GIÁO TRÌNH DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC- Chương 4
NGỮ NGHĨA HỌC
1. ĐỐI TƯỢNG CỦA NGỮ NGHĨA HỌC
Ngữ nghĩa học là phân ngành nghiên cứu về nghĩa của những biểu thức bằng ngôn ngữ, tách riêng hay gắn với ngữ cảnh cụ thể.
Nói một cách tổng quát, nghĩa của một biểu thức bằng ngôn ngữ là nội dung tinh thần của nó.
Giả sử Mai nói với Lan, chị mình, một câu sau: (1) Con chó hất đổ nồi cơm rồi, chị ơi!
Tất nhiên Lan hiểu chó là gì. Nếu có ai hỏi, hẳn Lan có thể miêu tả đó là một vật nuôi có lông, có thể cắn, sủa gâu gâu, v.v… Tất cả những đặc điểm đó làm thành nội dung tinh thần về một loại thực thể, hay nói cách khác là nghĩa của từ.
Nhưng Lan còn phải hiểu nghĩa của những từ còn lại. Hơn nữa, Lan biết X hất đổ y thì X là tác nhân gây ra hất đổ và y là đối tượng bị hất đổ. Như thế Lan hiểu câu nói này cùng một cách thức như cô hiểu X đánh vỡ y, chẳng hạn. Đây chính là nghĩa của câu, tức là nội dung tinh thần về một loại tình huống.
Song như thế chưa đủ. Lan biết Mai dùng chị là chỉ mình, con chó hẳn là con chó nhà mình, nồi cơm cũng là nồi cơm nhà mình. Nghĩa, nhìn theo hướng này, là nội dung tinh thần của câu gắn liền với một ngữ cảnh cụ thể. Đó là nghĩa của phát ngôn.
Có thể xem xét nghĩa từ nhiều góc độ. Người ta dùng ngôn ngữ để giao tiếp, để chỉ những sự vật cụ thể hay trừu tượng, để thổ lộ suy nghĩ, tình cảm của mình. Như thế, ngôn ngữ là một hệ thống dấu hiệu và nghĩa được xem xét như là cái được biểu đạt trong mối quan hệ với cái biểu đạt. Đây là góc độ nội dung thông tin.
Không thể tách nghĩa ra khỏi ngữ cảnh nói năng cụ thể. Cùng một câu hoàn toàn có thể hiểu khác nhau. Đẹp thật! chẳng hạn, có thể là một lời khen, mà cũng có thể là một câu nói mỉa. Đây là cái gọi là khía cạnh dụng học của nghĩa.
Mặt khác, nghĩa là cái người nghe nhận hiểu (giải mã) hay người nói sản sinh ra (mã hoá) từ trí óc, tức là một hiện tượng tinh thần. Người Việt xếp cá sấu, cá voi vào loại cá, trong khi thực ra, về mặt sinh học, cá sấu là loài bò sát, còn cá voi là thú. Nghĩa, xét về mặt này, là vấn đề tri nhận.
Cuối cùng, có thể khảo sát nghĩa của từ ngữ hay của câu trong mối quan hệ với nhau. Nhìn ở góc độ này, ta nói hai từ nào đó là trái nghĩa, đồng nghĩa, chẳng hạn.
2. NGỮ NGHĨA HỌC TỪ VỰNG
2.1. Nghĩa và vật sở chỉ
Khi hai đứa trẻ láng giềng kêu lên: “A, mẹ về!” thì mẹ ở đây chỉ hai người khác nhau: mẹ của đứa này là bà béo, mà của đứa kia là bà gầy. Không thể nói rằng ở đây mẹ có hai nghĩa: giả sử có một triệu bà mẹ, không lẽ mẹ có một triệu nghĩa! Nghĩa của mẹ là nội dung tinh thần, chứ không phải là những người đàn bà cụ thể bằng xương bằng thịt. Đó chẳng qua là vật sở chỉ, tức là thực thể được một biểu thức ngôn ngữ chỉ ra. Quan hệ giữa một biểu thức ngôn ngữ với vật sở chỉ được gọi là sở chỉ.
Vật sở chỉ không nhất thiết phải có thực. Một câu chuyện cổ tích kể rằng: (2) Ngày xửa ngày xưa có một con rồng ngủ say dưới một cái đầm sâu. Một hôm con vật thiêng thức giấc [… ] thì ai cũng biết con vật thiêng và con rồng ngủ say ở đây là một, tức đồng sở chỉ.
Từ ngữ bản thân nó không chỉ cái gì hết. Chỉ khi được dùng trong câu, nói chính xác hơn, trong phát ngôn, nó mới có khả năng là một biểu thức có sở chỉ. Từ bò tách riêng hay trong Bò là giống nhai lại đều không có sờ chỉ, nhưng trong Con đã cho bò ăn chưa? thì người hỏi lẫn người nghe đều biết đó là con bò nào, do đó đây là từ có sở chỉ.
2.2. Nghĩa biểu hiện, nghĩa liên hệ và nghĩa liên tưởng
Như đã thấy, trong câu Bò là giống nhai lại đã dẫn, bò không có sở chỉ. Nhưng người ta có thể hình dung con vật nào thì được gọi là bò. Cái biểu tượng chung bao gồm tất cả con vật được gọi là bò, đó là nghĩa sở thị của từ này. Còn tất cả các đặc trưng của cái gọi là bò, phân biệt bò với các sự vật khác, được gọi là nghĩa sở biểu. Nghĩa sở biểu và nghĩa sở thị hợp lại làm nên nghĩa biểu hiện của từ ngữ, là bộ phận trung tâm của nghĩa từ.
Tuy nhiên, một từ như và (trong anh và em) chỉ có nghĩa liên hệ, có tác dụng đánh dấu mối liên hệ giữa từ này với từ kia. Một cách tổng quát, nghĩa biểu hiện chỉ tồn tại đối với thực từ, còn đối với hư từ (như liên từ, giới từ) cũng như các hình vị có ý nghĩa cú pháp (như cách, ngôi) thì nghĩa từ và chỉ là nghĩa liên hệ.
Trong tâm trí người Việt, “bò” gợi lên những liên tưởng về sự lao lực (làm việc như trâu bò), về sự ngu đần (ngu như bò). Đó là nghĩa liên tưởng, một bộ phận phi trung tâm của nghĩa từ.
2.3. Đa nghĩa và đồng âm
(3) Xét cứ liệu sau: 1. thuốc độc, nấm độc, nọc độc, 2. mưu độc, kế độc; 3. thề độc, rủa độc, 4. con độc, dại đàn hơn con độc 5. có độc một cái áo, chỉ độc lo chuyện thiên hạ.
Ta thấy nghĩa của độc trong (1) là “có tác dụng làm hại sức khỏe hoặc làm cho chết”; trong (2) là “hiểm ác, làm hại người”; trong (3) là “(lời nói) có thể mang lại tai họa, sự chết chóc”; trong (4) là “có số lượng chỉ một mà thôi”; và trong (5) là “biểu thị ý nhấn mạnh chỉ có một hoặc rất ít mà thôi, không còn có thêm gì khác nữa” (xem Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê). Căn cứ vào sự liên quan về nghĩa, có thể dễ đàng quy các nghĩa trên thành hai nhóm: nhóm thứ nhất gồm ba nghĩa đầu và nhóm thứ hai gồm hai nghĩa còn lại. Nói cách khác, ta có hai từ đồng âm với nhau: độc với các nghĩa (1), (2), (3) và độc với các nghĩa (4), (5). Cả hai từ này đều đa nghĩa.
Như thế, đa nghĩa là hiện tượng một từ có hai nghĩa (hay nhiều hơn hai) có liên quan với nhau; còn đồng âm là hiện tượng một hình thức ngữ âm có hai nghĩa (hay nhiều hơn hai) nhưng giữa những nghĩa này không có mối liên quan nào.
2.4. Nét nghĩa
Người ta có thể phân tích nghĩa của từ thành những đặc trưng nhỏ nhất, giúp phân biệt từ này với từ kia, gọi là nét nghĩa. Chẳng hạn các từ đàn ông, đàn bà, trai, gái có thể phân tích như sau:
Còn nếu ta đối lập đàn ông, đàn bà, trai, gái với động vật chẳng hạn, ta sẽ thấy bốn từ này cùng chia sẻ một nét nghĩa [+ người].
Việc phân tích thành nét nghĩa như trên đặc biệt có hiệu quả đối với những từ có quan hệ với nhau về nghĩa. Nhưng phần lớn từ ngữ lại không thể quy về một nhóm nhỏ, được xác định rõ ràng, do đó áp dụng cách phân tích này là rất khó. Chẳng hạn, làm thế nào để xác định các nét nghĩa của từ xanh.
2.5. Quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ ngữ
2.5.1. Quan hệ đồng nghĩa:
Là quan hệ giữa các từ ngữ có cùng nghĩa, nhưng có thể khác nhau về sắc thái tu từ và/hay khả năng kết hợp. Chính vì thế, gần như không thể có hai từ có khả năng giao hoán 100%; nói cách khác, gần như không có hai từ đồng nghĩa hoàn toàn – cần nhớ rằng ngôn ngữ là một thiết chế đồ sộ, phức tạp, nhưng tiết kiệm. Chẳng hạn, mất và ngoẻo đều là “chết”, nhưng vì lí do tu từ, không thể dùng ngoẻo thay mất trong câu sau: Thật đau buồn được biết hôm qua ông cụ đã mất. Hay cọp và hổ đều chỉ một giống thú và không khác biệt nhau bao nhiêu về sắc thái tu từ, nhưng chỉ có thể dùng hổ chứ không thể dùng cọp trong câu hổ phụ sinh hổ tử, vì hổ mới có tư cách từ Hán Việt, để kết hợp với những từ Hán Việt khác thành câu. Trong thành ngữ hay cách nói có tính thành ngữ, khả năng giao hoán của những từ đồng nghĩa là rất hạn chế. Người miền Trung, miền Nam nói heo, chứ không nói lợn, nhưng nói về bánh, thì dùng bánh da lợn, chứ không phải bánh da heo; tuy có một thứ bánh khác vẫn gọi là bánh lỗ tai heo. Người miền Bắc, trái lại, nói lợn, chứ không nói heo, nhưng nếu sử dụng thành ngữ thì buộc phải nói toạc móng heo, chứ không thể nói toạc móng lợn được.
2.5.2. Quan hệ trái nghĩa
Là quan hệ giữa hai từ có một nét nghĩa nào đó đối lập nhau. Có bốn kiểu trái nghĩa quan trọng:
- Trái nghĩa lưỡng phân là quan hệ giữa những cặp từ ngữ trái nghĩa tạo thành hai cực mâu thuẫn nhau, phủ định cực này tất phải chấp nhận cực kia. Chẵn – lẻ là cặp từ trái nghĩa lưỡng phân: khi nói Đây không phải là số chẵn, thì điều đó có nghĩa là “Đây là số lẻ”.
- Trái nghĩa thang độ là quan hệ giữa những từ ngữ trái nghĩa tạo thành hai cực có điểm trung gian, thành thử phủ định cực này chưa hẳn đã tất yếu phải chấp nhận cực kia. Nói Trời không nóng, thì không chắc chắn gì có thể suy ra “Trời lạnh”, vì giữa hai cực nóng – lạnh còn có các trạng thái ấm, mát. Như thế, nóng – lạnh là cặp từ trái nghĩa thang độ.
- Trái nghĩa nghịch đảo là quan hệ giữa những từ ngữ trái nghĩa tạo thành hai cực giả định lẫn nhau. Nói Cô là giáo viên của em ấy, tức là giả định Em ấy là học sinh của cô và ngược lại; giáo viên và học sinh là cặp từ trái nghĩa nghịch đảo. Không phải cặp từ ngữ trái nghĩa nghịch đảo nào cũng có hai chiều giả định như ví dụ vừa dẫn. Ông và cháu chẳng hạn: ông của ai thì người đó là cháu, nhưng cháu của ai thì người đó có thể là bà, cô, dì, bác, cậu, v.v…, chứ không nhất thiết phải là ông.
- Trái nghĩa phương hướng là quan hệ giữa những từ ngữ chỉ các hướng đối lập nhau. Ví dụ: trước – sau, trái – phải, trên – dưới, đỉnh – đáy, cao – thấp, lên – xuống, tới – lui, trồi – sụt. Hướng ở đây không chỉ về không gian, mà rộng ra, cả thời gian nữa. Ví dụ: hôm qua – ngày mai, quá khứ – tương lai, trẻ – già, buộc – cởi, bắt đầu – kết thúc, ngủ – thức, v.v…
Cần lưu ý là những từ ngữ trái nghĩa tuy đối lập nhưng cùng chung một phạm trù, do đó có thể cho những từ trái nghĩa mặc nhiên phải có phần nào đồng nghĩa. Ví dụ: nóng – lạnh cùng thuộc phạm trù nhiệt độ.
Mặt khác, một từ có thể gia nhập vào nhiều nhóm trái nghĩa khác nhau. Ví dụ: sống nói về sinh vật thì trái nghĩa lưỡng phân với chết; về cơm thì trái nghĩa lưỡng phân với chín, về da thì trái nghĩa lưỡng phân với thuộc; về vôi thì trái nghĩa lưỡng phân với tôi, nhưng về quả hay với thịt, thì trái nghĩa thang độ với chín vì có điểm trung gian: đó là ương nếu nói về quả, hay tái nếu nói về thịt. Tuy thế, không phải lúc nào ta cũng dễ dàng tìm thấy từ trái nghĩa: trong Cối xay tốt, gạo không sống, thì sống chỉ trạng thái gạo chưa tróc hết vỏ hay chưa vỡ hết hạt khi xay, nhưng tiếng Việt lại không có từ để diễn đạt trạng thái trái ngược (“gạo đã vỡ hết hạt hay đã tróc hết vỏ”), đó là một khoảng trống từ vựng.
Hơn nữa, một cặp từ có thể thuộc loại trái nghĩa này, mà cũng có thể thuộc loại trái nghĩa kia. Chẳng hạn thắng – thua thuộc loại nghịch đảo, mà cũng có thể thuộc loại thang độ vì ta có thắng – hòa – thua; trên – dưới, ngủ – thức và trẻ – già là loại trái nghĩa phương hướng, nhưng cặp từ thứ nhất cũng là loại nghịch đảo: Cuốn sách nằm trên cái bàn thì tất nhiên Cái bàn nằm dưới cuốn sách; cặp từ thứ hai còn thuộc loại lưỡng phân: không ngủ tất nhiên là thức -cặp từ thứ ba còn thuộc loại thang độ: không trẻ chưa hẳn phải là già.
Không phải chỉ có kiểu trái nghĩa thang độ mới cho phép sử dụng từ ngữ so sánh như hơn, bằng, nhất hay những từ chỉ mức độ như rất, hơi, lắm, quá, v.v… Có khá nhiều trường hợp trái nghĩa lưỡng phân cũng có khả năng đó: kín – hở là trái nghĩa lưỡng phân (không kín là hở) song vẫn có thể nói rất kín/hở, hơi kín/hở, kín/hở quá, kín/hở lắm; kín hay hở hơn/bằng/nhất. Lí do là khi nói như thế, người ta không đối lập kín với hở, mà là phân biệt các mức độ kín hay mức độ hở. Có thể kể thêm vài trường hợp: lành – rách, chẵn – lẻ, động – tĩnh. Tất nhiên, cần phân biệt trường hợp này với hiện tượng chuyển loại và/hay chuyển nghĩa, chẳng hạn đàn bà trái nghĩa lưỡng phân với đàn ông, và cả hai là danh từ, cho nên không thể đi với những từ chỉ mức độ hay so sánh nhưng do chuyển loại từ, vẫn có thể nói: Đó là một người rất đàn bà / còn đàn bà hơn cả cô ấy.
2.5.3. Quan hệ bao nghĩa
Là quan hệ giữa một thượng danh với các hạ danh. Thượng danh là từ ngữ có nghĩa chỉ một loại, mà tiểu loại của nó được biểu đạt bằng những từ ngữ khác, đó là hạ danh. Nói cách khác, nghĩa thượng danh là một phần của nghĩa hạ danh. Như thế, nghĩa của hạ danh sẽ chuyên biệt hơn nghĩa của thượng danh. Chẳng hạn, chim là thượng danh, mà bồ câu, sáo, cò, vạc v.v… là hạ danh, và như thế, so với nhau, bồ câu, sáo, cò, vạc là các đồng hạ danh.
Quan hệ bao nghĩa dễ dàng bắt gặp ở danh từ. Nhưng những từ loại khác không phải không có quan hệ bao nghĩa. Chẳng hạn, vị từ di chuyển là thượng danh, mà hạ danh của nó là đi, chạy, bò, trườn, lết, v.v…
Quan hệ bao nghĩa chỉ cho phép nói, chẳng hạn, bồ câu là một loại chim, chứ không thể nói ngược lại: chim là một loại bồ câu. Nghĩa là “hạ danh X là một loại thượng danh Y”; mà không thể chấp nhận “thượng danh Y là một loại hạ danh X”.
Câu sau đây không chấp nhận được là do không tuân thủ quan hệ bao nghĩa: Không thể đòi hỏi thành tích thi đấu của nữ vận động viên phải như nam vận động viên khác; nếu không bỏ từ khác đi, thì về mặt logic, là xác định nữ vận động viên là hạ danh, mà thượng danh là nam vận động viên, trong khi thực ra đó là hai đồng hạ danh! Tương tự, viết Cần phải dấy lên một phong trào quần chúng chống heroin và ma túy là đối xử heroin và ma túy như hai đồng hạ danh, trong khi sự thực từ trước là hạ danh, mà từ sau là thượng danh. Muốn chữa, phải thêm khác: Cần phải dấy lên một phong trào quần chúng chống heroin và các loại ma túy khác.
2.5.4. Quan hệ tổng – phân nghĩa
Là quan hệ giữa một từ chỉ tổng thể với những từ khác chỉ bộ phận của cái tổng thể kia. Từ chỉ tổng thể gọi là tổng danh, từ chỉ bộ phận là phân danh; chẳng hạn, đầu là tổng danh, mà tai, mặt, mũi là phân danh; như thế, so với nhau, tai, mặt, mũi là các đồng phân danh. “Bộ phận” ở đây bao gồm cả những chức năng đặc thù hữu quan; ví dụ: miệng có hai nhóm đồng phân danh: (1) môi, lưỡi, răng, lợi, V.V.; và (2) ăn, nói, nhai, nuốt, cười, v.v…
Cần nhớ rằng, khác với quan hệ bao nghĩa, quan hệ tổng – phân nghĩa không có tính bắc cầu. Trong quan hệ bao nghĩa, hổ là một loài thú, mà thú là một loài động vật, vậy có thể suy ra hổ là một loài động vật; trái lại, trong quan hệ tổng phân nghĩa, lưỡi là bộ phận của miệng, miệng là bộ phận của mặt, nhưng không thể suy ra lưỡi là bộ phận của mặt.
Cũng như trường hợp trái nghĩa, không phải từ nào cũng có thể phân tích theo quan hệ bao nghĩa hay tổng phân nghĩa. Vê, vỡ, vẫy, cào, lát, vuốt, vo, vò, v.v… đều chỉ động tác của bàn tay, nhưng tiếng Việt có một khoảng trống từ vựng: không có từ khái quát chì chung các động tác ấy.
Nếu cần có một cái nhìn tổng quát về hai quan hệ bao nghĩa và tổng – phân nghĩa, ta có thể cho rằng cả hai đều là những hệ tôn ti, nghĩa là đều có thể được miêu tả bằng hai quan hệ: quan hệ chi phối – đó là quan hệ giữa thượng danh và hạ danh, giữa tổng danh và phân danh – và quan hệ dị biệt – đó là quan hệ giữa các đồng hạ danh và giữa các đồng phân danh.
2.5.5. Quan hệ giao nghĩa
Là quan hệ giữa hai từ có chung một số (chứ không phải tất cả) nét nghĩa, nhưng từ này không chỉ một tiểu loại hay một bộ phận của từ kia. Chẳng hạn, dì, cô, mẹ, thím là những từ có quan hệ giao nghĩa vì có chung các nét nghĩa [+người], [+ nữ], [+ thân tộc].
Cần lưu ý ở quan hệ bao nghĩa, thượng danh và hạ danh tuy có chung một số nét nghĩa, nhưng trong khi nghĩa của hạ danh có phần khác với nghĩa của thượng danh thì nghĩa của thượng danh chỉ là một bộ phận của hạ danh. Ví dụ: bê là hạ danh của bò, do đó có tất cả các nét nghĩa của bò, nhưng bê có thêm một nét nghĩa không bắt gặp ở bò, đó là [-trưởng thành]. Chính vì thế, bê mới được hiểu là một tiểu loại của bò. Ở quan hệ giao nghĩa và ở quan hệ tổng phân nghĩa, tình hình không phải như vậy: nghĩa của dì không phải là một bộ phận của cô hay ngược lại, cho nên dì không phải là một tiểu loại của cô hay ngược lại.
Các đồng hạ danh, đồng phân danh và cả các từ trái nghĩa nữa đều có quan hệ giao nghĩa. Tuy nhiên, khái niệm giao nghĩa không phải là tổng của các khái niệm trên. Các khái niệm đồng hạ danh, đồng phân danh và trái nghĩa đòi hỏi các từ hữu quan phải cùng từ loại và cùng một phạm trù, trong khi giao nghĩa không nhất thiết như thế: nói và bố là giao nghĩa vì chung một nét [+ người], nhưng không phải là đồng hạ danh, đồng phân danh hay trái nghĩa.
2.6. Trường từ vựng
Trường từ vựng là tập hợp những từ có nét chung về nghĩa. Như thế, dễ thấy rằng những từ có quan hệ nghĩa với nhau (đồng nghĩa, trái nghĩa, bao nghĩa, tổng phân nghĩa, giao nghĩa) là cùng trường từ vựng.
Một trường từ vựng có thể bao gồm nhiều trường từ vựng nhỏ hơn. Ví dụ: đầu, mình, chân, tay cùng trường “bộ phận cơ thể”; cẳng (tay), khuỷu (tay), bàn (tay) cùng trường “bộ phận của tay”; ngón, móng cùng trường “bộ phận của bàn tay”, v.v…
Do hiện tượng đa nghĩa, một từ có thể tham gia vào nhiều trường từ vựng khác nhau. Ví dụ: dữ khi nói về tính tình (ví dụ: chó dữ) thì cùng trường với lành, hiền, v.v…; khi nói về tin tức, tiếng tăm (ví dụ: tin dữ, tiếng dữ) thì cùng trường với lành; khi nói về mức độ (ví dụ: suy nghĩ dữ lắm) thì cùng trường với nhiều, ít, v.v…
2.7. Điển mẫu
Cho ví dụ sau: (4) (4a) Đây là con chim nên nó màu đen. (4b) Đây là con chim nhưng nó là màu đen.
Rõ ràng dù dùng nên hay nhưng, câu nói vẫn kì quặc như nhau. Như thế, “màu đen” không phải là thuộc tính quan yếu của chim.
Tuy nhiên, ta sẽ thấy hai câu sau đây là bình thường: (5) (5a) Đây là con chim nên nó bay được. (5b) Đây là con chim nhưng nó không bay được.
Nếu hoán đổi vị trí của nên và nhưng thành: (5c) Đây là con chim nhưng nó bay được. (5d) Đây là con chim nên nó không bay được, ta thấy các câu (5c), (5d) hơi kì quặc. Điều này cho thấy trong nhận thức của chúng ta, một con chim điển hình phải “bay được”, tuy trên thực tế vẫn có loại chim không biết bay như đà điểu chẳng hạn. Vì lí do này, đà điểu không thể xem là điển hình cho chim.
Tất cả những thuộc tính được chờ đợi ở một loại nào đó làm thành một sự “mặc định” của loại ấy – đây là một điển mẫu. Nói cách khác, điển mẫu là một hạ danh có các thuộc tính điển hình cho thượng danh.
Thuộc tính không điển hình của một hạ danh đối với một thượng danh thông thường là thuộc tính điển hình của hạ danh đó khi đến lượt nó được xem là thượng danh.“ Không bay được” là thuộc tính không điển hình đối với chim, nhưng lại là điển hình đối với đà điểu. Và như thế, một con đà điểu điển mẫu phải không biết bay.
Khái niệm điển mẫu giúp ta hiểu được nhiều hiện tượng về nghĩa. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, quả hay trái không nhất thiết phải tròn, mà còn có thể dài như quả mướp, hình ngôi sao như quả khế, v.v… nhưng điển mẫu của quả hay trái phải là tròn. Dùng phép thử ở trên, ta thấy hai câu sau đây là bình thường: Đó là một loại quả nên có dáng tròn và Đó là một loại quả nhưng không có dáng tròn; trong khi hai câu sau đây là bất thường: Đó là một loại quả nhưng có dáng tròn và Đó là một loại quả nên không có dáng tròn. Điều này giải thích tại sao người Việt gọi vật gì tròn tròn là quả hay trái (quả/trái bóng, quả/trái tim, quả/trái đất, quả/trái đấm, quả/trái cấu, v.v…).
2.8. Ẩn dụ và hoán dụ
Ẩn dụ là quá trình chuyển đổi tên gọi dựa vào sự liên tưởng về tính tương đồng. Nói cụ thể, đó là trường hợp một tên gọi vốn dùng cho A lại chỉ B, khi A và B giống nhau về một mặt nào đó. Ví dụ: mọc là từ dùng chỉ cây cỏ nhô lên khỏi mặt đất (cây mọc) chuyển sang chỉ một diễn tiến tương tự của răng, mặt trăng, mặt trời (răng / trăng / mặt trời mọc), nghĩa là đã biến đổi từ nghĩa gốc sang nghĩa ẩn dụ. Như thế, nhân hóa, tức là lấy những từ ngữ vốn biểu thị những đặc điểm của người đem dùng cho những đối tượng không phải là người (ví dụ: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang / Tóc buồn buông xuống, lệ ngàn hàng – Xuân Diệu), chẳng qua chỉ là một loại ẩn dụ.
Ẩn dụ khác với tỉ dụ (ví dụ: đỏ như son) ở hai điểm: 1. Sự so sánh ở ẩn dụ là hàm ẩn trong khi ở tỉ dụ là hiển ngôn; và 2. Ẩn dụ là sự biến đổi nghĩa, còn tỉ dụ thì không.
Hoán dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự liên tưởng về tính tương cận. Khái niệm tương cận ở đây hiểu theo nghĩa rộng. Nó không những chỉ không gian (ví dụ: một xe cát – chỉ lượng cát chứa đầy một xe; nhà bếp cho biết đã nấu xong – nhà bếp ở đây chỉ người nấu ăn), mà cả thời gian (ví dụ: Ba thu dọn lại một ngày dài ghê – thu là mùa thu, chỉ có 3 tháng, ở đây chỉ một năm; Thế kỉ XX đã chứng kiến những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại – thế kỉ XX chỉ con người sống trong thế kỉ này) lẫn mối liên hệ nhân quả nữa (ví dụ: cái tát rất đau – chỉ hậu quả của cái tát chứ khống phải chính hành động tát).
Cần phân biệt:
- a. Ẩn dụ/hoán dụ đồng đại là khi biểu thức gốc và biểu thức bị biến đổi vẫn tồn tại song hành. Ví dụ: tay sáng là hoán dụ đồng đại vì biểu thức gốc (chẳng hạn tay trong tay chân) vẫn còn tồn tại. Ẩn dụ/hoán dụ lịch đại là khi biểu thức gốc không còn tổn tại song hành (hoặc không còn được người bản ngữ liên hệ) với biểu thức được biến đổi. Ví dụ: ăn năn là “ăn cỏ năn, một thứ cỏ đắng”, chỉ sự ân hận, là ẩn dụ lịch đại vì ngày nay người Việt không ai liên hệ ăn năn với “ăn cỏ năn” cả.
- b. Ẩn dụ/hoán dụ ngôn ngữ là khi sự biến đổi đó được cộng đồng chấp nhận. Ví dụ: quả tim là ẩn dụ ngôn ngữ, vì đó không phải là cách nói của cá nhân. Ẩn dụ/hoán dụ lời nói là khi sự biến đổi đó chỉ là cách dùng của cá nhân. Ví dụ: Áo chàm trong câu thơ Áo chàm đưa buổi phân ly (Tố Hữu) chỉ người miền núi là hoán dụ lời nói, vì đó không phải là cách nói của cộng đồng.
3. NGỮ NGHĨA HỌC CÚ PHÁP
3.1. Nghĩa biểu hiện và nghĩa logic – ngôn từ
So sánh hai câu sau đây: (6) (6a) Anh chạy trước con voi; (6b) Con voi chạy sau anh, ta thấy hai câu này cùng biểu hiện một sự tình khách quan duy nhất, đó là nghĩa biểu hiện. Tuy nhiên xét về cách nhận định, cách tổ chức mệnh đề, tức là nghĩa lôgic-ngôn từ, thì hai câu trên rất khác nhau. Chẳng hạn, câu (6b) là nói về con voi, chứ không phải về anh như câu (6a), cho nên có thể nói thêm, chẳng hạn, gầm lên một tiếng, vung vẩy cái vòi như muốn cuốn lấy anh, một điều không thể thực hiện đối với câu (6a).
3.2. Quan hệ ngữ nghĩa giữa các câu
Căn cứ vào cái gọi là điều kiện chân ngụy, quan hệ ngữ nghĩa giữa các câu có thể tách thành năm quan hệ sau đây:
3.2.1. Phỏng nghĩa
Hai câu có quan hệ phỏng nghĩa khi có cùng nghĩa.
(7) (7a) Ông là thầy giáo của chị. (7b) Chị là học trò của ông.
(8) (8a) Ông hiệu trưởng bước vào văn phòng lúc 2 giờ. (8b) Lúc 2 giờ ông hiệu trưởng bước vào văn phòng.
(9) (9a) Mẹ thưởng con cuốn sách. (9b) Mẹ thưởng cuốn sách cho con.
(10) (10a) Tôi đánh nó. (10b) Nó bị tôi đánh.
Những cặp câu (a), (b) trên đây, kể cả hai câu (6a) và (6b) được cho là cùng nghĩa vì không thể có chuyện câu này đúng mà câu kia sai và ngược lại. Thực ra giữa hai câu tương ứng vẫn có nhiều dị biệt về cấu trúc thông tin (chẳng hạn thông thường ở (7a) ông là thông tin cũ, còn là thầy giáo của chị là thông tin mới, trong khi ở (7b) là thầy giáo của chị là thông tin mới và chị là thông tin cũ; nói cách khác, câu trước nói về quan hệ của ông với chị, còn câu sau nói về quan hệ của chị với ông), về sự nhấn mạnh thông tin (chẳng hạn thời điểm ông hiệu trưởng bước vào văn phòng ở câu (8a) được nhấn mạnh hơn ở câu (8b)). Như thế, cũng như hiện tượng đồng nghĩa ở từ, gần như không thể có hai câu đồng nhất về nghĩa 100%.
3.2.2. Mâu thuẫn
Hai câu có quan hệ mâu thuẫn khi câu này đúng thì câu kia sai và ngược lại. Trong quan hệ mâu thuẫn, không thể chọn cả hai câu đều đúng. Ví dụ:
(11) (11a) Anh ta thức. (11b) Anh ta ngủ.
Hiển nhiên, các câu (11a) và (11b) không bao giờ cùng đúng hay cùng sai.
3.2.3. Tương phản trên
Hai câu có quan hệ tương phản trên khi không thể cùng đúng nhưng có thể cùng sai.
(12) (12a) Nghe những câu đùa tếu, bao giờ cô cũng hé môi cười. (12b) Nghe những câu đùa tếu, không bao giờ cô hé môi cười. (12c) Nghe những câu đùa tếu, thỉnh thoảng cô có hé môi cười.
Hiển nhiên, các câu (12a) và (12b) không bao giờ cùng đúng nhưng cả hai có thể cùng sai vì có thể xảy ra tình hình như câu (12c).
3.2.4. Tương phản dưới
Hai câu có quan hệ tương phản dưới khi không thể cùng sai nhưng có thể cùng đúng.
(13) (13a) Một số người thức. (13b) Một số người ngủ.
3.2.5. Kéo theo
Hai câu có quan hệ kéo theo khi câu này đúng thì câu kia đúng. Ví dụ:
(14) (14a) Tôi mới mua một con chó Nhật. (14b) Tôi mới mua một con chó.
Cần lưu ý nếu câu (14a) đúng thì câu (14b) phải đúng; nhưng ngược lại, câu (14b) đúng thì không chắc câu (14a) đã đúng.
Trong rất nhiều trường hợp, các quan hệ ngữ nghĩa trên đây là kết quả của quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ ngữ. Chẳng hạn, các cặp (6a) và (6b), (7a) và 7b) có quan hệ phỏng nghĩa là vì chứa các từ thuộc quan hệ trái nghĩa phương hướng hay nghịch đảo. Hai câu (12a) và (12b) có quan hệ tương phản trên vì chúng có những từ ngữ trái nghĩa thang độ – giữa hai cực: bao giờ cũng – không bao giờ, ta còn có điểm trung gian: thỉnh thoảng. Hoặc các câu (14a) và (14b) có quan hệ kéo theo là vì tồn tại quan hệ bao nghĩa: chó Nhật trong câu trước là hạ danh, mà chó trong câu sau là thượng danh.
Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp đó, không thể đồng nhất quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ ngữ với quan hệ ngữ nghĩa giữa các câu. Bởi vì quan hệ sau được xác định dựa vào điều kiện chân ngụy, tức là tính chất đúng hay sai của một nhận định, một điều không thể tồn tại ở cấp độ từ ngữ. Điều này lộ rõ nếu ta so sánh các cặp câu (11a), (11b) và (13a), (13b) với nhau, cả hai cặp câu này đều sử dụng hai từ có quan hệ trái nghĩa lưỡng phân thức – ngủ, nhưng cặp trước là nhận định có tính chất toàn thể trong khi cặp sau có tính chất cục bộ, dẫn đến quan hệ ở cập trước là mâu thuẫn, còn cặp sau là tương phản dưới.
3.3. Vai nghĩa
Xét hai câu sau đây: (15) (15a) Đứa bé tát con mèo; (15b) Con mèo tát đứa bé, ta thấy hai câu này có nghĩa khác hẳn nhau tuy bao gồm những từ hệt như nhau. Như thế, nghĩa của câu không thể là tổng số đơn giản nghĩa của các từ. Trong ví dụ (15a) và (15b), quan hệ ngữ nghĩa, hay vai nghĩa, giữa đứa bé và con mèo với tát, là không như nhau. Nói khái quát, một cách điển hình, vai nghĩa là quan hệ ngữ nghĩa của ngữ danh từ đối với vị từ trong câu, là cách thức mà thực thể do ngữ danh từ biểu thị góp phần vào sự tình được câu diễn đạt.
Thực thể đó gọi là tham tố của sự tình. Tham tố có thể bắt buộc xuất hiện hay không bắt buộc xuất hiện để cái sự tình được biểu hiện trong câu có thể được thực hiện. Những tham tố đáp ứng vế thứ nhất là diễn tố; những tham tố thỏa mãn vế thứ hai là chu tố hay phi diễn tố. Trong câu Nó chơi bóng trong sân trường, thì nó, bóng là diễn tố, còn sân trường là chu tố.
Sự khác biệt về vai nghĩa của đứa bé và con mèo trong ví dụ (15a) và (15b) cho thấy vai nghĩa không phải là thuộc tính nội tại của ngữ danh từ; điều đó giải thích vai nghĩa của ngữ danh từ hữu quan bị biến đổi nếu được dùng vào những câu khác nhau.
Mặt khác, vai nghĩa tuy có liên quan đến vai cú pháp nhưng không phải là một. Ở Anh ấy tặng tôi bó hoa hay Tôi được tặng một bó hoa, tôi có chức năng khác nhau về mặt cú pháp, nhưng đều như nhau về vai nghĩa; trái lại, ở Anh ta phá sập ngôi nhà và Bão phá sập ngôi nhà, anh ta và bão có cùng chức năng ngữ pháp nhưng khác biệt về vai nghĩa. Trong tiếng Anh, ở những câu nói về thời tiết, người ta dùng it đóng vai cái gọi là chủ ngữ giả, ví dụ: It is raining “Trời đang mưa”; đây là loại chủ ngữ bắt buộc phải xuất hiện vì lí do ngữ pháp, chứ không có thực thể tương ứng nào, và do đó không đảm nhận vai nghĩa nào – lưu ý rằng trong câu tương ứng của tiếng Việt Trời đang mưa, nếu ta quan niệm trời đây là một nhân vật ẩn dụ (ông trời), -thì trời đóng vai “người hành động” (vai 1).
Vai nghĩa cũng không đồng nhất với cách hình thái học “Tôi có cuốn sách ấy” trong tiếng Nga là u menja kniga (từng chữ: [ở tôi sách]); về mặt hình thái học, menja “tôi” ở sinh cách, tức là hình thái chỉ sở hữu, còn kniga “sách” lại ở danh cách, tức hình thái chỉ chủ thể. Tương ứng trong tiếng Ba Lan mam ksiạzkẹ (từng chữ: [có-tôi sách]), thì “tôi” lại được thể hiện bằng hậu tố m của vị từ, còn ksiạzkẹ “sách” lại ở đới cách, tức là hình thái đánh dấu đối tượng. Trong tiếng Anh, I have the book, cả I “tôi” và the book “cuốn sách ấy” đều ở danh cách (nếu là đối cách, thì hình thái học tiếng Anh đánh dấu bằng đại từ như him, her, them, me). Tuy nhiên, xét về vai nghĩa, thì “tôi” và “sách” là như nhau trong tất cả các ngôn ngữ vừa kể.
Sau đây là những vai (25 vai) cần phân biệt hơn cả:
- Người hành động. “Người hành động” là chủ thể trong một sự tình động có chú ý, cho nên trong (a) Tôi đi đến trường và (b) Tôi vui hay (c) Tôi ốm, thì tôi trong (a) mới đóng vai “người hành động”, trong khi trong (b) là “người thể nghiệm” (vai 4), trong (c) là “người/vật mang trạng thái” (vai 9); đi biểu thị một sự tình có chủ ý, còn ốm hay vui thì không, ở vai “người hành động”, vị từ hành động chỉ có một diễn tố; chủ thể của một hành động vừa là người tác động, vừa là người bị tác động.
- Người tác động. Giữa hai câu (a) Tôi đi đến trường với (b) Tôi lau bàn, ta thấy tôi (a) chỉ tác động đến bản thân mình, đó là vai “người hành động”, trong khi ở (b) tác động vào một đối tượng nhất định, đó là vai “người tác động”.
- Lực tác động. So sánh (a) Anh ta phá sập ngôi nhà và (b) Bão phá sập ngôi nhà. Ở (a) anh ta là người tác động; ở (b) bão là “lực tác động”. Như thế “lực tác động” chỉ sức mạnh tự nhiên tác động đến một đối tượng. Tất nhiên “lực tác động” không thể là một hành động có chủ ý. Nếu so sánh thêm với (c) Chiếc xe tăng phá sập ngôi nhà, ta thấy ở đây chiếc xe tăng chì là “công cụ”, còn vai “người tác động” (người lái xe) bị ẩn.
- Người thể nghiệm. Khi câu diễn đạt cảm giác, ấn tượng, cảm xúc, tình cảm của con người, thì chủ thể của nó đóng vai “người thể nghiệm”. Trong (a) Chị thấy một bông hoa mới nở và (b) Chị nhìn một bông hoa mới nở, thì chị đảm nhận hai vai khác nhau: ở câu trước, thấy là vị từ không có chú ý và chị là “người thể nghiệm”; ở câu sau nhìn là vị từ có chủ ý và chị là “người hành động”.
- Kích thích. Đây là vai thể hiện tác nhân gây ra phản ứng tâm lí ở người thể nghiệm. Trong hai câu Thành tích thi đấu của đội bỗng làm người hâm mộ hài lòng và Cô ta sợ chuột thì đóng vai “kích thích” là thành tích thi dấu của đội bóng và chuột.
- Người/vật bị tác động. Vai này thể hiện đối tượng của sự tác động. Ví dụ: Tôi lau bàn hay Bàn lau rồi.
- Nguời/vật bị di chuyển. Vai này cũng bị tác đông như vai “người/vật bị tác động”, nhưng sự khác biệt là ở chỗ “người/vật bị di chuyển” không bị biến đổi. So sánh (a) Đứa bé ném hòn đá với (b) Đứa bé đập vỡ hòn đá ở cầu (b), hòn đá chỉ bị dời chỗ, chứ không bị biến đổi như ở câu (a), tuy ở cả hai câu, nó đều chịu sự tác động của một ngoại lực.
- Vật tạo tác. Nếu nhà trong Nó phá nhà là vật bị tác động, phải hiện hữu trước khi bị phá, thì nhà trong Nó xây nhà là “vật tạo tác”, tức là vật được làm ra, nghĩa là trước khi xây, ngôi nhà chưa có.
- Người/vật mang trạng thái. Đây là vai thể hiện một vật gì hay một người nào có một trạng thái hay một tính chất vật chất nào đó. Ví dụ: Bé mọc răng. Lưu ý rằng nếu đó là trạng thái tinh thần, thì người (hay động vật) mang trạng thái chính là “nhân/vật thể nghiệm” (vai 4).
- Người nhận. Khi vị từ có ý nghĩa “cho”, “gửi”, thì đối tượng của nó đóng vai người nhận. Ví dụ: Anh ấy tặng tôi bó hoa hay Tôi được tặng một bó hoa. Vì các vị từ có ý nghĩa “cho”, “gửi” có quan hệ trái nghĩa nghịch đảo với các vị từ có ý nghĩa “nhận”, nên tất nhiên chủ thể của các vị từ sau lại đóng vai người nhận. Ví dụ: Tôi nhận bó hoa anh tặng.
- Người hưởng lợi. Vai này chỉ đối tượng hưởng lợi, với những vị từ có chủ ý. Ví dụ: Ông sửa xe cho tôi. Cần phân biệt, dù không phải bao giờ cũng dễ dàng, với vai người nhận, chẳng hạn trong (a) Em gửi thư cho anh (và anh đã nhận được) và trong (b) Em gửi thư cho anh (vì anh ốm không tự đi được), thì anh ở (a) là người nhận, còn ở (b) là người hưởng lợi.
- Địa điểm. Đây là vai chỉ vị trí xảy ra của sự tình. Ví dụ: Nó ở nhà hay Nó ngồi trong nhà.
- Hướng. Hướng là vai biểu thị chiều của sự tình, chỉ đi với những vị từ động. Ví dụ: Đó là một chuyển động theo chiều kim đồng hồ. Trong (a) Tôi học ở Hà Nội, và (b) Tôi đi Hà Nội, thì Hà Nội đảm nhận hai vai khác nhau: (a) là địa điểm, còn (b) là hướng.
- Đích. Đích là vai cho biết điểm tột cùng của sự di chuyển, và cũng như hướng, chỉ có thể có trong những sự tình động. Đích và hướng là hai chuyện khác hẳn nhau: trong Tôi đi đến Hà Nội thì Hà Nội là đích, còn trong Tôi đi Hà Nội thì Hà Nội mới chỉ là hướng, vì có thể nói Tôi đi Hà Nội nhưng nửa chừng thì rẽ qua Hải Phòng.
- Nguồn. Vai này chỉ điểm xuất phát của sự tình. Ví dụ: Mẹ đi chợ về hay Tôi mua con cá này ở chợ.
- Người/vật sở hữu. Cần phân biệt vai này với “nguồn”. Trong Tờ báo nhận tin của người dân và Nó vay tiền của anh thì người dân là “nguồn”, còn anh là “người sở hữu”.
- Lối đi. Lối đi là vai chỉ con đường của sự di chuyển, có thể được biểu hiện bằng một vật nằm trên con đường ấy. Ví dụ: Tôi đi dọc bờ sông hay Tôi đi qua cầu.
- Phương thức. Đây là vai chỉ phương thức của sự tình. Ví dụ: Nó trả lời một cách lạnh lùng hay Chân khụy xuống, ông cố cúi thấp người.
- Thời gian. Vai thời gian chỉ thời điểm, thời lượng, sự lặp lại, quan hệ thời gian của sự tình. Ví dụ: Buổi họp sẽ được tổ chức vào thứ hai tuần tới, Cuộc nói chuyên kéo dài đến hai giờ, Một giờ nữa mới họp, Khi tôi bước vào thì bác đang đọc báo.
- Khoảng cách. Được xếp vào vai nghĩa này không chỉ là khoảng cách không gian, mà cả những thứ khoảng cách khác được diễn đạt theo phép ẩn dụ như một khoảng cách không gian. Ví dụ: Nó phải chạy bộ từ nhà đến trường, Tôi có mặt tại đây từ 3 đến 5 giờ chiều, Quan hệ đã chuyển từ tình bạn đến tình yêu.
- Công cụ (phương tiện). Vai này chỉ công cụ của hành động do vị từ biểu thị. Ví dụ: ăn đũa, ăn bằng đũa, cắt bằng kéo, lấy kéo mà cắt.
- Người/vật liên đới. Khi một ngữ danh từ chỉ người/vật đi kèm trong một sự tình do vị từ biểu đạt, ta có vai “người/vật liên đới”. Trong (a) Nó mở cửa kho với một cái chìa khóa và (b) Nó mở cửa kho với một người lạ mặt, cái chìa khóa là “công cụ” nhưng người lạ mặt là người liên đới.
- Nguyên nhân. Đây là vai nghĩa chỉ nguyên nhân của sự tình. Ví dụ: Vì mưa nên tôi không đến được. So sánh hai câu (a) Hòn đá rơi làm anh bị thương và (b) Hòn đá ném làm anh bị thương, ta thấy hòn đá ở (a) là nguyên nhân, còn ở (b) là công cụ: câu sau buộc phải hiểu có người ném, tức phải có vai “người tác động”, trong khi câu trước thì không như thế.
- Mục đích. Cần phân biệt vai “mục đích” với vai “nguyên nhân”. Trong (a) vì nước vì dân và (b) yêu vì nết, trọng vì tài, thì nước, dân là mục đích, còn nết, tài là nguyên nhân, tuy cả hai đều đi sau vì.
- Người/vật tồn tại. Vai này xuất hiện trong loại cầu cho biết sự tồn tại, xuất hiện hay biến mất của một thực thể. Ví dụ: Có ai gõ cửa; Bên kia hàng rào thấp thoáng một bóng người.
Các vai nghĩa trên đây không phải bao giờ cũng tách biệt; trái lại trong một số trường hợp có thể xảy ra hiện tượng chồng chéo giữa các vai. Chẳng hạn, so sánh (a) Cô buộc gói bánh bằng một sợi dây và (b) Cô buộc sợi dây quanh gói bánh; ở (a), sợi dây vừa là “vật bị di chuyển” vừa là công cụ, còn ở (b) vừa là “vật bị di chuyển” vừa là “vật bị tác động”.
4. NGỮ NGHĨA HỌC DỤNG PHÁP
4.1. Hành động ngôn từ
4.1.1. Các hành động ngôn từ
Khi đứa con nghe ông bố nói: (16) Còn ngồi đấy à? thì thông thường không thể trả lời, chẳng hạn: Vâng, con còn ngồi hay Vâng, con không còn ngồi, mà phải nói: Con đi ngay ạ. Điều đó chứng tỏ bất chấp đây là một câu hỏi về mặt hình thức thuộc dạng có – không, đứa con buộc phải hiểu ý ông bố là muốn mình phải đi ngay. Như thế, ý định ông bố thông qua câu nói là đưa ra một mệnh lệnh, và bằng mệnh lệnh đó, muốn đạt đến một tác động nhất định: đứa con phải đi ngay, Ngôn ngữ học gọi ý định của người nói thực hiện với phương tiện lời nói, là hành động ngôn trung, phân biệt với việc phát âm đơn thuần một câu nói, gọi là hành động tạo ngôn và tác động của câu nói với người nghe, gọi là hành động xuyên ngôn.
Nhưng ta hãy đưa câu (16) vào một ngữ cảnh khác: đó là lời một người nói với bạn khi một giờ sau quay lại vẫn thấy bạn ngồi ở quán cà phê. Ở trường hợp này, hành động ngôn trung của câu (16) không phải là một mệnh lệnh nữa; đấy chẳng qua là một hành động có tác dụng biểu cảm, thể hiện sự ngạc nhiên của người nói mà thôi. Như vậy, hành động ngôn trung tùy thuộc vào ngữ cảnh.
4.1.2. Câu ngôn hành và vị từ ngôn hành
Nếu một vị quan tòa tuyên án: (17) Tôi tuyên bố bị cáo vô tội thì như thế là bị cáo được luật pháp công nhận là vô tội. Nói cách khác, ở đây, hành động tạo ngôn là tương đương với hành động ngôn trung. Khi quan tòa tuyên án, thì ông không thông báo về sự tuyên án, mà là thực hiện chính cái việc tuyên án ấy. Một câu như thế gọi là câu ngôn hành, và vị từ chỉ những hành động được thực hiện bằng ngôn từ và làm hạt nhân cho câu ngôn hành (như tuyên bố, hứa, khẳng định, yêu cầu, nói, cám ơn, v.v…) là vị từ ngôn hành. Câu (17) là câu ngôn hành, điều đó giải thích tại sao không thể nói: (18) Ông ta nói trước tòa là tuyên bố tôi vô tội nhưng thực ra ông ta chưa tuyên bố. Trong khi đó, hoàn toàn có thể nói như thế đối với một câu trần thuật thông thường: (19) Ông ta nói trước tòa là sẽ chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra nhưng thực ra ông có chuyển đâu.
Không phải vị từ nào chỉ những hành động được thực hiện bằng ngôn từ cũng là vị từ ngôn hành. Không thể nói: (20) Tôi xin nịnh anh! dù nịnh là một vị từ chỉ có thể thực hiện bằng ngôn từ. Lí do là: nịnh là một vị từ xấu nghĩa và không ai lại nói xấu về mình. Như thế, nịnh không được dùng như là vị từ ngôn hành vì những nét nghĩa nội tại của từ này.
Một vị từ ngôn hành sẽ mất đi tính chất ngôn hành nếu câu chứa nó không đáp ứng được các điều kiện sau: (a) Chủ thể của nó phải là ngôi thứ nhất; (b) Thời gian của sự tình phải ở hiện tại. So sánh: (21) Tôi cám ơn anh; (22) Nó cám ơn anh; (23) Hôm qua tôi có cám ơn anh mà, thì chỉ có câu (21) là ngôn hành, còn hai câu sau chỉ là câu trần thuật bình thường. Điều này cho thấy vấn đề ngôn hành cần đặt ra ở bình diện câu hơn là ở bình diện từ.
Câu ngôn hành không có giá trị chân ngụy, tức không thể cho là đúng, song cũng không thể cho là sai, mà chỉ có thể “bất ổn” do không đáp ứng được điều kiện hữu hiệu: nếu một người không có cương vị quan toà, thì không thể nói câu (17).
4.2. Nghĩa hàm ẩn. Tiền giả định và hàm ý
Xét các ví dụ sau dây: (24) Sơn đã cai thuốc lá; (25) Bao giờ chạch đẻ ngọn đa Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình, ta thấy ở ví dụ (24), chữ “cai” cho biết “trước đây Sơn có nghiện thuốc lá”. Ở ví dụ (25), câu ca dao hiển nhiên là một lời từ chối cầu hôn. Những nghĩa trên của (24) và (25) đi kèm với nghĩa tường minh, là phần thông báo ngoài những gì được nói thẳng ra. Đó là nghĩa hàm ẩn.
Nghĩa hàm ẩn ở (24) và ở (25) không giống nhau. Cái không được nói ra ở (24), là một tiền giả định, là điều kiện tiên quyết để có thể nói câu ấy. Như thế nghĩa tường minh của câu sẽ không chấp nhận được khi tiền giả định của nó sai: nếu không nghiện thì làm sao nói được là cai? Lưu ý “không chấp nhận được” ở đây là không có giá trị chân ngụy. Nếu cho Sơn đã cai thuốc lá là đúng thì tức là thừa nhận Sơn có nghiện thuốc lá. Nếu cho Sơn cai thuốc lá là sai, nghĩa là thực ra – Sơn không cai thuốc lá, thì cũng phải thừa nhận Sơn có nghiện thuốc lá. Cho nên, nếu quả thực Sơn không nghiện thuốc lá, thì không thể đặt vấn đề chuyện có cai thuốc lá hay không.
Còn cái không được nói ra ở (25) không phải là điều kiện cho giá trị chân ngụy của nghĩa tường minh và người nói câu ấy qua việc nêu lên một điều phi lí (chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước) để khẳng định không thể có chuyện cưới hỏi. Đó là một hàm ý.
4.2.1. Tiền giả định
4.2.1.1. Một số loại tiền giả định tiêu biểu
Xét các ví dụ sau:
(26) Núi Ngự Bình trước tròn sau méo Sông An Cựu nắng đục mưa trong.
(27) Con mắt mờ đục của ông biết tôi đang hối hộp, xấu hổ nữa.
(28) Bà tưởng cô về quê.
(29) Tiếng hót lảnh lót vừa kiêu hãnh vừa gợi tình.
Ví dụ (26) có tiền giả định là: “Có một ngọn núi tên ià núi Ngự Bình và một con sông tên là sông An Cựu”. Đây là tiền giả định tồn tại, thường xuất hiện khi câu miêu tả một thực thể xác định.
Ví dụ (27) có tiền giả định là “tôi đang hồi hộp, xấu hổ là điều có thật”. Đấy là tiền giả định hàm thực.
Ví dụ (28) có tiền giả định là “cô về quê là chuyện không có thật”. Đây là tiền giả định hàm hư. Lại có những câu không tiền giả định thực hay hư (chẳng hạn, Tôi quyết định gọi điện cho anh ấy, thì sự kiện “gọi điện cho anh ấy” có xảy ra hay không đều không tác động đến giá trị chân ngụy của câu), đó là loại câu vô hàm.
Có những từ chỉ được sử dụng trong một phạm vi nào đó; những giới hạn này là tiền giả định của chúng, ở ví dụ (29), từ hót chỉ được sử dụng cho chủ thể là chim. Đây là tiền giả định phạm trù.
4.2.1.2. Đặc điểm của tiền giả định: có 4 đặc điểm
i) Tiền giả định của câu vẫn không thay đổi nếu chuyển câu hữu quan sang dạng phủ định. Quả vậy, nếu chuyển câu (24) thành: Sơn không cai thuốc lá thì tiền giả định “trước đây Sơn có nghiện thuốc lá” vẫn giữ nguyên?;
Chính đặc điểm này cho thấy người nói chấp nhận tiền giả định như một điều tất nhiên để cho phần thông báo có giá trị, chứ bản thân tiền giả định không có tác dụng thông báo. Điều này có vẻ không dúng trong một số tình huống. Chẳng hạn, một anh đang tán tỉnh cô bạn mới quen, thì bị một người bạn chặn lại: (30) Con ông ốm, đang cấp cứu ở bệnh viện đấy!
Rõ ràng anh bạn chơi khăm, muốn thông báo với cô kia rằng thực ra, bạn anh đã có con tức đã có vợ – mà điều này lại là tiền giả định của câu nói. Tuy nhiên, ví dụ vừa dẫn chẳng những không bác bỏ được nhận định cho rằng về nguyên tắc, tiền giả định không nằm trong ý định thông báo, trái lại còn khẳng định thêm nhận định đó: anh bạn muốn lợi dụng tính chất này của tiền giả định để thông báo một cách không tường minh, phòng khi bị trách móc, sẽ thanh minh là do vô ý, chẳng hạn.
Cần lưu ý nếu đó là câu phi trần thuật, thì việc chuyển cấu nói sang dạng phủ định có thể làm thay đổi tiền giả định. Chẳng hạn, câu dưới đây: (31) (31a) Người nào đạt điểm 10 thế? tiền giả định “có người đạt điểm 10”. Nhưng nếu chuyển sang dạng phủ định: (31b) Người nào không đạt điểm 10 thế? thì lại tiền giả định “có người không đạt điểm 10”.
Tình hình hoàn toàn tương tự nếu ta diễn đạt nội dung trên dưới dạng câu tồn tại: (32) (32a) Có người đạt điểm 10; (32b) Có người không đạt điểm 10.
Từ ngờ là một trường hợp tương tự. So sánh câu (33a) với (33b): (33) (33a) Tôi ngờ trời bão; (33b) Tôi không ngờ trời bão. Câu (33b) ở dạng phủ định, tiền giả định “trời bão là có thật”, nhưng câu (33a) tương ứng, ở dạng khẳng định, thì lại không phải như thế: trời bão là chuyện có thể đúng hay sai sự thật.
Có thể kể thêm từ thấy. So sánh: (34) (34a) Tôi thấy anh ta bước vào nhà; (34b) Tôi không thấy anh ta bước vào nhà.
ii) Tiền giả định vẫn không thay đổi nếu chuyển câu hữu quan thành câu nghi vấn hay câu cầu khiến. Câu (24) nếu diễn đạt thành Sơn có cai thuốc lá không? hay Cai thuốc lá đi, Sơn! thì tiền giả định “trước đây Sơn có nghiện thuốc lá” vẫn không bị tác dộng.
iii) Tiền giả định không thể vừa được chấp nhận vừa bị phủ định. Khi nói câu: (35) Bài Thơ duyên của Xuân Diệu hay quá! ta không thể thêm “nhưng Xuân Diện không có bài nào là Thơ duyên cả” nếu không muốn tự mâu thuẫn; trong khi đó, hoàn toàn có thể làm như vậy nếu nói: (36) Tôi nghĩ bài Thơ duyên là của Xuân Diệu. Như vậy, “Xuân Diệu là tác giả bài Thơ duyên” là tiền giả định của câu (35), chứ không phải của câu (36).
iv) Tiền giả định có thể hủy bỏ được. Nếu nghe câu sau: (37) (37a) Chị tiếc là món thịt bị quá lửa, ta có thể suy ra tiền giả định của nó là “món thịt bị quá lửa là có thật”. Tiền giả định ấy không thav đổi nếu ta chuvển sang dạng phủ định, (37b) Chị không tiếc là món thịt bị quá lửa. Tuy nhiên, nếu mở rộng hơn nữa thành: (37c) Chị không tiếc là món thịt bị quá lửa vì thực ra thịt vừa chín tới, thì câu vẫn chấp nhận được. Tại sao ở đây ta không có cảm giác câu nói tự mâu thuẫn? Lí do là: cái tiền giả định “món thịt bị quá lửa là có thật” chỉ là của một người khác người nói câu (37)a hay b; còn người nói câu (37c) lại phản bác nghĩa tường minh của câu (37)a hay b, bằng cách hủy bỏ cái tiền giả định ấy. Như thế, thực chất sự hủy bỏ ở đây có tính chất siêu ngôn ngữ, tức là dùng ngôn ngữ để nói về chính ngôn ngữ.
Đặc điểm có thể hủy bỏ được của tiền giả định còn có thể tìm thấy trong những trường hợp có nội dung cho thấy câu chuyện đang bàn là phi thực. Chẳng hạn: (38) (38a) Con của họ đẹp lắm; (38b) Giả sử Thuý Kiều và Kim Trọng lấy nhau, thì con của họ đẹp lắm; (39) (39a) Con vật kì dị đứng thẳng dậy, mắt đỏ như lửa; (39b) Con vật kì dị đứng thẳng dậy, mắt đỏ như lửa ấy chỉ là lời đồn thổi. Câu (38a) và (39a) tiền giả định con của họ, con vật kì dị là có thực, nhưng câu: (38b) và (39b) lại cho thấy không có tiền giả định như thế, vì những từ ngữ như giả sử, chỉ là lời đồn thổi xác nhận đó là những thực thể không tồn tại.
Cần lưu ý tiền giả định tuy có thể hủy bỏ được nhưng bị giới hạn nghiêm ngặt ở trường hợp siêu ngôn ngữ và tiền giả định tồn tại mà thôi. Mặt khác, trong những ví dụ nêu trên tiền giả định hàm thực của từ tiếc, tiền giả định tồn tại của những danh ngữ xác định con của họ, con vật kì dị bị hủy bỏ là do được “nhúng” vào một câu khác, chứ không phải người nói vừa chấp nhận vừa phủ định các tiền giả định ấy. Như vậy hai đặc điểm (iii) và (iv) của tiền giả định không hề mâu thuẫn nhau.
4.2.1.3. Các cấp độ tiền giả định
Tiền giả định cũng như hàm ý, đều có thể phân tích ở bậc từ hay câu hoặc phát ngôn.
Chẳng hạn ở cấp độ từ, ta có thể phân tích từ tái giá, ra bốn nét nghĩa như sau: 1. <người>; 2. <nữ giới>; 3. <từng kết hôn>; và 4. <kết hôn lần nữa>. Nếu đặt tái giá vào một câu phủ định, chẳng hạn: (40) Bà ấy không tái giá thì chỉ có nét nghĩa cuối cùng là bị tác động (tức là thực ra, “Bà ấy không kết hôn lần nữa”) chứ ba nét nghĩa đầu thì không. Như thế, nét nghĩa (4) có tác dụng thông báo, đó là phần nhận định; còn (1), (2), (3) chính là tiền giả định. Cần lưu ý nét nghĩa <nữ giới> của từ tái giá là tiền giả định ngôn ngữ vì nếu là nam giới, thì người Việt dùng tục huyền chẳng hạn. Bình thường ta hoàn toàn có thể nói Vị mục sư ấy đang còn độc thân, trong khi không thể chấp nhận Vị linh mục ấy đang còn độc thân. Vì hiểu biết ngoài ngôn ngữ mách cho ta tu sĩ Tin lành được phép lấy vợ, mà tu sĩ Thiên chúa giáo lại không. Như thế đây là một tiền giả định bách khoa.
Đối với một câu hỏi như: (41) Tại sao con cá chết nặng hơn con cá sống? mà ta trà lời: Tại vì […], thì bất cứ lí do gì nêu ra sau đó đều không ổn. Đó là do tiền giả định của câu hỏi về lí do là phải công nhận sự tình hữu quan là có thực. Mà trong trường hợp này, không có gì đảm bảo là có thực sự kiện “con cá chết nặng hơn con cá sống” (hãy câu một con cá sống, rồi giết chết, sau đó cân lại, xem có nặng hơn không!). Như thế, tiền giả định ở đây là của câu, chứ không phải của từ.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cho thấy tiền giả định là câu chuyện của phát ngôn hay dụng học. Một ông lái xe quát người đột ngột băng qua đường mà không báo trước: (42) Muốn tự tử thật hả? Đối với câu này, không thể trả lời khẳng định hay phủ định, trừ khi có dụng ý chọc tức người nói; thông thường người ta sẽ đáp, chẳng hạn: (43) Xin lỗi bác, tôi vô ý. Lí do là vì người bị mắng hoàn toàn hiểu rằng ông lái xe không có ý định tìm hiểu người đi đường có muốn tự tử hay không, mà chỉ thực hiện hành động quát mắng. Câu trên tiền giả định người đi đường đã trót có một hành động nguy hiểm đến tính mạng. Tiền giả định này không ở từ, hay câu, mà được rút ra nhờ gắn với bối cảnh vừa kể.
Trong bối cảnh khác, tiền giả định đó không chắc tồn tại. Một cô vợ dỗi chồng, đòi tự tử và khi cô vợ hết giận, người chồng hỏi: (44) Em muốn tự tử thật hả? Cô vợ có thể trả lời: (45) Vâng, em muốn tự tử thật. Hay: (46) Đâu có, em đâu có muốn tự tử thật; em chỉ kêu lên thế để dọa anh. Như thế, câu (44) không hề tiền giả định cô vợ đã làm một điều gì nguy hiểm.
4.2.2. Hàm ý
4.2.2.1. Hàm ý và suy ý:
Xét các ví dụ sau:
(47) Khi kiểm điểm phạm nhân, ngục quan lại còn có biệt nhỡn đối riêng với Huấn Cao. Bọn lính lấy làm lạ, đều nhắc lại: – Bẩm thầy, tên ấy chính là thủ xướng. Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn. Mấy tên lính, khi nói đến tiếng “để tâm” có ỷ nhắc viên quan coi ngục còn chờ đợi gì mà không giở những mánh khóe hành hạ thường lệ ra. Ngục quan ung dung: -Ta biết rồi, việc quan ta đã có phép nước. Các chú chớ nhiều lời. (Nguyên Tuân – Chữ người tử tù)
(48) Lúc này, mụ ngó ra phía xa rồi về hè ngồi. Một lát sau, thấy bà già đã đứng tuổi, áo the trắng, hoa tai to, đến vẫy mụ. – Này u! Con vú tháng trước xin phép ra rồi! Mụ già đưa người như bị cái lò xo nào đẩy lên, kêu: -Chết chửa? Làm sao thế ạ? – Chồng nó chết, nó xin về mười lăm hôm. Tôi phải cho nó thôi hẳn: -May quá, con tưởng hay lại có điều tiếng gì. Thế là, trước cái tin buồn một người chết, mụ đã thở dài một cái ra ý được nhẹ mình nên sung sướng lắm, bà kia hỏi tiếp: – Mợ kí nó nhà tôi còn mệt lắm, u có người nào ngay bây giờ không? (Vũ Trọng Phụng – Cơm thầy cơm cô).
Ở ví dụ (47) câu “Ta biết rồi, việc quan ta đã có phép nước. Các chú chớ nhiều lời” cho thấy ngục quan hiểu rất rõ cái hàm ý của bọn lính là muốn hành hạ Huấn Cao.
Ở ví dụ (48), bà già khi nói “Này u! Con vú tháng trước xin phép ra rồi” là có ý muốn nhờ mụ đưa người tìm giúp một người vú khác – điều sau đó bà đã nói thẳng ra: “[…] u có người nào ngay bây giờ không?”. Nhưng mụ đưa người suy ra rằng bà già trách móc mình đã đưa một người vú không tốt (May quá, con tưởng hay lại có điều tiếng gì.)
Hai ví dụ trên đây chứng tỏ có sự phân biệt giữa một bên là cái người nói muốn nói nhưng không tường minh, tức hàm ý, với một bên là cái người nghe rút ra, tức suy ý cho dù hàm ý và suy ý chẳng qua chỉ là hai mặt của một vấn đề. Như đã thấy, suy ý có thể phù hợp hay không phù hợp với hàm ý. [trong hành vi giao tiếp, hàm ý thực hiện bằng hành động mã hoá ngôn ngữ, ở phía người nói, còn suy ý thực hiện hành động giải mã ngôn ngữ, ở phía người nghe).
4.2.2.2. Các loại hàm ý
Xét ví dụ sau: (49) Cô ta đẹp nhưng tử tế. Ở ví dụ (49), từ nhưng cho phép suy ra rằng có hai sự kiện trái ngược nhau: theo người nói, người đẹp thì thường không tử tế. So sánh câu (49) với: (50) Cô ta đẹp và tử tế, ta thấy giá trị chân ngụy không thay đổi, nói cách khác, đây là hai câu phỏng nghĩa (về mặt lôgic, p và q hay p nhưng q đều là phép liên kết, do đó hai câu trên đều chỉ đúng nếu quả thực (i) cô ta đẹp; và (ii) cô ta tử tế), nhưng cái hàm ý chỉ sự trái ngược sẽ không còn.
Các hàm ý của (48) và cùa (49) có khác nhau ở một điểm cơ bản. Hàm ý của (48) bao giờ cũng biến đổi theo ngữ cảnh, liên quan với giao tiếp, đó là hàm ý hội thoại, còn hàm ý của (49) thì không như thế, đó là hàm ý quy ước, xảy ra trong chính ngôn ngữ.
Có thể tách hàm ý hội thoại thành hai tiểu loại. Xét các ví dụ sau: (51) A: – Cháu đã mời bác Nam và chú Bắc đến dự tiệc chưa? B: – Cháu đã mời chú Bắc rồi ạ! Hàm ý cùa B là: “Cháu chưa mời bác Nam”. So sánh ví dụ (51) với ví dụ (48), ta thấy hàm ý của (48) chỉ có thể suy ra trong một ngữ cảnh nhất định, còn hàm ý ở (51) thì không phải như thế. Thật vậy, ở một ngữ cảnh khác, chẳng hạn: (52) A: – Bạn có đem theo hai cuốn sách Văn và Toán không đấy? B: – Mình có đem cuốn Văn. thì hàm ý của B là: “Mình không đem sách Toán”. Ta thấy cách suy đoán hàm ý ở hai ví dụ (51) và (52) là một: hễ chỉ trả lời về x trong khi câu hỏi là về cả x lẫn y, thì hàm ý sẽ là “không y”. Ta gọi hàm ý ở (48) là hàm ý đặc thù, còn ở (51) và (52) là hàm ý khái quát.
Có thể kể thêm một số ví dụ thường gặp về hàm ý khái quát. Xét các ví dụ sau: (53) Cho nên thị [Nở] nghĩ: mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. (Nam Cao – Chí Phèo) (54) – Hôm qua tôi thấy anh Ba đi với một người đàn bà.
Ở ví dụ (53), lúc này hàm ý “bỏ Chí Phèo lúc khác, nghĩa là lúc hắn khỏe mạnh, chứ không phải đau ốm như bây giờ, thì không phải là bạc”. Cách suy đoán là: “Nếu có một từ ngữ hạn định phạm vi hiệu lực của nội dung câu nói, thì ngoài phạm vi ấy nội dung đó không còn hiệu lực nữa”.
Ở ví dụ (54), một người đàn bà hàm ý “không phải vợ, em gái, v.v… của anh Ba”. Cách suy đoán là: công thức một + x (trong đó một có nghĩa không xác định) cho phép suy ra hàm ý “x không phải liên quan mật thiết đến người nào đó xác định.”
4.2.2.3. Đặc điểm của hàm ý hội thoại
Có thể nêu lên một số đặc điểm của hàm ý hội thoại, cũng có thể xem là phép thử hàm ý hội thoại.
i) Hàm ý hội thoại biến đổi theo ngữ cảnh
(55) A 30 tuổi, phạm một lỗi nghiêm trọng. Ông của A nói: – Cháu còn bé.
(56) B 4 tuổi qua vườn nhà bên cạnh vặt hết hoa. Người chủ gặp mẹ của B để trách móc. Bà mẹ nói: – Cháu còn bé.
Nếu câu Cháu còn bé ở (55) có hàm ý mỉa mai (một người đã 30 tuổi sao có thể phạm một lỗi như vậy được!), thì ở (56) là một lời thanh minh (cháu bé ngây thơ mà phạm lỗi, chứ không có ý gì khác, xin thông cảm mà tha thứ cho).
ii) Hàm ý hội thoại có thể hủy bỏ được
Đặc điểm này cho phép người nói có thể phù nhận một hàm ý nào đó trong câu nói của mình.
(57) A: – Bạn ấy học hành thế nào? B: – Mình không nghĩ bạn ấy học giỏi. Không phải mình muốn nói bạn ấy học kém đâu nhé! Câu thứ hai của B là để ngăn A hiểu câu thứ nhất có hàm ý chê bạn học kém.
Lấy lại ví dụ (53) nếu Nam Cao viết thêm để có một câu như sau thì vẫn không mâu thuẫn gì: (58) Cho nên thị nghĩ: mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc; mà bỏ lúc khác thì vẫn bạc.
Hoặc ở ví dụ (54), người nói câu này thực ra muốn tố cáo Ba là người lãng nhăng. Nhưng nếu thấy người nghe tỏ ý không mặn mà gì chuyện này, thì anh ta có thể nói thêm như sau để hủy bỏ cái hàm ý đó: (59) Hôm qua tôi thấy anh Ba đi với một người đàn bà, nhưng hình nhu đó là em gái của anh ấy thì phải.
Như đã thấy ở trên, tính chất có thể hủy bỏ được của hàm ý hội thoại là tương đối tự do (xảy ra trong ngôn ngữ nói, có điều chỉnh do khả năng mã hoá và giải mã của cả người nghe và người nói) chứ không có điều kiện nghiêm ngặt như của tiền giả định.
iii) Hàm ý hội thoại không thể loại trừ bằng cách thay thế một từ ngữ này bằng một từ ngữ khác cùng nghĩa.
(60) A: – Anh định tra vấn tôi đấy hẳn? B: – Không đâu ạ. Chỉ hỏi anh vài câu
(61) Để chê một con thú cưng nào đó là quá béo, A nói: – Trông nó gầy quắt gầy queo nhỉ?.
Ở ví dụ (60) việc thay tra vấn bằng hỏi làm mất đi sắc thái xấu nghĩa; như vậy sắc thái xấu nghĩa này là đặc trưng nội tại của từ tra vấn, chứ không phải là hàm ý. Nhưng ở ví dụ (61), dù có thấy gầy quắt gầy queo bằng những từ ngữ tốt nghĩa như mảnh mai, gọn gàng, thanh tú, v.v… thì cái hàm ý chê bai con thú quá béo vẫn không thay đổi.
iv) Hàm ý hội thoại có thể suy đoán được
Chẳng hạn, xét ví dụ (55), tiến trình suy đoán có thể như sau: (a) Có thể người ông tin rằng đứa cháu còn bé; (b) Điều này phi lí vì đứa cháu đã 30 tuổi và tất nhiên người ông biết điều ấy; (c) Không có lí đo gì để nghĩ rằng người ông cố tình đánh lừa ai đó; (d) Câu nói của người ông hẳn phải có hàm ý và hàm ý ấy hẳn phải liên quan đến sự kiện người cháu phạm lỗi; (e) Cái hàm ý ấy hẳn phải trái ngược với nghĩa tường minh của câu nói; (f) Vậy hẳn người ông muốn nói việc phạm lỗi đó là không thể chấp nhận đối với một người đã trưởng thành như người cháu.
4.2.2.4. Nguyên tắc cộng tác – một cơ chế sản sinh hàm ý hội thoại
Giới Ngôn ngữ học nêu lên bốn phương châm hội thoại sau đây: 1. Phương châm về lượng. Nói cho đủ thông tin cần thiết. Đừng nói thừa. 2. Phương châm về chất. Nói những gì mình cho là đúng. Đừng nói cái mình cho là sai hay thiếu chứng cớ. 3. Phương châm về quan hệ. Hãy nói vào đề. 4. Phương châm về cách thức. Nói cho trong sáng. Tránh mơ hồ. Nói ngắn gọn. Nói cho mạch lạc.
Trả lời câu hỏi về kết quả kì thi vừa qua, một sinh viên nói: “Tôi được 7 điểm”. Câu trả lời này là rõ ràng (phương châm về cách thức), thành thực (phương châm về chất), đủ thông tin (phương châm về lượng) và nói đúng vào điều người kia muốn biết (phương châm về quan hệ).
Các phương châm hội thoại trên đây không phải là những yêu cầu có tính đạo đức. Vấn đề là khi giao tiếp, người ta phải tuân thủ các phương châm hội thoại vì chỉ có thế, câu chuyện mới tiến triển được.
Trên thực tế, không phải lúc nào người ta cũng tuân thủ các phương châm hội thoại. Có thể phân biệt những loại không tuân thủ các phương châm hội thoại sau đây.
- a. Bất chấp phương châm: là trường hợp người nói không tuân thủ phương châm một cách lộ liễu và chính điều này là lời mời gọi người nghe đi đến chỗ suy đoán một cái hàm ý nằm đằng sau những gì tường minh; đó chính là giải pháp để duy trì được cái giả định người kia vẫn đang cộng tác với mình. Cái giả định ấy được gọi là nguyên tắc cộng tác. Chẳng hạn, ở ví dụ (55), người ông đã nói một câu hiển nhiên là phi lí. Sự phi lí này đây người nghe đi đến chỗ phải tự hỏi: “Tại sao ông ấy lại ăn nói kì lạ như vậy?” Và để trả lời, người ta phải suy đoán theo một tiến trình như đã trình bày. Xét theo chiều hướng này, hàm ý là chuyện trên bề mặt có vẻ công nhiên không tuân thủ các phương châm hội thoại, nhưng về thực chất vẫn tuân thủ các phương châm ấy. Như thế việc không tuân thủ ở đây chỉ là để “khai thác” một phương châm hội thoại nào đấy. Bất chấp phương châm còn có thể là do nguyên nhân sự xung đột giữa các phương châm khi đó người nói buộc phải chọn phương châm này và hi sinh phương châm kia. Chẳng hạn, trả lời câu hỏi: “Cô ấy bao nhiêu tuổi”, mà nói: “Theo giấy tờ thì 30 tuổi”, là không tuân thủ phương châm về lượng, vì lẽ ra theo yêu cầu của câu hỏi, chỉ cần nói “30 tuổi” là đủ. Đó là do người nói muốn tôn trọng phương châm về chất: anh ta không thật tin chắc cô ấy có phải là 30 tuổi hay không.
- b. Vi phạm phương châm: là sự không tuân thủ phương châm một cách không lộ liễu, do muốn đánh lừa người nghe. Chẳng hạn, người mẹ hỏi: “Chiều nay con đi đâu?” và đứa con trả lời: “Con qua chơi nhà bạn”. Bà mẹ tìm hiểu và thấy đứa con nói đúng sự thực: chiều hôm đó em quả có đến nhà bạn chơi. Nhưng đó chỉ là một nửa sự thật: sau đó, em có đi tắm sông, mà điều này thì bố mẹ em sợ nguy hiểm, đã cấm ngặt. Vậy thì em đã không tuân thủ phương châm về lượng. Nhưng đó là sự không tuân thù ngầm ẩn: căn cứ vào những gì em nói ra, không có cơ sở để nói em giấu thông tin. Sự vi phạm phương châm này tạo nên một hàm ý lừa dối rằng em chỉ đến chơi nhà bạn và không đi đâu khác nữa. Ở trường hợp vi phạm phương châm, người ta nói một cái gì đến lúc ấy là đúng để ngầm nói một cái gì không đúng; trong khi ở trường hợp bất chấp phương châm, người ta công khai không tuân thủ phương châm để ngầm nói một cái gì đúng. Như thế, vi phạm phương châm là vế đối nghịch của bất chấp phương châm.
- c. Bỏ qua phương châm: là trường hợp người nói không có ý định tạo hàm ý, cũng không muốn đánh lừa người nghe. Như thế, việc không tuân thủ phương châm ở đây chẳng qua là xuất phát từ sự bất toàn trong sử dụng ngôn ngữ (do thiếu văn hóa giao tiếp, do xúc động, lơ đãng, bối rối, say rượu, v.v…). Thật ra, người tham gia cuộc thoại khó mà phân biệt vi phạm phương châm với bỏ qua phương châm.
- d. Từ bỏ phương châm: là trường hợp người nói công khai hay ngầm ẩn cho người nghe biết mình không tuân thủ một phương châm nào đó, chẳng hạn: Không cần phải nói rằng Tôi không được phép nói gì thêm Như ông đã biết,… (Phương châm về lượng)- Nói thế này thì hàm hồ, nhưng…; Tôi không biết chắc lắm nhưng…-, Chỉ là lời người ta đồn thổi thôi, nhưng… (Phương châm về chất); Biết là điều tôi nói chẳng liên quan gì, nhưng…; Nhân tiện, tôi xin nói… (Phương châm về quan hệ); Tôi nói thế này hơi dài dòng, tôi e ông bà phải mất quá nhiều thì giờ để nghe tôi, nhưng… (Phương châm về cách thức).
- e. Đình hoãn phương châm: có tình huống người nói rõ ràng không tuân thủ phương châm hội thoại nhưng vì không ai chờ đợi điều đó, nên không cần phải tuyên bố từ bỏ phương châm. Do đó, trường hợp này không sản sinh hàm ý. Có khi đây là vấn đề văn hóa. Ở Madagascar, khi chuyện trò, tập quán không cho phép cung cấp thông tin đầy đủ về người thân, vì sợ ma quỷ chú ý đến họ; cho nên không ai cho rằng sự không tuân thủ phương châm về lượng như thế lại có hàm ý gì. Trường hợp này được gọi là đình hoãn phương châm. Tuy nhiên, có khi đây là vấn đề tình huống hội thoại. Chẳng hạn, trong cuộc thoại giữa tên tội phạm và điều tra viên, nếu lời lẽ của tên tội phạm có vi phạm một phương châm nào đó, thì điều tra viên cũng không thể nghĩ theo hướng hắn có hàm ý tự nguyện cung cấp những thông tin tự buộc tội mình. Nói cách khác, ở đây và trong những cuộc thoại có tính chất đối đầu nói chung, việc tuân thủ các phương châm hội thoại bị đình hoãn.
Cái gọi là hàm ý hội thoại, theo các nhà Ngôn ngữ học, là cái nghĩa mà người nói muốn thúc giục người nghe tìm kiếm ngoài cái nghĩa nguyên văn, bằng cách công nhiên không thủ phương châm hội thoại, mà không phải với mục đích đánh lừa người nghe. Sau đây là những ví dụ cụ thể về các hàm ý hội thoại sản sinh do sự bất chấp phương châm (4 loại).
i). Bất chấp phương châm về lượng
(62) Thấy rằng thiên hạ đồn mình hư hỏng nhiều quá, Tuyết bèn mặc bộ Ngây thơ để cho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh. (Vũ Trọng Phụng – Số đỏ)
Ở ví dụ trên, người kể rõ ràng bất chấp phương châm về lượng. Thông thường chỉ cần viết đánh mất chữ trinh là đù; thêm từ cả là thừa, hơn nữa, vô lí: trinh là chuyện hoặc có hoặc không, chứ không thể mất cả, hay mất một phần. Nhưng chính đây là hàm ý mỉa mai, giễu cợt của nhà văn: rất có thể Tuyết đã đánh mất “nửa chữ trinh”, nghĩa là Tuyết chẳng trinh gì!
ii). Bất chấp phương châm về chất
(63) Sau đây là đoạn đối thoại giữa Tràng và người vợ nhặt: – Nhà có ai không? – Có một mình tôi mấy u. Thị tủm tỉm cười: – Đã một mình lại còn mấy u. Bé lắm đấy! (Kim Lân – Vợ nhặt)
Tất nhiên không thể cho Tràng là còn bé. Vậy mà người vợ nhặt vẫn nói Bé lắm đấy! nghĩa là công nhiên bất chấp phương châm về chất. Hàm ý của người vợ quá rõ: trách yêu Tràng đã nói năng như một đứa trẻ.
iii). Bất chấp phương châm về quan hệ
(64) Sau đây là đoạn kể chuyện bà Án cố thương lượng với Mai, người đã từng là vợ con trai bà nhưng bị bà đuổi đi, để giành quyền nuôi dưỡng cháu nội: Bỗng chợt nhớ ra một điều, bà Án tươi cười hỏi Mai:
– Nếu tôi đền ơn cô một nghìn bạc thì cô nghĩ sao?
Mai không hiểu:
– Thưa cụ, ơn gì ạ?
– Ơn cô nuôi nấng cháu tôi.
Mai cười nhạt:
– Thưa cụ, cụ cho tôi là một người vú em nuôi cháu cho cụ phải không?
Bà Án như mê mẩn, không nghĩ đến câu hỏi của Mai:
– Vậy hai nghìn nhé?
Mai đứng phắt dậy dắt con đi ra cửa phòng, quay lại nói:
– Cháu xin phép cụ, cháu phải đi đằng này có chút việc cần!
(Khái Hưng – Nửa chừng xuân)
Trên bề mặt, trả lời câu hỏi của bà Án: Vậy hai nghìn nhé, mà lại nói Cháu xin phép cụ, cháu phải đi đằng này có chút việc cần! là đã bất chấp phương châm về quan hệ. Hàm ý của Mai là muốn chấm dứt cuộc nói chuyện với bà Án, tránh thốt ra một lời từ chối, thậm chí có thể là một lời nói hỗn.
iv). Bất chấp phương châm về cách thức
(65) Một cậu ngỗ nghịch nào đó vẽ một bức tranh châm biếm Bê-li-cốp si mê Va-ren-ca, chị của Cô-va-len-cô. Bê-li-cốp đến gặp Cô-va-len-cô, nói: – Tôi đến tìm anh để giãi bày tâm sự. Tôi rất buồn bực anh ạ. Có một tên vô lại nào đó đã vẽ châm biếm tôi và một người gần gũi với cả hai chúng ta. […] (Sê-khốp – Người trong bao)
Ở ví dụ trên, cách diễn đạt tôi và một người gần gũi với cả hai chúng ta thay vì nói thẳng “tôi và Va-ren-ca” là không rõ ràng, nghĩa là bất chấp phương châm về cách thức. Nhưng đó lại là sự mập mờ cố ý: Bê-li-cốp muốn tránh sỗ sàng, nên không nêu tên chị của Cô-va-len-cô, người đang nói chuyện với mình.
4.2.3. Quan hệ giữa tiền giá định với hàm ý
Tiền giả định và hàm ý không phải là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt. Có rất nhiều ví dụ cho thấy có trường hợp hàm ý hình thành trên cơ sở tiền giả định. Chẳng hạn xét các ví dụ sau:
(66) Một người đàn bà bị chồng đánh đập tàn nhẫn, được triệu tập đến tòa án.
Người đàn bà hướng về phía Đẩu, tự nhiên chắp tay lại vái lia lịa:
– Con lạy quý toà…
– Sao, sao?
– Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…
[…] Đang ngồi cúi gục xuống, người đàn bà bỗng ngẩng lên nhìn thẳng vào chúng tôi, lần lượt lừng người một, với một vẻ ban đầu hơi ngơ ngác.
– Chị cám ơn các chú!
Người đàn bà đột nhiên thốt lên bằng một giọng khẩn thiết
– Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc…
Chỉ mấy lời mào đầu ấy, người đàn bà đã mất hết cái vẻ ngoài khúm núm, sợ sệt. Điệu bộ khác, ngôn ngữ khác. (Nguyễn Minh Châu – Chiếc thuyền ngoài xa)
Chú ý sự thay đổi cách xưng hô của nhân vật người đàn bà: ban đầu là con, rồi đột ngột chuyển sang chị, chú. Xưng con, là tiền giả định ở một vị thế thấp hơn; nhưng xưng chị, gọi chú, là tiến giả định một vị trí cao hơn, mà cũng thân mật hơn. Sự chuyển đổi xưng hô như vậy tạo ra hàm ý: người đàn bà muốn chuyển sự đối thoại giữa quan tòa với dân, sang cuộc chuyện trò tâm sự giữa những người đã quen biết nhau.
(67) Lời của Huy nói với bà Án:
– Không bao giờ cháu ngờ vực cụ, cụ dung thứ cho mấy lời sống sượng của cháu, cụ tức là biểu hiện, tức là một người đại diện cho nền luân lí cũ. Mà tâm trí chúng cháu đã trót nhiễm những tư tưởng mới. (Khái Hưng – Nửa chừng xuân)
Từ trót có tiền giả định sự việc xảy ra trong quá khứ là có thật (không thể nói chẳng hạn Tôi có trót nhận lời dự sinh nhật nhưng thật ra có ai mời tôi đâu) và đó là sự kiện đáng tiếc (bình thường không thể nói chẳng hạn, Tôi trót thi đỗ đại học). Nhưng “tư tưởng mới” là điều thực tâm Huy ca ngợi. Và vì vậy câu cuối đoạn trích trên bất chấp phương châm về chất. Bà Án phải rút ra hàm ý khác hẳn với ý nghĩa tường minh: Huy muốn nói ngược.
(68) Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. (Hoài Thanh – Một thời đại trong thi ca)
Ta thấy câu cuối cùng là một ẩn dụ, nảy sinh do bất chấp tiền giả định phạm trù: tấm lụa và tiếng Việt là hai phạm trù khác nhau, không thể đồng nhất như thế. Nhưng chính vì vậy mà câu văn trên bất chấp phương châm về chất, nói những điêu đã rõ mười mươi là không đúng. Do đó, người đọc buộc phải tìm cái hàm ý nằm bên dưới câu văn. Tóm lại, về phía người nói, ẩn dụ có nguồn gốc là tiền giả định phạm trù, mà về phía người nghe, cơ chế hiểu ẩn dụ là sự duy trì nguyên tắc cộng tác khi phương châm hội thoại bị vi phạm.
NHỮNG VẤN ĐỀ THẢO LUẬN VÀ BÀI TẬP THỰC HÀNH
1. Tìm những thành ngữ có các từ rồng, chó, trâu, ngựa, mèo, vịt, gà, từ đó thử xác định nghĩa liên tưởng của những từ này.
2. Cho cứ liệu sau đây: (a) nem công chả phượng; (b) tước công, (c) góp công góp của, (d) của công; (e) biết công biết thủ; (f) mất một trăm công san nền; (g) ăn ở không công; (h) công đất, (i) Có công với nước.
Có thể quy các trường hợp trên thành những nghĩa khác nhau của một từ công duy nhất hay là của những từ cộng đồng âm?
3. Nét nghĩa nào phân biệt các từ này với các từ kia sau đây?
(a) anh, chị, em, cháu, dì, dượng với kỹ sư, bác sĩ, họa sĩ, giáo viên, công nhân. (b) trâu, bò, dê, cừu, chó, lợn với cọp, voi, beo, sư tử, khỉ, cầy, nai. (c) sắt, nhôm, đồng, đá, gỗ, bê tông với nước, ốc xy, rượu, bia, xăng. (d) tủ, bàn, cửa, đồng hồ, ti vi, áo, cà vạt với sách, báo, bưu thiếp, vở, hóa đơn.
4. Phân tích nét nghĩa của các từ (1) anh, chị và em (ruột); (2) huynh, đệ, tỉ, muội.
5. Phân tích nét nghĩa của các từ vay, mượn, thuê.
6. Tìm chứng cứ để cho thấy những cặp từ đồng nghĩa sau đây không thể giao hoán 100% được: quả – trái, xoan – sầu đâu, huyết – máu, tiết – máu, tạ thế – hi sinh, phụ nữ – đàn bà, nam giới – đàn ông.
7. Xác định các kiểu trái nghĩa của các cặp từ sau: (xấu – tốt) sai – đúng, nhân viên – thủ trưởng, rộng – hẹp, rộng – chật, nhớ – quên, giám khảo – thí sinh, khô – ướt, béo – gầy, chặt – lỏng, lỏng – đặc, cha – con, tiến – thoái, cho – nhận, cứng – mềm, trai — gái, sáng — tối, buồn — vui, yêu — ghét, mua — bán, to — nhỏ, nội — ngoại, sướng — khổ, to – nhỏ, nhanh – chậm, say – tình.
8. Xác định quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ ngữ sau đây: cây – hoa, nụ, cành, lá, góc, chồi; nữ trang – hoa tai, nhẫn, dây chuyền; tuần lễ – thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, sư – ni cô, hòa thượng, tỳ kheo, linh mục, xơ, giám mục, mẹ bề trên, mục sư; kim loại – sắt, đồng, chì, kẽm, nhôm, thiếc, thép, gang; động vật – gà, chim, chó, mèo, cọp, dê, cừu, voi, rắn, châu chấu, giun; nhà – cửa, mái, phòng, tầng, bếp; hình vuông – hình chữ nhật, hình thoi, hình bình hành, hình thang.
9. Góp ý cho báo cáo của lớp trưởng, một sinh viên nói: “Chúng ta chưa mạnh dạn. Báo cáo xác nhận: “một số không nhỏ sinh viên chưa chuyên cần”, “không ít sinh viên chưa thực sự biết nghiên cứu”; không nhỏ tức là lớn, không ít tức là nhiều, nhưng không nói thẳng là lớn, là nhiều, mà lại chọn cách nói tránh đi”. Lập luận của sinh viên này có thuyết phục không?
10. Những câu nào sau đây là chấp nhận được, những câu nào thì không? Và nếu không chấp nhận được, thì giải thích lí do. (a) Đối với tôi, thịt lợn không ngon như thịt các loại động vật khác. (b) Động cơ điện không gây ô nhiễm như các loại động cơ nổ khác (c) Dùng trâu để cày thì không tốn nhiên liệu như các loại máy móc khác. (d) Nó mua bao nhiêu là sách, báo và tiểu thuyết. (e) Com pa, thước kẻ, tẩy, bút chì, bút máy, những đồ dùng học tập ấy đều được đựng gọn ghẽ trong một cái túi con. (f) Phải bơn bớt tiền mua sắm phấn, son và đồ trang điểm đi.
11. Tìm những từ cùng trường từ vựng chỉ (a) tính chất của trí tuệ; (b) trạng thái tình cảm- (c) hoạt động làm cho một vật thay đổi kích thước; (d) hoạt động làm cho một vật dời chỗ.
12. Thử dùng hai từ nhưng và nên để tìm đặc trưng điển mẫu của cá, voi, nước, kiến.
13. Phân loại những cứ liệu sau đây thành ẩn dụ hay hoán dụ; sau đó lại tách ra ẩn dụ / hoán dụ ngôn ngữ và ẩn dụ / hoán dụ lời nói: Gió gào, tàu chạy, đồng hồ nước, ngân hàng đề thi, cửa sông, cây bút tre, mặt trời chân lí, nụ cười, bữa tiệc cần ba mâm, mắt cá chân, vai áo, cổ chai, trâu ơi ta bảo trâu này, lưỡi cày, cả làng thức giấc, mũi Cà Mau, anh ta vừa nhận ghế giám đốc công ty, có đầu óc, có lòng, có mắt, một xe cát, một bát cơm, cây đu đủ đực, rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang (Xuân Diệu).
15. Xác định quan hệ ngữ nghĩa giữa các cặp câu sau đây: (a) An bị con mèo quào rách cả áo-Con mèo quào An rách cả áo. (b) Nó ở bên trái tôi- Tôi ở bên phải nó. (c) Chú Hiếu là chồng cô Tư- Chú Hiếu đã có gia đình. (d) Ông ấy là bác sĩ- Ông ấy hành nghề y khoa. (e) Từ đây đến ngôi làng gần nhất còn 5km nữa- Còn 5km nữa mới đến ngôi làng gần nhất. (f) Đây là số chẵn- Đây là số lẻ. (g) Hôm qua mọi người đều tập trung ở Hội trường- Hôm qua chỉ một số người tập trung ở Hội trường. (h) Hôm nay là chủ nhật- Hôm qua là thứ bảy. (j) Hôm nay là chủ nhật- Ngày mai là thứ ba.
16. Cho biết vai nghĩa của các ngữ danh từ gạch dưới trong những câu sau đây: (a) Con chuột chạy quanh hũ gạo. (b) Thằng bé đá quả bóng lên trời. (c) Nó huých vào vai tôi, nháy mắt một cách ranh mãnh. (d) Chị thấy lòng phấp phới. (e) Ngày mai anh ấy sẽ đến để giúp anh chị. (f) Từ chân trời xanh ngát dần dần hiện lên một cánh buồm. (g) Cô ốm lăn lóc như thế là vì anh. (h) Quả bóng đập mạnh vào cửa sổ làm kính vỡ vụn. (i) Ông giận đứa con ngỗ nghịch. (j) Vải này dệt bằng tay. (k) Nó đi với tôi đến nhà cô giáo. (i) Theo con đường rợp bóng tre, qua cái giếng cổ là đến đình làng. (m) Chị làm việc quần quật từ sáng đến tối cũng chỉ vì gia đình.
17. Cho các vị từ sau: dọa, đùa, gọi, kể, kêu, khoác lác, khoe, nói, phủ nhận, than, thuyết phục, tin, xác nhận. (a) Vị từ nào là ngôn hành? Cho mỗi từ một câu ví dụ để minh họa. (b) Thay đổi điều kiện để những câu ngôn hành làm minh họa ở trên mất tính chất ngôn hành.
18. Cho một số câu sau, hãy xác định câu nào là câu ngôn hành, câu nào không phải là câu ngôn hành: (1). Chúng tôi phạt anh 5 triệu đồng vì tội trốn thuế. (2). Tôi xin biếu anh cuốn sách. (3). Tôi cam đoan là hắn nói dối. (4). Chúng tôi cật lực lên án chiến tranh xâm lược. (5). Anh ấy hứa tặng thư viện bộ sách quý. (6). Tôi lỡ tuyên bố là không bao giờ đả động đến chuyện đó. (7). Tôi xin chúc mừng anh. (8). Tôi vừa chúc mừng anh ấy. (9). Tôi sẽ không bao giờ hút thuốc. (10). Tôi thật có lỗi với anh.
19. Nêu tiền giả định của những từ in đậm trong những câu sau đây: – Chị thấy ông lập cập bước vào căn phòng cũ kỹ ấy. – Tôi tin thế nào cô ấy cũng đến. – Tôi nhớ phản ứng của hắn lúc đó: hai mày nhíu lại và trên miệng là một nụ cười khinh khỉnh.
20. Nhận xét về tiền giả định của các từ biết và thấy căn cứ vào cứ liệu sau: (a) Tôi biết chị học giỏi. Tôi không biết chị học giỏi. (b) Tôi thấy chị học giỏi. Tôi không thấy chị học giỏi.
21. Thử đưa câu “Em đã rửa bát rồi” vào hai ngữ cảnh khác nhau nhau, để có được hai hàm ý khác nhau.
22. Sau đây là đoạn đối thoại giữa bà án và Mai (trích trong Nửa chừng xuân của Khái Hưng). – Hôm nay tôi thân hành lên đây là vì bổn phận cũng có, nhưng điều thứ nhất là vì… là vì… thôi có mình mợ với tôi đây, can gì phải úp mở… Tôi lên đây là vì sự hối hận bắt buộc phải xin lỗi mợ. Mai vội vàng đáp: – Ấy chết! Cụ dạy quá lời, con đâu dám. – Không, mợ cứ để tôi nói dứt câu đã. Phải kể ra tôi già nua tuổi tác thế này mà hạ mình, xin lỗi mợ thì cũng hơi quá thật. Song thiết tưởng, bất cứ bề trên đối với bề dưới, hay bề dưới đối với bề trên, ai cũng nhận biết lỗi mình. Tôi, thì tôi biết nhận ngay. Tôi hối hận ngay hôm sau… khi cô… mợ… bỏ nhà ra đi. – Được, cụ lớn cứ gọi con là cô cũng được. a) Tại sao bà Án xưng là tôi và gọi Mai là mợ, tuy có khi cũng gọi là cô? b) Tại sao Mai xưng là con, gọi bà Án là cụ, và từ chối cách gọi mợ mà chỉ nhận là cô?
23. Đọc đoạn văn sau đây: Vú em vạch yếm để hở cái ngực trắng nõn, vắt sữa vào lòng một bên bàn tay. Bà kia xem qua loa kêu: -Tạm được. Tức thì mụ già giãy nảy người lên mà rằng: – Cha mẹ ơi! Sữa như thế mà mẹ lại còn báo là “tạm được”. Tốt vào hạng nhất rồi đấy mẹ ạ. Bà kia bĩu môi: – Phải, hạng nhất đấy! (Vũ Trọng Phụng – Cơm thầy cơm cô) a) Hàm ý của câu nói “Phải, hạng nhất đấy!” là gì? b) Giải thích cơ chế sản sinh hàm ý ấy.
24. Câu ca dao sau đây bất chấp phương châm hội thoại nào? Sự bất chấp đó tạo ra hàm ý gì? Lỗ mũi em mười tám gánh lông Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
25. Sau đây là đoạn đối thoại giữa lão Hạc và nhân vật tôi (trích trong Lão Hạc của Nam Cao). “Tôi nắm cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo: – Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè rồi hút thuốc lào… Thế là sướng. – Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.” a) Khi nói Đối với chúng mình, lão Hạc có hàm ý gì? b) Hàm ý ấy thuộc loại nào?
26. Có một người hỏi cô X. nay sống ở đâu mà anh (chị) lại không muốn (hay không thể) cung cấp thông tin. Hãy dùng hàm ý để trả lời bằng cách bất chấp: (a) phương châm về cách thức; (b) phương châm về chất.
- BS Đỗ Thị Thuý Anh chỉnh lý