Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

GIÁO TRÌNH DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC- Chương 3

Chuyên ngành: Ngôn ngữ trị liệu, Phục hồi chức năng
Khi xem xét rối loạn ngôn ngữ, trong phần ngôn ngữ các tác giả nhắc tới 3 bộ phận là hình thái, cú pháp và ngữ nghĩa. Vì vậy, cuốn sách của tác giả Hoàng Dũng và Bùi Mạnh Hùng trình bày cụ thể theo cấu trúc tương ứng, dễ tham khảo hơn cho các nhà Ngôn ngữ trị liệu. Nhưng cuốn sách quả thực bị nhiều lỗi quá.

- BS Đỗ Thị Thuý Anh chỉnh lý

NGỮ PHÁP HỌC

1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CHUNG CỦA NGỮ PHÁP HỌC

1.1. Đối tượng nghiên cứu và các phân ngành của Ngữ pháp học

Ngữ pháp học là phân ngành Ngôn ngữ học, nghiên cứu hình thái của từ và quy tắc cấu tạo từ và câu. Theo sự phân chia có tính chất truyền thống, Ngữ pháp học gồm có hai phân ngành hẹp hơn là Hình thái học và Cú pháp học.

Hình thái học là phân ngành Ngôn ngữ học nghiên cứu ngữ pháp của từ, gồm cấu tạo từ, hình thái từ và từ loại.

Đối với các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Bungari, v.v… thì việc nghiên cứu hình thái từ là nhiệm vụ quan trọng của lĩnh vục nghiên cứu ngữ pháp của từ, nên người ta thường gọi lĩnh vực này là hình thái học. Trong khi đó đối với các ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt, tiếng Hán, v.v… phân ngành này không có phần nghiên cứu hình thái từ. Vì vậy chỉ nên gọi là từ pháp học.

Cú pháp học là phân ngành Ngữ pháp học nghiên cứu ngữ pháp câu, gồm quy tắc cấu tạo ngữ đoạn và quy tắc cấu tạo câu.

Sự phân biệt hình thái học và cú pháp học chỉ có tính chất ước định. Trong các ngôn ngữ thuộc những loại hình khác nhau, mối quan hệ giữa hai phân ngành này rất khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự phân biệt dứt khoát giữa chúng chỉ được xác lập trong các ngôn ngữ biến hình, còn trong các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, tiếng Hán không có sự phân biệt này và Ngữ pháp học chung quy là cú pháp học.

Tuy nhiên, trong các rối loạn phát triển ngôn ngữ, đối với các ngôn ngữ biến hình thì hình thái từ là phạm vi rối loạn chính, do đó Hình thái từ là một phần kiến thức quan trọng cho nhà trị liệu. Nhưng đối với tiếng Việt, không có phạm vi rối loạn này, do đó phần từ pháp học ít quan trọng, sẽ không nhắc ở đây. Trong phạm vi rối loạn học tập có thể cần tới, nhưng sẽ nhắc tới sau.

1.2. Ý nghĩa ngữ pháp

Ý nghĩa ngữ pháp là một khái niệm quan trọng. Thế nhưng cho đến nay, khái niệm này vẫn chưa dược định nghĩa một cách rõ ràng và chặt chẽ.

Thông thường, khái niệm ý nghĩa ngữ pháp được giải thích trên cơ sở đối lập với khái niệm ý nghĩa từ vựng, vì đó là hai loại ý nghĩa cơ bản mà các đơn vị ngôn ngữ có thể có. Hai loại ý nghĩa này có nét chung là đều phản ánh kết quả nhận thức của con người vào ngôn ngữ, chịu sự chi phối của các quy luật nội tại của ngôn ngữ và có tính chất khái quát. Nhưng giữa chúng có sự khác biệt quan trọng.

Ý nghĩa từ vựng là ý nghĩa riêng cùa từng đơn vị ngôn ngữ. Chẳng hạn trong tiếng Việt, mẹ có ý nghĩa từ vựng là “người phụ nữ, có con, nói trong quan hệ với con”; có ý nghĩa từ vựng là “động vật có xương, sống ở nước, bơi bằng vây và thở bằng mang”, v.v… Ý nghĩa ngữ pháp là ý nghĩa chung của hàng loạt đơn vị ngôn ngữ. Chẳng hạn trong tiếng Anh, ý nghĩa số phức là ý nghĩa chung của những từ như books “sách + chỉ tố số nhiều”, students “sinh viên + chỉ tố số phức”, houses “nhà + chỉ tố số phức”, tables “bàn + chỉ tố số nhiều”, v.v…; Ý nghĩa quá khứ là ý nghĩa chung của những từ như loved “yêu + chỉ tố quá khứ”, wanted “muốn + chỉ tố quá khứ”, hated “ghét + chỉ tố quá khứ”, studied “nghiên cứu, học tập + chỉ tố quá khứ”, v.v… Nghĩa là, ý nghĩa ngữ pháp là loại ý nghĩa khái quát hơn ý nghĩa từ vựng. Ý nghĩa từ vựng được khái quát từ những sự vật, hiện tượng cụ thể trong hiện thực, chẳng hạn nhà là tên gọi của toàn bộ lớp các sự vật có thuộc tính nhà: nhà tranh, nhà gỗ, nhà xây, v.v…, còn ý nghĩa ngữ pháp được khái quát từ chính các đơn vị ngôn ngữ, là phần ý nghĩa chung giữa các đơn vị ngôn ngữ.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, không phải bất kì một sự giống nhau nào giữa ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ cũng đều thuộc ý nghĩa ngữ pháp. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, ý nghĩa của các từ sinh viên, giáo viên, cá, gà, vịt, mèo, v.v… có điểm chung: người / động vật; ý nghĩa của các từ xe, nhà, sách, nhà máy, v.v… có điểm chung: bất động vật. Thế nhưng đó không phải là ý nghĩa ngữ pháp mà chỉ là nét nghĩa chung trong ý nghĩa từ vựng của các từ nói trên, vì sự giống nhau về ý nghĩa này không gắn liền với bất kì một sự giống nhau có quy luật nào về mặt biểu đạt giữa các từ. Trong khi đó trong tiếng Nga, sự phân biệt động vật và bất động vật có tính chất ngữ pháp, vì khi được dùng ở đối cách, danh từ giống đực, số đơn, hay danh từ số phức, nếu là danh từ bất động vật thì có hình thái giống với hình thái danh cách (nguyên cách), còn nếu là danh từ động vật thì có hình thái giống với hình thái sinh cách. Chẳng hạn, từ có nghĩa “nhà”, ở danh cách (cách có hình thái giống với hình thái của từ trong từ điển) có hình thái là dom, tù có nghĩa “con trai”, danh cách có dạng là syn. Khi dùng ở đối cách, từ thứ nhất có dạng là dom (giống danh cách), nhưng từ thứ hai có dạng là syna (có dạng giống sinh cách), so sánh Ja ljublju svoj dom “Tôi yêu ngôi nhà của mình” và Ja Ijublju svoego syna “Tôi yêu đứa con trai của mình”.

Như vậy, ý nghĩa ngữ pháp bao giờ cũng được biểu hiện bằng các phương tiện vật chất chuyên biệt, được gọi là phương tiện ngữ pháp.

Ý nghĩa ngữ pháp có tính võ đoán cao hơn ý nghĩa từ vựng, thể hiện ở sự lựa chọn những thuộc tính của sự vật và hiện tượng để ngữ pháp hóa, tức mã hóa bằng một hình thức ngữ pháp. Chẳng hạn quan hệ thời gian được nhiều ngôn ngữ ngữ pháp hóa thành phạm trù thì, trong khi các quan hệ về vị trí, màu sắc, trọng lượng, v.v… thì không.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khi một ý nghĩa được ngữ pháp hóa thì nó bắt buộc phải được thể hiện ngay cả khi việc truyền đạt thông tin không yêu cầu thể hiện, ví dụ trong I went to Hanoi last week “Tuần trước tôi đi Hà Nội”, mặc dù last week “tuần trước” đã cho biết hành động diễn ra trước thời điểm nói, nhưng động từ (to) go vẫn phải mang hình thái thì quá khứ (went). Đối với các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Thái, v.v…, quan điểm xem hình thức ngữ pháp là hình thức bắt buộc gây nhiều tranh luận.

Trong ý nghĩa ngữ pháp, mối quan hệ qua lại giữa ngôn ngữ và tư duy được xác lập dưới dạng chung nhất, phản ánh những quan hệ và những quy luật khái quát nhất, do đó ý nghĩa ngữ pháp có số lượng hạn chế hơn so với ý nghĩa từ vựng.

1.3. Phương thức ngữ pháp

1.3.1. Phương thức ngữ pháp là gì?

Bất kì một hiện tượng ngôn ngữ nào cũng đều xuất hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Các hiện tượng ngữ pháp cũng vậy. Để biểu hiện ý nghĩa và quan hệ ngữ pháp, các ngôn ngữ trên thế giới dùng những phương thức ngữ pháp khác nhau. Phương thức ngữ pháp là những cách thức chung nhất để biểu hiện ý nghĩa ngữ pháp.

Các phương thức ngữ pháp tuy có tính khái quát, nhưng bao giờ cũng được hiện thực hóa dưới những dạng vật chất cụ thể; những dạng vật chất cụ thể đó được gọi là phương tiện ngữ pháp. Chẳng hạn tiếng Anh dùng các phương tiện ngữ pháp có hình thức chữ viết là s / es để biểu hiện ý nghĩa ngữ pháp số nhiều, ed để biểu hiện ý nghĩa ngữ pháp thì quá khứ. Tất cả những phương tiện ngữ pháp khác nhau đó thuộc cùng một phương thức ngữ pháp: phương thức phụ tố, số lượng các phương thức ngữ pháp là rất hạn chế và việc lấy phương thức ngữ pháp nào làm phương thức ngữ pháp cơ bản phản ánh đặc trưng ngữ pháp của một ngôn ngữ nhất định.

1.3.2. Những phương thức ngữ pháp phổ biến

1.3.2.1. Phương thức phụ tố:

Như trong ví dụ phụ tố thể hiện số, thì… đã nêu trên

1.3.2.2. Phương thức biến tố bên trong (phương thức luân phiên âm vị học)

Phương thức biến tố bên trong là phương thức biến đổi một phần hình thức ngữ âm của chính tố (hình thái học) để biểu hiện ý nghĩa ngữ pháp. Phương thức này được dùng phổ biến trong các ngôn ngữ Ấn-Âu.

1.3.2.3. Phương thức thay chính tố

Phương thức thay chính tố là phương thức biến đổi hoàn toàn hình thức ngữ âm của chính tố để biểu hiện ý nghĩa ngữ pháp. Cơ sở để khẳng định các hình thức ngữ âm hoàn toàn khác nhau là những dạng thức ngữ pháp của cùng một từ chứ không phải các từ khác nhau là: 1) Chúng có cùng ý nghĩa từ vựng và chỉ khác nhau về ý nghĩa ngữ pháp; 2) Trong ngôn ngữ hữu quan, hầu hết các từ thuộc từ loại đang xét đều có những dạng thức ngữ pháp đối lập, nếu coi các hình thức ngữ âm này là những từ khác nhau thì sẽ xuất hiện rất nhiều ngoại lệ vì nhiều từ không có dạng thức ngữ pháp đối lập tương ứng, như vậy sẽ làm tổn hại đến tính hệ thống của ngữ pháp.

Phương thức này đặc trưng cho các ngôn ngữ Ấn – Âu, nhưng cũng được gặp trong các ngôn ngữ khác như tiếng Turkic, Semitic (dùng ở Trung Đông, Bắc Phi), Bantu (dùng ở Niger, Congo), các ngôn ngữ bản địa ở châu Mĩ.

1.3.2.4. Phương thức trọng âm

Khi trọng âm dùng để phân biệt các ý nghĩa ngữ pháp thì nó được xem là một phương thức ngữ pháp. Phương thức trọng âm khá phổ biến trong những ngôn ngữ Âu – Ấn như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Bungari, v.v…

1.3.2.5. Phương thức hư từ

Đây là phương thức ngữ pháp phổ biến nhất trong các phương thức ngữ pháp, vì hầu như không một ngôn ngữ nào không dùng phương thức ngữ pháp này. Tuy nhiên nó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những ngôn ngữ không có phụ tố như tiếng Việt, tiếng Hán hay hệ thống phụ tố đơn giản như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bungari. Những ngôn ngữ này có một hệ thống hư từ phong phú để đảm nhiệm chức năng biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp như sở hữu, đối tượng tiếp nhận, điểm đến, điểm xuất phát, v.v…, mà trong đó nhiều ý nghĩa ngữ pháp thường được biểu hiện bằng phụ tố trong các ngôn ngữ có hệ thống biến hình phong phú như tiếng Nga.

Tiếng Anh sử dụng các quán từ để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp xác định (không phân biệt về số) (the) và không xác định, số đơn (a / an). Ngoài sự phân biệt ý nghĩa xác định và không xác định, tiếng Pháp còn sử dụng quán từ để chỉ giống và số của danh từ: la (giống cái, số đơn), le (giống đực, số nhiều), les (số nhiều).

Những loại hư từ thường gặp nhất là giới từ và liên từ.

1.3.2.6. Phương thức trật tự từ

Khi trật tự từ ở trong câu dùng để biểu hiện ý nghĩa ngữ pháp, nó được coi là một phương thức ngữ pháp. Chẳng hạn trong tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, vị trí của từ ở trong câu do chức năng ngữ pháp, ý nghĩa ngữ pháp của nó quy định. Ví dụ: Nó đánh tôiTôi đánh nó, The teacher sent the student a message “Thầy giáo gửi cho cậu sinh viên ấy một tin nhắn” và The student sent the teacher a message “Cậu sinh viên ấy gửi cho thầy giáo một tin nhắn” là những câu khác nhau do trật tự từ của chúng khác nhau.

Một số ngôn ngữ như tiếng Latinh, tiếng Bungari cổ có trật tự từ tự do. Chẳng hạn một câu tiếng Latinh như Agricola vidit lupitm “Người nông dân thấy (quá khứ) con chó sói” có thể sắp xếp lại vị trí của các từ theo nhiều cách như Lupum vidit agricola, Agricola lupum vidit, v.v… mà ý nghĩa của câu vẫn không thay đổi. Trong tiếng Nga, trật tự từ tương đối tự do, còn trong tiếng Đức trật tự từ ít tự do hơn vì ngôn ngữ này tuy vẫn còn hệ thống biến tố nhưng hệ thống đó đã bị giảm bớt. Tuy nhiên, ngay cả trong tiếng Nga cũng có trường hợp chức năng ngữ pháp cùa từ phụ thuộc vào vị trí của nó trong câu, so sánh: Mat’ ljubit doch ’ “Mẹ yêu con gái” và Doch ’ Ijubit mat ’ “Con gái yêu mẹ”.

Cần phân biệt trật tự từ như một phương thức ngữ pháp với việc đảo trật tự từ như một biện pháp tu từ hay phương tiện biểu hiện cấu trúc thông tin của câu. Chẳng hạn, trong hai câu tiếng Nga Ja prochital etu knigu “Tôi đọc cuốn sách này rồi” và etu knigu ja prochital “Cuốn sách này tôi đọc rồi”, việc đảo trật tự từ không hề làm thay đổi chức năng và ý nghĩa ngữ pháp của ja (tôi) và etu knigu “cuốn sách này”, nhưng trong câu thứ hai bổ ngữ etu knigu được nhấn mạnh hơn, trở thành trung tâm chú ý của câu nói. Tiếng Việt thì khác. Trong hai câu Tôi đọc cuốn sách này rồiCuốn sách này tôi đọc rồi, chức năng và ý nghĩa ngữ pháp của tôicuốn sách này thay đổi do trật tự từ thay đổi. Trong câu thứ nhất tôi làm chủ ngữ, biểu thị chủ thể của hành động “đọc”, cuốn sách này là đối thể của hành động; còn trong câu thứ hai, cuốn sách này là khởi ngữ, biểu thị đối tượng được bàn đến trong câu.

Trong một ngôn ngữ mà trật tự từ được dùng như một phương thức ngữ pháp quan trọng thì khả năng dùng trật tự từ đánh dấu cấu trúc thông tin câu của nó sẽ bị hạn chế, chẳng hạn như trong tiếng Việt, tiếng Anh.

1.3.2.7. Phương thức ngữ điệu

Khi ngữ điệu được sử dụng để biểu hiện ý nghĩa ngữ pháp thì nó được xem là phương thức ngữ pháp. Trong nhiều ngôn ngữ, ngữ điệu dùng để phân biệt các kiểu tình thái của hành động lời nói (phân biệt câu theo mục đích nói năng) như trần thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán.

Nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến ngữ điệu như là một phương thức ngữ pháp quan trọng. Nhưng những biểu hiện cụ thể của nó cần được làm rõ bằng cứ liệu Ngữ âm học thực nghiệm, điều mà Ngôn ngữ học, đặc biệt là Việt ngữ học, chưa làm được nhiều.

Trên đây là những phương thức ngữ pháp phổ biến trong các ngôn ngữ trên thế giới. Mỗi ngôn ngữ thường chỉ sử dụng một số phương thức ngữ pháp trong những phương thức ngữ pháp nêu trên làm phương thức ngữ pháp cơ bản. Chẳng hạn tiếng Nga chủ yếu dùng phương thức phụ tố trong khi tiếng Việt, tiếng Hán chủ yếu dùng phương thức trật tự từ và hư từ. Tuy nhiên, không có ngôn ngữ nào chỉ dùng một loại phương thức ngữ pháp.

Ngôn ngữ nào dùng chủ yếu phương thức phụ tố và biến tố bên trong, tức ý nghĩa ngữ pháp được thể hiện ở bên trong từ cùng với ý nghĩa từ vựng (chẳng hạn từ filium trong tiếng Latinh, ngoài nghĩa từ vựng “con trai” còn biểu thị 1. danh từ, 2. số đơn, 3. đối cách, 4. bổ ngữ trực tiếp, được gọi là ngôn ngữ tổng hợp tính. Thuộc ngôn ngữ tổng hợp tính có tiếng Sankrit, tiếng Hi Lạp cổ, tiếng Latinh, tiếng Nga, v.v…

Những ngôn ngữ dùng chủ yếu phương thức hư từ và trật tự từ, tức ý nghĩa ngữ pháp được biểu hiện ở ngoài từ, tách rời với ý nghĩa từ vựng và chỉ được thể hiện ở trong câu, được gọi là ngôn ngữ phân tích tính. Thuộc ngôn ngữ phân tích tính có tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Bungari, v.v…

Trong tiến trình phát triển, có thể có những ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Bungari dùng phương thức hư từ và trật tự từ thay cho phương thức phụ tố để biểu hiện một số ý nghĩa ngữ pháp (chẳng hạn trong hệ thống biến cách). Tiếng Pháp cổ có hệ thống hai cách, đo đó trật tự từ tương đối tự do hơn tiếng Pháp hiện đại đã bị mất đi hệ thống cách. Việc dùng bao nhiêu phương thức ngữ pháp và phương thức ngữ pháp nào không hề liên quan đến tính ưu việt của một ngôn ngữ.

1.4. Phạm trù ngữ pháp

1.4.1. Phạm trù ngữ pháp là gì?

Phạm trù ngữ pháp là thể thống nhất của những ý nghĩa ngữ pháp đối lập nhau, được biểu hiện bằng những hình thức ngữ pháp đối lập tương ứng. Tùy theo số lượng các vế đối lập trong mỗi phạm trù mà ta có đối lập lưỡng cực (hai vế đối lập) như phạm trù số trong tiếng Anh, phạm trù giống trong tiếng Pháp, hay đối lập đa cực (nhiều hơn hai vế đối lập) như phạm trù giống, cách trong tiếng Nga.

Phạm trù ngữ pháp là phạm trù ngôn ngữ, chứ không phải là phạm trù tư duy. Mọi dân tộc đều có ý niệm hết sức rõ ràng về sự phân biệt thời điểm xảy ra một sự tình nào đó là trước thời điểm nói, ngay tại thời điểm nói hay sau thời điểm nói và sự phân biệt đó thuộc về phạm trù của tư duy. Tuy nhiên, thời gian còn thuộc phạm trù tri giác. Nhưng chỉ một số ngôn ngữ có phạm trù thì, tức gắn liền tri giác với ngữ pháp trong tư duy ngôn ngữ. Nói cách khác, không phải ngôn ngữ nào cũng ngữ pháp hóa cách định vị một sự tình trong thời gian.

Muốn miêu tả một phạm trù ngữ pháp trước hết phải xem phạm trù đó có tồn tại trong ngôn ngữ đang xét hay không bằng nguyên tắc đối lập, đối lập về ý nghĩa và cùng với nó là đối lập về hình thức, vì không có một hiện tượng nào trong hệ thống ngôn ngữ tồn tại mà không dựa trên sự đối lập.

1.4.2. Những phạm trù ngữ pháp cơ bản

1.4.2.1. Số

Phạm trù số có thể có ở tính từ hay động từ, nhưng nó chủ yếu là phạm trù của danh từ. Phạm trù số có quan hệ chặt chẽ với phạm trù số lượng trong hiện thực. Có những ngôn ngữ trong phạm trù số, ngoài ý nghĩa số ít (đơn), số nhiều, còn có số đôi, số ba nhưng rất ít.

Phạm trù số thường “quan trọng hơn“ phạm trù giống bởi vì có những ngôn ngữ mà trong quá trình phát triển đã mất đi sự phân biệt về giống nhưng vẫn giữ nguyên sự đối lập về số.

1.4.2.2. Đếm được /không đếm được

Đây là phạm trù ngữ pháp của danh từ, được hình thành trên cơ sở đối lập giữa danh từ đếm được và danh từ không đếm được. Điều đó phụ thuộc vào cách xử lí của từng ngôn ngữ, mặc dù cách tri giác của các cộng đồng người khác nhau đối với sự vật là gần như nhau.

1.4.2.3. Giống

Giống, trước hết, là phạm trù ngữ pháp của danh từ, có mối liên hệ ở một mức độ nào đó với giới tính tự nhiên của người và vật trong thế giới hiện thực. Tuy nhiên nó độc lập với bản chất giới tính đó. Chính vì thế cùng biểu hiện thế giới hiện thực như nhau, nhưng có ngôn ngữ có phạm trù giống như tiếng Nga, tiếng Pháp và có ngôn ngữ không có phạm trù này như tiếng Việt, tiếng Anh. Ngay trong những ngôn ngữ có phạm trù giống, số lượng các ý nghĩa ngữ pháp bộ phận của phạm trù này cũng không giống nhau. Tiếng Nga có ba giống: đực, cái, trung. Tiếng Pháp chỉ có hai giống: đực và cái. Trong khi tiếng Swahili có sáu giống và trong một vài ngôn ngữ Bantu khác có nhiều giống hơn nữa.

Giống với tư cách là một phạm trù ngữ pháp, có thể thay đổi trong quá trình biến đổi của ngôn ngữ, chẳng hạn phạm trù giống trong tiếng Anh cổ đã biến mất trong tiếng Anh hiện đại do các phương tiện hình thái học dùng để biểu hiện nó không còn nữa.

1.4.2.4. Cách

Cách là phạm trù ngữ pháp cùa nhiều từ loại: danh từ, tính từ, đại từ, lượng từ. Song trước hết nó là phạm trù ngữ pháp của danh từ. Phạm trù cách là sự đánh dấu các vai nghĩa trong câu bằng phương tiện ngữ pháp, thường là phụ tố. Các hình thái cách có thể biểu hiện các vai nghĩa phổ biến như người hành động, người/vật bị tác động, người nhận, công cụ, đích, địa điểm. Phạm trù cách với tư cách là một phạm trù ngữ pháp chỉ tồn tại trong các ngôn ngữ tổng hợp tính như tiếng Latinh, tiếng Nga, tiếng Hungari, v.v…

1.4.2.5. Ngôi

Ngôi là phạm trù ngữ pháp của động từ biểu hiện vai giao tiếp của chủ thể sự tình. Vai giao tiếp đó có thể là người nói (ngôi thứ nhất), người nghe (ngôi thứ hai), người hay vật được nói đến (ngôi thứ ba). Phạm trù ngồi có quan hệ chặt chẽ với phạm trù số.

Ba ngôi động từ này không nằm trong cùng một cấp độ đối lập. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai là những ngôi nhân xưng thực sự bởi vì chúng có quan hệ với các nhân vật tham gia vào hành động giao tiếp: người nói và người nghe. Khi ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai chỉ vật thì vật đó đã được nhân cách hóa. Còn ngôi thứ ba có thể chỉ người mà cũng có thể chì sự vật, hiện tượng hay khái niệm trừu tượng. Như vậy, trước hết ta có sự đối lập nhân xưng (ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai) / không nhân xưng (ngôi thứ ba), sau đó mới đến đối lặp ngôi thứ nhất / ngôi thứ hai trong phạm vi những hình thức nhân xưng.

Các ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Thái, v.v… không có phạm trù ngôi với tư cách là một phạm trù ngữ pháp, vì trong những ngôn ngữ này không có phụ tố nhân xưng của động từ hay một phương tiện ngữ pháp nào khác. Sự phân biệt vai giao tiếp của chủ thể sự tình chỉ có thể được biểu hiện bằng các phương tiện từ vựng thuần túy như đại từ nhân xưng hay danh từ. Đặc biệt trong tiếng Việt, việc dùng danh từ thân tộc để thay đại từ nhân xưng là rất phổ biến và tất cả các phương tiện chỉ ngôi đều mang một sắc thái nhất định: kính trọng, thân mật, suồng sã, khinh miệt, v.v… Cái mà người ta thường gọi là ngôi trong tiếng Việt chỉ là sự phân biệt vai giao tiếp của chủ thể hành động. Sự phân biệt này không được ngữ pháp hóa nên không thể gọi đó là phạm trù ngữ pháp.

1.4.2.6. Nội động /ngoại động

Phạm trù ngữ pháp này thuộc về động từ, gồm hai vế đối lập là động từ nội động và động từ ngoại động. Động từ nội động là động từ không đòi hỏi phải có bổ ngữ trực tiếp, ví dụ: run “chạy”, go “đi”, cry “khóc”, sleep “ngủ”, sit “ngồi”, v.v… Động từ ngoại động là động từ đòi hỏi phải có bổ ngữ trực tiếp, ví dụ: love “yêu”, hit “đánh”, study “học, nghiên cứu”, write “viết”, eat “ăn”, hate “ghét”, v.v… Bên cạnh những động từ bao giờ cũng là động từ nội động hoặc ngoại động; có những động từ có hai cách dùng, chẳng hạn (to) move trong tiếng Anh (The stone moves quyckly “Hòn đá lăn nhanh” và He moves the stone quyckly “Nó lăn nhanh hòn đá”). Đặc biệt trong tiếng Việt, số lượng những động từ loại này tương đối nhiều, ví dụ: lăn (Hòn đá lăn nhanhNó lăn nhanh hòn đá), đi (Nó đi về quêNó đi con xe), chạy (Tôi chạy ra đồng và Tôi chạy tiền để mua ngôi nhà), nấu (Mẹ nấu cơmCơm nấu xong rồi), xây (Họ đã xây xong ngôi nhàNhà xây rồi), v.v…

Sự phân biệt hai loại động từ nói trên không đồng nhất với sự phân biệt động từ tác động và động từ không tác động. Động từ tác động chỉ một sự tình gây ra một biến đổi nào đó ở đối tượng được biểu thị bằng bổ ngữ, còn động từ không tác động thì ngược lại. Sự phân biệt tác động / không tác động thuộc về ngữ nghĩa, trong khi sự phân biệt ngoại động / nội động thuộc về ngữ pháp. Có thể thấy nhiều từ là động từ ngoại động nhưng biểu thị sự tình không tác động như yêu, ghét thích, nhìn, v.v…

Cùng biểu thị một sự tình, nhưng có thể động từ trong ngôn ngữ này là nội động, còn trong ngôn ngữ khác là ngoại động, ví dụ: look at trong He looked at me (tiếng Anh) là động từ nội động, còn nhìn trong (Lúc đó) Nó nhìn tôi (tiếng Việt) là động từ ngoại động.

1.4.2.7. Thì

Thì là phạm trù ngữ pháp của động từ biểu thị quan hệ giữa sự tình mà nó biểu thị với một thời điểm được lấy làm mốc, thường là thời điểm phát ngôn. Đó là cách định vị được ngữ pháp hóa của một sự tình trong thời gian.

Thì là một phạm trù ngữ pháp phổ biến trong các ngôn ngữ Ấn – Âu như tiếng Latinh, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v… Trong những ngôn ngữ có phạm trù thì, một số ngôn ngữ phân biệt ba thì: quá khứ (diễn ra trước thời điểm phát ngôn), hiện tại (diễn ra vào thời điểm phát ngôn) và tương lai (diễn ra sau thời điểm phát ngôn), nhưng nhiều ngôn ngữ khác chỉ phân biệt hai thì, thường là quá khứ và phi quá khứ.

Đối với tiếng Anh, trong thời gian gần đây, một số nhà nghiên cứu chỉ thừa nhận hai thì: quá khứ (wrote) và phi quá khứ (write), vì trong nhiều trường hợp không có một ranh giới rõ ràng giữa “hiện tại” và “tương lai”. Chẳng hạn trong He returns tomorrow “Ngày mai nó sẽ trở lại”, về phương diện thì là “hiện tại”, nhưng về nghĩa là “tương lai”. Song quan niệm phạm trù thì trong tiếng Anh có ba vế đối lập (quá khứ – hiện tại – tương lai) vẫn rất phổ biến trong các tài liệu ngữ pháp hiện nay. Điều cần lưu ý là những hình thái được nhiều người coi là hình thái thì như “quá khứ tiếp diễn” (was / were writing), “quá khứ hoàn thành” (had written), “hiện tại tiếp diễn” (be writing), “hiện tại hoàn thành” (have / has written), v.v… không thuần túy thuộc phạm trù thì, mà là hình thái kết hợp giữa thì và thể.

Trong tiếng Việt có nhiều từ liên quan đến ý nghĩa thời gian như: đã, đang, sẽ, vừa, sắp, mới, từng, v.v… nhưng không thể coi tiếng Việt có sự phân biệt ba ý nghĩa ngữ pháp quá khứ, hiện tại, tương lai. Khi cần biểu thị sự tình xảy ra trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, tiếng Việt chỉ dùng phương tiện từ vựng: Tuần trước tôi đi Hà Nội (quá khứ); Bây giờ tôi đang trên đường đi Hà Nội (hiện tại); Ngày mai tôi đi Hà Nội (tương lai). Các từ như đã, đang thường không được dùng để định vị sự tình trong thời gian, đặc biệt là so với thời điểm phát ngôn. Chỉ có từ sẽ được dùng để định vị sự tình xảy ra trong tương lai, nhưng không phải khi nào từ này cũng có ý nghĩa như vậy, mà đôi khi chỉ biểu hiện một sự tình phi hiện thực, có tính chất giả định, ví dụ: Nếu tôi là anh thì tôi sẽ mua ngôi nhà đó.

1.4.2.8. Thể

Thể là phạm trù ngữ pháp của động từ biểu hiện sự tình được con người hình dung như một quá trình hay như một sự kiện trọn vẹn. Phạm trù thể còn có thể được hiểu như một phạm trù ngữ nghĩa nói chung. Thể được hình thành trên cơ sở đối lập hai ý nghĩa cơ bản: chưa hoàn thành và hoàn thành. Thể chưa hoàn thành diễn tả sự tình như một quá trình lặp đi lặp lại và không gắn với kết quả, còn thể hoàn thành diễn tả sự tình như mội sự kiện trọn vẹn, gắn với kết quả.

Phạm trù thể cũng có liên quan đến thời gian như phạm trù thì. Nhưng trong khi thì là phạm trù gắn với sự định vị sự tình trong thời gian so với thời điểm phát ngôn thì phạm trù thể chỉ liên quan đến phạm vi thời gian của sự tình đó, mà không liên quan đến thời điểm phát ngôn.

Cũng như tiếng Nga, tiếng Việt và tất cả các ngôn ngữ khác đều có những phương tiện ngôn ngữ để phân biệt sự tình như một quá trình hay nhu một sự kiện trọn vẹn, nhưng vấn đề là sự phân biệt đó có được ngữ pháp hóa hay không. So sánh: Vchera ja chital knigu “Hôm qua tôi đọc sách” và Vchera ja prochital knigu “Hôm qua tôi đọc xong cuốn sách rồi”. Thay vì dùng phương tiện ngữ pháp như tiền tố trong tiếng Nga, tiếng Việt dùng phương tiện từ vựng xong… rồi để biểu hiện hành động đã hoàn thành. Đặc biệt trong tiếng Việt, ý nghĩa lặp đi lặp lại của sự tình, tức sự tình được hình dung như một quá trình được biểu hiện bằng những tổ hợp láy, ví dụ: rơi lộp độp (rơi nhiều lần) khác với rơi độp (một cái), gật gật (gật nhiều lần) khác với gật (một cái), V.V…. Thế nhưng không thể coi những từ như xong… rồi hay những tổ hợp láy như hình thái ngữ pháp biểu hiện ý nghĩa thể của động từ, tức tiếng Việt không có phạm trù ngữ pháp thể, mà chỉ có thể như một phạm trù ngữ nghĩa.

1.4.2.9. Thái

Thái là phạm trù ngữ pháp của động từ diễn tả quan hệ giữa chủ ngữ của động từ với sự tình mà động từ biểu hiện.

Phạm trù thái thường được hình thành thông qua sự đối lập giữa hai vế đối lập: thái chủ động và thái bị động. Thái chủ động của động từ cho biết sự tình mà động từ biểu hiện do sự vật nói đến ở chủ ngữ thực hiện. Thái bị động của động từ biểu hiện sự tình mà sự vật nêu ở chủ ngữ là đối tượng của sự tình đó. Ví dụ: The thieves took the painting “Những tên trộm đó lấy mất bức tranh” (chủ động) và The painting was taken by the thieves “Bức tranh bị những tên trộm đó lấy mất” (bị động).

Nhiều nhà Việt ngữ học cũng coi tiếng Việt là một ngôn ngữ không có phạm trù thái. Những từ mà một số người coi là phương tiện đánh dấu phạm trù thái trong tiếng Việt như bị, được đã được nhiều nhà nghiên cứu chứng minh không phải là phương tiện ngữ pháp và ý nghĩa mà những từ này biểu đạt không hẳn là ý nghĩa bị động.

1.4.2.10. Thức

Thức là phạm trù ngữ pháp của động từ biểu hiện quan hệ giữa sự tình với hiện thực theo quan điểm của người nói.

Thức cầu khiến biểu hiện mong muốn, yêu cầu của người nói đối với người nghe về việc thực hiện một sự tình nhất định. Khác với thức trần thuật, thức cầu khiến chỉ có đối với những động từ biểu hiện sự tình có chủ ý (hành động, tư thế) như (to) go “đi”, (to) run “chạy”, (to) eat “ăn”, (to) sleep “ngủ”, (to) write “viết”, v.v… Những động từ biểu hiện những sự tình không chủ ý (quá trình, trạng thái) như (to) slip “trượt”, (to) die “chết”, v.v… thường không thể cấu tạo thức cầu khiến.

Tiếng Việt không có phạm trù thức vì sự phân biệt về ý nghĩa trần thuật, cầu khiến, điều kiện, v.v… không được mã hóa trong hệ thống ngữ pháp như trong các ngôn ngữ biến hình. Những ý nghĩa về thức có trong các ngôn ngữ biến hình, được tiếng Việt diễn đạt bằng phương tiện từ vựng. Chẳng hạn dùng hãy, đừng, chớ… để biểu thị ý nghĩa cầu khiến (Hãy lái xe ra khỏi đây ngay); dùng các từ có hàm ý thực (bèn, trót, v.v…) hay hàm ý hư (suýt, toan, v.v…), hoặc những từ ngữ như tựa như, có vẻ, làm như thể, v.v… để phần biệt sự tình hiện thực và phi hiện thực, chẳng hạn: Họ bèn quay trở lại chỗ cũ (hiện thực); Nó trót nói dối (hiện thực); Thằng bé suýt ngã (phi hiện thực); Hắn làm như thể quen tôi từ lâu (phi hiện thực).

Ngoài các phạm trù ngữ pháp phổ biến nói trên, các tài liệu Ngôn ngữ học còn đề cập đến những phạm trù ngữ pháp như phạm trù ngữ pháp thể hiện sự kính trọng/ khiêm nhường trong tiếng Nhật (keigo) hay tiếng Hàn. Những phạm trù ngữ pháp này rất xa lạ với người Việt. Điều hết sức quan trọng đối với người học ngoại ngữ là phải biết sự phân biệt nào trong tư duy của loài người được ngôn ngữ đang học ngữ pháp hóa và đặc biệt phải chú ý đến những phạm trù ngữ pháp không có trong tiếng mẹ đẻ của người học.

Các phạm trù ngữ pháp nêu trên được hình thành chủ yếu trên cứ liệu các ngôn ngữ Ấn – Âu. Tiếng Việt có rất ít những phạm trù ngữ pháp như vậy. Nhiều sự phân biệt ý nghĩa trong các ngôn ngữ biến hình được biểu thị bằng phương tiện ngữ pháp thì trong tiếng Việt được biểu thị bằng phương tiện từ vựng.

2. HÌNH THÁI HỌC

Phạm trù ngữ pháp này không có trong tiếng Việt nên không trích dẫn ở đây.

3. CÚ PHÁP HỌC

3.1. Ngữ (ngữ đoạn)

3.1.1. Ngữ là gì?

Ngữ là đơn vị đảm nhiệm một chức năng cú pháp nhất định trong câu. Xét về cấu tạo, ngữ có thể gồm một từ hoặc nhiều từ. Như vậy cũng như sự phân biệt giữa các đơn vị thuộc các cấp độ khác nhau trong hệ thống ngôn ngữ, cái khác nhau giữa từ và ngữ không phải là kích thước, mà là chức năng của chúng. Trong khi từ là đơn vị của hệ thống ngôn ngữ, thì ngữ là đơn vị lời nói, mang một chức năng cú pháp nhất định trong một câu nói cụ thể, ví dụ: Tôi đọc sách là một câu do hai ngữ cấu tạo nên. Ngữ thứ nhất là tôi gồm một từ đóng vai trò chủ ngữ, ngữ thứ hai là đọc sách gồm hai từ đóng vai trò vị ngữ.

3.1.2. Phân loại ngữ

Căn cứ vào số lượng từ cấu tạo nên ngữ, có thể phân biệt ngữ đơn (chỉ có một từ) và ngữ phức (gồm nhiều từ). Trong ngữ phức, căn cứ vào quan hệ cú pháp giữa các từ tham gia tổ hợp, có thể phân biệt ngữ đẳng lập như sách và vở, ngữ chính phụ như con mèo đen, đọc sách, cũng đẹp và ngữ chủ vị, thường gọi là tiểu cú như anh mua cho tôi trong Cuốn sách mà anh mua cho tôi rất hay. Trong loại ngữ chính phụ, căn cứ vào bản chất ngữ pháp của thành tố trung tâm, có thể phân biệt ngữ danh từ (cuốn sách của tôi, con mèo đen) và ngữ vị từ (vẫn đứng yên, đọc sách, rất hay, cũng đẹp).

Theo cách hiểu của khá nhiều tài liệu Ngôn ngữ học hiện nay thì chỉ có loại ngữ phức mới là ngữ đoạn. Cách hiểu này phân biệt từ và ngữ dựa vào cấu trúc nội tại của đơn vị. Theo đó có thể nói câu Tôi đọc sách có chủ ngữ là một từ và vị ngữ là một ngữ đoạn.

3.2. Câu

3.2.1. Câu là gì?

Câu là đơn vị lời nói nhỏ nhất được đùng để giao tiếp. Ví dụ: Em chào thầy!; Đất nước đã thống nhất rồi; Cảm ơn anh, vẫn khỏe; Mưa!.

Con người giao tiếp với nhau bằng câu. Các đơn vị thấp hơn chỉ có giá trị nhờ chức năng của chúng trong câu. Vì vậy câu là đối lượng nghiên cứu cơ bản của Ngữ pháp học và là khái niệm trung tâm của mọi lí thuyết ngữ pháp.

3.2.2. Cấu trúc câu

Cho đến nay đã có nhiều lí thuyết ngữ pháp khác nhau được áp dụng để nghiên cứu cấu trúc câu, chẳng hạn Ngữ pháp truyền thống, Ngữ pháp quan hệ, Ngữ pháp tạo sinh, Ngữ pháp cách, Ngữ pháp chức năng, v.v… Theo đó cách phân tích cấu trúc câu cũng có những quy trình và hình thức mô tả khác nhau.

Trước hết là cách phân tích cấu trúc câu dựa vào thành phần câu. Đây là một khái niệm xác định vai trò ngữ pháp (cú pháp) của các ngữ đoạn ở trong câu, căn cứ vào hình thức của chúng. Đối với những ngôn ngữ biến hình như tiếng Nga, tiếng Anh, v.v… hình thức của các ngữ đoạn được thể hiện trước hết bằng hình thái. Đối với những ngôn ngữ không biến đổi hình thái như tiếng Việt, tiếng Hán, v.v… thì người ta căn cứ vào những dấu hiệu hình thức khác như trật tự từ, hư từ và ngữ điệu.

Có thể coi thành phần câu gồm hai loại: thành phần của câu và thành phần của ngữ. Trong thành phần của câu có thành phần chính là chủ ngữ và vị ngữ, thành phần phụ là trạng ngữ; còn trong thành phần của ngữ có định ngữ (bổ nghĩa cho trung tâm là danh từ) và bổ ngữ (bổ nghĩa cho trung tâm là động từ, tính từ hay vị từ).

Trật tự các thành phần câu ở kiểu câu trần thuật / tuyên bố đơn giản trong các ngôn ngữ trên thế giới phổ biến là S (subject: chủ ngữ) V (verb: động từ, trung tàm vị ngữ) O (object: bổ ngữ) như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái; VSO như tiếng Tagalog, Ảrập cổ, một số ngôn ngữ của thổ dân da đỏ ở châu Mĩ như Salish, Chinook; SOV như tiếng Thổ Nhĩ Kì, tiếng Nhật, tiếng Hindi.

Ngoài cách phân tích cấu trúc câu dựa vào thành phần câu, còn có một cách phân tích phổ biến khác là phương pháp phân tích thành tố trực tiếp. Theo phương pháp phân tích này, chức năng cú pháp của các thành tố trong cấu trúc cú pháp không cần được xác định, mà điều quan trọng là xác định các thành tố cú pháp có mối quan hệ trực tiếp với nhau theo nguyên tắc lưỡng phân và phạm trù từ loại của những thành tố này. Chẳng hạn câu My sister washed her clothes “Chị tôi giặt áo quần” có thể được phân tích như là cấu trúc cú pháp gồm hai thành tố trực tiếp là my sister (ngữ danh từ) và washed her clothes (ngữ động từ). Sau đó phân tích tiếp, ta có my sister gồm my (từ chỉ định) và sister (danh từ), washed her clothes gồm washed (động từ) và her clothes (ngữ danh từ), her clothes gồm her (từ chỉ định) và clothes (danh từ). Thành tố trực tiếp nhỏ nhất của quá trình phân tích này là từ hoặc hình vị (xem thêm mục 3.4. Cách thức mô tả cấu trúc cú pháp).

Đối với tiếng Việt, cách phân tích thứ nhất (thành phần câu) được dùng phổ biến hơn.

3.2.3. Phân loại câu

3.2.3.1. Căn cứ vào cấu trúc ngữ pháp của câu có thể phân biệt

a. Câu đơn và câu ghép

Câu đơn là câu chỉ có một cụm chủ vị nòng cốt (cụm chủ vị không bị bao hàm bởi bất kì một ngữ đoạn hay một cụm chủ vị nào khác) như: Tôi yêu quê hương, Tôi đã mua được cuốn sách mà anh giới thiệu. Câu cuối cùng tuy có hai cụm chủ vị là tôi đã mua được cuốn sáchanh giới thiệu, nhưng chỉ có cụm chủ vị thứ nhất là cụm chủ vị làm nòng cốt, còn cụm chủ vị thứ hai chỉ làm chức năng định ngữ cho cuốn sách, nghĩa là bị bao hàm bởi một ngữ danh từ.

Câu ghép là câu có nhiều (hai hoặc hơn hai) cụm chủ vị nòng cốt như: Đèn phụt tắt, căn phòng tối um; Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị; Vì trời mưa to nên tôi không đến thăm anh được.

b. Câu bình thường và câu đặc biệt

Câu bình thường là câu có đầy đủ hai thành phần trung tâm chủ ngữ và vị ngữ như: Cá này ngon; Hôm nay trời rất đẹp hoặc câu có thành phần chủ ngữ / vị ngữ bị tỉnh lược và có thể tái lập nhờ ngữ cảnh như: (tôi) Đọc sách; (tôi) Ngứa quá; (anh) Lại đây!.

Câu đặc biệt là câu chỉ có một thành phần cú pháp làm trung tâm và không thể xác định được thành phần nào bị tỉnh lược như: Một chút thẹn thùng. Một chút lòng thương. (Nhưng tình yêu thì nhất định không còn nữa); Anh ơi!, ôi chao!; Chiến tranh và hòa bình; Một bữa no.

Khác với cách phân loại đó, theo ngữ pháp chức năng, câu đơn là câu chỉ diễn đạt một mệnh đề, câu ghép là câu diễn đạt hai hoặc nhiều hơn hai mệnh đề. Còn câu đặc biệt là câu không diễn đạt một mệnh đề nào. Đối với những ngôn ngữ như tiếng Việt, cách phân biệt này tránh được việc phải xác định thế nào là cụm chủ vị, một khái niệm mà nhiều nhà nghiên cứu cho là không có trong những ngôn ngữ như tiếng Việt. Có thể thấy sự khác biệt giữa cách phân loại này của ngữ pháp chức năng với những cách phân loại khác qua một số ví dụ cụ thể. Chẳng hạn ngữ pháp chức năng coi Tôi nghỉ học vì trời mưa là một câu đơn vì chỉ diễn đạt một mệnh đề, chứ không phải hai, là một câu bình thường, vì nó có kết cấu đầy đủ hai thành phần chính của câu và diễn đạt một mệnh đề. Trong khi đó, nhiều quan điểm khác cho câu thứ nhất là câu ghép vì có hai cụm chủ vị làm nòng cốt, câu thứ hai là câu đặc biệt vì nó không được cấu tạo theo kết cấu chủ vị (xem thêm phần Quan hệ chủ – vị ở 3.3.2. Các kiểu quan hệ cú pháp cơ bản).

3.2.3.2. Căn cứ vào mục đích giao tiếp, có thể phân biệt

a. Câu trần thuật: Cuốn sách này hay quá anh ạ!; Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn.

b. Câu nghi vấn: Cá biển bán ở đâu hả chị?; Bây giờ mấy giờ rồi?

c. Câu cầu khiến: Hãy mang ghế lại đây!; Chạy đi!

d. Câu cảm thán: Hỡi ơi lão Hạc! (Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết), Than ôi! (Thời oanh liệt nay còn đâu?)

Mỗi kiểu câu có những đặc điểm riêng về hình thức: hình thức ngữ pháp hoặc hình thức từ vựng. Có những ngôn ngữ sử dụng phương tiện ngữ pháp để đánh dấu sự phân biệt này như tiếng Nga, tiếng Anh (có phạm trù ngữ pháp thức), ví dụ: You are a student, (câu trần thuật) và Are you a student? (câu nghi vấn) trong tiếng Anh khác nhau về trật tự sắp xếp của các từ và ngữ điệu của câu. Có những ngôn ngữ chi sử dụng phương tiện từ vựng (không có phạm trù ngữ pháp thức) như tiếng Việt, chẳng hạn dùng những từ hãy, đừng, chớ, v.v… để cấu tạo câu cầu khiến, dùng những từ có… không, hả, ư…., v.v… để cấu tạo câu nghi vấn.

Tuy nhiên ở bất kì ngôn ngữ nào cũng vậy, nhiều khi câu không có sự tương ứng giữa hình thức biểu hiện và mục đích giao tiếp. Chẳng hạn câu nghi vấn có thể dùng để cầu khiến: Anh có thể mở cửa sổ được không?, bày tỏ ý khẳng định / phủ định: Có hôm nào mà hắn không đi trễ?; ngạc nhiên, ngờ vực: Anh mà không sợ nó à?, hay thể hiện một cảm xúc nhất định: Sao anh lại nỡ làm như vậy?.

Sự phân loại câu như đã nêu trên được ngữ pháp truyền thống gọi là sự phân loại câu theo mục đích giao tiếp. Tuy nhiên, đó không phải là sự phân loại thuần túy dựa vào mục đích giao tiếp, mà chủ yếu dựa vào đặc điểm hình thức của câu. Trong khi đó, giữa đặc điểm hình thức của câu và mục đích giao tiếp, như đã nêu, không phải có sự tương ứng một đối một. Mặt khác, những tên gọi như trần thuật, nghi vấn, cầu khiến và cảm thán không phản ánh hết những mục đích giao tiếp rất đa dạng mà câu thực hiện. Trong thực tế, người ta sử dụng câu không chỉ để trần thuật, hỏi, cầu khiến, bày tỏ cảm xúc, mà còn để hứa, đe dọa, cam đoan, thề, cảnh báo, cảm ơn, xin lỗi, tán thành, chê bai, can ngăn, van nài, khen, chúc mừng, trách móc, khiêu khích, phê bình, phản đối, thanh minh, v.v… Đó mới chính là những mục đích giao tiếp đích thực mà con người nhằm đạt đến khi sử dụng một câu nói trong một tình huống giao tiếp nhất định. Vấn đề này thuộc về một bình diện khác: bình diện ngữ dụng học.

3.3. Quan hệ cú pháp

3.3.1. Quan hệ cú pháp là gì?

Quan hệ cú pháp là quan hệ kết hợp giữa những thành tố tạo nên ngữ đoạn (phức) và câu. Như vậy quan hệ cú phấp không phải là quan hệ được xác lập trên trục đối vị và cũng không thuần túy là quan hệ giữa những yếu tố kế cận trong chuỗi tuyến tính.

Xét ví dụ Cuốn sách này hay lắm. Các yếu tố trong câu trên có quan hệ trên trục đối vị với những yếu tố đồng loại, như cuốn sách có quan hệ với tập sách, cuốn tiểu thuyết, bộ sử thi, v.v…; này có quan hệ với kia, đó, ấy, v.v…; hay có quan hệ với hấp dẫn, lí thú, bổ ích, v.v…; lắm có quan hệ với tuyệt, cực kì, v.v… Quan hệ này được xác lập dựa trên khả năng thay thế giữa các yếu tố ở cùng một vị trí trong chuỗi lời nói. Đó là quan hệ tiềm tàng giữa yếu tố hiện diện và các yếu tố khiếm diện, chi phối sự lựa chọn của người nói, cho ta những kết hợp khác nhau như: Tập sách ấy hấp dẫn cực kỳ, Cuốn tiểu thuyết đó hay tuyệt, v.v… Tuy nhiên đó không phải là quan hệ cú pháp.

Trong câu nói, các từ và ngữ đoạn được hiện thực hóa và xếp đặt theo thứ tự thời gian (hay theo trật tự không gian khi được ghi lại bằng chữ viết). Đó là cơ sở của quan hệ cú pháp. Nhưng không phải bất kì lúc nào các yếu tố đứng cạnh nhau cũng đều có quan hệ cú pháp với nhau. Các yếu tố chỉ có quan hệ cú pháp với nhau khi chúng có thể kết hợp để tạo thành một đơn vị lớn hơn (một tổ hợp có nghĩa). Như vậy trong ví dụ trên, quan hệ cú pháp được xác lập giữa cuốnsách, giữa cuốn sáchnày, giữa haylắm, giữa cuốn sách nàyhay, mà không được xác lập giữa nàyhay, vì trong tiếng Việt chì có những tổ hợp có nghĩa như cuốn sách, cuốn sách này, hay lắm, cuốn sách này hay, cuốn sách này hay lắm mà không có tổ hợp này hay. Tương tự, trong Rắn là một loài bò sát không chân, giữa sátkhông không có mối quan hệ cú pháp mặc dù chúng kế cận nhau trong chuỗi tuyến tính.

3.3.2. Các kiểu quan hệ cú pháp cơ bản

Quan hệ cú pháp là quan hệ được xác lập trong phạm vi câu. Gần đây xuất hiện ngữ pháp văn bản đặt nhiệm vụ nghiên cứu mối quan hệ giữa các câu và đoạn văn trong văn bản. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các câu không phải là mối quan hệ ngữ pháp theo nghĩa đích thực của nó.

Quan hệ cú pháp rất đa dạng, nhưng có thể khái quát thành ba kiểu quan hệ cơ bản sau đây:

a. Quan hệ đẳng lập

Quan hệ đẳng lập là quan hệ giữa các yếu tố bình đẳng với nhau về mặt ngữ pháp. Tính chất bình đẳng này thể hiện ở chỗ chúng có vai trò như nhau trong việc quyết định đặc điểm ngữ pháp của toàn tổ hợp, có quan hệ như nhau với các yếu tố bên ngoài tổ hợp đó.

Xét về phương diện ngữ pháp, kích thước, số lượng và thứ tự sắp xếp của các yếu tố trong quan hệ đẳng lập là không quan yếu, nghĩa là tùy ý. Cụ thể, các yếu tố rất khác nhau về kích thước (đây không phải là đặc điểm riêng của quan hệ này, nhưng cần nhấn mạnh, vì tên gọi đẳng lập dễ làm người ta lầm tưởng giữa các yếu tố có sự giống nhau về kích thước): Tôi với tất cả sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn đã thảo luận về điều đó. Tôi (một từ) có quan hệ đẳng lập với tất cả sinh vién năm thứ nhất khoa Ngữ văn (một tổ hợp gồm nhiều từ); số lượng các yếu tố có thể hai hoặc nhiều hơn; sách và vở; sách, vở và bút sách, vở, bút và thước kẻ, v.v…; thứ tự các yếu tố có thể thay đổi mà không làm ảnh hưởng đến bản chất ngữ pháp của ngữ đoạn: sách và vở, vở và sách, v.v… Tuy nhiên, có thể vì một số lí do ngoài ngôn ngữ, mà chủ yếu là về phương diện lôgic và thông báo, thứ tự của các yếu tố trong ngữ đoạn có quan hệ đẳng lập nhiều khi rất quan trọng. Có thể nói: Anh ấy ngồi vào bàn và viết, nhưng khó có thể nói: * Anh ấy viết và ngồi vào bàn; Cô ấy lấy chồng và sinh con khác nghĩa với Cô ấy sinh con và lấy chồng.

b. Quan hệ chính phụ

Quan hệ chính phụ là quan hệ giữa hai thành tố không bình đẳng với nhau về mặt ngữ pháp, trong đó có thành tố trung tâm và thành tố phụ. Thành tố trung tâm quyết định đặc điểm ngữ pháp của toàn ngữ đoạn và chức năng ngữ pháp của thành tố phụ. Thành tố trung tâm cũng quyết định quan hệ ngữ pháp của toàn ngữ đoạn với những yếu tố bên ngoài ngữ đoạn đó.

Chẳng hạn trong câu Những sinh viên ấy rất yêu Ngôn ngữ học có nhiều ngữ đoạn có quan hộ chính phụ. Ta thử phân tích một trong số đó, chẳng hạn những sinh viên ấy. Trong ngữ đoạn này trung tâm sinh viên là một danh từ, do vậy toàn ngữ đoạn này được xác định là ngữ danh từ, những là thành tố phụ đứng trước, ấy là thành tố phụ đứng sau. Cả hai thành tố phụ đều làm chức năng cú pháp là định ngữ bổ sung ý nghĩa cho trung tâm sinh viên. Rõ ràng chức năng của các thành tố này được xác định ngay trong ngữ đoạn chính phụ mà ta đang xét, bởi vì chúng chỉ có chức năng đối nội. Còn chức năng cú pháp của sinh viên chưa thể xác định được chừng nào ngữ đoạn chính phụ này chưa được đặt vào một tổ hợp nào lớn hơn. Do vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà sinh viên có quan hệ cú pháp khác nhau với các yếu tố bên ngoài ngữ đoạn chính phụ. Trong câu trên sinh viên có quan hệ trực tiếp với rất yêu Ngôn ngữ học và đóng vai trò chủ ngữ. Nhưng trong một câu khác, chẳng hạn Tôi rất quý những sinh viên ấy thì sinh viên lại có quan hệ trực tiếp với quý và không còn trong vai trò chủ ngữ nữa, mà là bổ ngữ.

Trong các ngôn ngữ biến hình, quan hệ chính phụ giữa hai yếu tố thường được nhận diện bằng hình thái của chúng: thành tố chính quyết định cho hình thái của thành tố phụ. Xét câu sau đây trong tiếng Nga Ona krasivaja devushka “Cô ấy là một cô gái đẹp”. Trong ngữ đoạn có quan hệ chính phụ krasivaja devushka “cô gái đẹp” thì devushka quyết định hình thái cùa krasivaja, so sánh: On ljubit krasivuju devushku “Nó yêu cô gái xinh đẹp ấy”; On skazal o krasivom devushke “Nó kể về cô gái xinh đẹp ấy”; v.v…

Đối với ngôn ngữ không biến hình, việc xác định thành tố trung tâm trở nên phức tạp hơn vì không thể dựa vào sự biến hình của từ được. Theo truyền thống, trong một ngữ đoạn có một thực từ và một hư từ thì hư từ được xác định là thành phần phụ. Tuy nhiên trong ngữ đoạn gồm giới từ (một loại hư từ) và danh từ (một loại thực từ), nhiều nhà nghiên cứu xác định chính giới từ là trung tâm của ngữ đoạn và gọi ngữ đoạn này là giới ngữ. Như ta biết, khái niệm hư từ chưa được định nghĩa một cách hiển minh, vì vậy đôi khi việc xác định thành tố trung tâm kém sức thuyết phục. Một số tác giả đã vận dụng những tiêu chí có tính hình thức để xác định thành tố phụ và thành tố trung tâm: thành tố phụ là thành tố dễ được thay thế bằng từ nghi vấn gì, nào, ví dụ trong con bò thì là thành phần phụ vì ta dễ đặt câu hỏi: con gì? Trong đọc sách thì sách là thành phần phụ vì ta dễ hỏi: đọc gì?, v.v… Hoặc thành tố chính là thành tố có quan hệ trực tiếp với các thành tố bên ngoài ngữ đoạn: ngày xưa có trung tâm là ngày, thành tố phụ là xưa, vì khi mở rộng chẳng hạn ngày xưa ấy thì chính ngày chứ không phải xưa có quan hệ trực tiếp với ấy: ngày ấy, xưa ấy.

Khi xác định trung tâm của một ngữ đoạn chính phụ thì người nghiên cứu phải đứng trên quan điểm ngữ pháp. Chẳng hạn trong con mèo có thể mèo cho ta biết nhiều thông tin hơn con (- Con gì đấy? – Con mèo?), nhưng điều đó không thuộc phạm vi ngữ pháp. Khi hỏi Anh chọn cuốn sách nào? thì đại từ này trong câu trả lời Tôi chọn cuốn này cho ta thông tin quan trọng nhất, nhưng không ai cho nó là trung tâm ngữ pháp của ngữ đoạn cuốn sách này. Ngữ pháp phải xác định yếu tố nào quyết định bản chất ngữ pháp của cả ngữ đoạn.

Trong tiếng Việt, trật tự thông thường của các thành tố trong ngữ đoạn chính phụ là thành tố chính đứng trước, thành tố phụ đứng sau: danh từ – định ngữ (nhà tranh, khoa ngữ văn, sách ngôn ngữ, điếu thuốc, thuốc điếu, hạt cà phê, cà phê hạt, cốc kem, kem cốc, v.v…), vị từ – bổ ngữ (mua hàng, viết thư, đọc báo, đi nhanh, nhìn thẳng, v.v…)

c. Quan hệ chủ – vị (C – V) có thể viết tắt là S-V nếu theo tiếng Anh

Quan hệ C – V là quan hệ cú pháp giữa hai trung tâm (chủ ngữ và vị ngữ) phụ thuộc vào nhau và chức năng cú pháp của chúng được xác định ngay trong kết cấu do chúng tạo nên mà không cần đặt vào trong một kết cấu nào lớn hơn. Đây là quan hệ cú pháp phức tạp và gây tranh luận nhiều nhất trong số các quan hệ cú pháp.

Về hình thức, trong các ngôn ngữ biến hình, quan hệ này được biểu hiện bằng sự tương hợp về ngôi, số, thì, v.v… giữa chủ ngữ và vị ngữ, ví dụ trong câu tiếng Anh: Mv brother is reading a book “Anh tôi đang đọc một cuốn sách”, chủ ngữ là my brother và vị ngữ là is reading ở hình thái ngôi thứ ba, số đơn, thì hiện tại (thể) tiếp diễn; trong câu tiếng Nga Ja ljubil tebja “Một thời tôi yêu em” chủ ngữ là Ja ở ngôi thứ nhất, số đơn, vị ngữ là ljubil số đơn, thì quá khứ. Ja cho ta biết ljubil ở ngôi thứ nhất, ljubil cho ta biết Ja chỉ giống đực.

Đối với các ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt, tiếng Hán, quan hệ C – V được biểu hiện bằng trật tự từ, hư từ và ngữ điệu, trong đó trật tự từ đóng vai trò chủ đạo (chủ ngữ đứng trước vị ngữ), chẳng hạn: Thùng đầy nước (Thùng: chủ ngữ) và Nước đầy thùng (nước: chủ ngữ), còn hư từ và ngữ điệu chỉ có chức năng bổ trợ, đặc biệt khi mối quan hệ C – V chưa được biểu hiện đủ rõ bằng trật tự từ. So sánh: Những kẻ tham nhũng cản trở sự phát triển của đất nướcNhững kẻ tham nhũng đã (đang, sẽ, vẫn…) cản trở sự phát triển của đất nước, Cuốn sách mới của anhCuốn sách mới là của anh. Nhờ sự xuất hiện của các hư từ như đã, đang, sẽ, vẫn, là mà quan hệ C – V trong kết cấu trở nên xác định.

Trong tiếng Việt, có thể xác định chủ ngữ là thành phần chính thứ nhất của câu, biểu hiện cái được nói đến trong câu, còn vị ngữ là thành phần chính thứ hai, đứng sau chủ ngữ, nói về cái được biểu hiện ở chủ ngữ, ví dụ: Ngôi nhà ấy đẹp có chủ ngữ là ngôi nhà ấy và vị ngữ là đẹp.

Theo quan điểm của ngữ pháp chức năng, trong những ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt, tiếng Hán, v.v… mối quan hệ cú pháp làm nòng cốt câu là quan hệ đề – thuyết (Đ – T). Đề là thành phần chính thứ nhất của câu, nêu phạm vi có hiệu lực của điều được nêu ở thành phần chính thứ hai: phần thuyết.

Trong tiếng Việt, ranh giới giữa đề và thuyết là nơi có hoặc có thể thêm các từ thì, là, mà mà không làm cho câu sai ngữ pháp hay thay đổi nghĩa biểu hiện của nó, ví dụ: Cô ấy (thì) đẹp có đề là cô ấy và thuyết là đẹp; Xe này (thì) máy tốt có đề là xe này và thuyết là máy tốt; ở đó mà xây bể bơi thì tuyệt có đề là ở đó mà xây bể bơi, có thuyết là tuyệt; ở đây (thì) nhiều muỗi lắm có đề là ở đây, có thuyết là nhiều muỗi lắm. Cách tiếp cận này có thể phân tích được rất nhiều câu mà nhiều cách tiếp cận ngữ pháp đang phổ biến hiện nay không thể giải quyết được. Song vấn đề quan hệ cú pháp làm nên nòng cốt cơ bản của câu đơn tiếng Việt là quan hệ C — V hay quan hệ Đ — T còn cần được tiếp tục nghiên cứu.

3.4. Cách thức mô tả cấu trúc cú pháp

Có nhiều cách khác nhau để mô tả cấu trúc cú pháp. Sau dây là hai cách mô tả phổ biến nhất:

a. Xác định rõ các kiểu quan hệ cú pháp và chức năng cú pháp (thành phần câu) của các thành tố trong cấu trúc cú pháp cần phân tích và mô tả bằng sơ đồ hình chậu. Có thể hình dung như sau:

b. Phân tích cấu trúc cú pháp theo phương pháp thành tố trực tiếp và mô tả bằng sơ đồ hình cây. Có thể hình dung như sau:

Lưu ý, có thể dùng sơ đồ hình chậu để mô tả cấu trúc cú pháp theo cách phân tích thứ hai (phân tích thành tố trực tiếp), và ngược lại, có thể dùng sơ đồ hình cây để mô tả cấu trúc cú pháp theo cách phân tích thứ nhất (phân tích thành phần câu). Như đã nêu trên (mục 3.2.2. Cấu trúc câu), ở Việt Nam, phân tích và mô tả cấu trúc cú pháp theo cách thứ nhất phổ biến hơn.

3.5. Ngữ pháp học trong quan hệ với ngữ nghĩa học và ngữ dụng học

Ngữ pháp học hiện đại, cho đến nay, chủ yếu là lí thuyết ngữ pháp hình thức. Lí thuyết này cho rằng những nghiên cứu về nghĩa là không cần thiết trong việc xác định các đơn vị ngữ pháp và quy tắc kết hợp của chúng.

Tuy nhiên, càng ngày các nhà nghiên cứu càng nhận thức một cách sâu sắc rằng cần nghiên cứu ngôn ngữ không chỉ ở mặt hình thức, mà cả ở mặt nội dung, không chỉ trong hệ thống mà cả trong hoạt động, hành chức với tư cách là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Nhờ vậy ngữ pháp chuyển trọng tâm từ nghiên cứu thuần túy cấu trúc hình thức của câu sang nghiên cứu hình thức của câu trong mối quan hệ với ý nghĩa và chức năng của nó trong giao tiếp. Một hình thức ngữ pháp của câu được hình thành nhằm biểu hiện một ngữ nghĩa nhất định và cuối cùng cả hai đều nhằm đến việc thỏa mãn một nhu cầu giao tiếp nhất định trong một ngữ cảnh giao tiếp cụ thể.

Ngữ pháp và ngữ nghĩa là hai bình diện ngôn ngữ riêng biệt nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi phân tích một câu nói, xét trên bình diện ngữ pháp ta có các thành phần cú pháp (thành phần câu) như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, v.v…, còn trên bình diện ngữ nghĩa có thể hình dung câu nói dùng để biểu hiện một sự tình, trong đó có các hành động, quá trình, trạng thái, đặc trưng, tư thế làm thành nội dung của sự tình đó và các tham tố tương ứng với các vai nghĩa như người hành động, kẻ tiếp thụ hành động, công cụ của hành động, v.v… Các thành phần cú pháp có nhiệm vụ biểu hiện các vai nghĩa, nhưng giữa chúng không có sự tương ứng một đối một. (Xem thêm mục 3.3. Vai nghĩa của chương 4). Việc phân tích câu theo các vai nghĩa giúp ta làm rõ mặt nội dung của câu và từ đó nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn bản chất của nó.

Khi chú ý mặt ngữ nghĩa của câu, người ta còn đề cập đến khái niệm mệnh đề, một công cụ quan trọng của một số kiến giải ngữ pháp câu trong thời gian gan đây về quan hộ giữa câu và mệnh đề, có thể hiểu câu là mệnh đề được thể hiện bằng ngôn từ. Mệnh đề là một nhận định về một mảng của thế giới (hiện thực hay tưởng tượng) được tổ chức thành một cấu trúc trong tư duy và được vật chất hóa thành câu nói. Một mệnh đề có thể được biểu hiện bằng những câu khác nhau, ví dụ: Thầy khen tôiTôi được thầy khen là hai câu biểu hiện cùng một mệnh đề.

Để kiểm tra hai câu có biểu hiện cùng một mệnh đề hay không, ta có thể dùng thủ pháp sau: nếu trong một hoàn cảnh sử dụng nào đó câu này đúng còn câu kia sai thì chắc chắn chúng biểu hiện hai mệnh đề khác nhau. Hai câu Tôi cao hơn anhAnh thấp hơn tôi là hai câu biểu hiện cùng một mệnh đề vì không có một hoàn cảnh sử dụng nào trong đó câu thứ nhất đúng mà câu thứ hai sai và ngược lại. Còn những câu như Nam ghét HoaHoa ghét Nam, Hắn giết cô taHắn làm cô ta chết không có cùng mệnh đề, vì Nam ghét Hoa nhưng có thể Hoa không ghét Nam, hắn làm cô ta chết nhưng có thể không hề giết cô ta.

Thông thường người ta hiểu mệnh đề là bộ phận miêu tả sự tình của một câu trần thuật. Khi dùng một câu trần thuật người nói xác nhận một mệnh đề. Tuy nhiên mệnh đề còn được bao hàm một cách rõ ràng trong nghĩa của những câu khác như câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán. Khi dùng một câu nghi vấn, câu cầu khiến hay câu cảm thán, người nói cũng nhằm đến một mệnh đề cụ thể, nhưng không xác nhận mệnh đề như trong câu trần thuật mà thôi. Khi nói Anh ấy dọc sách, người nói xác nhận mệnh đề “anh ấy dọc sách”, còn khi hỏi Anh ấy đọc sách à?, người hỏi cũng nhằm đến mệnh đề ấy, nhứng chỉ hỏi về tính đúng đắn của mệnh đề. Ta nói rằng câu trần thuật và câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán tương ứng là có cùng mệnh đề.

Xét về mặt ngữ nghĩa, người ta thường phân biệt: câu (chỉ) hành động, câu (chỉ) quá trình, câu (chỉ) trạng thái, câu (chỉ) tư thế. Câu hành động là câu biểu hiện một sự tình [+ động, + chủ ý], ví dụ: Tôi đọc sách; Mẹ rửa bát; Họ đá bóng. Câu quá trình là câu biểu hiện một sự tình [+ động, – chủ ý], ví dụ: Quả táo rơi; Thằng bé ngã. Câu trạng thái là câu biểu hiện một sự tình [- động, – chủ ý], ví dụ: Căn nhà này đẹp; Bố tôi đã già; Anh ấy thích thể thao; Tôi yêu con sông quê tôi. Câu (chỉ) tư thế là câu biểu hiện một sự tình [- động, + chủ ý], ví dụ: Tôi ngồi. Nó nằm nghỉ trên một chiếc ghế dài.

Ngoài ra, còn có hai loại câu quan trọng khác là câu tồn tại và câu quan hệ. Câu tồn tại là câu xác nhận có một cái gì đó ở đâu đó: Có tiền; Trong nhà có khách; Ngày xửa ngày xưa có một ông vua. Câu quan hệ là câu biểu hiện một quan hệ nào đó về xã hội, không gian, thời gian, kích thước, nhân – quả, v.v…, ví dụ: Anh ấy là thầy giáo; Tôi là anh nó; Trung cao hơn Nam; Nhà tôi xa trung tâm thành phố.

Căn cứ vào tính chân ngụy của nghĩa câu so với thực tế, có thể phân biệt: câu phân tích, câu tổng hợp và câu mâu thuẫn. Câu phân tích là câu bao giờ cũng đúng do nghĩa của các từ trong câu mang lại: Chó là một loài động vật. Câu tổng hợp là câu có thể đúng hoặc sai, tùy thuộc vào thực tế khách quan mà câu biểu thị: Anh ấy là sinh viên; Nam người Nghệ Tĩnh; Hôm qua trời mưa. Câu mâu thuẫn là câu bao giờ cũng sai do nghĩa của các từ trong câu mang lại: Chó là một loài thực vật; Tứ giác là hình có ba cạnh; Chim là loài sống ở dưới nước.

Mục đích cuối cùng của câu là phục vụ cho hoạt động giao tiếp của con người. Vì vậy việc phân tích câu trên bình diện sử dụng đóng vai trò hết sức quan trọng. Một câu nói đúng ngữ pháp và ngữ nghĩa, nhưng có thể không được người bản ngữ chấp nhận do không phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp. Chẳng hạn câu Tôi ra lệnh anh phải hoàn thành gấp bản báo cáo hoàn toàn đúng ngữ pháp và ngữ nghĩa, nhưng nếu nó được một nhân viên nói ra trong cuộc đối thoại với thủ trưởng thì không thể xem là bình thường, phù hợp với chuẩn mực giao tiếp. Việc xem xét câu trong mối quan hệ với người sử dụng và các nhân tố khác trong ngữ cảnh giao tiếp thuộc vào lĩnh vực ngữ dụng học.

Khi nghiên cứu câu trong hoạt động giao tiếp, người ta phân biệt câu và phát ngôn. Có thể hiểu phát ngôn là câu được xét trong một ngữ cảnh cụ thể, gắn với những yếu tố như người nói, người nghe, không gian, thời gian giao tiếp. Như vậy câu là một đơn vị được lấp đầy bằng các từ cụ thể, nhưng chưa trở thành một sự kiện vật lí hay đối tượng tâm lí. Chỉ có phát ngôn mới tồn tại trong thực tế, còn câu là phát ngôn đã được trừu xuất khỏi ngữ cảnh sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu những đơn vị và quy tắc khái quát. Một câu có thể được hiện thực hóa bằng nhiều phát ngôn, chẳng hạn câu Tôi chúc mừng anh được nói bởi hai người khác nhau, cho hai người khác nhau sẽ tương ứng với hai phát ngôn.

Sự phân biệt câu, mệnh đề và phát ngồn có thể được hình dung bằng những đặc trưng minh họa trong bảng sau:

 

Xét trên bình diện sử dụng, phát ngôn được phân chia không phải theo những thành phần vốn xác định theo những tiêu chí hình thức như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, v.v… mà theo cách tổ chức nội dung thông báo của nó trong một ngữ cảnh cụ thể, gọi là phân đoạn thực tại. Theo cách phân đoạn này, phát ngôn được chia làm hai phần: phần nêu (cái cũ) và phần báo (cái mới). Phần nêu là thành phần phát ngôn biểu thị cái đã biết trước khi phát ngôn được nói ra, còn phần báo là phần biểu thị thông tin mà người nói muốn đưa ra trong phát ngôn. Cùng một câu như Ngày mai tôi đi Hà Nội, tùy theo ngữ cảnh cụ thể mà ta có những cấu trúc thông báo với những phần nêu và báo khác nhau. Khi nó trả lời cho câu hỏi: Bao giờ anh đi Hà Nội? thì phần báo là ngày mai và phần nêu sẽ là tôi đi Hà Nội, còn khi trả lời cho câu hỏi: Ngày mai ai đi Hà Nội? thì phần báo là tôi và phần nêu gồm những từ còn lại, v.v… Như vậy cấu trúc thông báo (nêu và báo) không tương ứng với cấu trúc cú pháp của câu mà lệ thuộc vào ngữ cảnh phát ngôn cụ thể.

Từ góc độ ngữ dụng, người ta thường phân biệt phát ngôn ngôn hành và phát ngôn trần thuật bình thường. Phát ngôn ngôn hành là phát ngôn biểu thị một hành động được thực hiện bằng chính việc dùng phát ngôn đó, ví dụ: Tôi hứa sẽ đến đúng giờ là một phát ngôn ngôn hành vì nó biểu thị hành động “hứa” mà chính khi phát ra phát ngôn là ta đã thực hiện hành động đó. Tương tự, Tôi xin cảm ơn anh; Tôi thề sẽ không uống rượu nữa; Tôi tuyên bố khai mạc hội nghị; Chúng tôi cấm anh tới đó là những phát ngôn ngôn hành. Còn phát ngôn trần thuật bình thường không có tính chất ngôn hành và dùng để miêu tả các sự tình, nó có thể đúng hoặc sai như Trời mưa; Mùa xuân đã đến. Khác với phát ngôn trần thuật bình thường, phát ngôn ngôn hành không thể xác định tính đúng sai, mà chỉ có thể xác định tính hợp lí hay không hợp lí khi sử dụng mà thôi. Điều kiện hình thành một phát ngôn ngôn hành là phải có vị từ ngôn hành như hứa, cấm, thề, tuyên bố, cam đoan, cám ơn, xin lỗi, khuyên, van, cảnh cáo, cảnh báo, chúc, bảo đảm, tố cáo, kêu gọi, chỉ thị, cho phép, ra lệnh, chúc mừng, v.v…; các vị từ này phải thể hiện hành động diễn ra ngay lúc nói, nghĩa là không bị tính thái hóa bởi các phương tiện ngôn ngữ biểu thị hành động diễn ra rồi hay chưa diễn ra; và chủ ngữ của câu phải ở ngôi thứ nhất. Vì thế những phát ngôn sau không được xem là phát ngôn ngôn hành Anh ấy cảm ơn anh; Tôi chưa hứa với anh; Tôi thề rồi cơ mà.

Tóm lại, muốn hiểu cái cơ chế phức tạp, chặt chẽ và tinh tế của ngôn ngữ với tư cách là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người, Ngữ pháp học không thể chỉ dừng lại ở những yếu tố làm thành mặt hình thức của câu, mà còn phải làm rõ mối quan hệ giữa hình thức, nội dung biểu hiện và hoạt động của câu trong sử dụng, nghĩa là phải nghiên cứu câu trên bình diện ngữ pháp, trong mối quan hệ với ngữ nghĩa và ngữ dụng.

NHỮNG VẤN ĐỀ THẢO LUẬN VÀ BÀI TẬP THỰC HÀNH

1. Có thể có ngôn ngữ không có ngữ pháp không? Vì sao?

2. Nhiều tài liệu ngữ pháp tiếng Việt miêu tả ngữ pháp tiếng Việt theo lối “dĩ Âu vi trung”, tức lấy các ngôn ngữ châu Âu làm khuôn mẫu để miêu tả tiếng Việt. Xét về nguyên tắc, theo anh (chị), cách làm đó đúng hay sai? Vì sao?

3. Xét những cứ liệu sau đây trong tiếng Việt: Bố em đã già, Cuốn sách này đã cũ; Cơm đã chín, Bây giờ em đã có chồng; Hôm qua, khi nó đến chơi thì tôi đang nằm nghe nhạc; Ngày mai, nếu anh đến vào lúc 4 giờ chiều thì chắc chúng tôi đang còn học. Có thể coi hai từ đã, đang trong những cứ liệu trên là phương tiện biểu thị ý nghĩa thì quá khứ và hiện tại được hay không? Vì sao?

18. Trong giao tiếp, đôi khi một số người Việt dùng những từ như hê-lô, ô-kê, mẹc-xi, toa, moa, v.v… Có thể coi đó là những từ vay mượn trong tiếng Việt được không? Vì sao?

19. Ampe kế là một từ tiếng Việt vừa được cấu tạo bằng phương thức vay mượn, vừa được cấu tạo bằng phương thức ghép, nói cách khác, đây là một từ được tạo ra bằng cách ghép các yếu tố vay mượn. Hãy tìm thêm những trường hợp một từ mới được tạo ra bằng nhiều phương thức tạo từ khác nhau.

22. Phân tích sự mơ hồ về cấu trúc cú pháp trong những câu sau: (1) Chúng tôi nhiệt liệt ủng hộ chủ trương chống tệ nạn tham nhũng của Chính phủ. (2) Tôi dồng ý với những nhận xét về truyện ngắn của ông ấy. Vẽ sơ đồ cú pháp của mỗi cấu trúc.

23. Hãy tìm 5 câu trong tiếng Việt không thể phân tích theo quan hệ cú pháp C – V, nhưng có thể phân tích quan hệ cú pháp Đ – T.

24. Vẽ sơ đồ cú pháp để mô tả các kiểu quan hệ cú pháp và chức năng cú pháp của các thành phần trong những câu sau đây: (1) Tất cả sinh viên khoa ngữ văn có mặt đông đủ trong buổi hội thảo khoa học hôm nay. (2) Công cuộc xây dụng đất nước cần những con người như thế.

25. Vẽ sơ đồ cú pháp theo phương pháp phân tích thành tố trực tiếp của những câu đã cho trong bài tập 24.

30. Các câu trong từng cặp sau đây có cùng nội dung mệnh đề hay không? (1) Anh ta là bác sĩ / Anh ta có phải là bác sĩ không? (2) Hắn yêu cô ấy / Tôi yêu cô ấy (3) Ngày mai anh đi Hà Nội à? / Ngày mai anh đã đi Hà Nội.

31. Hai người gặp nhau và cùng nói: Anh có khoẻ không?. Hãy cho biết: (a) Họ có cùng phát một phát ngôn hay không? (b) Trong tình huống trên ta có bao nhiêu câu? (c) Có thể nói đến một cách chính xác thời gian và không gian của một phát ngôn được không?

32. Khi học một ngoại ngữ, cái gì gây khó khăn cho anh (chị) nhiều nhất: phát âm, vốn từ, ngữ pháp hay một cái gì khác? Vì sao? Anh (chị) có nghĩ rằng có ngoại ngữ học dễ hơn và có ngoại ngữ học khó hơn hay không? Vì sao?