LIỆU PHÁP NGHỆ THUẬT HỘI HỌA (số 149)
-
ĐẠI CƯƠNG
Trị liệu nghệ thuật hội họa là một hình thức trị liệu tâm lý sử dụng tiến trình sáng tạo trong một không gian chữa lành an toàn để cải thiện và gia tăng sức khỏe tâm lý cho người bệnh.
Có nhiều hình thức nghệ thuật được sử dụng trong liệu pháp này, tuy nhiên cách hiểu phổ biến nhất với cụm từ “nghệ thuật” ở đây là nghệ thuật thị giác. Nghệ thuật thị giác được sử dụng trong trị liệu nghệ thuật bao gồm nhưng không giới hạn trong các hình thức vẽ tranh với than, chì, màu nước, sáp màu, cắt dán hình ảnh, vẽ kể chuyện, nặn đất sét, sáng tạo với vải…
Nghệ thuật phản ánh cái đẹp bằng màu sắc, đường nét, hình khối, sắc độ.
Thông qua tương tác với các chất liệu và dụng cụ người bệnh có thể, khám phá và giải quyết những mâu thuẫn nội tâm, cải thiện hành vi ứng xử, có thể phát triển khả năng nhận thức, tự nhận thức và niềm tin vào bản thân, tự tin tham gia vào các hoạt động xã hội.
Giúp người bệnh giảm căng thẳng, cải thiện về mặt cảm xúc: người bệnh chủ động giải phóng những cảm xúc tiêu cực thay vì thụ động chờ đợi.
Giúp người bệnh cải thiện về mặt xã hội: người bệnh tự tin hòa nhập với xã hội, phát huy khả năng bản thân.
Giúp người bệnh cải thiện về mặt thể chất: Người bệnh giảm stress khơi dậy tính chủ động tham gia vào các hoạt động.
Giúp người bệnh cải thiện về thể chất: cải thiện chức năng chi trên (các hoạt động tinh, kỹ năng khéo léo bàn tay trong các bài tô vẽ, tạo hình bằng đất nặn)… Nghệ thuật trị liệu cải thiện chức năng nhận thức đặc biệt trí nhớ, chức năng điều hành, không gian thị giác…
-
CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh tâm thần đang trong giai đoạn phục hồi
– Nghiện chất
– Động kinh
– Rối loạn phổ tự kỷ.
– Trong các bệnh lý tổn thương thần kinh trung ương và ngoại biên như tai biến mạch não, chân thương sọ não, liệt tủy, sơ cứng rải rác, sơ cột bên teo cơ, các bệnh lý thoái hóa thần kinh như sa sút trí tuệ, Parkinson…
– Tổn thương thứ phát ảnh hưởng tới chức năng bàn tay.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh kích động, loạn thần nặng.
– Người bệnh trong giai đoạn cấp tính bệnh lý nội – ngoại khoa, người bệnh có nguy cơ tự sát, không hợp tác trong quá trình trị liệu.
-
THẬN TRỌNG
Người bệnh có các triệu chứng loạn thần còn dao động.
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện: 03 người
a) Nhân lực trực tiếp
– Bác sĩ chuyên khoa tâm thần/ Bác sĩ phục hồi chức năng/ Kỹ thuật viên phục hồi chức năng/cán bộ tâm lý.
b) Nhân lực hỗ trợ
– Điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa tâm thần/ phục hồi chức năng tâm thần có bằng cấp hoặc chứng chỉ được công nhận.
5.2. Thuốc
Không có
5.3. Vật tư
– Dụng cụ vẽ: Giấy vẽ, giá vẽ, bút chì, tẩy, bút nước, bút sáp, hộp màu, bút lông, hồ dán, kẹp giấy, phiếu theo dõi đánh giá.
– Dụng cụ hướng dẫn: Đồ vật mẫu khác nhau; tranh và mô hình hội hoạ; sách hướng dẫn kỹ thuật.
– Các thang lượng giá về cảm xúc (thang đánh giá tâm trạng nhanh).
– Bảng kiểm để lượng giá hoạt động của người bệnh ….
5.4. Trang thiết bị
– Tivi
– Loa
– Máy vi tính
5.5. Người bệnh
– Tập trung người bệnh và giải thích liệu pháp cho người bệnh hiểu, tạo sự thoải mái để người bệnh tự nguyện tham gia.
– Giải thích người bệnh nếu trong quá trình hoạt động cảm thấy có bất thường thì tạm dừng hoạt động và thư giãn.
– Số lượng người bệnh tham gia tối đa 5 người.
5.6. Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định
– Hồ sơ bệnh án chuyên khoa: Phiếu điều trị, Kế hoạch Phục hồi chức năng.
– Sổ ghi chép của cán bộ hướng dẫn.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật 0,75 giờ.
5.8. Địa điểm thực hiện kỹ thuật
Phòng trị liệu hội hoạ.
5.9. Kiểm tra hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định
– Người thực hiện tiếp nhận người bệnh, tiếp nhận phiếu chỉ định, kiểm tra đối chiếu phần thông tin hành chính trên phiếu chỉ định với thông tin cá nhân của người bệnh.
– Nhập tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán … của người bệnh vào máy và vào sổ theo dõi.
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Sử dụng 3 bước với các khuynh hướng hoạt động trị liệu.
Bước 1: thụ động.
+ Đánh giá tâm trạng nhanh trước khi thực hiện
+ Hướng dẫn người bệnh xem những bức tranh có sẵn.
+ Người thực hiện phân tích lý giải tác phẩm.
+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
+ Phân tích đường nét bố cục, tạo khối màu sắc.
Bước 2: chủ động.
+ Người bệnh được tự do sáng tạo
+ Hướng dẫn người bệnh vẽ tranh theo chủ đề mà kỹ thuật viên, Cán bộ tâm lý đưa ra.
Bước 3: kết hợp giữa thụ động và chủ động
+ Người bệnh vẽ theo những bức tranh đã có sẵn “chép tranh”.
+ Người thực hiện diễn tả lại những bức tranh cho bệnh nhân vẽ “sự so sánh”.
+ Đánh giá tâm trạng nhanh sau buổi trị liệu.
* Lưu ý
– Khuyến khích người bệnh vẽ những bức tranh có ý nghĩa “đẹp”.
– Phê bình nhẹ nhàng những bức tranh chưa lành mạnh.
– Hướng cho người bệnh vẽ những đồ vật quen thuộc, phong cảnh làng quê…
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
7.1. Theo dõi
– Theo dõi diễn biến tâm lý của người bệnh.
– Theo dõi mức độ tập trung, khả năng sáng tạo, ánh mắt, cử chỉ.
7.2. Tai biến và xử trí
Theo dõi và xử trí tai biến nếu có.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Alberto Cucca & all. Art therapy for Parkinson’s disease. Parkinsonism and Related Disorders 84 (2021) 148-154
- Suzanme Haeyen. Art therapy anh Emotion Regulation problems, HAN University of Aphied Sciences. 2018.
- Shayla Y.M. Emblad. Creative Art Therapy as a Non-Pharmacological Intervention for Dementia: A Systematic Review. J Alzheimers Dis Rep. 2021; 5(1): 353-364
- Susan I. Buchalter. Raising self- Esteem in adults an Eclectic Approach with Art Therapy, CBT and DBT Based Techniques.2014
- Leah Guzman. Nghệ thuật chữa lành, Nhà xuất bản lao động. 2021.