Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

LIỆU PHÁP LÀM VƯỜN (số 118)

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng
  1. ĐẠI CƯƠNG

Liệu pháp làm vườn là hình thức lao động đơn giản, thông qua hoạt động trồng cây, chăm sóc cây giúp người bệnh cải thiện tình trạng thể lực và tâm thần, chuẩn bị cho họ trở về với xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Liệu pháp làm vườn giúp người bệnh có khả năng tự phục vụ bản thân và sử dụng những kỹ năng này để trở về gia đình và hòa nhập xã hội sau khi ra viện.

Liệu pháp giúp người bệnh huy động khả năng hoạt động tâm thần, làm cho người bệnh tập trung chú ý và tăng cường ý chí, phát huy sáng kiến làm cho sản phẩm ngày một tốt hơn. Làm vườn làm cho người bệnh bớt lo lắng, suy nghĩ về bệnh tật, làm mất đi những ý nghĩ tiêu cực dễ xảy ra khi người bệnh không hoạt động. Giúp người bệnh cải thiện tâm trạng, thể chất, tăng sự tự tin khi tham gia hoạt động và chủ động hơn trong giao tiếp, mở rộng các mối quan hệ, chủ động tham gia lao động.

  1. CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh tâm thần đang trong giai đoạn phục hồi.

– Nghiện chất

– Động kinh

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh đang kích động, loạn thần cấp

– Người bệnh suy kiệt thể lực, đang có bệnh nội khoa nặng

  1. THẬN TRỌNG

Người bệnh có các triệu chứng loạn thần còn dao động.

  1. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện: 03 người

a) Nhân lực trực tiếp:

– Bác sỹ chuyên khoa tâm thần/Bác sĩ phục hồi chức năng/Kỹ thuật viên phục hồi chức năng/cán bộ tâm lý.

b) Nhân lực hỗ trợ:

– Điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa tâm thần/ phục hồi chức năng tâm thần có bằng cấp hoặc chứng chỉ được công nhận.

5.2. Thuốc

Không có

5.3. Vật tư

– Vườn, giống cây, phân bón, hạt giống.

– Cuốc, liềm, bình tưới, cào đất, ủng, găng tay, dầm, …

– Các thang lượng giá về cảm xúc (thang đánh giá tâm trạng nhanh).

– Bảng kiểm để lượng giá hoạt động của người bệnh ….

5.4. Trang thiết bị

Không có

5.5. Người bệnh:

– Tập trung người bệnh giải thích cho người bệnh tin tưởng yên tâm tham gia hoạt động.

– Người bệnh được tôn trọng, được làm việc theo sở thích không bị phán xét.

– Người bệnh nắm được các bước tiến hành trong quá trình tham gia lao động làm vườn.

– Số lượng người bệnh tham gia tối đa 10 người.

5.6. Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định

– Hồ sơ bệnh án chuyên khoa: Phiếu điều trị, Kế hoạch Phục hồi chức năng.

– Sổ ghi chép của cán bộ hướng dẫn.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật

0,5 giờ.

5.8. Địa điểm thực hiện kỹ thuật

Vườn hoa, vườn cây.

5.9. Kiểm tra hồ sơ, phiếu chỉ định.

– Người thực hiện tiếp nhận người bệnh, tiếp nhận phiếu chỉ định, kiểm tra đối chiếu phần thông tin hành chính trên phiếu chỉ định với thông tin cá nhân của người bệnh.

– Nhập tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán … của người bệnh vào máy và vào sổ theo dõi.

  1. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bước 1: Tập trung người bệnh và giải thích cho người bệnh biết về mục đích, ý nghĩa của hoạt động hoạt động làm vườn, yêu cầu sản phẩm của hoạt động, phân công việc cụ thể.

Bước 2: Đánh giá tâm trạng trước khi tham gia hoạt động.

Bước 3: Hướng dẫn và làm mẫu các kỹ thuật cơ bản để người bệnh hoạt động làm vườn. Phân công người làm đất, lên luống, độ ẩm, phân bón, ươm hạt, trồng cây, tưới nước, làm cỏ.

Bước 4: Trong quá trình hoạt động để giảm sự nhàm chán cho người bệnh thư giãn, nghỉ giải lao. Đồng thời đánh giá tâm lý người bệnh và tìm ra những điểm tích cực, từ đó có kế hoạch trị liệu tiếp theo.

Bước 5: Tổng kết buổi hoạt động, đánh giá kết quả thực hiện, khen thưởng, động viên khuyến khích người bệnh.

Bước 6: Thu xếp kiểm tra dụng cụ, ghi chép vào sổ theo dõi hoạt động cán bộ tâm lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên thảo luận rút kinh nghiệm.

Bước 7: Đánh giá tâm trạng sau khi tham gia.

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

7.1. Theo dõi

– Cần theo dõi diễn biến tâm lý người bệnh trong quá trình tham gia hoạt động.

– Theo dõi mức độ tập trung của người bệnh, sự phối hợp khi tham gia hoạt động.

– Cẩn thận với các vật dụng như cuốc, xẻng, …khi tiến hành liệu pháp.

7.2. Tai biến và xử trí

– Khi có biểu hiện bất thường yêu cầu dừng hoạt động.

– Người bệnh bỏ tham gia giữa chừng cố gắng động viên khuyến khích để người bệnh tiếp tục tham gia.

– Tai biến khác: choáng ngất, say nắng, tai nạn trong quá trình hoạt động…Cần đưa người bệnh vào nghỉ và đưa vào bệnh phòng để xử trí cấp cứu kịp thời

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Liệu pháp kích hoạt hành vi, 2012. (lưu hành nội bộ)
  2. KS. Lê Quốc Tuấn. Kỹ thuật trồng và chăm sóc một số loại rau củ, Nhà xuất bản Phương Đông. 2021
  3. Janne Clatworthy et all. Gardening as a mental health intervention: A review. Mental Health Review Journal, Vol. 18 No. 4, pp. 214-225
  4. The Importance of Vocation in Recovery for Young People with Psychiatric Disabilities. British Journal of Occupational Therapy Februaly 2007 70(2).