Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT TẬP THỞ VỚI DỤNG CỤ

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng

I. ĐẠI CƯƠNG

Tập thở là kỹ thuật làm giãn nở lồng ngực nhờ tăng cường các cơ hô hấp và nhằm tạo được kiểu thở đúng, có hiệu quả.
Tập thở với dụng cụ là kỹ thuật được áp dụng rộng rãi, dễ thực hiện để điều trị ở bất cứ nơi nào mà người bệnh có nhu cầu.

II. CHỈ ĐỊNH

– Bệnh lý đường hô hấp.
– Các bệnh phổi nguyên phát hoặc thứ phát, suy giảm thông khí phổi, ứ đọng đờm nhớt ở phổi.
– Trước hoặc sau phẫu thuật: lồng ngực, tim mạch, phổi, bụng, vẹo cột sống.
– Tổn thương tuỷ sống vùng cổ và ngực cao.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Lao phổi tiến triển.
– Chấn thương lồng ngực, cơ hoành khi chưa được xử trí.
– Tràn khí màng phổi chưa được xử trí.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Bác sĩ phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
2. Phương tiện
– Máy kiểm tra SpO2.
– Giường, bàn ghế, ống nghe, máy đo huyết áp.
– Gương soi, gối kê lót, khăn mềm.
– Các dụng cụ tập thở như: bóng hơi, cốc nước, ống thông, dụng cụ COACH2,…
3. Người bệnh
– Tinh thần thư gi n, thoải mái, hiểu y lệnh, sẵn sàng tập thở.
– Quần áo nới rộng.
– Chuẩn bị tư thế: tư thế fowler từ 60º trở lên, ngồi – đứng.
4. Hồ sơ bệnh án
– Ghi chép đầy đủ các tình trạng bệnh lý của người bệnh.
– Nắm vững các chỉ định và chống chỉ định của bác sĩ phục hồi chức năng.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tâm lý tiếp xúc
– Giải thích cặn kẽ lý do, mục tiêu, mục đích tập thở cho người bệnh và gia đình
để hợp tác điều trị.
– Hướng dẫn người bệnh cách sủ dụng các dụng cụ tập thở và nêu mục tiêu đạt
được kết quả như mong muốn.

VI. CÁC LOẠI DỤNG CỤ TẬP THỞ

1. Tập thở với bóng hơi
Người bệnh được khuyến khích thổi bóng hơi với lượng khí thở ra dài. Sản phẩm là quả bóng được thổi căng tròn. Tùy vào tổng trạng và tình trạng bệnh lý của người bệnh mà yêu cầu kích thước bóng hơi nhỏ hay lớn.
Dụng cụ tập thở này thích hợp cho những người bệnh thuộc dạng bệnh phổi tắc nghẽn (khó khăn trong việc thở ra).
2. Tập thở với cốc nước hoặc ống thông
Trường hợp chú trọng thì hít vào: yêu cầu người bệnh hút nước (hút 1 hơi liên tục).
Trường hợp chú trọng thì thở ra: yêu cầu người bệnh thổi 1 hơi dài (tạo bọt khí).
Khả năng hít vào hay thở ra của người bệnh được đánh giá thông qua chiều dài của ống hút.
3. Tập thở với dụng cụ: COACH 2, Spiroball…
Đây là bộ tập kích thích phổi dùng cho người bị hạn chế chức năng phổi (khó khăn trong thì hít vào).
Dụng cụ COACH 2 có chỉ dẫn định lượng thể tích khí hít vào và được sử dụng để đánh giá sự tiến bộ sau những lần tập.
Hướng dẫn sử dụng:
Gắn ống hít của COACH 2 vào lỗ trống trên bộ hít.
Dịch chuyển kim chỉ thị màu vàng đến mức dung tích (ml) theo chỉ định của nhân viên y tế (thường bắt đầu từ mức 1000 ml và tăng dần cho đến khoảng 2500 – 3000 ml tùy vào tuổi, chiều cao và giới tính của từng người tập.
Trước khi bắt đầu bài tập, thở ra một hơi dài để đẩy hết không khí trong lồng ngực ra.
Đặt miệng vào miệng ống hít, giữ chặt giữa 2 môi để chắc chắn rằng bạn chỉ hít vào không khí từ ống hít.
Để dụng cụ thẳng đứng ở trước mặt, hít vào chầm chậm và sâu. Đồng thời trong quá trình hít cố gắng giữ cho nút màu vàng nằm ở vị trí khuôn mặt cười càng lâu càng có thể (thường từ 2 – 3 giây).
Sau mỗi đợt hít vào từ 4 – 5 lần, thở mạnh ra 1 lần. Tiếp tục lập lại như trên từ 3 – 4 đợt (khoảng 20 lần). Tập mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 20 – 30 phút.
Chú ý:
Để đảm bảo vệ sinh, rửa sạch ống hút trước và sau khi sử dụng. Để nơi khô ráo.
Không được thở hơi vào dụng cụ (chỉ sử dụng để tập hít vào). Sự ẩm ướt có thể là nguyên nhân gây ra dự sai lệch kết quả và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn lây nhiễm.
Luôn giữ cho dụng cụ thẳng đứng trong suốt quá trình luyện tập.
Ghi nhận lại thể tích (ml) khí hít vào sau mỗi lần tập để theo dõi sự tiến bộ.
Chỉ sử dụng mỗi người một dụng cụ, tránh lây lan bệnh qua đường hô hấp.
Dụng cụ sử dụng hiệu quả trong khoảng 2 tuần (kể từ ngày luyện tập) hoặc sau khoảng 1000 lần sử dụng,…

VI. THEO DÕI

1. Khi tập thở
– Tình trạng toàn thân, sắc mặt, màu sắc da, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở.
– Di động của lồng ngực, cơ hoành (nâng lên khi hít vào).
2. Sau tập thở
– Theo dõi tính độc lập chủ động tự tập thở của người bệnh, nhịp thở, kiểu thở.
– Kỹ thuật viên theo dõi kết quả luyện tập: thở đúng.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Mệt mỏi, mất cân bằng, choáng váng, mạch tăng: ngừng tập, báo cáo ngay cho bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng để kịp thời xử trí