LƯỢNG GIÁ CHỨC NĂNG GIAO TIẾP TĂNG CƯỜNG VÀ THAY THẾ (AAC) (số 84)
-
ĐẠI CƯƠNG
Lượng giá giao tiếp tăng cường và thay thế (Lượng giá AAC) là quá trình nhằm xác định khả năng của người bệnh và đề xuất các công cụ, thiết bị, các loại hỗ trợ, kỹ thuật, biểu tượng hoặc chiến lược phù hợp với nhu cầu giao tiếp của mỗi cá nhân người bệnh để tăng cường hoặc thay thế cho lời nói nhằm giúp người bệnh tối ưu hóa trong quá trình giao tiếp.
Lượng giá AAC sẽ giúp lựa chọn công cụ, thiết bị hoặc ứng dụng AAC dựa trên điểm mạnh và nhu cầu cá nhân, môi trường, hoạt động điển hình của người bệnh; so sánh nhiều phương án, tiến hành phân tích ghép cặp các tính năng của công cụ với khả năng, nhu cầu của từng cá nhân để tìm ra công cụ phù hợp nhất với các hoạt động giao tiếp cụ thể cho người bệnh.
-
CHỈ ĐỊNH
Lượng giá AAC có thể được chỉ định cho người bệnh gặp khó khăn trầm trọng trong việc tạo ra lời nói do khó khăn trong vận động các cơ tạo ra lời nói, khó khăn về kỹ năng ngôn ngữ, khó khăn về nhận thức. Lượng giá AAC có thể được chỉ định cho các bệnh nhân gặp khó khăn đề cập ở trên do khuyết tật bẩm sinh hoặc do khuyết tật mắc phải
Khuyết tật bẩm sinh cần AAC | Khuyết tật mắc phải cần AAC |
Rối loạn phổ tự kỷ | Đột quỵ |
Bại não | Chấn thương sọ não |
Khuyết tật phát triển | Sa sút trí tuệ |
Mất dùng lời nói hữu ý tiến triển | Sau phẫu thuật vùng đầu-mặt -cổ có ảnh hưởng đến lời nói |
Các khuyết tật di truyền có ảnh hưởng đến lời nói | Điều kiện tạm thời (đặt nội khí quản, máy thở) |
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Không có chống chỉ định tuyệt đối
– Việc phục hồi chức năng… sẽ không đạt kết quả tốt nếu người bệnh không đủ tỉnh táo hoặc không hợp tác tham gia vào buổi trị liệu.
4. THẬN TRỌNG:
không có
5. CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện:
- a) Nhân lực trực tiếp:
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
- b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư:
– Găng tay
– Mũ giấy
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
– Giấy, bút (viết), phiếu lượng giá
5.4. Trang thiết bị: không có
5.5. Người bệnh:
– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …
– Tư thế người bệnh phải thoải mái, tốt nhất là ở tư thế nằm hoặc ngồi.
– Kiểm tra và bộc lộ vùng da điều trị.
5.6. Hồ sơ bệnh án:
Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện:
– Phòng tập ngôn ngữ trị liệu.
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Lượng giá về AAC nhằm lựa chọn công cụ và sử dụng thiết bị hoặc ứng dụng là một quá trình phức tạp, cần xem xét toàn diện thông qua các bước sau:
Bước 1: Phỏng vấn để thu thập thông tin
– Phỏng vấn để ghi nhận những mong muốn, sở thích và mục tiêu của người bệnh và gia đình của người bệnh.
– Ghi nhận tiền sử: Về tình trạng y tế, giáo dục, nghề nghiệp, nền tảng kinh tế xã hội, văn hóa và ngôn ngữ liên quan đến các hoạt động mà người bệnh cần hệ thống AAC để hỗ trợ giao tiếp, các thiết bị trợ giúp đã và đang sử dụng.
Bước 2: Quan sát để xem xét tình trạng chung tổng thể của cá nhân người bệnh liên quan đến việc sử dụng công cụ AAC:
– Các khó khăn về thị giác: Cận thị hoặc viễn thị, khó nhìn thấy các vật được đặt trong các trường trực quan cụ thể (mù màu).
– Giảm thính lực: Có hay không tình trạng suy giảm thính lực.
– Vận động thô và vận động tinh: Có khó khăn về Vận động thô hoặc vận động tinh hay không?
– Thiết bị trợ giúp hoặc thiết bị chỉnh hình: người bệnh có đang sử dụng các thiết bị trợ giúp: như xe lăn, nẹp cổ, thiết bị giao tiếp hoặc trang thiết bị chuyên dụng khác.
Bước 3: Sử dụng lượng giá chuẩn hóa hoặc không chuẩn hóa để xác định các nhu cầu và các mức độ phát triển kỹ năng về giao tiếp, ngôn ngữ và lời nói
– Lượng giá các chức năng giao tiếp
– Lượng giá các chủ ý giao tiếp
Xác định các chủ ý giao tiếp hiện có của người bệnh theo các gợi ý dưới đây:
- Thu hút sự chú ý
- Chào hỏi
- Yêu cầu đồ vật hoặc hành động
- Lựa chọn
- Từ chối
- Thể hiện các nhu cầu của bản thân
- Gọi tên
- Bình luận
- Trả lời câu hỏi
- Đặt câu hỏi
Xác định hành vi giao tiếp cho từng loại chủ ý giao tiếp đã liệt kê ở trên
- Sử dụng hành vi không lời: các cử động của cơ thể, tạo ra âm sớm, giao tiếp mắt, cử chỉ đơn giản, hệ thống ký hiệu qui ước..,
- Sử dụng lời nói hoặc các biểu tượng tương đương: một từ, hai từ…
Xác định hoạt động giao tiếp sẽ xảy ra ở môi trường nào và với ai
Giao tiếp của người bệnh sẽ rất đa dạng với các tình huống khác nhau, cần xác định hoạt động giao tiếp với một công cụ AAC sẽ diễn ra ở
- Nhà ở
- Trường học
- Trong lúc chơi
- Với bạn bè
- Các sự kiện xã hội
– Lượng giá sự phát triển Ngôn ngữ và nhận thức.
Cần lượng giá mức độ Ngôn ngữ của người bệnh để xác định loại từ vựng và số lượng từ vựng cho công cụ AAC lựa chọn. Việc xác định mức độ Ngôn ngữ hiểu và diễn đạt có thể thông qua phương pháp lượng giá chuẩn hóa và không chuẩn hóa như lượng giá động qua chơi, thu mẫu ngôn ngữ, hoặc sử dụng các loại bảng kiểm (tham khảo thêm ở qui trình lượng giá Ngôn ngữ hiểu và diễn đạt)
– Lượng giá về lời nói:
Cần lượng giá về tính dễ hiểu của lời nói cũng như sự tạo âm lời nói để xem xét mức độ cần thiết sử dụng công cụ AAC tăng cường hay thay thế lời nói.
– Lượng giá các kỹ năng xã hội: như sự lần lượt, mức độ phát triển chơi (trẻ em), xử trí thất bại trong giao tiếp
Bước 4: Cân nhắc các yếu tố kỹ thuật cho công cụ AAC
– Xác định phân cấp hình ảnh sẽ dùng trong hệ thống AAC
- Vật thật
- Vật thật thu nhỏ (đồ chơi)
- Ảnh chụp màu
- Ảnh chụp đen trắng
- Hình vẽ màu
- Hình vẽ đen trắng
- Hình biểu tượng
- Từ
- Cụm từ
- Câu
– Xác định các tính năng của công cụ
- Kích thước của từ vựng: từ vựng cho mỗi công cụ nhiều hay ít phụ thuộc vào kết quả lượng giá Giao tiếp và ngôn ngữ ở bước 3.
- Tổ chức các lớp đơn hay nhiều lớp cho từng công cụ: phụ thuộc vào kết quả lượng giá Giao tiếp và ngôn ngữ ở bước 3.
- Phương thức truy cập công cụ: phụ thuộc vào khả năng vận động thô, vận động tinh, sự toàn vẹn các giác quan để xác định các phương thức như: chỉ vào, chạm vào biểu tượng hình ảnh (công nghệ cao) , nhấn nút, quét có đối tác trợ giúp, ánh nhìn chăm chú …
Bước 5: Tổng hợp thông tin từ bốn bước trên để chọn hệ thống AAC phù hợp
Danh sách các công cụ AAC hiện có tại Việt Nam thể hiện trong phụ lục.
Kết thúc lượng giá:
– Giải thích ngắn gọn kết quả lượng giá cho người bệnh và/hoặc người nhà/người chăm sóc (nếu có).
– Ghi nhận các kết quả lượng giá vào hồ sơ.
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Người lượng giá cần quan sát và ghi nhận tình trạng sức khỏe của người bệnh trong khi lượng giá. Nếu người bệnh biểu lộ mệt mỏi, mất tập trung, thiếu hợp tác thì nên tạm dừng và tìm hiểu nguyên nhân để có xử trí thích hợp.
– Trong trường hợp người bệnh không thể tiếp tục buổi lượng giá thì cần tôn trọng người bệnh và dừng lại. Hẹn người bệnh và gia đình tiếp tục lượng giá trong một buổi khác.
– Nếu người bệnh có dấu hiệu bất thường, báo bác sĩ trực để xử trí kịp thời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Binger, C., Ball, L., Dietz, A., Kent-Walsh, J., Lund, S., McKelvey, M., and Quach, W. (2012). Personnel roles in the AAC assessment process. Augmentative and Alternative Communication, 28, 278-288
- Margetson, K., Huynh, T. B., & Webb, G. (2020). Digital Technology and Augmentative and Alternative Communication in Speech and Language Therapy in Vietnam: Needs Assessment, Current Practices and Recommendations. Technical report. USAID, Humanity & Inclusion, Trinh Foundation Australia.
- Schlosser, R., & Raghavendra, P. (2004). Evidence-based practice in augmentative and alternative communication. Augmentative and Alternative Communication, 20, 1-21.
- Rowland, Charity. (2015). “Communication Assessment for Parents & Professionals.” Communication Matrix. Child Development and Resource Center, n.d.
Phụ lục
DANH SÁCH CÁC CÔNG CỤ AAC HIỆN CÓ TẠI VIỆT NAM
Không hỗ trợ | Có hỗ trợ | |
Công nghệ thấp | Ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt Ra dấu từ khóa tiếng Việt | – Sách giao tiếp
– Bảng từ vựng cốt lõi hoặc bảng cụm từ – Vật biểu tượng – Biểu tượng hình ảnh/ bảng hình – Bảng chữ cái – Chuỗi câu – Thời gian biểu hình ảnh – Bảng lựa chọn – Bảng đầu tiên – sau đó – Câu chuyện xã hội – Biểu tượng hình ảnh – Hình chụp – Biểu tượng vật thể – Các thẻ giao tiếp có dây ràng ở cổ, hoặc kiểu xâu thành vòng – Vòng tay để giao tiếp – Áo để giao tiếp – Phần mềm Boardmaker (CD-rom) và trực tuyến – Trang web có các biểu tượng được tạo ra ở Việt Nam (www.concuame.com/paxt) – PECS (Picture Exchange Communication System) Hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh |
Công nghệ cao | – Ứng dụng Talk Tablet VN – ứng dụng AAC tiếng Việt.
– Ứng dụng đánh vần và hội thoại Alpha Topic phiên bản Tiếng Việt. – Avaz – ứng dụng AAC tiếng Việt – CoughDrop và LAMP Words for Life Ứng dụng AAC tiếng Anh. Nhà lâm sàng sử dụng ứng dụng để tạo bảng AAC bằng tiếng Việt và in ra để sử dụng như bảng AAC công nghệ thấp. – Ứng dụng Visuals2Go – ứng dụng giáo dục với khả năng tạo bảng giao tiếp và sử dụng chúng như một thiết bị AAC có phát tiếng nói, tạo câu chuyện ảnh, câu chuyện xã hội hoặc in tài liệu công nghệ thấp. Ứng dụng này sử dụng tiếng Anh nhưng bạn có thể ghi âm giọng nói của mình và nhập văn bản bằng tiếng Việt. – Ứng dụng tiếng Anh cho các kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức dành cho những người bị đột quỵ, ví dụ. Constant Therapy. – Các ứng dụng bảng lựa chọn – Phần mềm và ứng dụng phân tích âm thanh – ví dụ: phản hồi sinh học và phần mềm PRAAT – Ứng dụng hẹn giờ – Ứng dụng vẽ – Trò chơi, âm nhạc, video, hình ảnh thông dụng như một cách giới thiệu hoặc mô tả các hoạt động và giảng dạy trong quá trình trị liệu. |
- Bs Đỗ Thị Thúy Anh