Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KHÁM TƯ THẾ VÀ DÁNG ĐI

Chuyên ngành: Tổng hợp, Phục hồi chức năng
Bài số 35

- Bs Đỗ Thị Thúy Anh chỉnh lý

TƯ THẾ

ĐẠI CƯƠNG

Thế đứng thẳng của con người là một tư thế ít vững vàng nếu xét theo những nguyên lý của cơ học nhưng có điều kiện thuận lợi là cơ chế điều chỉnh tự động của cơ thể luôn luôn duy trì điểm rơi của trọng tâm trong chân đế.

Trọng tâm

Trọng tâm là điểm quanh đó khối lượng vật thể được phân phối đồng đểu.
Nếu vật thể được nâng đỡ ở trọng tâm sẽ có thể cân bằng. Trọng lượng vật thể được coi như tập trung ở trọng tâm.

Trọng tâm có thể nằm ở trong vật thể như ở trường hợp miếng gạch hay ở ngoài vật thể như trong trường hợp vành bánh xe đạp.

Trọng tâm của một người đứng thẳng có vị trí ở vùng đốt sống cùng 1-2, trên điểm giữa chiều cao thân thể.

Cân bằng

Một vật thể có thể cân bằng khi đường thắng đứng đi qua trọng tâm của nó rơi trong chân đế. Ở con người, chân đế là diện tích giới hạn bởi vị trí hai bàn chân.

CÂN BẰNG THÂN THỂ TRÊN HAI CHÂN VÀ NGỒI

Trong thế đứng, thân thể không ở trạng thái tĩnh và điểm chiếu của trọng tâm xuống chân đế xê dịch quanh trung tâm chân đế hình số 1. Duy trì điểm chiếu này gần trung tâm chân đế bằng một cơ chế tự động là bảo đảm thế đứng vững vàng nhất. Nếu một phần chân đế thay đối vị trí, các phần cơ thể tự động điều chính tác động ngược lại sao cho phù hợp với chân đế mới, và thân cân bằng, đạt được ổn định nhất.

Cân bằng ở khớp cổ chân

Điểm chiếu của trọng tâm thân thể nằm trước trục khớp cổ chân. Do đó thân thể luôn luôn bị một lực tác động ở cổ chân kéo ra trước, nhưng nhờ các cơ bắp chân, đặc biệt là cơ dép chống lại, nên cổ chân không bị gập lưng. Trong thế đứng, trọng tâm luôn luôn di chuyển nhưng không lúc nào điểm chiếu của nó rơi sau trục cổ chân nên các cơ bắp chân thường ở trong trạng thái hoạt động liên tục.

Hình 1 : Trong thế đứng bình thường, Hình 2 : Cân bằng ở gối, chân đế là vùng để trắng. Vùng gạch chéo chỉ được dùng đến khi thân người ngã ra trước.

Cân bằng ở khớp gối

Phần thân thể trên gối có trọng tâm mà điểm chiếu rơi trước trục gập duỗi khớp gối. Trong thế đứng, điểm chiếu của nó ít khi rơi sau trục này nên khớp gối thường bị một lực tác động theo hướng duỗi gối.

Nếu khớp gối không bị duỗi quá là nhờ có lực cân bảng gồm lực đề kháng của các mô quanh khớp, hoạt động của các cơ gập gối và lực đề kháng của khớp. Như vậy, cơ tứ đầu đùi chỉ cần hoạt
động khi đường chiếu của trọng tâm rơi sau trục khớp gối. Trong điều kiện bình thường, trọng lượng có tác dụng ổn định khớp gối, nhưng nếu cơ tứ đầu đùi bị liệt, người bệnh có khuynh hướng giữ khớp gối ở thế duỗi quá mức đưa đến tật gối cong lõm trước.

Cân bằng ở khớp háng

Trọng tâm của phần thân thể trên háng có vị trí trong ngực, gần mức mỏm xương ức. Tuỳ theo dáng đứng, đường chiếu trọng tâm có thể rơi ngang, hoặc trước, hoặc sau đường nối liên hai khớp háng, gọi là trục chung khớp háng. Do đó, hoạt động của cơ cần thiết cho thế cân bằng cũng thay đổi theo dáng đứng.

Ở những người mất khả năng kiểm soát khớp gối, như người cụt chi mang chân giả trên gối, thế cân bằng khớp hông rất quan trọng; nếu xương chậu nghiêng sau thì đường chiếu trọng tâm sẽ rơi sau trục khớp gối bị gập; ngược lại, nếu xương chậu nghiêng trước, để đảm bảo cho khớp gối vững vàng, cột sống thắt lưng sẽ ưỡn để bù trừ.

Cân bằng ở cột sống

Ở người lớn, cột sống có 4 đường cong trong mặt phẳng đứng dọc : cột sống cổ và cột sống thắt lưng hướng phía lồi đường cong ra trước; cột sống lưng và cột sống cùng hướng phía lồi đường cong ra sau. Đường thắng đứng kéo từ trọng tâm đi qua trục chung khớp háng và trọng tâm phần thân thể (đốt sống ngực số 11).

Cân bằng ở khung chậu

Các khớp cùng chậu và cùng thắt lưng rất chặt nên mọi cử động của khung chậu đều kèm theo cử động của cột sống, nhất là cột sống thắt lưng, để giữ cân bằng toàn thân.

Cử động nghiêng trước của khung chậu được kèm theo cử động ưỡn cột sống thắt lưng, ngược lại, cử động nghiêng sau làm giảm độ cong cột sống thắt lưng.

Ở thế ngồi, khung chậu nghiêng sau tối đa và cột sống thắt lưng mất hẳn đường cong.

Cân bằng ở khớp chẩm đội

Trọng tâm của đầu nằm ở khoảng 2,5cm phía trên trục ngang của khớp chẩm đội nên đầu có thế cân bằng không ổn định.

Đường chiếu của trọng tâm rơi trước trục gập duỗi nên trong thế đứng và ngồi bình thường các cơ cổ phía sau phải luôn luôn hoạt động để giữ cho đầu khỏi gập. Khi đọc, viết hay khâu vá với đầu cúi xuống, các cơ này phải hoạt động mạnh hơn nên mau mỏi mệt.

CÂN BẰNG THÂN THỂ TRÊN MỘT CHÂN

Cân bằng ở chân đứng

Thế đứng trên một chân đòi hỏi cơ thể phải điều chỉnh hệ thần kinh cơ hoạt động hữu hiệu vì chân đế quá hẹp. Trọng lượng toàn thân phải chuyển sang phía chân đứng để cho đường chiếu của trọng lực rơi gần trung tâm chân đế. Do đó toàn thể chân đứng, từ cổ chân đến khớp háng lệch khỏi đường thẳng đứng, và cổ chân phải lật ngoài để giữ cho toàn thể lòng bàn chân tiếp xúc mặt đất. Điều này dễ quan sát được ở một người đang đứng trên một chân không mang giày.

Cân bằng ở khớp háng

Trong thế đứng một chân, trọng lực tác động trên hông có khuynh hướng làm khung chậu nghiêng sang phía chân bên kia. Do đó cơ dạng khớp háng phía chân đứng phải hoạt động để cân bằng với trọng lượng mới giữ được thân người và khung chậu khỏi bị lệch.

Hình 3 : Các đường cong của cột sống người lớn trong thế đứng thẳng
Ngực 11 : trọng tâm phần trên thân thể
Cùng cụt TT : trọng tâm toàn thân

Hình 4 : Cân bằng thân thể trên một chân : cơ dạng khớp háng hoạt động chống trọng lực

Hình 5: Liệt cơ dạng háng phần trên thân thể nghiêng sang phía chân đứng

Hình 6. Liệt cơ dạng háng, chân đứng áp tối đa trọng lực  rơi trong chân đế

Người bệnh có hai cách giữ cân bằng thân thể tại khớp háng khi đi và đứng một chân :
– Nghiêng phần trên thân thể sang phía chân đứng để đường chiếu của trọng tâm đi qua khớp háng.
– Nghiêng chậu sang phía chân không chịu trọng lượng cho đến khi khớp háng phía chân đứng áp tối đa và đường chiếu của trọng tâm rơi trong chân đế.

ĐỘNG TÁC ĐI

CHU KỲ CỦA ĐỘNG TÁC ĐI

Động tác đi là sự tiếp diễn những cử động có chu kỳ của hai chân. Trong mỗi chu kỳ, một chân lần lượt trải qua hai giai đoạn: (1) giai đoạn đu: bắt đầu lúc các ngón chân rời mặt đất và chấm dứt lúc gót chân chạm đất và (2) giai đoạn chống : bắt đầu lúc gót chân chạm đất và chấm dứt lúc các ngón chân rời mặt đất.
Mỗi giai đoạn gồm nhiều thì khác nhau.

Gait training with images in cards minimises the effects of freezing gravity in gait pattern of individuals with Parkinson’s disease- L. M. M. Santiago, Federal University of Rio Grande do Norte, Physical Therapy, Natal, Brazil

Giai đoạn đu đưa

1. Thì tăng tốc: lúc mũi bàn chân dời mặt đất, chân đưa nhanh ra phía trước để bắt kịp thân mình.
2. Thì giữa giai đoạn đu đưa: chân đu đưa thẳng hàng với thân mình, hông và gối gập để bàn chân không chạm mặt đất. Trong loạt ảnh trên không có thì này.
3. Thì giảm tốc: chân tiếp tục đưa ra phía trước với tốc độ chậm lại cho tới khi gót chạm đất.

Giai đoạn chống

1. Thì gót chạm đất: giai đoạn chống bắt đầu.
2. Thì bàn chân bằng: bàn chân gập mặt gan chân để nằm sát mặt đất.
3. Thì giữa giai đoạn chống: trọng lực cơ thể chuyển lên trên chân chống.
4. Thì đẩy tới: bàn chân gập mặt lòng mạnh mẽ, điểm tiếp xúc với mặt đất chuyển từ gót ra mũi trong khi thân mình được đẩy tới phía trước.

Giai đoạn đu đưa của một chân tương ứng với giai đoạn chống của chân kia, nghĩa à trong khi một chân đu thì chân kia chống. Tuy nhiên có một khoảng thời gian ngắn mà hai chân cùng tiếp xúc mặt đất và trọng lượng thân thể được chịu trên hai chân, đó là giai đoạn chống kép. Động tác chạy không có giai đoạn chống kép.

Tham khảo mô tả chi tiết dáng đi dưới đây.

HOẠT ĐỘNG CƠ TRONG ĐỘNG TÁC ĐI

Bằng phương pháp ghi điện cơ có thể biết được hoạt động của các cơ liên hệ với động tác đi. Nghiên cứu điện đồ của các nhóm cơ thì thấy rằng các cơ hoạt động mạnh nhất ở đầu giai đoạn chống rồi gần như nghỉ ở giữa giai đoạn và hoạt động mạnh trở lại ở cuối giai đoạn. Trong giai đoạn đu, các cơ hoạt động yếu ớt.

Điện đồ cho thấy một thời kỳ giãn nghỉ tương đối dài tiếp theo sau mỗi thời kỳ hoạt động của mỗi nhóm cơ.

Động tác đi chủ yếu diễn ra ở chi dưới nhưng chi trên và thân người cũng có những cử động cần thiết kèm theo. Cử động thân người có mục đích duy trì vị trí thích hợp của cột sống đối với chậu và chi dưới. Cử động đu đưa chi trên nhằm cân bằng cử động xoay xương chậu, nên chi trên luôn luôn di chuyển ngược chiều với chi dưới cùng bên.

Cơ gập lưng cổ chân

Các cơ này hoạt động yếu trong giai đoạn đu và nhằm phòng ngừa phần trước bàn chân gập lòng. Sau khi gót chân chạm đất, các cơ này hoạt động mạnh để ngăn bàn chân đạp mạnh xuống đất.

Cơ bắp chân

Các cơ hoạt động trong giai đoạn chống và mạnh nhất ở cuối giai đoạn, không những làm cho cổ chân gập lòng mà còn làm cho khớp gối gập lại, như vậy tạo thuận lợi cho chân bước tới. Khi toàn thể bàn chân chạm đất, các cơ bắp chân bị động năng thân người kéo giãn và lực đề kháng của chúng làm chậm bớt động tác tiến tới của thân người.

Cơ tứ đầu đùi

Lực co của cơ tứ đầu đùi lớn nhất sau khi gót chân chạm đất, là lúc mà đường chiếu của trọng tâm thân người rơi sau trục khớp gối. Nếu cơ tứ đầu đùi không co, khớp gối sẽ gập lại. Ở giữa giai đoạn chống, khi trọng tâm đã chuyển ra trước trục khớp gối, sự hoạt động của cơ tứ đầu đùi không còn cần thiết.

Cơ ụ ngồi – cẳng chân

Nhóm cơ này hoạt động mạnh nhất ở cuối giai đoạn đu và đầu giai đoạn chống. Trong khi chân đu tới, cơ bị kéo giãn ở hai khớp háng và gối nên lực càng gia tăng. Sau khi gót chân chạm đất, trọng lượng chuyển lên trên bàn chân và lực căng được duy trì ở mức cao để duỗi khớp háng.

Cơ mông to

Cơ này hoạt động mạnh nhất ở đầu giai đoạn chống khi trọng lượng thân người được chuyển ra phần trước bàn chân, với tác dụng duỗi khớp háng.

Cơ gập khớp háng

Các cơ thắt lưng – chậu, căng cân đùi, may và lược hoạt động ở cuối giai đoạn chống và đầu giai đoạn đu. Trong động tác đi trên mặt phẳng, cơ thắt lưng – chậu thực sự không hoạt động, nhưng khi các cơ gập khớp háng khác bị liệt, cơ thắt lưng chậu hoạt động để thay thế.

Cơ dạng khớp háng

Sau khi gót chân chạm đất, hoạt động của các cơ dạng khớp háng gia tăng mạnh để ổn định khung chậu, và trọng lượng thân người có khuynh hướng hạ xương chậu phía chân đu. Hoạt động này chấm dứt khi giai đoạn chống kép bắt đầu.

Cơ áp khớp háng (áp= khép)

Nhóm cơ này hoạt động ở đầu và cuối giai đoạn chống với tác dụng kiểm soát các cử động nghiêng bên của thân người. Các cơ áp khớp háng có một phần ở trước và một phần ở sau trục gập duỗi khớp háng nên cũng tham dự vào các cử động gập duỗi khớp háng trong động tác đi.

Cơ duỗi cột sống

Nhóm cơ duỗi hoạt động sau khi gót chân cùng bên chạm đất và khi ngón chân dời mặt đất, nghĩa là khi gót chân đối bên chạm đất, nhóm cơ duỗi cột sống cả hai bên đều hoạt động để ngăn thân người gập ra trước.

Cơ nội tại bàn chân

Cơ gập ngắn gân chân hoạt động hợp lực với các cơ gập riêng ngón cái và gập chung các ngón trong phần sau của giai đoạn chống (thì đẩy tới) nhất là khi bước mạnh.

PHÂN TÍCH DÁNG ĐI

MỤC ĐÍCH

Mục đích của việc phân tích đáng đi là phát hiện những sai lệch và thu thập những dữ kiện để xác định nguyên nhân gây ra các sai lệch ấy, từ đó có cơ sở áp dụng các phương thức điều trị hoặc chỉ định các dụng cụ chỉnh hình nhằm cải thiện dáng đi.

Việc phân tích dáng đi được dùng như một thử nghiệm gạn lọc đối với những người bệnh có khả năng đi, nhằm rút ngắn và đơn giản hoá việc lượng giá cơ.

Các cơ yếu do việc phân tích dáng đi phát hiện sẽ được xác nhận bởi kết quả của việc lượng giá cơ và ngược lại, tính chính xác của việc lượng giá cơ được chứng minh qua kết quả phân tích dáng đi.

PHƯƠNG PHÁP

Nếu có thể được, cho người bệnh đi với vận tốc bình thường tương ứng với tuổi của họ, vì dáng đi chậm có thể che khuất sự sai lệch do bước đi bị rút ngắn và tầm vận động bị thu hẹp.

Sau khi gạn lọc những sai lệch trong dáng đi do chứng đau, suy nhược, mất điều hợp và biến dạng, cần kiểm tra tư thế và các cử động đại thể. Bất cứ sự sai lệch nào so với đáng đi bình thường cũng cần được bổ sung bằng việc kiểm tra các cử động tinh vi ở từng phần chi. Cần ghi chú các sai lệch nếu có, để theo dõi bằng các lần lượng giá cơ tiếp sau.

CÁC THAY ĐỔI DÁNG ĐI TRÊN LÂM SÀNG

Có thể nhìn dáng đi để đoán biết sức khỏe – đó là nhận định từ các chuyên gia sau một quá trình nghiên cứu về vấn đề này. Tư thế đi có liên quan đến mức độ đồng bộ của nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, bao gồm: tay, lưng, xương chậu, hông, đầu gối, bắp chân, các cơ gân kheo (cơ kéo) và bàn chân, nhằm giữ thăng bằng khi ta bước về phía trước. Nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến dáng đi và chức năng đi lại của bệnh nhân. Sau đây là một số dáng đi bệnh lý thường gặp:

– Dáng đi chống đau: đây là dáng đi của người bị đau ở khớp. Để giảm đau bệnh nhân rút ngắn thời gian chống ở bên đau và nhanh chóng chuyển trọng lượng sang chân không bị đau.

– Dáng đi cứng khớp háng: khi khớp háng bị cứng, bệnh nhân không thể gấp khớp háng khi đi để nhắc chân lên hở đất trong thì đu đưa.

– Dáng đi khớp háng không vững: sự vững vàng của khớp háng khi đi là nhờ các đầu xương của khớp được giữ trong vị trí vững bởi các cơ và dây chằng quanh khớp. Trong trường hợp không vững này, bệnh nhân có thể có một trong hai dáng đi sau, bởi phụ thuộc các yếu tố kèm theo.

+ Dáng đi Trendelenberg: trong trường hợp phá vỡ giải phẫu bên phải trong gãy cổ xương đùi chưa liền. Hoạt động của cơ mông nhỡ kéo xương chậu xuống dưới trong thì chống không hiệu quả hoặc yếu do mất một điểm tựa vững. Xương chậu hạ xuống ở phía bên kia (tức là bên trái) gây nên mất thăng bằng.

+ Dáng đi cơ mông nhỡ: khi cơ mông nhỡ phải bị liệt, nó không thể kéo xương chậu phải xuống do giảm chức năng cơ dạng ở trong thì chống.

– Dáng đi chân ngắn: chân ngắn chân đài trở nên rõ khi một chân ngắn hơn chân kia 1 inch (2,5 cm). Dáng đi nghiêng chậu xuống dưới rõ và biến dạng bàn chân ngựa.

– Dáng đi bước cao: khi bàn chân rũ (yếu cơ gập mu chân), bàn chân vỗ lên đất khi đánh gót và sau đó rũ xuống trong thì đu đưa. Để đưa bàn chân hở đất, khớp háng gấp nhiều hơn tạo nên dáng đi bước cao.

– Dáng đi cây kéo: đây là dáng đi đặc trưng của một trẻ bại não, co cứng rõ rệt hai háng và cổ chân gập lòng.

– Dáng đi bệnh nhân Parkinson: thân người gập về phía trước, đi bước nhỏ, nhanh, chân đi với tầm vận động nhỏ hơn…

– Dáng đi liệt nửa người: quét vòng (dạng chân) đề hở chân liệt trong thì đu đưa.

– Dáng đi thất điều: đi lảo đảo, mất thăng bằng như người say rượu

– Dáng đi lật bật: bệnh nhân đi lên các ngón chân như bị đẩy, bắt đầu đi chậm, sau nhanh dân cho đến khi bệnh nhân vịn đề ngừng lại.

– Dáng đi chân ngựa: đi gập cổ chân do hoạt động quá mức cơ gấp lòng bàn chân.

– Dáng đi co cứng: thấy trong liệt cứng hai chân, vận động cứng, hai chân sát nhau, háng và gối gấp nhẹ, co rút bàn chân.

PHÂN TÍCH CÁC DÁNG ĐI SAI LỆCH

1. Thì chạm gót

Nhìn bên (chân phải) Hình 6.

Dáng đi bình thường

  • Đầu và chân thẳng (tay phải phía sau đường giữa thân mình với khuỷu duỗi; tay trái ở phía trước với khuỷu hơi gập).
  • Chân hơi xoay ra trước.
  • Gối phải duỗi.
  • Bàn chân gần thẳng góc với cẳng chân.

Sai lệch thường gặp – Hình 8: Thì chạm gót nhìn nghiêng

  • Đầu và chân đưa về trước.
  • Chân xoay sau.
  • Gối duỗi cứng hay duỗi quá.
  • Bàn chân đặt sát mặt nền hoặc đập mạnh phần trước bàn chân.

Cơ cần lượng giá

  • Các cơ duỗi gối.
  • Các cơ duỗi lưng và gập hông (kiểm tra tầm vận động của khớp háng).
  • Các cơ duõi và gập gối.
  • Các cơ gập mặt lưng cổ chân.

Nhìn trước (chân phải) Hình 9.

Dáng đi bình thường

  • Đầu và chân thẳng (hai tay đong đưa cách đều thân mình).
  • Chân thẳng đứng so với khung chậu.
  • Lòng phần trước bàn chân có thể nhìn thấy.

Sai lệch thường gặp Hình 9: Nhìn trước

  • Thân đi lệch sang phải và chân xoay ngoài ở hông, bước đi ngắn.
  • Chân dạng ở hông.
  • Mặt lòng phần trước bàn chân không thể nhìn thấy.

Cơ cần lượng giá

  • Các cơ xoay trong hông, duỗi gối và lật ngoài bàn chân.
  • Các cơ áp hông.
  • Các cơ gập mặt lưng cổ chân.

2. Thì giữa giai đoạn chống

 Nhìn bên (chân phải)

Dáng đi bình thường 

  • Đầu và thân thẳng (hai tay gần đường giữa thân mình với khuỷu hơi gập).
  • Chân hơi xoay ra trước.
  • Gối phải hơi gập.

Sai lệch thường gặp Hình 10: Thì giữa giai đoạn chống

  • Đầu và thân đưa ra phía trước ở hông với khung chậu xoay trước quá nhiều.
  • Đầu và thân đưa về phía sau ở hông với khung chậu xoay sau.
  • Khung chậu xoay trước quá nhiều.
  • Gối duỗi hay duỗi quá.
  • Gối gập quá nhiều.

Cơ cần lượng giá

  • Các cơ duỗi gối.
  • Các cơ duỗi hông.
  • Các cơ bụng và duỗi hông (kiểm tra tầm vận động duỗi khớp háng).
  • Các cơ gập và duốõi gối và các cơ gập mặt lưng, cổ chân (kiểm tra tầm vận động gập mặt lưng cổ chân).
  • Các có gập mặt lòng cổ chân.

Nhìn trước (chân phải) Hình 11

Dáng đi bình thường

  • Đầu và chân thẳng (hai tay cách đều thân mình).
  • Chân hơi nghiêng xuống bên trái.
  • Chân hơi xoay ngoài ở hông.

Sai lệch thường gặp

  • Đầu và thân nghiêng sang phải và khung chậu nghiêng lên ở bên trái. Tay phải cách xa thân mình.
  • Chậu nghiêng xuống nhiều ở trái (dáng đi Trendelenberg).
  • Chân xoay ngoài nhiều ở  khớp háng.

Cơ cần lượng giá

  • Các cơ dạng hông phải.
  • Các cơ dạng hông trái.
  • Các cơ áp, xoay trong hông, duỗi gối và lật ngoài bàn chân.

3. Thì đẩy tới

Nhìn bên (chân phải) Hình 12.

Dáng đi bình thường

  • Tay phải ở trước đường giữa thân mình với khuỷu hơi gập, tay trái ở phía sau, với khuỷu thẳng gối.
  • Chân xoay trước.
  • Gối hơi gập.
  • Cổ chân gập mặt lòng.
  • Các ngón chân duỗi quá ở khớp bàn – ngón.

Các sai lệch thường gặp

  • Hai tay cách không đều thân mình với cả hai khuỷu gập.
  • Khung chậu xoay trước nhiều.
  • Gối hơi gập.
  • Hạn chế gập mặt lòng và cổ chân, có thể gập mặt lưng.
  • Các khớp bàn – ngón thẳng.

Cơ cần lượng giá

  • Các cơ gập mặt lòng cổ chân và các cơ duỗi.
  • Các cơ bụng và duỗi hông (kiểm tra tầm vận động duỗi hông).
  • Các cơ gập mặt lưng cổ chân.
  • Các cơ gập mặt lòng cổ chân (kiểm tra tầm vận động duỗi chung bàn – ngón).

Nhìn nghiêng sau (chân phải) Hình 13.

Dáng đi bình thường

  • Hai tay cách đều thân mình, khuỷu phải hơi gập, khuỷu trái duỗi.
  • Chân hơi xoay ngoài ở hông.
  • Mặt lòng của gót và phần giữa bàn chân có thể nhìn thấy và phần mũi bàn chân tiếp xúc với mặt nền.

Sai lệch thường gặp :

  • Hai tay cách thân mình không đều với cả hai khuỷu gập.
  • Khung chậu xoay ngoài nhiều.
  • Mặt gan bàn chân không thể nhìn thấy. Phần mũi bàn chân không tiếp xúc với mặt nền khi gót nhấc lên.

Cơ cần lượng giá

  • Các cơ gập mặt gan bàn chân, cổ chân và duỗi hông, duỗi gối.

4.Thì giữa giai đoạn đu đưa

Hình 14.

Nhìn bên (chân phải)

Dáng đi bình thường

  • Chậu hơi xoay trước (hai tay gần đường giữa thân mình).
  • Hông và gối gập.
  • Bàn chân thẳng góc với cẳng chân.

Sai lệch thường gặp  Hình 14: Thì giữa giai đoạn đu chân phải

  • Khung chậu xoay sau.
  • Hông và gối gập quá nhiều, và phần trước bàn chân rũ (dáng đi bàn chân rũ).
  • Ngón chân lết trên nền.

Cơ cần lượng giá

  • Các cơ duỗi lưng và gập hông (kiểm tra tầm vận động gập hông).
  • Các cơ gập mặt lưng cổ chân.
  • Các cơ gập hông, gập gối và gập mặt lưng cổ chân.

Nhìn trước (chân phải) Hình 15.

Dáng đi bình thường

  • Đầu và thân thẳng, khung chậu hơi nghiêng xuống (hai tay cách đều thân mình).
  • Chân thẳng đứng so với khung chậu.
  • Chân hơi xoay trong ở hông.
  • Bàn chân thẳng góc với cẳng chân và hơi lật ngoài.

Sai lệch thường gặp Hình 15- Nhin trước phải

  • Thân lệch qua trái, khung chậu nâng lên phía phải.
  • Chân dạng hoặc quét vòng khi đu qua.
  • Chân xoay ngoài ở hông.
  • Phần trước bàn chân rũ, không thấy lật ngoài.

Cơ cần lượng giá

  • Các cơ hông, gập gối và gập mu chân.
  • Các cơ hông, gập gối và gập mặt lưng cổ chân (kiểm tra tầm vận động dạng hông, gập hông và gập gối).
  • Các cơ xoay trong hông và lật ngoài bàn chân.
  • Các cơ gập mặt mu chân và lật ngoài bàn chân.

Tham khảo hướng dẫn tập dáng đi.