ĐO LIỀU SINH HỌC TRONG ĐIỀU TRỊ TIA TỬ NGOẠI
I. ĐẠI CƯƠNG
Liều sinh học của bức xạ tử ngoại là thời gian tối thiểu để gây được hiện tượng đỏ da tối thiểu trên một người nhất định với một nguồn tử ngoại để cách xa 50cm và chiếu thẳng góc (vuông góc) vào da.
Vì mức độ cảm ứng với bức xạ tử ngoại của từng người khác nhau, do đó trước khi tiến hành điều trị tử ngoại cần xác định liều sinh học của bản thân người đó để chỉ định liều điều trị thích hợp.
Liều sinh học (LSH) chỉ có ý nghĩa với từng người và một chiếc đèn nhất định, không áp dụng cho người khác và đèn khác.
II. CHỈ ĐỊNH
Đo liều sinh lý để tính liều điều trị trên mỗi bệnh nhân.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Những trường hợp dị ứng với tử ngoại.
– Những trường hợp không có chỉ định điều trị với tử ngoại.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
a. Bác sĩ phục hồi chức năng.
b. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
2. Phương tiện
– Đèn tử ngoại.
– Thước đo (thước Goc-ba-chep): là một tấm kim loại hoặc bằng bìa có 6 lỗ hình chữ nhật và một thanh trượt có thể đóng hoặc mở các lỗ đó.
3. Người bệnh
Cần giải thích rõ tác dụng và cách thức tiến hành khi đo để có sự hợp tác với người đo.
4. Hồ sơ bệnh án
– Kiểm tra tên, các chỉ số nhân học, bệnh học, kiểm tra chỉ định.
– Cần ghi rõ vùng chỉ định đo.
– Ngày, giờ tiến hành thủ thuật, dự tính ngày giờ đọc kết quả.
– Ghi cụ thể kết quả đo được để từ đó tính liều điều trị.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
– Kiểm tra hồ sơ: đối chiếu hồ sơ với tên thực của người bệnh về chẩn đoán, chỉ định.
– Kiểm tra người bệnh: bộc lộ vùng đo, khám kiểm tra để đảm bảo vùng đo không bị tổn thương hoặc có dấu hiệu bất thường gì.
– Vị trí đo: thường đo ở vùng cơ thể nhạy cảm nhất như vùng ngực, lưng, mặt trước trong cánh tay.
– Thực hiện kỹ thuật: cố định thước lên da sao cho tấm kim loại luôn áp sát mặt da, đẩy thanh trượt che kín cả 6 lỗ. Đèn tử ngoại đặt cách xa 50 cm và chiếu thẳng góc với mặt da. Lần lược kéo thanh trượt để hở lỗ thứ nhất 15 giây, rồi kéo tiếp để hở lỗ thứ hai 15 giây, cứ tiếp tục như vậy đến lỗ thứ 6 thì tắt đèn và tháo thước ra. Như vậy lỗ thứ nhất được chiếu 90 giây, các lỗ tiếp theo ít hơn 15 giây so với lỗ trước nó, đến lỗ thứ 6 chỉ được chiếu 15 giây. Sau khi đo xong, dặn người bệnh không được gãi hoặc chà xát lên vùng da vừa đo, không uống rượu bia, không để vùng da đó tiếp xúc với nắng.
– Đọc kết quả: sau 18 – 24 giờ (thông thường sau 6 – 8 giờ đ thấy hiện tượng đỏ da) khi đọc kết quả thấy 1 trong 3 biểu hiện sau:
– Tất cả 6 lỗ đều không thấy đỏ da: là do liều tử ngoại quá thấp, cần đo lại với
liều cao hơn (công suất đèn cao hơn hoặc thời gian chiếu mỗi lỗ dài hơn).
+ Thấy một số lỗ đỏ da có bờ viền rõ, chọn lỗ nào đỏ da ít nhất nhưng còn nhìn rõ bờ viền, thời gian chiếu của lỗ đó là LSH.
+ Cả 6 lỗ đều đỏ da rõ: là do liều quá cao, cần đo lại với liều giảm đi.
– Trong thực hành điều trị, để rút ngắn bớt thời gian chiếu người ta có thể để đèn vào gần da hơn (nhưng không được để khoảng cách quá gần, dưới 20 – 30 cm). Cường độ của bức xạ tử ngoại tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách và được tính theo công thức :
Trong đó: T là thời gian điều trị cần tìm (tính bằng phút/giây);
A là liều sinh học (tính bằng phút/giây);
B là khoảng cách để đèn xa da (tính bằng cm);
C là khoảng cách khi đo liều sinh học (bằng 50 cm).
VI. THEO DÕI
Tình trạng dị ứng. Tình trạng sức khỏe của người bệnh nói chung.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Mắt nhìn rát: liên quan do bỏng tử ngoại. Xử trí: khi chiếu bệnh nhân đeo kính râm. Khi bị rát nhỏ thuốc mắt lidocain 1%.
– Dị ứng tia tử ngoại: bôi thuốc chống dị ứng, mỡ nitrat bạc vùng dị ứng.