NGHIỆM PHÁP ĐI 6 PHÚT
I. ĐẠI CƯƠNG
Đi bộ là hoạt động thường ngày của con người. Nghiệm pháp đi bộ 6 phút là phương pháp rất đơn giản đo khoảng cách tối đa mà người bệnh đi bộ được trong vòng 6 phút. Nó giúp đánh giá tình trạng thể lực của người cao tuổi cũng như trong một số bệnh lý mạn tính, thông qua đó biết được khả năng thực hiện chức năng sinh hoạt hàng ngày.
II. CHỈ ĐỊNH
– Tất cả người cao tuổi khỏe mạnh.
– Người có bệnh lý tim mạch, hô hấp.
– Người có bệnh lý xương khớp: thay khớp háng, thay khớp gối…
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh đau thắt ngực không ổn định hoặc có nhồi máu cơ tim trong vòng 1 tháng.
– Ở trạng thái nghỉ ngơi: nhịp tim >120ck/phút, hoặc HATT >180mmHg hoặc HATTr >100mmHg.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, điều dưỡng được
đào tạo về kỹ thuật.
2. Phương tiện
– Địa điểm đánh giá: có chiều dài ít nhất 30m, yên tĩnh, nền phẳng, cứng.
– Máy đo huyết áp.
– Máy đo mạch, SpO2, Wrist OX2.
– Lưu ý đánh số thứ tự 5m, 10m…
– Đồng hồ bấm giờ, thước dây.
– Hai mốc đánh dấu các điểm đầu quay vòng (bục gỗ, nhựa).
– Ghế có thể dễ dàng di chuyển dọc theo quá trình đi bộ.
– Bản ghi lại quá trình làm nghiệm pháp.
– Thuốc và các phương tiện cấp cứu như máy ghi điện tim, Oxy, máy khí dung,
thuốc tim mạch.
3. Người bệnh
– Người bệnh phải được nghỉ ngơi 10 phút trước khi làm nghiệm pháp.
– Người bệnh mặc quần áo thoải mái và giày thích hợp.
– Người bệnh nên sử dụng các trợ giúp đi thông thường của họ trong thời gian làm nghiệm pháp (gậy, khung tập đi, .v..v.).
– Nếu người bệnh đang thở oxy, cần được tiếp tục thở oxy trong thời gian làm nghiệm pháp.
– Người bệnh không nên vận động gắng sức trong vòng 2 giờ sau khi bắt đầu làm test.
– Sử dụng máy đo mạch, SpO2 dạng kẹp ngón tay để không ảnh hưởng đến bước đi của người bệnh.
– Người đánh giá không đi bộ cùng người bệnh.
4. Ký cam kết thực hiện thủ thuật
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Bước 1: kiểm tra trước test: nhịp tim, SpO2, huyết áp, điền hồ sơ.
Đưa người bệnh ra vạch xuất phát.
Bước 2: kỹ thuật viên đưa ra các yêu cầu mà người bệnh cần thực hiện trong khi
đánh giá, người bệnh không được nói chuyện trong suốt thời gian tham gia nghiệm pháp.
Hướng dẫn người bệnh thực hiện nghiệm pháp: điểm xuất phát, điểm quay đầu, cố
gắng đi hết khả năng của mình.
Bước 3: Ra hiệu lệnh: ĐI
– Người đánh giá: theo dõi và quan sát người bệnh, đếm số vòng người bệnh thực hiện được, mỗi khi kết thúc vòng đánh dấu vào bảng theo dõi.
– Người đánh giá thông báo cho người bệnh mỗi khi kết thúc 1 phút.
– Nếu người bệnh ngừng đi và cần nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục tính thời gian (không dừng bộ đếm thời gian) và để họ nghỉ nghơi cho đến khi có thể tiếp tục đi bộ lại.
– Nếu người bệnh ngừng trước 6 phút và không thể tiếp tục đi bộ (hoặc nếu người thực hiện cho rằng họ không nên tiếp tục), hãy cho người bệnh di chuyển bằng xe lăn và ghi rõ vào bảng theo dõi lý do dừng, thời gian dừng và khoảng cách đi bộ trong thời gian đó.
– Khi kết thúc 6 phút, yêu cầu người bệnh phải dừng lại và đánh dấu vị trí dừng lại đó.
– Ghi SpO2, nhịp tim, huyết áp và điểm Borg (thang đo gắng sức với 0= không gắng sức ⇒ 10= gắng sức quá mức, kiệt sức hoàn toàn).
Bước 4: tính kết quả
– Tính tổng khoảng cách đi bộ trong 6 phút của người bệnh.
– So sánh kết quả với bảng chuẩn.
Nam giới Quãng đường= 7,57 x chiều cao (cm) – 1,76 x cân nặng (kg) – 5,02 x tuổi – 309 m Hoặc = 1140 m – 5,61 x BMI – 6,94 x tuổi. Giới hạn bình thường (dưới 95%)= hai công thức trên – 153 m
Nữ giới Quãng đường= 2,11x chiều cao (cm) – 2,29 x cân nặng (kg) – 5,78 x tuổi + 667 m Hoặc=1017 m – 6,24 x BMI – 5,83 x tuổi. Giới hạn bình thường (ưới 95%)= hai công thức trên – 139 m
Bản tham chiếu chuẩn theo Paull L. Ernight và Dual L. Sherrill
Thời gian từ 30 – 45 phút.
VI. THEO DÕI
Theo dõi sát trong quá trình làm nghiệm pháp: nhịp tim, thang điểm Borg, SpO2,
huyết áp.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Người bệnh có thể có khó thở nặng lên (ở người bệnh COPD, suy tim) hoặc xuất hiện đau ngực, chóng mặt, xỉu… cần dừng nghiệm pháp, cho người bệnh nghỉ ngơi, thở oxy, báo bác sĩ để xử trí theo phác đồ.