Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT TẬP VẬN ĐỘNG CHO TRẺ XƠ HÓA CƠ

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng, Nhi khoa

I. ĐẠI CƯƠNG

Xơ hóa cơ là tình trạng một phần hoặc toàn bộ các tế bào cơ bị xơ hóa ảnh hưởng đến chức năng vận động và thẩm mỹ.
Xơ hoá cơ là một quá trình diễn biến từ từ, mà trong đó quá trình xơ hoá làm cho các tế bào cơ chuyển biến thành tế bào xơ do các tác nhân cơ học, lý hoá như chấn thương gây đụng giập cơ, gây chảy máu tại chỗ, gây phù nề dẫn đến thiếu nuôi dưỡng tổ chức cơ, hoặc do các tác nhân hoá học làm thay đổi dinh dưỡng và chuyển hoá của tế bào cơ. Xơ hoá cơ thường kéo dài nhiều năm tháng, mang tính chất lan toả và hậu quả là các tế bào xơ thay thế tế bào cơ làm mất đi khả năng đàn hồi, gây co kéo và mất đi chức năng vận động của cơ.

II. CHỈ ĐỊNH

– Xơ hóa cơ tứ đầu đùi.
– Xơ hóa cơ Ức đòn chũm.
– Xơ hóa cơ Delta…

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Chấn thương hay chảy máu, viêm cơ da vùng cơ xơ hóa.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, cử nhân, kỹ thuật viên vật lý trị liệu đã được huấn luyện về kỹ thuật can thiệp bệnh nhi xơ hóa cơ.
2. Phương tiện
Giường bệnh, gối tròn, gối vuông, gối mềm, thuốc giảm đau, dụng cụ chỉnh hình.
3. Bệnh nhi
– Giải thích kỹ về các bước tiến hành kỹ thuật cho gia đình bệnh nhi.
– Trẻ ở tư thế phù hợp thuận lợi cho thực hiện kỹ thuật tập cho từng nhóm cơ xơ hóa.
– Kiểm tra trẻ.
– Xác định cơ xơ hóa, lượng giá chức năng vận động.
– Trẻ ở tư thế phù hợp. Ví dụ: xơ hóa cơ Ức đòn chũm – trẻ nằm nghiêng sang bên không có khối xơ để bộc lộ khối xơ, đầu trẻ thấp hơn vai…
4. Hồ sơ bệnh án
– Kiểm tra hồ sơ bệnh án.
– Ghi chép đầy đủ tình trạng bệnh lý và kết quả lượng giá vùng cơ xơ hóa.

V. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

Bước 1: kéo giãn cơ xơ hóa.
Bước 2: xoa bóp nhóm cơ đối kháng với cơ xơ hóa.
Bước 3: tập vận động các khớp thụ động, hoặc có trợ giúp nhằm tăng tầm vận động khớp, cải thiện chức năng cơ xơ hóa.
– Chỉ thực hiện khi khối xơ không có nóng, đỏ, đau.
– Kéo giãn nhẹ nhàng, từ từ, không kéo giãn tối đa đột ngột.
– Không thực hiện kỹ thuật khi trẻ khóc, chống đối.
Thời gian 10 – 30 phút tùy theo tuổi của trẻ.

VI. THEO DÕI

– Khám định kì theo hẹn của bác sĩ phục hồi chức năng để theo dõi và lượng giá chức năng vận động cơ xương khớp cho đến khi trẻ thực hiện được hết tầm vận động và khối xơ hóa biến mất.
– Trẻ điều trị tại nhà không tiến bộ cần điều trị tại bệnh viện.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Tai biến: gây chấn thương vùng kéo giãn.
– Xử trí: dừng thủ thuật, kiểm tra mức độ chấn thương và giải quyết.