KỸ THUẬT THAY ĐỔI HÀNH VI TRONG ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TIỂU TIỆN VÀ ĐẠI TIỆN
I. ĐẠI CƯƠNG
Thay đổi hành vi là biện pháp điều trị không sử dụng thuốc và thường là lựa chọn đầu tiên để điều trị người bệnh rối loạn đại, tiểu tiện. Thay đổi hành vi giúp người bệnh hiểu vấn đề họ gặp phải, điều chỉnh và thay đổi chế độ ăn, lối sống của mình và môi trường để kiểm soát một cách chủ động rối loạn tiểu tiện, đại tiện.
II. CHỈ ĐỊNH
– Rối loạn chức năng tiểu tiện không do nguyên nhân tổn thương thực thể như: tiểu nhiều lần, tiểu đêm, rối loạn cảm giác bàng quang hay rối loạn tiểu tiện do yếu tố tâm lý, …
– Rối loạn đại tiện: đại tiện nhiều lần, són phân do tăng cảm giác hậu môn trực tràng, rối loạn đại tiện do tâm lý…
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên được đào tạo.
2. Phương tiện
Bàn tập, phòng tập yên tĩnh.
3. Người bệnh
Giải thích cho người bệnh hiểu và tích cực tham gia tập luyện kiên trì theo chương trình tập.
4. Hồ sơ bệnh án
Bệnh án chẩn đoán, các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán và phiếu chỉ định của bác sĩ.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra lại hồ sơ bệnh án và các phiếu chỉ định.
2. Kiểm tra người bệnh
Kiểm tra người bệnh xem đúng chỉ định không.
3. Thực hiện kỹ thuật
Bước 1. Tập đi tiểu và đại tiện theo giờ
– Đối với người bệnh có rối loạn về tiểu tiện: hướng dẫn người bệnh tập đi tiểu theo giờ 2 – 3 giờ đi tiểu một lần kem theo hướng dẫn người bệnh ghi chép qua nhật ký đi tiểu. Thông qua kết quả ghi nhật ký đi tiểu để theo dõi thời gian giữa hai lần đi tiểu, lượng nước tiểu mỗi lần đi tiểu, số lần đi tiểu trong ngày và lượng nước uống, lượng nước tiểu trong ngày để hướng dẫn người bệnh điều chỉnh tiếp cho đến khi thực hiện được.
– Đối với người bệnh có đại tiện không tự chủ: hướng dẫn người bệnh đi đại tiện theo ngày, mỗi ngày 01 lần vào những giờ nhất định. Cần giải thích cho người bệnh hiểu được sự cần thiết bài tập và kiên trì thực hiện để họ tuân thủ.
Bước 2. Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý
– Quy định về lượng dung dịch uống vào hàng ngày (ví dụ: giới hạn lượng nước uống vào hàng ngày từ 1,5 – 3 lít nước tùy thuộc vào thời tiết, điều kiện lao động… và có thể điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể).
– Quy định về chế độ ăn đảm bảo đủ chất xơ, cần thiết tư vấn dinh dưỡng để đảm bảo bổ sung chất xơ, đủ về dinh dưỡng cho người bệnh.
Bước 3. Biện pháp cải thiện khả năng di chuyển của người bệnh Với những người bệnh ít di chuyển do tuổi tác hoặc bệnh lý cần kết hợp hướng dẫn cho người bệnh tích cực di chuyển, vận động an toàn và phối hợp với các bài tập phục hồi chức năng – vật lý trị liệu nhằm cải thiện khả năng di chuyển cũng như bệnh lý làm ảnh hưởng đến di chuyển của người bệnh.
Bước 4. Thay đổi thuốc (ví dụ: thuốc lợi tiểu, kháng cholinergic).
Bước 5. Điều trị những rối loạn tâm lý/tâm thần đồng thời
Những trường hợp rối loạn tâm lý nhẹ cần làm cho người bệnh hiểu được vấn đề của mình và yên tâm thực hiện các bài tập do nhân viên y tế đề ra. Nếu do nguyên nhân tâm thần cần gửi đến các chuyên gia tâm thần để điều trị kết hợp.
Bước 6. Thay đổi môi trường
Cần thay đổi môi trường thuận lợi cho những người bệnh có rối loạn đại tiểu tiện như nhà vệ sinh, điều kiện di chuyển đến nhà vệ sinh, điều kiện làm việc có thời gian đi vệ sinh đúng tránh nhịn tiểu quá mức.
4. Những điểm lưu ý
Việc điều trị thường mang tính kinh nghiệm và đòi hỏi phải có sự hợp tác tốt giữa người bệnh và kỹ thuật. Cần giải thích cho người bệnh hiểu rõ để kiên trì thực hiện và tuân thủ đúng liệu trình điều trị.
Thời gian tập từ 20 – 45 phút.
VI. THEO DÕI
– Kết quả điều trị nên được ghi lại một cách khách quan vào hồ sơ bệnh án.
– Theo dõi và hướng dẫn người bệnh làm đúng động tác, kiểm tra từng giai đoạn
để sửa những sai sót của người bệnh tránh thành thói quen xấu, không có hiệu quả.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
Không có tai biến.
- Bs Đỗ Thị Thúy Anh