngủ bởi Loomis và các đồng nghiệp vào năm 1937.

Giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) được mô tả vào năm 1953 bởi Aserinsky và Kleitman, và việc xác định đầu tiên tình trạng mất trương lực cơ trong giấc ngủ REM, hay REM atonia [bóng đè], đã sớm được xác định ngay sau đó.

Việc tiêu chuẩn hóa những gì sau này trở thành khoa học về đa kí giấc ngủ (polysomnography PSG) bắt đầu khi Rechtschaffen và Kales đưa ra đơn kí kỹ thuật ghi điểm giấc ngủ tiêu chuẩn vào năm 1968 (kỹ thuật ghi điểm R-K), kỹ thuật này vẫn là tiêu chuẩn vàng trong nhiều thập kỷ.

Ngày nay, các quy tắc ghi điểm được công bố trong Hướng dẫn chấm điểm giấc ngủ và các sự kiện liên quan của Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (American Academy of Sleep Medicine AASM) được chấp nhận rộng rãi trong y học lâm sàng về giấc ngủ và trong nghiên cứu về giấc ngủ.

Cộng đồng lâm sàng bắt đầu chú ý đến y học giấc ngủ khi chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (obstructive sleep apnea OSA) được phát hiện là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh tật và tử vong do tim mạch, cũng như là nguyên nhân đáng kể làm suy giảm chất lượng cuộc sống [Rối loạn nhịp thở khi ngủ và tỷ lệ tử vong được theo dõi trong 18 năm của Nhóm nghiên cứu Giấc ngủ Wisconsin công bố năm 2008 trên Tạp chí Sleep]. Việc xác định các thiết bị áp lực đường thở dương liên tục (continuous positive airway pressure CPAP) [được đề nghị lần đầu tiên năm 1981 do Sullivan CE, Issa FG, Berthon-Jones M, và cộng sự] là phương tiện an toàn, hiệu quả, không xâm lấn để làm giảm đáng kể các triệu chứng liên quan đến OSA đã khởi đầu cho việc thực hành y học về giấc ngủ hiện đại và dẫn đến sự phát triển của các phòng thí nghiệm về giấc ngủ trên toàn thế giới.

Kể từ đó, một số kỹ thuật can thiệp mới, bao gồm dụng cụ nha khoa, thiết bị giữ lưỡi, quy trình phẫu thuật, thiết bị thở ra qua mũi và máy kích thích dây thần kinh hạ thiệt đã trở thành phương án thay thế cho điều trị CPAP ở một số nhóm dân số được chọn, khiến lĩnh vực y học giấc ngủ thực sự là lĩnh vực đa ngành.

Một thời điểm quan trọng khác trong lịch sử y học về giấc ngủ xảy ra khi hai nhóm nghiên cứu độc lập đồng thời xác định một cặp peptide thần kinh, hypocretin 1 và 2 (orexin A và B) ở vùng dưới đồi bên và vùng quanh trụ não/ perifornical [năm 1998]. Trong những năm sau đó, các cơ chế gây ra ngủ rũ được xác định rõ hơn bằng nghiên cứu then chốt cho thấy rằng mô hình chó có kiểu hình như ngủ rũ ở người có thể được tạo ra bằng đột biến của thụ thể hypocretin 2 (HCTR2) [1998], và có thể tạo ra một kiểu hình tương tự ở chuột bị loại bỏ prepro-hypocretin và chuột biến đổi gen [1999].

Tài liệu về việc giảm hypocretin 1 trong dịch não tủy ở người [Nishino S, Ripley B, Overeem S, và cộng sự năm 2000] và về việc giảm tế bào thần kinh hypocretin ở vùng dưới đồi khi khám nghiệm tử thi [năm 2000] ở bệnh nhân mắc ngủ rũ ở người đã bổ sung thêm ý nghĩa lâm sàng cho nghiên cứu trước đây.