KỸ THUẬT TẬP ĐƯỜNG RUỘT CHO NGƯỜI BỆNH TỔN THƯƠNG TỦY SỐNG (124)
I. ĐẠI CƯƠNG
Chương trình tập đường ruột cho người bệnh tổn thương tủy sống nhằm mục tiêu để đạt được thời gian dự đoán hoạt động thường xuyên của ruột (trực tràng?) và tránh xảy ra sự cố với mức độ tối thiểu
II. CHỈ ĐỊNH
Tổn thương tủy sống do các nguyên nhân khác nhau
– Chấn thương cột sống, tủy sống
– Bệnh lý tủy sống: viêm tủy, u tủy, lao, xơ cứng tủy rải rác….
– Bẩm sinh: Spida Bifida (Chẻ đôi đốt sống hay tật nứt đốt sống)…
– Dị dạng mạch tủy, huyết khối…
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Bệnh lý hậu môn trực tràng
– Nứt kẽ hậu môn
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện: 01 điều dưỡng viên
2. Phương tiện
– Giường bệnh, khăn trải giường
– Găng tay, dầu bôi trơn
3. Người bệnh
– Người bệnh mặc trang phục gọn gàng.
– Giải thích cho người bệnh và người nhà về giải phẫu học, hoạt động của trực tràng trước và sau tổn thương tủy sống
– Giải thích về mục tiêu tập ruột.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
– Đánh giá đại tràng thần kinh, phân loại đại tràng có phản xạ hay đại tràng liệt, tình trạng ruột và thói quen đi đại tiện của người bệnh trước khi tổn thương.
– Thời gian tập 30-60 phút.
– Tập ruột đúng giờ quy định để tạo thói quen bài tiết (thường bắt đầu sau bữa ăn chính)
1. Đại tràng có phản xạ
– Người bệnh nằm nghiêng trái, chêm gối vùng lồi xương (giữa hai đầu gối, hai mắt cá…)
– Thầy thuốc đeo găng tay và bôi trơn ngón tay chỏ ( móng tay cắt ngắn)
– Đưa nhẹ nhàng 2/3 ngón tay vào hậu môn
– Xoay tròn ngón tay trong hậu môn khoảng 1 phút để kích thích cơ thắt hậu môn.
Lặp lại thao tác này khoảng 3 lần, cách nhau khoảng 5-15 phút ở người lớn tuổi hoặc người mới bị tổn thương.
– Khi sờ thấy phân ở ngón tay, rút tay và bảo người bệnh rặn
– Tiếp tục lặp lại nhiều lần như thế cho hết phân trong đại tràng
– Vệ sinh vùng hậu môn
– Rửa tay cho sạch bằng xà phòng và nước
2. Đại tràng liệt
– Người bệnh nằm nghiêng bên trái, chêm gối vùng lồi xương.
– Thầy thuốc đeo găng tay và bôi trơn ngón tay chỏ (móng tay cắt ngắn)
– Đưa ngón tay nhẹ nhàng vào hậu môn
– Móc phân cho tới khi hết phân trong hậu môn
– Vệ sinh vùng hậu môn
– Thu dọn dụng cụ
– Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước
VI. THEO DÕI
– Theo dõi các biểu hiện rối loạn phản xạ tự động ở người bệnh tổn thương trên T6.
– Quan sát phân: nhiều hay ít, màu sắc, đặc hay lỏng, có lẫn máu không
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
1. Nứt kẽ hậu môn, chảy máu: Sử dụng dầu gây tê cục bộ là thuốc bôi trơn. Cẩn thận nhẹ nhàng khi dùng tay lấy phân, móng tay cắt ngắn
2. Trĩ: tránh táo bón, không kích thích, móc phân qua mạnh
3. Rối loạn phản xạ tự động: Thường xảy ra khi người bệnh tổn thương trên T6, có thể gây cao huyết áp dẫn đến tử vong