Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT TƯ VẤN, GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI BỆNH TIM MẠCH (số 144)

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng
Hướng dẫn bao hàm nội dung tư vấn, không bao hàm tốt kĩ năng tư vấn.

- Bs Đỗ Thị Thúy Anh

  1. ĐẠI CƯƠNG

Kỹ thuật tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh tim mạch là một phương pháp tiếp cận đa ngành và đa chuyên môn nhằm hỗ trợ bệnh nhân tim mạch nâng cao kiến thức, có thể tự chăm sóc bản thân, bảo vệ và nâng cao sức khỏe bằng những nỗ lực của chính mình. Sự tập trung của kỹ thuật tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh tim mạch là vào lý trí, tình cảm và các hành động nhằm thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi có lợi mang lại cuộc sống khỏe mạnh, hữu ích. Kỹ thuật tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh tim mạch cũng là phương tiện nhằm phát triển ý thức con người, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh trong giải quyết vấn đề sức khỏe của bản thân bệnh nhân. Kỹ thuật tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh tim mạch không phải chỉ là cung cấp thông tin hay nói với mọi người những gì họ cần làm cho sức khỏe của họ mà là quá trình cung cấp kiến thức, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường để nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ về sức khỏe và thực hành hành vi sức khỏe lành mạnh. Bởi vậy kỹ thuật này đòi hỏi một quá trình lâu dài, cần phải tiến hành theo kế hoạch cụ thể, kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, theo nguyên tắc lấy bệnh nhân làm trung tâm.

  1. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh đang điều trị tại đơn vị phục hồi chức năng tim mạch có tình trạng bệnh lý ổn định.

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Hôn mê, rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần nặng.

– Suy kiệt, bệnh truyền nhiễm cấp tính.

– Nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não cấp.

– Người bệnh từ chối tham gia.

  1. THẬN TRỌNG

– Không có

  1. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a. Nhân lực trực tiếp

– Bác sĩ Phục hồi chức năng

– Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng.

b. Nhân lực hỗ trợ

5.2. Thuốc: Glycerin nitrate xịt dưới lưỡi (Nitromint, Nati spray).

5.3. Vật tư

Tạ tay, bóng cao su, thảm, gậy, tạ treo, thanh song song, ghế, dây chun kháng lực và một số dụng cụ tập luyện bổ trợ khác.

– Máy đo SpO2.

– Máy đo huyết áp.

– Máy thử đường huyết.

– Khí oxy.

– Khẩu trang y tế

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn

– Khăn lau tay

– Tài liệu in ấn (Báo, tạp chí; Pano, áp phích; Tranh lật hay sách lật; Tờ rơi).

5.4. Trang thiết bị

– Điện thoại để gọi trợ giúp.

– Một hệ thống hút áp lực âm sẵn sàng sử dụng.

– Tủ thuốc cấp cứu.

– Máy sốc điện

– Giường bệnh: Ít nhất 1 chiếc.

– Thang điểm Borg.

5.5. Người bệnh

– Số lượng người nghe: Tuỳ theo chủ đề, nhưng không nên quá đông.

– Thông báo cho người nghe về mục đích và nội dung của buổi tư vấn giáo dục sức khoẻ.

– Khuyến khích mọi người tham gia đầy đủ.

5.6. Hồ sơ bệnh án

Hoàn thiện theo quy định của Bộ Y tế.

5.7.Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 – 0,8 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: Phòng tập phục hồi chức năng

5.9. Kiểm tra hồ sơ

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

  1. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bước 1: Chuẩn bị trước khi thực hiện kỹ thuật tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh tim mạch

– Chuẩn bị môi trường.

– Chuẩn bị người bệnh.

– Chuẩn bị người thực hiện kỹ thuật: Trang phục chỉnh tề, phù hợp. sắp xếp thời gian buổi tư vấn 20-30 phút. Chuẩn bị kỹ nội dung theo chủ đề của buổi tư vấn giáo dục sức khỏe.

Bước 2: Thực hiện kỹ thuật tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh tim mạch

– Bắt đầu hấp dẫn người bệnh.

– Chào hỏi, làm quen với người bệnh.

– Người thực hiện kỹ thuật tư vấn, giáo dục sức khỏe giới thiệu về mình.

– Giới thiệu chủ đề nói chuyện, tạo sự chú ý của người nghe.

– Nêu rõ mục tiêu của buổi tư vấn, giáo dục sức khỏe.

– Nói đủ to để mọi người nghe rõ, sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, kết hợp ngôn ngữ không lời.

– Trình bày nội dung chính thích hợp với chủ đề, sử dụng tài liệu phương tiện phù hợp, có ví dụ minh họa cho mọi người dễ hiểu.

– Quan sát bao quát được đối tượng nghe, tạo điều kiện cho người bệnh đặt câu hỏi. Trả lời các câu hỏi của người bệnh ngắn gọn, đủ ý.

– Tóm tắt mấu chốt từng phần trình bày.

– Tạo cơ hội cho người bệnh thực hành nếu có nội dung thực hành.

Bước 3: Kết thúc kỹ thuật tư vấn, giáo dục sức khỏe

– Tóm tắt toàn bộ chủ đề thảo luận.

– Nhấn mạnh những điểm cần nhớ, cần làm.

– Cảm ơn người nghe và người tổ chức.

– Tạo điều kiện tiếp tục hỗ trợ người bệnh.

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Kỹ thuật này tương đối an toàn cho người bệnh.

– Nhân viên y tế cần quan sát người bệnh trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật, phát hiện và xử trí dấu hiệu bất thường theo phác đồ.

– Dừng kỹ thuật nếu bệnh nhân yêu cầu dừng, bệnh nhân mệt, đau ngực, khó thở, xỉu: Tìm nguyên nhân như hạ đường huyết, hạ huyết áp và xử trí cấp cứu ban đầu, báo nhóm cấp cứu để xử trí theo phác đồ.

– Dừng kỹ thuật nếu có rối loạn nhịp nghiêm trọng, dấu hiệu thiếu máu cơ tim: cho bệnh nhân nằm nghỉ, báo bác sĩ để xử trí theo phác đồ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 2021 ESC Guidelines on cardiovascular disease prevention in clinical. European Heart Journal (2021)
  2. French Society Of Cardiology Guidelines For Cardiac Rehabilitation In Adults. Recommandations Du Groupe Exercice Réadaptation Sport (Gers) De La Societe Francaise De Cardiologie Concernant La Pratique De La Readaptation Cardiovasculaire Chez L’adulte. 2011;
  3. American Association Of Cardiovascular And Pulmonary Rehabilitation: Guidelines For Cardiac Rehabilitation And Secondary Prevention Programs. 5th. Champaign, Il: Human Kinetics; 2013.