PHỤC HỒI CHỨC NĂNG LÀ GÌ?
Đây là bài số 6 phần 1, sách Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, năm 2010 (bản đầu tiên là 2002). Một hướng dẫn từ góc nhìn của các nhà Vật lý trị liệu- Tên bài được thay đổi phù hợp tra cứu, có chỉnh lý nội dung để cập nhật ICF.
1. ĐỊNH NGHĨA VỀ PHỤC HỔI CHỨC NĂNG
Phục hồi chức năng bao gồm các biện pháp y học, kinh tế xã hội học, giáo dục và kỹ thuật phục hồi làm giảm tối đa sự suy giảm chức năng và tàn tật, tăng cường hoạt động cho người bị suy giảm (do hậu quả của ốm đau và tai nạn, tật bẩm sinh, tuổi cao…) nhằm hội nhập và tái hội nhập xã hội, có những cơ hội bình đẳng, tham gia vào hoạt động xã hội.
Phục hổi chức năng bao gồm các biện pháp tập luyện, thay đổi môi trường cá nhân và xã hội, không chỉ bên y tế, cộng đồng mà chính bản thân người tàn tật và gia đình phải tham gia vạch kế hoạch, triển khai các biện pháp phục hồi chức năng một cách thích hợp.
Phục hồi chức năng là một phương pháp nhờ đó người khuyết tật được hoàn lại khả năng tự hoạt động trong cuộc sống của mình và tham gia xã hội.
2. MỤC ĐÍCH CỦA PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
a. Hoàn lại một cách tối đa thực thể, tinh thần và nghề nghiệp.
b. Ngăn ngừa thương tật thứ cấp.
c. Tăng cường khả năng còn lại của họ để giảm hậu quả tàn tật cho bản thân, gia đình và xã hội.
d. Thay đổi tích cực suy nghĩ và thái độ xã hội, chấp nhận người tàn tật là thành viên bình đẳng của xã hội. Đồng thời người tàn tật cũng chấp nhận tàn tật của mình và thái độ tốt của xã hội để hợp tác trong công tác phục hồi chức năng.
e. Cải thiện các điều kiện nhà ở, trường học, giao thông, công sở để người tàn tật có thể đến được mọi nơi mà họ cần đến như mọi người để có cơ hội được vui chơi, học hành, làm việc, hoạt động xã hội.
f. Động viên được toàn xã hội ý thức được phòng ngừa tàn tật là công việc của mọi người, mọi nơi, mọi lúc để giảm tối thiểu tỉ lệ tàn tật.
3. KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
– Y học : khám, lượng giá chức năng người bệnh và can thiệp/ điều trị.
– Vật lý trị liệu.
– Hoạt động trị liệu, tái giáo dục nghề nghiệp.
– Ngôn ngữ trị liệu, giáo dục đặc biệt.
– Cán sự xã hội.
– Sản xuất chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình, trợ giúp phục hồi chức năng.
– Y học thể thao
– Phẫu thuật chỉnh hình
Theo truyền thống mỗi chuyên ngành có một chuyên viên riêng nhưng cũng có những nhóm liên ngành nhằm can thiệp toàn diện.
4. CÁC HÌNH THỨC PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
a. Phục hồi chức năng tại các trung tâm
– Đã được triển khai trên 150 năm nay ở trên nhiều nước.
– Tập trung nhiều phương tiện và cán bộ chuyên khoa nên có thể thực hiện được những trường hợp khó, nặng.
– Người tàn tật phải đi đến trung tâm xa nơi làng xóm họ sống.
– Phục hồi không sát với hoạt động và sự tham gia của người tàn tật ở địa phương họ.
– Giá thành cao, số lượng phục hồi được ít.
– Do đó các trung tâm chỉ tổ chức đủ để làm công tác nghiên cứu, đào tạo và phục hổi chức năng những trường hợp khó.
b. Phục hồi chức năng ngoài viện
Cán bộ phục hồi chức năng đem phương tiện đến nơi có người tàn tật để phục hồi chức năng.
– Số lượng người được phục hồi có thể tăng lên song số lượng không đáng kể.
– Chi phí lớn cho chuyên viên.
– Thiếu nhân sự phục hồi chức năng.
c. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
Người tàn tật được phát hiện và phục hồi chức năng tại cộng đồng theo kỹ thuật thích nghi. Người tàn tật, thân nhân và nhân viên y tế cơ sở, dưới sự hướng dẫn của chuyên viên cùng tham gia phục hồi chức năng. Đây là một cách thiết thực xã hội hoá công tác phục hồi chức năng ở trên phạm vi quốc gia và quốc tế, để thực hiện phục hồi chức năng cho mọi người tàn tật.
– TỈ lệ người tàn tật được phục hồi cao nhất.
– Chất lượng phục hồi thích hợp hơn các trung tâm vì đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của người tàn tật: vui chơi, học hành, hội nhập xã hội, tham gia lao động sản xuất và tăng thu nhập…
– Chi phí cho phục hổi chức năng có thể chấp nhận được.
– Có thể lồng ghép chương trình phục hổi chức năng dựa vào cộng đồng vào công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại cộng đồng, giải quyết được nhân lực, ngân quỹ và quản lý.
5. NGUYÊN TẮC PHỤC HỒI
– Đánh giá cao khả năng tham gia của người tàn tật với bản thân gia đình và xã hội.
– Phục hồi tối đa các chức năng bị mất hoặc bị giảm để giảm hậu quả của suy yếu đối với cá nhân, gia đình và xã hội.
– Phục hồi chức năng đánh giá cao tính độc lập, lòng tự trọng, quyền được bình đẳng và phẩm chất tốt đẹp của người tàn tật.
6. KẾT LUẬN
Phục hồi chức năng với người tàn tật ngày nay không chỉ là một công tác nhân đạo đơn thuần mà còn là một công tác có tính chất kinh tế, nhân lực, pháp lý sâu sắc. Do đó, phục hồi chức năng cho người tàn tật là một công tác liên ngành, được xã hội hóa càng cao, kết quả càng thiết thực là công việc của mỗi chúng ta.
- Bs Đỗ Thị Thúy Anh chỉnh lý