LƯỢNG GIÁ QUÊN SAU CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO BẰNG THANG ĐIỂM WESTMEAD (số 82)
-
ĐẠI CƯƠNG
Quá trình phục hồi sau chấn thương sọ não thông qua ba giai đoạn: (1) suy giảm nhận thức, (2) Quên sau chấn thương, (3) Phục hồi chức năng với nhận thức bình thường. Tình trạng quên sau chấn thương là sự giảm đột ngột trí nhớ gây ra bởi tổn thương não, bệnh tật hoặc chấn thương tâm lý. Trí nhớ có thể mất toàn bộ hay một phần tùy theo mức độ tổn thương. Tình trạng này thường diễn ra nhất thời, cũng có thể kéo dài hoặc chỉ mất trí nhớ ngắn hạn hoặc mất trí nhớ dài hạn hoặc cả hai. Thời gian quên sau chấn thương được đo bằng phút, giờ hoặc ngày, kể từ khi chấn thương xảy ra đến khi người bệnh có thể nhớ được theo trình tự thời gian, địa điểm, và có thể thiết lập trí nhớ mới.
Thang điểm Westmead là một trong những thang điểm lượng giá quên sau chấn thương sọ não, đánh giá sự cải thiện của người bệnh, thay đổi kế hoạch can thiệp và tiên lượng phục hồi cho các chức năng khác.
-
CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh nghi ngờ chấn thương sọ não kín hoặc có bằng chứng va chạm mạnh vào đầu; điểm Glasgow từ 13-15 tại hiện trường hoặc lúc đến bệnh viện; mất ý thức và/hoặc có biểu hiện lẫn lộn/mất định hướng. Người bệnh phải có khả năng mở mắt tự phát và làm theo mệnh lệnh thì mới đạt tiêu chuẩn thực hiện bài lượng giá theo thang điểm quên sau chấn thương rút gọn: ABBREVIATED WESTMEAD PTA SCALE (A-WPTAS). Mẫu phiếu phù hợp sử dụng cho người lớn nhưng cũng có thể sử dụng cho trẻ em ≥ 8 tuổi.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Bệnh nhân trên 70 tuổi có sa sút trí tuệ trước đó.
– Trẻ em dưới 7 tuổi.
– Tổn thương não do đột quỵ hoặc thiếu oxy não
– Người bệnh chấn thương sọ não hở hoặc các rối loạn thần kinh khác.
-
THẬN TRỌNG
– Không có
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện:
- a) Nhân lực trực tiếp :
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
- b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư:
– Găng tay
– Mũ giấy
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
– Bút
– Thang điểm quên sau chấn thương Westmead (Westmead Post-traumatic amnesia Scale)
– Bộ thẻ 9 bức ảnh trong thang điểm Westmead.
5.4. Trang thiết bị:
– Nơi thực hiện: Phòng yên tĩnh, hoặc người bệnh có không gian riêng tư, không có đồng hồ hoặc lịch trong phòng.
5.5. Người bệnh:
– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …
– Tư thế người bệnh phải thoải mái, tốt nhất là ở tư thế nằm hoặc ngồi.
– Kiểm tra và bộc lộ vùng da điều trị.
5.6. Hồ sơ bệnh án:
Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện:
– Phòng tập ngôn ngữ trị liệu.
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Toàn bộ quy trình lượng giá được thực hiện trong 60 phút.
- Bước 1: Đối chiếu chỉ định và tên người bệnh
- Bước 2: Tiến hành lượng giá: Yêu cầu người bệnh trả lời những câu hỏi sau một lần mỗi ngày:
– Phần 1: Câu hỏi định hướng
+ Câu 1. Anh/chị bao nhiêu tuổi?
+ Câu 2. Ngày sinh của anh/chị là ngày nào?
+ Câu 3. Bây giờ là tháng mấy?
+ Câu 4. Bây giờ là buổi nào trong ngày? (sáng, chiều hay tối)
+ Câu 5. Hôm nay là thứ mấy?
+ Câu 6. Năm nay là năm nào?
+ Câu 7. Nơi này tên gọi là gì?
+ Câu 8. Mặt: Đưa 6 ảnh, yêu cầu người bệnh nhớ mặt người trong hình. Sau đó 1 giờ, hỏi “Anh/chị có thể xác định được những khuôn mặt nào mà anh/chị đã thấy trước đó?” (Có 6 ảnh, sử dụng 4 ảnh)
+ Câu 9. Tên: Xác định người trong hình ví dụ như A. Sau đó hỏi “Tên của người trong hình là gì?” – gợi ý C, D, A.
– Phần 2: Nhận biết hình ảnh
+ Giới thiệu 3 thẻ hình lần đầu tiên. Ba hình mục tiêu được giới thiệu trong vòng 5 giây và đảm bảo người bệnh có thể lặp lại tên của mỗi thẻ.
+ Yêu cầu người bệnh nhớ tên và sẽ kiểm tra lại sau 01 giờ.
– Phần 3: Kết quả
+ Nếu người người bệnh trả lời đúng 3 hình, cho 3 điểm. Sau đó, giới thiệu 3 hình đúng 1 lần nữa và kiểm tra lại sau 1 giờ.
+ Nếu người bệnh không tự nhớ được hoặc tự nhớ từng phần của 3 hình đúng thì giới thiệu 9 thẻ tranh. Nếu người bệnh trả lời đúng bất cứ hình nào, cho 1 điểm cho mỗi hình đúng. Sau đó giới thiệu 3 vật cần nhớ và kiểm tra sau 01 giờ.
+ Đối với người bệnh không nhớ bất cứ hình nào cũng như không nhận biết được, giới thiệu 3 vật cần nhớ lần nữa và kiểm tra lại sau 01 giờ.
+ Ghi lại từng câu trả lời và cho điểm 0 nếu trả lời sai, điểm 1 nếu trả lời đúng theo mẫu Thang điểm quên sau chấn thương Westmead (Phụ lục 1). Sau mỗi câu hỏi, giải thích cho người bệnh biết họ trả lời đúng hay sai, và sửa những câu trả lời sai. Tính tổng điểm mỗi ngày trên thang 12 điểm. Nếu người bệnh đạt điểm 12/12, hãy thay đổi bộ thẻ hình ảnh mới vào ngày hôm sau. Ghi lại những thẻ hình ảnh mới vào phiếu.
– Nếu người bệnh không thể đạt điểm số 18/18 sau bốn lần thực hiện (cách nhau một giờ), thì chỉ định cho người bệnh lượng giá sàng lọc quên sau chấn thương (PTA) mỗi ngày.
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Sự hợp tác của người bệnh trong quá trình đánh giá.
– Dừng đánh giá thang điểm quên sau chấn thương Westmead khi người bệnh đạt điểm tuyệt đối 12/12 trong 3 ngày liên tiếp, trong đó ngày đầu tiên là thời điểm người bệnh được cho là đã qua giai đoạn quên sau chấn thương.
– Có thể kiểm tra cho những người bệnh thất ngôn/mất ngôn ngữ bằng cách sử dụng gợi ý thị giác.
– Nên cung cấp thông tin bằng văn bản cho gia đình của người bệnh về quên sau chấn thương (PTA) và các chiến lược xử trí.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh chấn thương sọ não: QĐ số 5623 /QĐ-BYT năm 2018.
- Marshman L.A.G., Jakabek D., Hennessy M. và cộng sự. (2013). Post- traumatic amnesia. Journal of Clinical Neuroscience, 20(11), 1475-1481
Phụ lục
THANG ĐIỂM QUÊN SAU CHẤN THƯƠNG (PTA) WESTMEAD
Quên sau chấn thương sọ não (PTA) có thể được xem là đã qua khỏi vào ngày đầu tiên khi 3 ngày liên tiếp điểm nhớ lại là 12/12. Khi điểm của người bệnh 12/12, thì phải thay đổi thẻ hình và ghi chú ngày thay đổi. Với những người bệnh có tình trạng PTA >4 tuần, PTA có thể được xem là đã qua khỏi vào ngày đầu tiên có điểm nhớ lại đạt 12/12 (Tate, R.L và cộng sự, 2006).
Ngày bắt đầu:________________
Người khám đầu tiên:________________Thay đổi thẻ mặt được sử dụng
khi không có người khám: ________________
TL=Câu trả lời của người bệnh
Đ= Điểm của người bệnh (1 hoặc 0) |
Ngày | ||||||||
1. Anh/chị bao nhiêu tuổi? | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
2.Ngày sinh của anh/chị là ngày nào? | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
3. Tháng này là tháng nào? | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
4. Bây giờ là lúc nào của ngày? (sáng/chiều/tối) | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
5. Hôm nay là thứ mấy của tuần? | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
6. Năm nay là năm nào? | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
7. Nơi này tên gọi là gì? (nhà, bệnh viện) | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
8. Mặt | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
9. Tên | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
10. Hình 1 | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
11.Hình 2 | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
12. Hình 3 | TL | ||||||||
Đ | |||||||||
Tổng điểm: Định hướng | 7 | ||||||||
Nhớ lại | 5 | ||||||||
12 |
Được điều chỉnh bởi S.Swan, Queensland Health Occupational Therapy Gold Coast Hospital and Royal Brisbane&Women’s Hospital, 2009; từ Shores, EA., Marosszeky, J., &Batchelor, J. (1986). Giá trị ban đầu của 1 thang điểm lâm sàng để đo lường thời gian Quên sau chấn thương. Tạp chí Y khoa Úc 144, 569-572