Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT TẠO THUẬN VẬN ĐỘNG CHO TRẺ (LẪY, NGỒI, BÒ, ĐỨNG, ĐI)

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng, Nhi khoa

* QUY TRÌNH KỸ THUẬT TẠO THUẬN LẪY

I. ĐẠI CƯƠNG

Kiểm soát tư thế là một kỹ thuật tập luyện phục hồi chức năng giúp trẻ có khả năng thăng bằng tốt ở các mốc phát triển vận động của trẻ. Kỹ thuật kiểm soát tư thế nằm trong nội dung các bài tập vận động trị liệu.
Nguyên tắc
– Vận động trị liệu theo các mốc phát triển về vận động thô của trẻ từ Kiểm soát đầu cổ → Lẫy → Ngồi → Quỳ → Bò → Đứng → Đi → Chạy.
– Phải hoàn thành mốc vận động trước rồi chuyển sang mốc vận động sau.
– Chỉ tạo thuận vận động cho trẻ chứ không làm hộ trẻ. Khi trẻ làm tốt hơn thì phải giảm dần sự hỗ trợ.

II. CHỈ ĐỊNH

– Trẻ chậm phát triển vận động.
– Trẻ chậm phát triển tâm thần vận động.
– Trẻ bại não.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
2. Phương tiện
Đệm tập, đồ chơi.
3. Bệnh nhi
– Giải thích cho trẻ (trẻ có khả năng hiểu) và gia đình trẻ biết việc mình sắp làm. Hướng dẫn trẻ (trẻ có khả năng hiểu) những điều cần thiết. Trẻ không trong giai đoạn
ốm, sốt.
– Kiểm tra tên trẻ và chỉ định điều trị trong phiếu điều trị.
– Đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa, có cởi áo (nếu trời ấm).
4. Hồ sơ bệnh án
Phiếu điều trị ghi chép tình trạng chức năng, chỉ định kỹ thuật.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Lật từ ngửa sang sấp
Kỹ thuật: kỹ thuật viên ngồi dưới chân trẻ. Đặt trẻ nằm ngửa. Chân phía dưới duỗi.
Gập một chân trẻ và nhẹ nhàng đưa chéo qua người trẻ. Khi trẻ đã nằm nghiêng, kỹ thuật viên từ từ đẩy thân mình trẻ sang bên đó và đợi trẻ tự lật nghiêng người.
Kết quả mong muốn: trẻ có thể phối hợp lật nghiêng người từ nằm ngửa sang
sấp.
2. Lật từ sấp sang ngửa
Kỹ thuật: kỹ thuật viên ngồi phía dưới chân trẻ, dùng một tay gập gối và háng ở một chân trẻ và nhẹ nhàng đẩy chéo vào bụng trẻ. Khi trẻ đã nằm nghiêng ta từ từ đẩy thân mình trẻ sang bên đó và đợi trẻ tự lật ngửa.
Kết quả mong muốn: trẻ có thể phối hợp lật nghiêng người từ nằm sấp sang ngửa.
3. Hướng dẫn gia đình cách tập
4. Ghi phiếu điều trị
– Ghi ngày giờ tập.
– Ghi số lần tập.
5. Thu dọn dụng cụ để vào nơi quy định
Thời gian tập 20 – 30 phút tùy sức khỏe của trẻ.

VI. THEO DÕI

Sự hợp tác và sự tiến bộ của trẻ sau mỗi đợt can thiệp.

* QUY TRÌNH KỸ THUẬT TẠO THUẬN NGỒI

I. ĐẠI CƯƠNG

Kiểm soát tư thế là một kỹ thuật tập luyện phục hồi chức năng giúp trẻ có khả năng thăng bằng tốt ở các mốc phát triển vận động của trẻ. Kỹ thuật kiểm soát tư thế nằm trong nội dung các bài tập vận động trị liệu.
Nguyên tắc
– Vận động trị liệu theo các mốc phát triển về vận động thô của trẻ từ Kiểm soát đầu cổ → Lẫy → Ngồi → Quỳ → Bò → Đứng → Đi → Chạy.
– Phải hoàn thành mốc vận động trước rồi chuyển sang mốc vận động sau.
– Chỉ tạo thuận vận động cho trẻ chứ không làm hộ trẻ. Khi trẻ làm tốt hơn thì phải giảm dần sự hỗ trợ.

II. CHỈ ĐỊNH

– Trẻ chậm phát triển vận động.
– Trẻ chậm phát triển tâm thần vận động.
– Trẻ bại não.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bác sĩ phục hồi chức năng.
2. Phương tiện
Đệm, gối tròn, bóng, ghế, đồ chơi.
3. Bệnh nhi
– Giải thích cho trẻ (trẻ có khả năng hiểu) và gia đình trẻ biết việc mình sắp làm.
– Hướng dẫn trẻ (trẻ có khả năng hiểu) những điều cần thiết.
– Trẻ không trong giai đoạn ốm sốt.
– Kiểm tra tên trẻ và chỉ định điều trị trong phiếu điều trị.
4. Phiếu điều trị

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Thời gian tập 20 – 30 phút.
1. Tập nằm ngồi dậy
Tạo thuận kéo ngồi dậy ở tư thế nằm ngửa.
Kỹ thuật: đặt trẻ nằm ngửa. Ta dùng hai tay đưa vai trẻ ra phía trước trong khi khuỷu tay duỗi và từ từ kéo trẻ ngồi dậy.
Kết quả mong muốn: trẻ nâng đầu lên khi được kéo ngồi dậy.
2. Tạo thuận ngồi dậy ở tư thế nằm sấp trên sàn
Kỹ thuật: đặt trẻ nằm sấp trên sàn. Một tay ta cố định trên mông trẻ, tay kia cố định vào dưới nách trẻ. Từ từ kéo háng trẻ lên đưa ra sau và ấn xuống (so với trẻ). Hỗ trợ tại nách trẻ bằng cách kéo ra trước và lên trên (so với trẻ).
Kết quả mong muốn: trẻ có thể ngồi dậy bằng cách sử dụng cơ nâng đầu cổ thân mình và tay để ngồi dậy.


3. Tập ngồi trên sàn
Đặt trẻ ở tư thế ngồi duỗi thẳng chân: đặt trẻ ngồi 2 chân dạng háng, duỗi gối. Kỹ thuật viên dùng 2 tay đè lên đùi trẻ hoặc ngồi ở phía sau cố định đùi trẻ.
4. Thăng bằng ở tư thế ngồi trên sàn hoặc trên ghế
Đặt trẻ ngồi trên sàn, kỹ thuật viên dùng 2 tay cố định hai đùi trẻ, đẩy nhẹ người trẻ sang từng bên, ra trước, sau, có thể dùng đồ chơi đưa sang từng bên để trẻ với, cầm và đợi trẻ điều chỉnh thân mình để giữ thăng bằng ngồi.
5. Thăng bằng ở tư thế ngồi trên bóng tập
Đặt trẻ ngồi trên bóng tập, kỹ thuật viên dùng 2 tay cố định 2 bên đùi trẻ, đẩy nhẹ người sang từng bên, ra trước sau bằng cách lăn bóng, có thể dùng đồ chơi đưa sang từng bên để trẻ với cầm và đợi trẻ điều chỉnh thân mình.
6. Hướng dẫn gia đình cách làm
7. Ghi phiếu điều trị
Ghi ngày giờ tập.
Ghi số lần tập.
8. Thu dọn dụng cụ để vào nơi quy định

VI. THEO DÕI

Sự hợp tác và sự tiến bộ của trẻ sau mỗi đợt can thiệp.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Chưa có tai biến nào được ghi nhận.

* QUY TRÌNH KỸ THUẬT TẠO THUẬN BÒ

I. ĐẠI CƯƠNG

Kiểm soát tư thế là một kỹ thuật tập luyện phục hồi chức năng giúp trẻ có khả năng thăng bằng tốt ở các mốc phát triển vận động của trẻ. Kỹ thuật kiểm soát tư thế nằm trong nội dung các bài tập vận động trị liệu.
Nguyên tắc
– Vận động trị liệu theo các mốc phát triển về vận động thô của trẻ từ Kiểm soát đầu cổ → Lẫy → Ngồi → Quỳ → Bò → Đứng → Đi → Chạy.
– Phải hoàn thành mốc vận động trước rồi chuyển sang mốc vận động sau.
– Chỉ tạo thuận vận động cho trẻ chứ không làm hộ trẻ. Khi trẻ làm tốt hơn thì phải giảm dần sự hỗ trợ.

II. CHỈ ĐỊNH

– Trẻ chậm phát triển vận động.
– Trẻ chậm phát triển tâm thần vận động.
– Trẻ bại não.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
2. Phương tiện
Đệm, khăn, đồ chơi.
3. Bệnh nhi
– Giải thích cho trẻ (trẻ có khả năng hiểu) và gia đình trẻ biết việc mình sắp làm.
– Hướng dẫn trẻ (trẻ có khả năng hiểu) những điều cần thiết.
– Trẻ không trong giai đoạn ốm sốt.
– Kiểm tra tên trẻ và chỉ định điều trị trong phiếu điều trị.
– Thực hiện các bài tập.
4. Phiếu điều trị

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Thời gian tập 20 – 30 phút.
1. Tạo thuận bò bằng tay hoặc khăn đỡ
Đặt trẻ quỳ trên hai tay và hai gối. Kỹ thuật viên dùng hai tay giữ thân mình trẻ hoặc dùng một khăn mềm hỗ trợ nâng thân khi trẻ bò.
2. Tạo thuận bò trên đùi kỹ thuật viên
Đặt trẻ quỳ trên đùi kỹ thuật viên, chân dưới gập, chân trên duỗi thẳng. Kỹ thuật viên dùng một tay cố định trên mông trẻ, tay kia giữ bàn chân. Đẩy nhẹ gót chân trẻ về phía trước và hỗ trợ nâng thân trẻ bằng đùi kỹ thuật viên khi trẻ bò.
3. Hướng dẫn gia đình cách làm
4. Kết thúc tập, ghi phiếu điều trị
– Ghi ngày giờ tập.
– Ghi số lần tập.
5. Thu dọn dụng cụ để vào nơi quy định

VI. THEO DÕI

Sự hợp tác và sự tiến bộ của trẻ sau mỗi đợt can thiệp.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Chưa có tai biến nào được ghi nhận.

* QUY TRÌNH KỸ THUẬT TẠO THUẬN ĐỨNG – ĐI

I. ĐẠI CƯƠNG

Kiểm soát tư thế là một kỹ thuật tập luyện phục hồi chức năng giúp trẻ có khả năng thăng bằng tốt ở các mốc phát triển vận động của trẻ. Kỹ thuật kiểm soát tư thế nằm trong nội dung các bài tập vận động trị liệu.
Nguyên tắc
– Vận động trị liệu theo các mốc phát triển về vận động thô của trẻ từ Kiểm soát đầu cổ → Lẫy → Ngồi → Quỳ → Bò → Đứng → Đi → Chạy.
– Phải hoàn thành mốc vận động trước rồi chuyển sang mốc vận động sau.
– Chỉ tạo thuận vận động cho trẻ chứ không làm hộ trẻ. Khi trẻ làm tốt hơn thì
phải giảm dần sự hỗ trợ.

II. CHỈ ĐỊNH

– Trẻ chậm phát triển vận động.
– Trẻ chậm phát triển tâm thần vận động.
– Trẻ bại não.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
2. Phương tiện
Bàn tập đứng, thanh song song, bàn xương cá, bàn thăng bằng.
3. Bệnh nhi
– Giải thích cho trẻ (trẻ có khả năng hiểu) và gia đình trẻ biết việc mình sắp làm.
– Hướng dẫn trẻ (trẻ có khả năng hiểu) những điều cần thiết.
– Trẻ không trong giai đoạn ốm sốt.
– Kiểm tra tên trẻ và chỉ định điều trị trong phiếu điều trị.
4. Phiếu điều trị

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Thực hiện các bài tập
1.1. Tạo thuận đứng dậy từ tư thế ngồi
Thời gian tập 20 – 30 phút.
Mục tiêu: tăng khả năng đứng dậy từ tư thế ngồi.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ ngồi trên một đùi của kỹ thuật viên, kỹ thuật viên dùng hai tay giữ gối trẻ.
– Đẩy mạnh xuống hai gối trẻ rồi bỏ tay ra. Làm như vậy vài lần.
– Gập gối trẻ và đẩy người ra trước sao cho đầu trẻ đưa ra phía trước gối.
– Kỹ thuật viên trượt tay xuống phía dưới hông trẻ để cố định thân mình của trẻ, ấn mạnh hai hông trẻ.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng đứng dậy từ tư thế ngồi.
Kết quả không mong muốn: trẻ ưỡn người ra sau, hai gối khép chặt, hai chân bắt chéo vào nhau toàn thân trở nên co cứng.
1.2. Tạo thuận đứng dậy từ tư thế ngồi trên ghế
Thời gian tập 20 – 30 phút.
Mục tiêu: tăng khả năng đứng dậy từ tư thế ngồi trên ghế.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ ngồi lên ghế.
– Kỹ thuật viên dùng hai tay giữ ở hai khớp khuỷu của trẻ sao cho khớp khuỷu
duỗi thẳng, ngón cái hướng lên trên.
– Kéo nhẹ trẻ ra phía trước.
– Dồn trọng lực của trẻ ra phía trước và khuyến khích trẻ đứng dậy.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng đứng dậy từ tư thế ngồi trên ghế.
Kết quả không mong muốn: trẻ không có khả năng gập háng và không có khả năng đứng dậy.
1.3. Tạo thuận đứng trong bàn đứng
Thời gian tập 20 – 30 phút.
Mục tiêu: tăng khả năng thăng bằng ở tư thế đứng. Phá vỡ phản xạ duỗi chéo và
nâng đỡ hữu hiệu.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ nằm sấp trên bàn đứng với hai chân để rộng hơn vai, đai cố định ở gối háng và ngực trẻ. Sau đó nghiêng bàn đứng cạnh bàn.
– Đặt vài đồ chơi trên bàn. Khuyến khích trẻ với tay ra phía trước, sang hai bên với đồ chơi.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng giữ thăng bằng ở tư thế đứng trong bàn đứng trong lúc chơi, hai chân duỗi thẳng ở khớp gối, bàn chân đặt vuông góc xuống sàn.
Kết quả không mong muốn: chân bị khuỵu xuống.
1.4. Tạo thuận đứng giữa hai cột có đai cố định
Thời gian tập 20 – 30 phút
Mục tiêu: tăng khả năng thăng bằng ở tư thế đứng. Phá vỡ phản xạ duỗi chéo và
nâng đỡ hữu hiệu.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ đứng giữa hai cột với hai chân để rộng hơn vai, đai cố định ở gối, háng, ngực trẻ.
– Khuyến khích trẻ với hai tay ra trước, sang hai bên để lấy đồ chơi.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng giữ thăng bằng ở tư thế đứng trong lúc chơi, hai chân duỗi thẳng ở khớp gối, bàn chân đặt vuông góc với sàn.
Kết quả không mong muốn: chân khuỵu xuống.
1.5. Tạo thuận đứng bám có trợ giúp bằng tay
Thời gian tập 20 – 30 phút
Mục tiêu: Tăng khả năng thăng bằng ở tư thế đứng. Phá vỡ phản xạ duỗi chéo và
nâng đỡ hữu hiệu.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ đứng bám vào mép bàn, hoặc trước bảng với hai chân để rộng hơn vai. Kỹ thuật viên dùng hai tay cố định ở đùi hoặc háng trẻ.
– Đặt vài đồ chơi trên bàn. Khuyến khích trẻ với tay ra phía trước, sang hai bên để lấy đồ chơi.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng thăng bằng ở tư thế đứng trong lúc chơi, hai chân duỗi thẳng khớp gối, bàn chân đặt vuông góc với sàn.
Kết quả không mong muốn: chân bị khuỵu xuống.
1.6. Tạo thuận đứng bám bằng hai tay
Thời gian tập 20 – 30 phút.
Mục tiêu: tăng khả năng thăng bằng ở tư thế đứng. Phá vỡ phản xạ duỗi chéo và
nâng đỡ hữu hiệu.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ đứng bám vào hai ghế với hai chân để rộng hơn vai.
– Đặt quả bóng phía trước hai chân trẻ. Khuyến khích trẻ giơ một bàn chân ra trước đá vào quả bóng.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng giữ thăng bằng ở tư thế đứng một chân.
Kết quả không mong muốn: chân chịu trọng lượng bị khuỵu xuống.
1.7. Thăng bằng đứng trên bàn thăng bằng
Thời gian tập 20 – 30 phút.
Mục tiêu: tăng khả năng thăng bằng ở tư thế đứng.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ đứng trên bàn thăng bằng với hai chân để rộng hơn vai.
– Nghiêng nhẹ bàn thăng bằng và đợi trẻ lấy thăng bằng khi bàn nghiêng di chuyển, kỹ thuật viên trợ giúp hai bên hông khi cần.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng giữ thăng bằng ở tư thế đứng khi bàn di chuyển.
Kết quả không mong muốn: chân bị khuỵu xuống, mất thăng bằng.
1.8. Tạo thuận bước đi có trợ giúp bằng tay
Thời gian tập 20 – 30 phút.
Mục tiêu: tăng khả năng thăng bằng trên một chân ở tư thế bước đi.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ đứng trước một bậc nhỏ với hai chân để rộng hơn vai. Hai tay kỹ thuật viên trợ giúp hai bên hông trẻ.
– Từ từ dồn trọng lượng trẻ lên một chân và trợ giúp trẻ giơ chân kia đặt lên bậc.
– Tăng dần độ dài bước chân trẻ sao cho trọng lượng được dồn lên chân thẳng.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng giữ thăng bằng ở tư thế đứng và dồn trọng
lượng lên chân thẳng.
Kết quả không mong muốn: chân bị khuỵu xuống, mất thăng bằng.
1.9. Tạo thuận dồn trọng lượng lên từng chân
Thời gian tập 20 – 30 phút.
Mục tiêu: tăng khả năng thăng bằng tư thế đứng một chân.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ đứng bám vào tường với hai chân để rộng hơn vai.
– Yêu cầu trẻ co một chân lên để trọng lượng dồn lên chân kia. Kỹ thuật viên trợ giúp hai bên hông khi cần. Lặp lại với chân kia bằng cách đổi bên đứng bám.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng dồn trọng lượng lên chân sát tường.
Kết quả không mong muốn: chân bị khuỵu xuống, mất thăng bằng.
1.10. Tập đi trong thanh song song
Thời gian tập 20 – 30 phút.
Mục tiêu: tăng khả năng đi.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ đứng bám vào hai thanh song song với hai chân rộng hơn vai.
– Yêu cầu trẻ co một chân lên để trọng lượng dồn vào chân kia khi bước đi. Kỹ thuật viên trợ giúp hai bên hông khi cần.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng dồn trọng lượng lên từng chân khi bước đi.
Kết quả không mong muốn: chân chịu trọng lượng kia bị khuỵu xuống, mất
thăng bằng.
1.11. Tập với khung đi
Thời gian tập 20 – 30 phút.
Mục tiêu: tăng khả năng đi.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ đứng bám vào hai tay cầm của khung đi với hai chân để rộng hơn vai.
– Yêu cầu trẻ co một chân lên để trọng lượng dồn vào chân kia khi bước đi. Kỹ thuật viên trợ giúp hai bên hông khi cần.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng dồn trọng lượng lên từng chân khi bước đi.
Kết quả không mong muốn: chân chịu trọng lượng bị khuỵu xuống, mất thăng bằng.
1.12. Tập đi bằng nạng
Thời gian tập 20 – 30 phút.
Mục tiêu: tăng khả năng đi.
Kỹ thuật:
– Đặt trẻ đứng tựa lên hai nạng nách với hai chân để rộng hơn vai.
– Yêu cầu trẻ đưa hai nạng ra trước. Sau đó co hai chân lên và đu người theo.
– Kỹ thuật viên trợ giúp hai bên hông khi cần.
Kết quả mong muốn: trẻ có khả năng thăng bằng khi đu người bước đi.
Kết quả không mong muốn: chân chịu trọng lượng bị khuỵu xuống, mất thăng bằng.
2. Hướng dẫn gia đình cách làm
3. Kết thúc tập, ghi phiếu điều trị
Ghi ngày giờ tập.
Ghi số lần tập.
4. Thu dọn dụng cụ để vào nơi quy định

VI. THEO DÕI

Sự hợp tác và sự tiến bộ của trẻ sau mỗi đợt can thiệp.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Chưa có tai biến nào được ghi nhận.