Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT KÍCH THÍCH XÚC GIÁC NHIỆT VÙNG MIỆNG (số 54)

Chuyên ngành: Ngôn ngữ trị liệu, Phục hồi chức năng
  1. ĐẠI CƯƠNG

Kỹ thuật kích thích xúc giác nhiệt vùng miệng là kỹ thuật kích thích cảm giác vùng miệng bằng đá lạnh. Kỹ thuật này được sử dụng trước khi người bệnh chuẩn bị nuốt thức ăn. Việc kích thích này sẽ đánh thức hệ thần kinh trung ương nhằm tạo thuận cho việc nuốt.

Mục đích làm tăng kích hoạt phản xạ nuốt giai đoạn hầu.

Kỹ thuật được sử dụng trước bữa ăn hoặc khi nuốt bị chậm.

  1. CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh chậm kích hoạt phản xạ nuốt giai đoạn hầu.

– Người bệnh giảm cảm giác ở vùng miệng.

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh đang hôn mê, lơ mơ.

– Người bệnh tăng trương lực cơ cắn

– Người bệnh không thể duy trì độ Oxy bão hòa SpO2 trên 90 %

– Người bệnh có nhịp tim quá chậm hoặc quá nhanh.

4.THẬN TRỌNG

– Không có

  1. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện: 01 người

  1. a) Nhân lực trực tiếp :

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu.

  1. b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư

– Muỗng inox nhỏ cán dài hoặc que gòn ( độ dài que gòn 15 cm, đường kính bông 1 cm)

– 01 ly đá viên

5.4. Trang thiết bị: không có

5.5. Người bệnh

– Vệ sinh miệng sạch, đặt tư thế thoải mái, giải thích quy trình thực hiện cho người bệnh.

– Dành cho người bệnh có một môi trường ăn yên tĩnh, thoải mái.

5.6. Hồ sơ bệnh án:

Ghi hồ sơ sau khi thực hiện xong kỹ thuật.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,3 – 0,4 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: phòng thủ thuật

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

– Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

  1. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

– Tư thế: Người bệnh ngồi ở tư thế đầu cao 30-90°, gối kê sau đầu, duy trì tư thế ngồi thoải mái.

– Yêu cầu người bệnh há miệng ra

– Người thực hiện nhúng cây muỗng inox hoặc que gòn vào ly đá viên, rũ sạch nước rồi quệt hoặc chà nhanh phần trước cung khẩu cái mềm hai bên và phần sau lưỡi khoảng 5 lần.

– Sau đó, yêu cầu người bệnh nuốt nước bọt sau mỗi lần kích thích. Lặp lại 4-5 lần.

– Thực hiện 4-5 lần/ ngày tùy theo tình trạng chức năng nuốt của người bệnh.

* Tiêu chuẩn đạt:

– Người bệnh tự nuốt được

– Gia đình hoặc người bệnh tự làm được (với gương soi).

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Ho, sặc, tím tái, khó thở. Xử trí: trấn an khi người bệnh ho và dừng kích thích. Nếu ho do ứ nước bọt thì nhắc bệnh nhân nuốt, phối hợp với các kỹ thuật nuốt gắng sức và các kỹ thuật khác nếu cần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Alagiakrishnan K, Bhanji RA, Kurian M. Evaluation and management of oropharyngeal dysphagia in different types of dementia: a systematic review. Arch Gerontol Geriatr. 2013;56(1):1-9.
  2. Bisch,E.M.,Logemann,J.A,Rademaker,A.W.,Kahrilas,P.J.,&Lazarus,C.L.(1994).Pharyngeal effects of bolus volume,viscoscity and temperature in patients with dysphagia.
  3. Logemann JA. Evaluation and treatment of swallowing disorders. Austin: Proed; 1983.
  4. Regan J, Walshe M, Tobin WO. Immediate effects of thermal-tactile stimulation on timing of swallow in idiopathic Parkinson’s disease. Dysphagia. 2010;25(3):207-15.http://dx.doi.org/10.1007/s00455-009-9244-x.PMid:19707818.
  5. Ortega O, Martín A, Clavé P. Diagnosis and management of oropharyngeal dysphagia among older persons, state of the art. J Am Med Dir Assoc. 2017;18(7):576-82.