Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

Giải phẫu và Sinh lý cho nhà Ngôn ngữ trị liệu- Bài 2 Giải phẫu hệ thần kinh

Chuyên ngành: Khoa học thần kinh, Giải phẫu, Ngôn ngữ trị liệu

Bài này tìm hiểu giải phẫu của CNS, viết tắt của hệ thần kinh trung ương, phần nằm trong hộp sọ và cột sống.

XƯƠNG VÀ CÁC XOANG

Xương sọ bao gồm 8 xương hộp sọ và 14 xương mặt. Ngoài ra, ở đầu cũng có 3 xương nhỏ ở mỗi tai giữa và xương móng củng cố nền lưỡi.

Xương hộp sọ tạo nên hộp sọ (lót trong là màng não) bao quanh và bảo vệ bộ não, mắt và tai. Tên của từng xương này khá quen thuộc; chúng giống các thuật ngữ đã được sử dụng để mô tả các phần của đầu. Chúng là xương trán, xương đỉnh (hai), xương thái dương (hai) và xương chẩm. Xương bướm và xương sàng là phần tạo nền của họp sọ và ổ mắt. Xương trán tạo nên trán và phần trên trước xương sọ.

Parietal nghĩa là “tường,” là hai xương đỉnh (pariteal bones) tạo nên phần trên sau và phần lớn các mặt của xương sọ. Mỗi xương thái dương ở mỗi bên chứa ống tai ngoài, tai giữa, và mê đạo tai trong.

Xương chẩm tạo phần dưới sau của hộp sọ. Lỗ chẩm lớn là một lỗ lớn cho tủy sống đi qua, và hai lồi cầu chẩm ở mỗi bên tạo khớp với đốt đội, đốt sống cổ đầu tiên.

Xương bướm có hình dạng như một con dơi, và cánh lớn có thể nhìn được ở xương sọ, giữa xương trán và xương thái dương. Phần thân của con dơi này có một phần lõm xuống gọi là sella turcia, chứa đựng tuyến yên. Xương sàng có một phần lồi ra theo chiều dọc gọi là crista galli (mào gà) là chỗ neo đậu màng não. Toàn bộ phần còn lại của xương sàng tạo ra trần và thành trên của ổ mũi; và mảnh thẳng đứng tạo ra phần trên của vách mũi.

Tất cả các khớp giữa các xương hộp sọ đều là khớp liền, còn gọi là khớp khâu (chỉ thấy đường khớp, bài 1 gọi là khớp sợi). Ở khớp khâu, răng cưa, cạnh của các xương liền nhau, vừa với nhau. Những răng cưa lồi ra khít vào nhau này ngăn chặn việc trượt hoặc dịch chuyển xương nếu xương sọ bị va đập hoặc chịu áp lực. Bạn có thể thấy đường khớp vành giữa xương trán và xương đỉnh, đường khớp trai giữa xương đỉnh và xương thái dương, đường lớp lambda giữa xương chẩm và xương đỉnh. Đường khớp khớp dọc, nơi hai xương đỉnh nối với nhau theo đường chính giữa trên hộp sọ.

Trong 14 xương mặt, chỉ có xương hàm dưới là có thể cử động; nó tạo một khớp lồi cầu với xương thái dương. Những khớp khác giữa các xương mặt đều là khớp liền. Hàm trên gồm 2 xương hàm trên, tạo thành phần trước khẩu cái cứng. Lỗ cho chân răng được tìm thấy ở cả xương hàm trên và hàm dưới. Hai xương mũi tạo nên cầu mũi nơi chúng tiếp xúc với xương trán (phần còn lại của mũi được tạo bởi sụn). Có một xương lệ ở phía trong mỗi ổ mắt; tiểu quản lệ chứa túi lệ, là lối đi cho nước mắt. Mỗi xương gò má tạo nên gò má và khớp với xương hàm trên, xương trán, và xương thái dương, Hai xương khẩu cái tạo nên phần sau khẩu cái cứng. Xương lá mía hình cái cày (plow-shaped) tạo ra phần dưới của vách mũi; nó khớp với mảnh thẳng đứng xương sàng. Ở hai bên xương lá mía là xoăn mũi, 6 xương cuộn xuống trong ổ mũi; làm tăng diện tích bề mặt của niêm mạc mũi.

Xoang cạnh mũi là khoang chứa khí ở xương hàm trên và xương trán, xương bướm, xương sàng. Như tên gọi xoang cạnh mũi, thì những xoang này mở thông vào ổ mũi và được lợp bởi biểu mô có lông nối liền với niêm mạc ổ mũi. Những xoang này khi chúng bị “nhồi thêm”, nghĩa là dịch nhầy chúng sản xuất ra không được thoát ra ổ mũi, là bệnh lý. Điều này có thể xảy ra khi nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, ví dụ như cảm lạnh, hoặc dị ứng phấn hoa. Vì bình thường, những khoang này có chức năng làm xương sọ nhẹ hơn, bởi không khí thì nhẹ hơn xương, và chúng giúp cộng hưởng âm thanh, nghĩa là nhiều khí hơn sẽ làm rung và do đó tăng cao độ của giọng nói.

Hang chũm là một khoang chứa khí ở trong mỏm chũm của mỗi xương thái dương chúng mở vào tai giữa. Trước khi có kháng sinh, nhiễm khuẩn tai giữa thường gây viêm tai xương chũm (mastoiditis) và nhiễm khuẩn các khoang này.

Ở mỗi tai giữa có ba xương thính giác: xương búa, xương đe, xương bàn đạp. Như một phần của quá trình nghe, những xương này truyền rung động từ màng nhĩ đến các receptor ở tai trong.

CƠ ĐẦU VÀ CỔ

Ba nhóm cơ chung được tìm thấy ở đầu và cổ: những cơ di chuyển đầu hoặc cổ, nhóm cơ cử động mặt, và nhóm cơ nhai.

Các cơ xoay hoặc cúi đầu, ví dụ cơ ức đòn -chũm (gấp vào) và đôi cơ gối (duỗi), được bám chặt vào sọ đến xương đòn và xương ức ở phía trước hoặc đốt sống về phía sau.

Các cơ cười hoặc cau mày hoặc nhướng mày hoài nghi được bám chặt vào đầu xương hoặc dưới bề mặt của da mặt.

Cơ cắn trong nhóm cơ nhai là cơ quan trọng giúp nâng hàm dưới (đóng hàm).

Bảng | CƠ VÙNG ĐẦU VÀ CỔ

chức năng nguyên ủy  bám tận
trán nâng lông mày, nhăn da trán cân trên sọ da mép trên ổ mắt
vòng mắt nhắm mắt giữa của vòng mắt chung quanh mắt
vòng miệng khép môi chung quanh miệng da góc miệng
cắn đóng hàm xương hàm trên, xương gò má xương hàm dưới
cơ mút kéo góc miệng ra 2 bên xương hàm trên, xương hàm dưới cơ vòng miệng
ức đòn chũm xoay đầu đối bên với cơ xương ức, xương đòn xương thái dương
bám gai đầu xoay đầu cùng bên với cơ đốt sống cổ 7 và 6 đốt sống ngực đầu tiên xương chẩm
gối đầu xoay đầu cùng bên đốt sống cổ 7 và 4 đốt sống ngực đầu tiên xương chẩm

NEURON

Một neuron được tạo thành từ ba thành phần cơ bản: các đuôi gai, thân và sợi trục. Cây đuôi gai hoặc các đuôi gai là phía đầu vào của neuron. Thông tin, chẳng hạn như cảm giác sờ chạm, được nhận bởi các đuôi gai. Thân neuron có chứa nhiều bào quan hoặc các thành phần cần thiết cho chức năng và sự duy trì của neuron. Sợi trục là bộ phận mà thông tin rời khỏi neuron.

TỦY SỐNG

Tủy sống truyền xung đến và ra khỏi não và là trung tâm tích hợp cho phản xạ tủy sống. Mặc dù tuyên bố về chức năng này rất ngắn gọn và có vẻ rất đơn giản, nhưng tủy sống có tầm quan trọng lớn đối với hệ thần kinh và toàn bộ cơ thể.

Nằm trong ống sống và màng não, tủy sống được bảo vệ tốt khỏi chấn thương cơ học. Trong chiều dài, tủy sống kéo dài từ lồi củ của xương chẩm đến đĩa giữa đốt sống thắt lưng đầu tiên và thứ hai.

Đối với chúng ta, về khả năng nói và nghe, các dây thần kinh ngoại biên phát sinh từ thân não cực kỳ quan trọng. Chúng được gọi là các dây thần kinh sọ vì chúng đi ra ngoài từ hộp sọ.

DÂY THẦN KINH SỌ NÃO

Dây thần kinh sọ là thành phần thần kinh ngoại biên của PNS, phát sinh từ thân não. Chúng có các đặc tính cơ bản giống như của các dây thần kinh tủy sống, trong đó các dây thần kinh vận động li tâm nhận lệnh từ vỏ não, hoặc các cấu trúc não dưới vỏ khác như hạch nền. Tương tự như vậy, các dây thần kinh sọ cảm giác truyền thông tin của chúng từ ngoại vi đến CNS, ví dụ cảm giác có con ruồi bò trên trán, để có thể quyết định phải làm gì với nó, chẳng hạn như xua đuổi con ruồi đi.

Vì vậy theo cách này, các dây thần kinh sọ và dây thần kinh tủy sống chia sẻ rất nhiều trách nhiệm giống nhau, trong đó các dây thần kinh sọ phục vụ khu vực đầu và cổ, còn các dây thần kinh tủy sống phục vụ phần còn lại của cơ thể.

Nhưng điểm khác biệt là, các dây cảm giác của thần kinh sọ mang lại thông tin giác quan nhiều hơn dây thần kinh tủy sống. Dây thần kinh cảm giác tủy sống chỉ cung cấp tín hiệu xúc giác, mặc dù diện tích nhận tín hiệu lớn. Dây thần kinh sọ cho biết tín hiệu ở cả 5 giác quan truyền thống.

Bảng | Các đôi dây thần kinh sọ não CRANIAL NERVES

Tên Chức năng
I Olfactory Khứu giác
II Optic Thị giác
III Oculomotor Vận động của nhãn cầu; co đồng tử trong ánh sáng chói hoặc cho tầm nhìn gần
IV Trochlear Vận động nhãn cầu (đưa mắt xuống dưới, ra ngoài).
V Trigeminal Cảm giác ở mặt, da đầu và răng; co cơ nhai
VI Abducens Vận động nhãn cầu (đưa mắt ra ngoài)
VII Facial Vị giác; co cơ mặt; -sự tiết nước bọt
VIII Acoustic (vestibulocochlear) Thính giác; cảm giác cân bằng
IX Glossopharyngeal Vị giác; nhận cảm phản xạ về tim, hô hấp và huyết áp ; các cơ thành sau họng ; -sự tiết nước bọt
X Vagus Phản xạ về tim, hô hấp và huyết áp ; cảm giác và vận động cơ thanh quản (nói); giảm nhịp tim; tăngnhu động ruột); tăng tiết dịch tiêu hóa
XI Accessory Co cơ cổ và vai; vận động các cơ thanh quản (nói)
XII Hypoglossal Vận động cơ lưỡi

Dây thần kinh sọ não cũng có thể có phản xạ không điều kiện, giống phản xạ tủy. Trong trường hợp này các phản xạ chi phối các chức năng liên quan đến đầu cổ chẳng hạn như giãn cơ hàm, bú mút, giảm nhịp tim và thở. Lưu ý rằng những phản xạ vừa đề cập có vẻ khá quan trọng vì tất cả chúng ta đều cần phải giữ hơi thở.

Các phản xạ do các dây thần kinh sọ điều khiển có xu hướng phức tạp hơn so với các phản xạ tủy sống, do đó nguy cơ sẽ cao hơn nhiều khi chúng ta bị tổn thương ở vùng thân não, nơi phát sinh các dây thần kinh sọ. Tổn thương này có thể xuất hiện dưới dạng đột quỵ và những người trong số các bạn trở thành nhà lâm sàng ngôn ngữ-lời nói sẽ tham gia rất nhiều vào việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân gặp phải vấn đề này.

Lưu ý rằng một số dây thần kinh sọ có nhiều chức năng. Nhưng một số chỉ có chức năng cảm giác hoặc một số chỉ có chức năng vận động, thì có một số là hỗn hợp của cảm giác và vận động. Một số không chỉ phục vụ cơ xương mà còn cả cơ trơn, và một số cảm giác được điều hòa bởi các dây thần kinh sọ não thậm chí không đến được ý thức.

Đối với chức năng nghe và nói thì các dây thần kinh sọ 1, dây 5, dây 7, dây 8, 9, 10, 11 và 12 là những dây quan trọng.

TIỂU NÃO

Tiểu não là cấu trúc lớn thứ hai của hệ thần kinh. Nó nằm bên dưới vỏ não và phía sau thân não. Tiểu não có trách nhiệm tích hợp tất cả các giác quan của cơ thể với kế hoạch vận động sao cho những gì chúng ta thực hiện hành động vận động được lên kế hoạch phù hợp với bối cảnh và tình trạng cơ thể của chúng ta. Nghĩa là việc nhặt chiếc ly trên sàn trong khi đứng là một nhiệm vụ hoàn toàn khác với việc nhấc cùng một chiếc ly khi nằm trên sàn. Kế hoạch vận động cần phải tính đến mọi tình trạng của cơ thể. Tiểu não là cơ quan điều phối tuyệt vời cho hoạt động vận động.

Tìm hiểu thêm về tiểu não ở đây.

THÂN NÃO

Thân não được chia thành ba vùng: hành tủy não (hay hành não), cầu não và trung não. Hành não chứa nhiều dây thần kinh sọ và một số nhân khác rất quan trọng cho chức năng sống. Cầu não là một cầu nối giao tiếp chính (pons tiếng Latinh có nghĩa là cầu nối) giữa tủy sống, thân não, vỏ não và tiểu não. Trung não có các nhân dây thần kinh sọ não và cũng là nơi tiếp nhận con đường vận động khi các sợi này thoát ra khỏi vỏ não để đi vào thân não.

CÁC CẤU TRÚC DƯỚI VỎ NÃO

Bên dưới vỏ não là một nhóm nhân rất quan trọng đối với chức năng cảm giác và vận động.

Đoan não (telencephalon). Các hạch nền chịu trách nhiệm thực hiện chuyển động lặp đi lặp lại (đi bộ), kiểm soát trương lực cơ và kiểm soát chuyển động nền (ví dụ vung cánh tay khi đi bộ) để giữ thăng bằng.

Gian não (diencephanlon). Đồi thị là trạm cuối cùng cho thông tin cảm giác/giác quan đi đến vỏ não. Đồi thị và não thất bên còn thuộc về tổ chức gọi là gian não. Vùng dưới đồi hoạt động với tuyến yên để điều khiển hệ nội tiết.

CÁC KẾT NỐI HAI BÁN CẦU

Tham khảo ở đây

VỎ ĐẠI NÃO

Vỏ não cho đến nay vẫn là cấu trúc phức tạp nhất của hệ thần kinh. Nó chịu trách nhiệm cho mọi suy nghĩ có ý thức và hành động tự nguyện. Nó là nơi thực hiện chức năng nhận thức và chịu trách nhiệm hiểu về thế giới chúng ta đang sống. Bỏ não bao gồm hai bán cầu trái và phải với 5 thùy ở mỗi bán cầu. Do việc xây dựng các con đường đến và đi từ vỏ não bán cầu não trái điều khiển hoạt động vận động ở bên phải cơ thể trong khi bán cầu não phải điều khiển hoạt động vận động ở bên trái. Tương tự như vậy các cảm giác từ cơ thể bên phải được gửi đến bán cầu não trái, và ngược lại. May mắn thay có một cấu trúc là thể trai đảm bảo để bên phải biết những gì bên trái biết.

Thùy trán. Thùy trán chịu trách nhiệm về nhận thức, đó là cách chúng ta biết thế giới. Nó cũng chịu trách nhiệm khởi động mọi hoạt động vận động có chủ ý thông qua việc kích hoạt vùng vận động sơ cấp ở hồi trước trung tâm. Ngay phía trước vùng vận động sơ cấp là vùng tiền vận động, chịu trách nhiệm cho việc lập kế hoạch chuyển động. Một cấu trúc vỏ não rất quan trọng trong bán cầu ưu thế, về lời nói và ngôn ngữ, là vùng được gọi là vùng Broca, chịu trách nhiệm diễn đạt ngôn ngữ tức là ngôn ngữ nói.

Thùy đỉnh. Thùy đỉnh chịu trách nhiệm xử lý cảm giác của cơ thể. Cảm giác cơ thể bao gồm cảm giác sờ chạm, rung, áp suất, đau, và nhiệt độ, nhưng không gồm các giác quan đặc biệt về thính giác, khứu giác, thị giác và lời nói. Thông tin đến thùy đỉnh được thùy trán sử dụng để lập kế hoạch cho hoạt động vận động cũng như xác định môi trường mà chức năng nhận thức hoạt động. Ví dụ, nếu bạn bị đau nặng nề, bạn sẽ hướng các chức năng nhận thức của mình để tìm ra cách làm thế nào để ngăn chặn nó. Thùy đỉnh cũng là khu vực tích hợp với các khu vực khác, đặc biệt là thị giác. Tổn thương thùy đỉnh có thể dẫn đến chứng mất điều khiển mặc quần áo, một vấn đề trong đó một người không thể tổ chức kế hoạch vận động của mình để mặc quần áo.

Thùy chẩm. Thùy chẩm có nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin thị giác. Nó truyền dẫn tín hiệu của mình tới nhiều khu vực khác nhau bao gồm cả thùy đỉnh và thùy thái dương.

Thùy thái dương. Thùy thái dương là thùy rất quan trọng đối với khả năng nói và nghe của chúng ta. Thùy này nhận tín hiệu thính giác phát ra từ ốc tai. Thùy thái dương trái cũng là nơi chứa vùng ngôn ngữ rất quan trọng, vùng Wernicke. Vùng Wernicke chịu trách nhiệm về khả năng hiểu thính giác đặc biệt là ngôn ngữ, và tổn thương thương vùng này có thể dẫn đến suy giảm lời nói nghiêm trọng, là dạng thiếu hụt khả năng hiểu ngôn ngữ hay mất hiểu ngôn ngữ Wernicke. Thùy thái dương cũng chứa vùng hải mã, chịu trách nhiệm điều hòa trí nhớ ngắn hạn.

Thùy đảo. Thủy đảo bị ẩn khỏi tầm nhìn, nằm bên dưới khu vực Broca của thùy trán. Thùy đảo bên trái cực kỳ quan trọng trong việc định hướng và tổ chức phát âm. Tổn thương thùy đảo bên trái dẫn đến mất khả năng nói, gây khó khăn cho việc lập kế hoạch diễn đạt lời nói. Vỏ não thùy đảo cũng có nhiều chức năng khác, bao gồm cảm giác vị giác và cảm giác bản thể.

Việc phân chia các vùng vỏ não còn theo sơ đồ Brodmann

HỆ THẦN KINH THỰC VẬT

Bảng | Giải phẫu hệ thần kinh thực vật

Đặc điểm Giao cảm Phó giao cảm
Vị trí thân tế bào trước hạch trong hệ CNS Tủy ngực-Thắt lưng Thân não + sừng bên các đoạn tủy sống cùng
Vị trí của hạch Đa phần là trong hai chuỗi bên cạnh cột sống Gần hoặc trong bộ phận tác động ở nội tạng
Neuron trước hạch Tương đối ngắn

Giải phóng acetylcholin ở synap

Trong hạch

Tương đối dài

Giải phóng acetylcholin

Trong hạch

Neuron sau hạch Tương đối dài

Hầu hết giải phóng norepinephrine tại bộ phận đáp ứng ở nội tạng

Tương đối ngắn

Tất cả giải phóng acetylcolin ở bộ phận đáp ứng nội tạng

Vùng ảnh hưởng của neuron  Ảnh hưởng trên diện rộng: một synap của neuron trước hạch kết hợp với nhiều neuron hậu hạch đối với nhiều bộ phận đáp ứng nội tạng Tác dụng cục bộ: một synap của neuron trước hạch với số ít neuron hậu hạch cho một bộ phận đáp ứng của nội tạng

Thần kinh giao cảm SYMPATHETIC DIVISION

Thần kinh giao cảm gồm các hạch thuộc phần ngực-thắt lưng, thân tế bào của chúng ở khoanh tủy D1 đến L2 (phần lồng ngực và một số nằm ở phần thắt lưng của tủy sống), cho chúng ta biết neuron giao cảm trước hạch bắt nguồn từ đâu. Sợi trục thần kinh của chúng mở rộng đến các hạch giao cảm, hầu hết trong số đó được đặt tại hai chuỗi hạch bên ngoài cột sống, đối xứng. Trong hạch là synap giữa các neuron trước hạch và sau hạch; các sợi trục thần kinh sau hạch trực tiếp đến chi phối nội tạng. Neuron trước hạch kết nối với nhiều neuron sau hạch, đối với nhiều cơ quan cảm ứng. Sắp xếp giải phẫu này có tầm quan trọng sinh lý: thần kinh giao cảm mang lại phản ứng nhanh và trên diện rộng ở nhiều cơ quan.

Thần kinh giao cảm là chiếm ưu thế trong những tình huống stress, trong đó bao gồm giận dữ, sợ hãi, hay lo âu, cũng như tập thể dục. Đối với tổ tiên thời tiền sử của chúng ta, về các tình huống stress, thường liên quan đến sự cần thiết của hoạt động-vật lý mãnh liệt “đánh lại hoặc bỏ chạy.” (Tất cả những phản ứng kích hoạt nguyên thủy ở tổ tiên của chúng ta, ở lại và chiến đấu hoặc để thoát khỏi nguy hiểm tiềm tàng.) Hệ thống thần kinh của chúng ta đã không thay đổi nhiều trong 50.000 năm. Bạn sẽ thấy những loại phản ứng hay kích thích thần kinh giao cảm: tăng nhịp tim, tăng chuyển hóa trong cơ xương để cung cấp nhiều oxy hơn, tiểu phế quản giãn ra để có không khí nhiềuhơn, và những chuyển hóa gan của glycogen thành glucose tăng lên để cung cấp năng lượng. Đồng thời, nhu động và dịch tiết tiêu hóa giảm và chậm. Vận chuyển máu đến cơ quan quan trọng như tim, cơ bắp và não nhiều hơn. Mặc dù chúng ta có thể không luôn luôn ở trong một tình huống đe dọa tính mạng trong stress (chẳng hạn như trong kì thi), cơ thể chúng ta chuẩn bị cho việc đó.

Thần kinh phó giao cảm PARASYMPATHETIC DIVISION

Trung tâm của hệ phó giao cảm nằm ở thân não và khoanh tủy S2 đến S4.

Tên gọi khác của thần kinh phó giao cảm là Craniosacral. Các thân tế bào thần kinh phó giao cảm trước hạch nằm trong thân não và các đoạn xương cùng của tủy sống. Sợi trục thần kinh của chúng trong các cặp dây thần kinh là 3, 7, 9, và 10 (dây vận động mắt, mặt, dây thiệt hầu và dây thần kinh phế vị) và trong một số dây thần kinh xương cùng. Chúng mở rộng đến các hạch phó giao cảm. Hạch phó giao cảm rất gần hoặc thực sự trong nội tạng mà chúng tác động, với sợi trục thần kinh rất ngắn đến các tế bào hiệu ứng.

Trong hệ phó giao cảm, một neuron trước hạch chỉ tạo synap với một vài neuron hậu hạch để chỉ có một đáp ứng. Với sự sắp xếp giải phẫu này, phản ứng rất cục bộ (một bộ phận) có thể xảy ra. Hệ phó giao cảm chiếm ưu thế trong tình huống thoải mái (không có stress), để thúc đẩy hoạt động bình thường của hệ thống nội tạng. Tiêu hóa sẽ hiệu quả, với tăng chất tiết và nhu động ruột; đại tiện và tiểu tiện có thể xảy ra; và trái tim sẽ đập với tốc độ nghỉ ngơi bình thường.

Chú ý rằng khi một cơ quan nhận được xung cả giao cảm và phó giao cảm, các câu trả lời là đối lập. Một sự sắp xếp như vậy làm cho việc duy trì một mức độ thích hợp của hoạt động khá đơn giản, như trong việc thay đổi nhịp tim để đáp ứng các nhu cầu của tình hình. Chú ý rằng một số nội tạng chỉ nhận xung giao cảm. Trong trường hợp này, phản ứng ngược lại được đưa về ngừng hoạt động. Bài tiết ở các tuyến mồ hôi là một ví dụ.

Nguồn: Bài tổng quan từ các tài liệu sau

Giải phẫu Người- Đại học Y Hà Nội , 2020

Clinical Neuroanatomy (LANGE) Stephen G. Waxman – -McGraw-Hill Education (2020) Anatomy & physiology for speech, language, and hearing-(Drumright, David G._ Hudock, Daniel J._ Seikel, John A. Plural Publishing (2021)