Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ NĂNG GIAO TIẾP (số 34)

Chuyên ngành: Ngôn ngữ trị liệu, Phục hồi chức năng
  1. ĐẠI CƯƠNG

– Phục hồi chức năng giao tiếp cho người bệnh tâm thần là một phương pháp trị liệu nhằm cải thiện khả năng giao tiếp của bệnh nhân tâm thần. Kỹ năng giao tiếp là khả năng giao tiếp hiệu quả và đúng cách giữa các cá nhân trong một mối quan hệ xã hội.

– Khi người bệnh tâm thần bị suy giảm kỹ năng giao tiếp, họ có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp với người khác, gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Vì vậy, việc hướng dẫn kỹ năng giao tiếp phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần là rất cần thiết.

– Kỹ năng giao tiếp là quá trình sử dụng các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để định hướng, điều chỉnh và điều khiển quá trình giao tiếp đạt tới mục đích nhất định.

– Giúp người bệnh chủ động trong giao tiếp, tương tác hàng ngày.

– Giúp người bệnh học cách lắng nghe, diễn đạt ngôn ngữ và tư duy thông qua giao tiếp.

– Giúp người bệnh phục hồi cảm xúc tình cảm tích cực mà họ đã bị mất đi.

– Duy trì được các mối quan hệ giữa người bệnh với người bệnh, người bệnh với gia đình, người bệnh với xã hội, sớm hòa nhập cộng đồng.

  1. CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh có khó khăn trong việc biểu lộ suy nghĩ, cảm xúc.

– Người bệnh có sự tự tin thấp, thụ động, ít giao tiếp

– Các rối loạn tâm lý ở trẻ em: nói lắp, lo âu, ám ảnh sợ, ám ảnh, tự kỷ, asperger, khó học…

– Trầm cảm, Rối loạn lo âu

– Các bệnh lý cơ thể có liên quan đến tâm lý hành vi: cao huyết áp, AIDS, ung thư, sau các bệnh thực tổn tại não như tai biến mạch não, viêm não…

– Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ và vừa

– Người bệnh tâm thần khác đang trong giai đoạn phục hồi.

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Rối loạn tâm thần giai đoạn cấp tính

– Chậm phát triển tâm thần nặng

– Người bệnh câm, điếc, từ chối trị liệu

  1. THẬN TRỌNG

– Người bệnh tâm thần có các triệu chứng loạn thần còn dao động

  1. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện: 03 người

  1. a) Nhân lực trực tiếp

– 01 Bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc cán bộ tâm lý

  1. b) Nhân lực hỗ trợ

– 01 Điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa tâm thần hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng.

5.2. Thuốc

– Không có

5.3. Vật tư

– Sách hướng dẫn, tài liệu

– Các thang lượng giá về cảm xúc (thang đánh giá tâm trạng nhanh).

– Bảng kiểm để lượng giá hoạt động của người bệnh ….

5.4. Trang thiết bị

– Ti vi

– Loa

– Máy tính

– Micro

5.5. Người bệnh

– Tập trung người bệnh giải thích và tự nguyện tham gia.

– Người bệnh nắm được các bước tiến hành

– Người bệnh tự đánh giá mức độ cảm xúc của mình trước và sau khi thực hiện.

– Số lượng người tham gia tối đa 10 người

5.6. Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định

– Hồ sơ bệnh án chuyên khoa: Phiếu điều trị, Kế hoạch Phục hồi chức năng.

– Sổ ghi chép của cán bộ hướng dẫn.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 giờ.

5.8. Địa điểm thực hiện kỹ thuật: Phòng trị liệu

5.9. Kiểm tra hồ sơ, phiếu chỉ định

– Người thực hiện tiếp nhận người bệnh, tiếp nhận phiếu chỉ định, kiểm tra đối chiếu phần thông tin hành chính trên phiếu chỉ định với thông tin cá nhân của người bệnh.

– Nhập tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán … của người bệnh vào máy và vào sổ theo dõi.

  1. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bước 1: Giới thiệu, làm quen và đánh giá tâm trạng nhanh trước khi thực hiện

Bước 2: Người thực hiện giới thiệu mục đích hoạt động của buổi hoạt động, nguyên tắc thực hiện của kỹ thuật, đánh giá tâm trạng nhanh trước khi tham gia hoạt động.(chủ đề tùy vào mỗi buổi thực hiện).

Bước 3: Người thực hiện đưa ra các tình huống, các chủ đề để người bệnh có thể thảo luận hoặc giải quyết vấn đề, (người thực hiện có thể làm mẫu đóng vai để hướng dẫn người bệnh thực hiện). Hướng dẫn người bệnh các cách giao tiếp bằng ngôn ngữ, cách giao tiếp phi ngôn ngữ (ngôn ngữ cơ thể; biểu hiện nét mặt, ánh mắt khi giao tiếp) …

Bước 4: Người bệnh thảo luận chia sẻ những trải nghiệm cá nhân khi tham gia hoạt động những cảm xúc tích cực, những cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề. Từ đó tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu để có kế hoạch trị liệu tiếp theo.

Bước 5: Tổng kết và đánh giá người bệnh sau mỗi buổi thực hiện. Củng cố và khen ngợi, khuyến khích để người bệnh tự tin tham gia giao tiếp.

Bước 6: Giao bài tập và kiểm tra. Đánh giá tâm trạng sau khi thực hiện.

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Theo dõi diễn biến tâm lý, mức độ tập trung của người bệnh, sự phối hợp tham gia hoạt động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng (2009). Phục hồi chức năng Tâm thần – Xã hội cho người bệnh tâm thần.
  2. Bệnh viện tâm thần Khánh Hòa (2010). Phục hồi chức năng trong tâm thần
  3. Jones, SE & LeBaron, CD (2002). Nghiên cứu về mối quan hệ giữa giao tiếp bằng lời nói và phi ngôn ngữ: Các tích hợp mới nổi. Tạp chí Truyền thông, 499-521. DOI: 10.1111/j.1460-2466.2002.tb02559.x.