LƯỢNG GIÁ MỨC ĐỘ CO CỨNG BẰNG THANG ĐIỂM ASHWORTH CẢI BIÊN (MAS)
I. ĐẠI CƯƠNG
Co cứng được định nghĩa theo Lance (1980) là “sự tăng lên của phản xạ trương lực (trương lực cơ) phụ thuộc vào tốc độ kéo giãn kèm theo sự phóng đại của các phản xạ gân xương do cung phản xạ cơ bị kích thích quá mức, co cứng là một thành phần nằm trong hội chứng tế bào thần kinh vận động trên”.
Năm 1964, Ashworth B. là người đầu tiên đưa ra thang điểm lượng giá co cứng để đánh giá hiệu quả điều trị co cứng ở những người bệnh xơ cứng rải rác (MS). Thang điểm Ashwoth ban đầu đánh giá sức cản với các vận động thụ động ở một khớp với các tốc độ vận động khác nhau. Có 5 bậc điểm từ 0 – 4 điểm, trong đó điểm 1 là không có sức cản và điểm 4 là sức cản mạnh, cứng đờ.
Năm 1987, hai nhà Vật lý trị liệu là Richard W.Bohannon và Melissa B.Smith đã cải biên thang điểm Ashworth với việc bổ sung thêm điểm 1+ cho nhóm có sức cản trong suốt nửa cuối tầm vận động thụ động của khớp. Như vậy thang điểm Ashwoth cải biên (Modified Ashworth Scale – MAS) sẽ có 6 bậc từ 0 – 4.
Đây là thang điểm đánh giá nhanh và dễ dàng để giúp các nhà lâm sàng lượng giá trương lực cơ, đồng thời giúp đánh giá hiệu quả điều trị.
Mặc dù là một phương pháp lượng giá chủ quan, tuy nhiên nếu thực hiện đúng cách, thang điểm này có ích trong việc lượng giá và theo dõi đáp ứng điều trị. Do đó, hiện nay thang điểm Ashworth cải biên (MAS) là một trong những thang điểm lượng co cứng được sử dụng nhiều nhất trong tất cả bệnh lý thần kinh trung ương.
Thang điểm Ashworth cải biên (MAS) (Bohannon và Smith 1987)
Xác định bằng lực kháng cản cảm thấy được khi người khám vận động thụ động
đoạn chi thể. Bao gồm 6 bậc:
0= Trương lực cơ bình thường
1= Trương lực cơ tăng nhẹ, biểu hiện lực cản nhẹ ở cuối tầm vận động khi gấp/ duỗi, dạng/khép hoặc sấp/ngửa đoạn chi thể
1+= Trương lực cơ tăng, biểu hiện lực cản nhẹ và sức cản ở nửa cuối tầm vận động chi thể
2= Trương lực cơ tăng rõ ràng hơn trong suốt toàn bộ tầm vận động, tuy nhiên đoạn chi thể vẫn có thể được vận động dễ dàng
3= Trương lực cơ tăng mạnh, vận động thụ động đoạn chi thể khó khăn
4= Đoạn chi thể bị cố định cứng đờ ở tư thế gấp, duỗi, khép hoặc dạng. Vận động thụ động là không thể được.
II. CHỈ ĐỊNH
– Tai biến mạch máu não (đột quỵ não).
– Tổn thương tủy sống.
– Chấn thương sọ não.
– Xơ cứng rải rác.
– Xơ cột bên teo cơ.
– Viêm não, u não…
– Bại não.
– Các bệnh lý thần kinh trung ương khác.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh bị tổn thương xương, khớp ngăn cản cử động hết tầm của khớp.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu hoặc hoạt động trị liệu.
2. Phương tiện
– Phiếu lượng giá co cứng theo Thang điểm Ashworth cải biên.
– Giường khám bệnh đủ rộng, kèm ga trải giường, gối.
3. Người bệnh
Được giải thích rõ mục đích, cách lượng giá.
4. Hồ sơ bệnh án
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật:
Thời gian cho một lần lượng giá khoảng 15 – 20 phút, tùy theo số cơ lượng giá.
* Bước 1: đặt người bệnh ở tư thế nằm ngửa, được hướng dẫn thư gi n hoàn toàn,
bộc lộ vùng cơ và khớp được lượng giá.
*Bước 2: tiến hành lượng giá
– Nếu lượng giá một cơ có tác dụng gấp tại một khớp, đặt khớp đó ở tư thế gấp tối đa và vận động về tư thế duỗi tối đa.
– Nếu lượng giá một cơ có tác dụng duỗi tại một khớp, đặt khớp đó ở tư thế duỗi tối đa và vận động về tư thế gấp tối đa.
* Bước 3: điền vào phiếu đánh giá.
– Đánh giá, cho điểm từng cơ mức độ từ 0, 1, 1+, 2, 3 và 4 theo bảng trên.
– Ghi lại ngày giờ đánh giá. Ký, ghi rõ họ tên người đánh giá.
* Lưu ý khi lượng giá
– Do co cứng là “phụ thuộc tốc độ kéo giãn” (tức là vận động chi càng nhanh, co cứng càng tăng), nên lượng giá MAS được thực hiện khi vận động chi ở “tốc độ của trọng lực”, tức là cùng tốc độ của chi bên không co cứng để rơi tự do.
– Lượng giá chỉ được thực hiện tối đa 3 lần cho mỗi khớp, bởi vì nếu thực hiện trên 3 lần sẽ gây hiệu ứng kéo giãn ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến điểm MAS.
– MAS được thực hiện trước khi đo tầm vận động khớp, do việc đo tầm vận động khớp tạo ra sự kéo giãn, gây ra hiệu ứng ngắn hạn làm ảnh hưởng đến điểm.
Thời gian từ 30 – 45 phút.
VI. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Đây là một phương pháp lượng giá đơn giản, không can thiệp; chưa ghi nhận tai
biến nào trong quá trình đánh giá.