KỸ THUẬT ĐI BẰNG ROBOT KẾT HỢP KÍCH THÍCH ĐIỆN CHỨC NĂNG (số 6)
1. ĐẠI CƯƠNG
Hiện nay có nhiều robot được sử dụng trong phục hồi chức năng giúp người bệnh đạt tư thế đứng thẳng và hỗ trợ việc tập đi. Kích thích điện chức năng (FES: Functional Electrical Stimulation) được tích hợp vào robot giúp duy trì tuần hoàn lên thân trên và não trong tư thế đứng, phòng ngừa teo cơ và gây co cơ để tạo ra các mẫu chuyển động chức năng của chi dưới. Cử động bước đi và kích thích điện được đồng bộ hóa.
2. CHỈ ĐỊNH
Thường dùng cho các bệnh lý thần kinh và cơ xương khớp như sau:
– Tai biến mạch máu não.
– Bại não.
– Chấn thương sọ não.
– Tổn thương tủy sống.
– Viêm đa dây, rễ thần kinh (Guillain Barre).
– Parkinson.
– Xơ cứng rải rác.
– Xơ cột bên teo cơ.
– Thoái hóa khớp.
– Teo, yếu cơ.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Trọng lượng cơ thể > 135 kg (cơ thể).
– Co rút khớp chi dưới.
– Gãy xương không liền, chưa ổn định.
– Loãng xương nặng.
– Viêm tủy xương.
– Có tổn thương da chi dưới.
– Bệnh lý tim mạch chưa ổn định.
4. THẬN TRỌNG
– Không thực hiện trên các người bệnh quá mẫn cảm với kích thích điện
5. CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
Nhân lực hỗ trợ:
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
– Đai cố định người bệnh
– Các điện cực dán
5.4. Trang thiết bị
– Robot và máy kích thích điện (tích hợp trên Robot).
5.5. Người bệnh
– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện: mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …
– Tư thế người bệnh phải thoải mái, thuận tiện
– Trang phục gọn gàng.
5.6. Hồ sơ bệnh án
– Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 – 01 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: Phòng tập phục hồi chức năng
5.9. Kiểm tra hồ sơ
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
– Kiểm tra chỉ định, các thông số.
– Kiểm tra người bệnh.
– Thực hiện kỹ thuật.
+ Đưa người bệnh vào hệ thống robot.
+ Điều chỉnh các bộ phận máy sao cho kích thước đúng chính xác với người bệnh nhằm đảm bảo trục cử động của máy đúng trục của khớp trên cơ thể và đảm bảo tư thế tốt.
+ Cố định các đai.
+ Dán điện cực kích thích điện vào cơ thẳng đùi và chày trước.
+ Khởi động máy cùng kết nối máy tính.
+ Đặt các thông số vận động và thông số dòng điện xung kích thích cơ theo chỉ định.
+ Hết thời gian: Dừng máy, tháo các đai, đưa người bệnh ra khỏi hệ thống.
+ Thăm hỏi người bệnh, kiểm tra vùng buộc đai, dặn dò.
+ Tắt điện nguồn.
+ Vệ sinh phần máy có tiếp xúc với người bệnh bằng khăn ẩm.
+ Thời gian điều trị: 20 – 30 phút tùy thể trạng người bệnh và tình trạng bệnh.
7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Hỏi và quan sát người bệnh trong quá trình phục hồi trên máy: Dễ chịu, đau, mệt mỏi, choáng váng, tri giác để có biện pháp xử trí kịp thời.
– Máy vận hành ổn định hay trục trặc do điện nguồn, do chế độ sử dụng hay hỏng hóc.
– Thông số điều trị được ghi chép và lưu trữ trên máy tính.
– Đau tại các điểm đè ép, trầy da vùng thắt đai: Dừng máy, kiểm tra chỗ xây xát và xử trí đệm gạc, xem lại các thông số kỹ thuật, điều chỉnh nếu cần. Tiếp tục khởi động lại nếu hết đau, tiếp tục điều trị.
– Đau tức cơ khớp do quá căng: Dừng máy, kiểm tra và điều chỉnh lại thông số áp lực cho phù hợp và tiếp tục điều trị.
– Biểu hiện choáng váng, ngất xỉu: Dừng khẩn cấp (có chế độ riêng), đưa người bệnh ra khỏi máy và tiến hành xử trí cấp cứu theo phác đồ.
– Ngất do hạ huyết áp tư thế: Chuyển sang tư thế nằm, cho người bệnh thở oxy và hội chẩn chuyên khoa tim mạch nếu tình trạng không cải thiện.
– Đau rát chỗ dán điện cực: Xem lại diện tích tiếp xúc, nếu đã đúng chuẩn thì cài đặt lại thông số hợp lý, nếu không đúng chuẩn thì thay điện cực mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2017). Kỹ thuật phục hồi chức năng vận động chi dưới bằng hệ thống robot. Quy trình kỹ thuật Phục hồi chức năng đợt 2.
2. Hocoma (2018). Lokomat@ user script. https://knowledge.hocoma.com/
3. Hocoma (2018). Erigo@ user script. https://knowledge.hocoma.com/