NHỮNG PHƯƠNG PHÁP KÍCH THÍCH PHCN SỚM CHO TRẺ CÓ NHU CẦU ĐẶC BIỆT
Đây là bài số 112 phần 2, sách Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, năm 2010 (bản đầu tiên là 2002). Một hướng dẫn từ góc nhìn của các nhà Vật lý trị liệu- Bài rất ngắn, cần tham khảo thêm, nên trich luôn ở đây, có đổi tên bài để tiện tra cứu.
Ngoài những phương pháp tập luyện trẻ tàn tật nói chung và bại não nói riêng, chúng ta phải nghĩ đến một vài phương pháp kích thích sớm hữu hiệu để giúp đứa trẻ phát triển khả năng còn lại của nó càng sớm càng tốt nếu có thể được.
Các phương pháp kích thích này không những tạo thuận cho đứa trẻ tập luyện mà còn giúp cho đứa trẻ biết được vai trò của mình trong thế giới xung quanh.
1. Tư thế thư giãn
Nhằm mục đích tạo cho đứa trẻ an toàn và thoải mái trong mọi tư thế. Cách bế ẵm và ru cùng tiếng nói thì thầm của người mẹ cũng giúp cho đứa trẻ phát triển được tỉnh thần và vận động một cách hữu hiệu.
2. Tư thế ức chế
Các tư thế này nhằm ức chế các phản xạ bất thường từ đó tạo thuận cho đứa trẻ phát triển được khả năng bình thường của nó như lăn, lật, bò, trườn…
Thí dụ: tư thế nằm sấp trên trục nghiêng 45 độ nhằm ức chế phản xạ mê đạo trương lực ngửa và sấp, đồng thời giúp cho đứa trẻ phát triển được khả năng ngấng đầu và hai tay hoạt động dễ dàng.
3. Các dụng cụ trợ giúp
Nhằm tạo thêm sự vững vàng trong khi tập luyện cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Các dụng cụ gồm: trục lăn, ghế ngồi đặc biệt, khung đứng, đu, võng…
Dụng cụ nên làm đơn giản.
4. Các sinh hoạt hàng ngày
Tập cho chúng thích nghi với công việc hàng ngày trong khả năng còn lại của chúng như: tắm rửa, thay quần áo, làm bếp, làm vườn, săn sóc trẻ con…
5. Trò chơi
Trò chơi là phương pháp tốt nhất để tập luyện cho trẻ, đồng thời giúp đứa trẻ phát triển được khả năng nghe, nói, nhìn, tiếp thu và biểu hiện hành vi. Qua các trò chơi, trẻ sẽ học được nhiều kĩ năng, nhận thức (nhiều điều, nhiều người và thế giới xung quanh…). Trò chơi cũng giúp cho đứa trẻ phát triển được vai trò của mình trong gia đình, học đường và xã hội.
Trò chơi phải có nhiều màu sắc và tiếng động để gây sự chú ý.
Cấu trúc nhiều hình thể và thực hiện được.
Cho đứa trẻ sờ, nhìn, nghe, ném vật mà trẻ muốn làm.
Cho đứa trẻ tự làm, làm nhiều lần cho đến khi nào thuần thục rồi sang động tác mới.
Kiên nhẫn, cố gắng và động viên, khen “tốt” hoặc “giỏi” khi đứa trẻ thực hiện được một động tác.
Biểu lộ cho đứa trẻ biết là bạn đã hài lòng.