Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT KÍCH THÍCH ĐIỆN THẦN KINH CHÀY SAU QUA DA (PTNS) ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TIỂU TIỆN

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng

I. ĐẠI CƯƠNG

Kích thích điện là ứng dụng dòng điện để kích thích đáy chậu hay các dây thần kinh chi phối cho hoạt động của bàng quang, trực tràng. Mục đích của kích thích điện là trực tiếp kích thích tạo ra phản ứng hay điều chỉnh lại những rối loạn chức năng đường tiết niệu dưới, rối loạn chức năng đường ruột, rối loạn chức năng tình dục. Kích thích điện điều trị bao gồm kích thích thần kinh chày sau qua da (PTNS).

II. CHỈ ĐỊNH

Bàng quang tăng hoạt.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh bị bệnh tim nặng.
– Đang có thai.
– Nhiễm khuẩn tiết niệu.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Bác sĩ, điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên được đào tạo.
2. Phương tiện
Bàn tập, phòng tập, máy kích thích điện.
3. Người bệnh
Giải thích cho người bệnh hiểu và tích cực tham gia tập luyện kiên trì theo chương
trình tập.
4. Hồ sơ bệnh án
Bệnh án chẩn đoán, các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán và phiếu chỉ định của bác sĩ.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra lại hồ sơ bệnh án và các phiếu chỉ định.
2. Kiểm tra người bệnh
Kiểm tra người bệnh xem đúng chỉ định không.
3. Thực hiện kỹ thuật
Bước 1: đặt điện cực: điện cực bề mặt hoặc điện cực kim.
Bước 2: vị trí đặt điện cực: một điện cực bề mặt đặt ở mặt sau trong mắt cá chân (âm) và một điện cực đặt ở vị trí trên điện cực thứ nhất 10 cm.
Bước 3: chọn các thông số kích thích:
– Tần số: 20 Hz.
– Cường độ dòng điện: 30 – 50 mA.
– Độ rộng của xung 200 – 250µs, hình dạng của xung (ví dụ : chữ nhật, hai pha).
– Thời gian nghỉ giữa hai xung: thường kéo dài bằng thời gian xung kích thích 200 – 250 µs.
Bước 4: bấm máy kích thích
Thời gian điều trị: mỗi lần 20 – 30 phút, 2 – 3 lần/tuần, cách ngày và thời gian toàn bộ liệu trình 4 – 6 tuần.
Bước 5: kết thúc điều trị
– Thu dọn máy.
– Kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, hỏi thăm, dặn dò.
– Ghi chép hồ sơ.
4. Những điểm lưu ý
Đặt đúng vị trí điện cực, đảm bảo đúng thông số kích thích, giải thích người bệnh thực hiện đầy đủ liệu trình điều trị.

VI. THEO DÕI

Theo dõi và hướng dẫn người bệnh làm đúng động tác, kiểm tra từng giai đoạn để sửa những sai sót của người bệnh tránh thành thói quen xấu, không có hiệu quả.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Điện giật, bỏng: xử trí theo quy định.
– Đau cơ: thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu.
– Tập quá sức: nghỉ ngơi.