Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

LAO ĐỘNG TRỊ LIỆU (số 30)

Chuyên ngành: Hoạt động trị liệu, Phục hồi chức năng
  1. ĐẠI CƯƠNG

– Đây là liệu pháp quan trọng vào bậc nhất trong tâm thần học, không thể thiếu được trong cơ sở điều trị nào, nội trú cũng như ngoại trú.

– Bất kỳ một hoạt động nào của con người đều có 2 thành tố chính: thành tố tâm lý bên trong và các thao tác bên ngoài. Lao động trị liệu nhằm làm thay đổi, điều chỉnh cái tâm lý bên trong thông qua việc tổ chức thực hiện các thao tác bên ngoài.

– Làm cho người bệnh quên những cảm giác khó chịu do hoang tưởng ảo giác gây ra, giảm bớt lo lắng về bệnh tật, làm mất những ý nghĩ tiêu cực khi không hoạt động.

– Giúp người bệnh gắn với tập thể trong dây chuyền sản xuất, tăng tính tổ chức và kỷ luật.

– Lao động trị liệu tạo người bệnh có cảm giác thoải mái, khoan khoái trước những sản phẩm của mình, khí sắc vui vẻ, lạc quan, gây lòng tin vào khả năng giúp ích xã hội của mình.

– Cải thiện các mối quan hệ và duy trì các mối quan hệ của người bệnh với các thành viên. Huấn luyện người bệnh có khả năng độc lập, tự chủ trong hoạt động tự chăm sóc bản thân, giao tiếp, tái thích ứng xã hội.

– Giúp bệnh nhân cải thiện và phát huy khả năng tập trung chú ý, sự biểu lộ, tính tổ chức, lòng tự tin

– Lao động trị liệu tạo cho người bệnh khôi phục và duy trì thói quen và động tác sản xuất, huấn luyện bệnh nhân một số kỹ năng lao động, nghề nghiệp cơ bản để người bệnh sớm hòa nhập cộng đồng.

– Sau khi lao động trị liệu, người bệnh ăn ngon hơn, ngủ yên hơn.

– Hỗ trợ bệnh nhân lập kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng trong tương lai.

  1. CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh tâm thần đang trong giai đoạn phục hồi

– Nghiện chất

– Động kinh

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh kích động, loạn thần nặng.

– Người bệnh đang trong giai đoạn cấp tính bệnh lý nội – ngoại khoa, người bệnh có nguy cơ tự sát, không hợp tác trong quá trình trị liệu.

  1. THẬN TRỌNG

– Người bệnh tâm thần có các triệu chứng tâm thần còn dao động.

  1. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện: 03 người

  1. a) Nhân lực trực tiếp:

– 01 Bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc cán bộ tâm lý

  1. b) Nhân lực hỗ trợ

– 01 Điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa tâm thần hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng.

5.2. Thuốc

– Không có

5.3. Vật tư

– Các vật dụng cần thiết phù hợp với hoạt động cụ thể sẽ tiến hành như kéo, vải, phấn may, thước may, tô vít, dây nilon, đót, cói, đay, ghế gỗ, sách hướng dẫn…

– Các thang lượng giá về cảm xúc (thang đánh giá tâm trạng nhanh).

– Bảng kiểm để lượng giá hoạt động của người bệnh ….

5.4. Trang thiết bị

– Máy may các loại

– Go dệt chiếu

5.5. Người bệnh

– Tập trung người bệnh và giải thích kỹ thuật cho người bệnh hiểu, tạo sự thoải mái để người bệnh tự nguyện tham gia.

– Giải thích người bệnh nếu trong quá trình hoạt động cảm thấy có bất thường thì tạm dừng hoạt động và thư giãn.

– Số lượng người bệnh tham gia tối đa 10 người

5.6. Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định

– Hồ sơ bệnh án chuyên khoa: Phiếu điều trị, Kế hoạch Phục hồi chức năng.

– Sổ ghi chép của cán bộ hướng dẫn.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 giờ.

5.8. Địa điểm thực hiện kỹ thuật: Phòng trị liệu.

5.9. Kiểm tra hồ sơ, phiếu chỉ định

– Người thực hiện tiếp nhận người bệnh, tiếp nhận phiếu chỉ định, kiểm tra đối chiếu phần thông tin hành chính trên phiếu chỉ định với thông tin cá nhân của người bệnh.

– Nhập tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán … của người bệnh vào máy và vào sổ theo dõi.

  1. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bước 1: Đánh giá tâm trạng nhanh trước khi tham gia liệu pháp

Bước 2: Tập trung người bệnh và giải thích cho người bệnh biết về mục đích, ý nghĩa của hoạt động. (các dạng lao động thủ công như dệt chiếu, móc chổi phất trần, may thảm chùi chân, bắt vít dây…).

Bước 3: Người thực hiện làm mẫu từng hoạt động cụ thể để người bệnh quan sát và hướng dẫn người bệnh thực hiện từng kỹ thuật.

Bước 4: Thực hiện liệu pháp lao động dưới sự giám sát của người thực hiện. Người thực hiện cần theo dõi và giám sát chặt chẽ người bệnh. Đánh giá tâm lý và kỹ năng thực hiện kỹ thuật của họ để từ đó lập kế hoạch hoạt động tiếp theo.

Bước 5: Tổng kết hoạt động, đánh giá kết quả thực hiện, khen thưởng, động viên khuyến khích người bệnh. Đánh giá tâm trạng sau khi tham gia hoạt động.

Bước 6: Thu dọn, ghi chép vào sổ theo dõi hoạt động, nhóm thảo luận rút kinh nghiệm.

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Cần theo dõi diễn biến tâm lý, độ tập trung của người bệnh, sự phối hợp khi tham gia lao động.

– Người bệnh có biểu hiện bất thường yêu cầu dừng hoạt động.

– Người bệnh bỏ tham gia giữa chừng cố gắng động viên khuyến khích để người bệnh tiếp tục tham gia.

– Tai biến: choáng, ngất, tai nạn trong quá trình hoạt động cần bình tĩnh đưa người bệnh vào nghỉ và vào phòng bệnh để xử trí cấp cứu kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. BS.CKII. Bùi Đức Trình. Giáo trình tâm thần học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. 2010.
  2. Lê Đình Sáng. Tâm thần học 2010, Đại học Y Hà Nội. 2010.
  3. Janne Clatworthy et all. Gardening as a mental health intervention: A review. Mental Health Review Journal, Vol. 18 No. 4, pp. 214-225
  4. The Importance of Vocation in Recovery for Young People with Psychiatric Disabilities. British Journal of Occupational Therapy Februaly 2007 70(2)
  5. Crowther R. Vocational rehabilitation for people with severe mental illness (Review). Cochrane Database of Systematic Reviews 2001, Issue.