ĐIỀU TRỊ BẰNG TẬP LUYỆN VẬN ĐỘNG
ĐẠI CƯƠNG
Định nghĩa
Vận động học là môn khoa học nghiên cứu về các mẫu vận động của cơ thể con người.
Tiếng Anh là Physiotherapy- PT
Khái niệm mẫu vận động là một dạng mô tả chức năng vận động không còn là những cử động rời rạc, mà mang tính hệ thống chức năng- tức là một hoạt động bậc cao, có tính nhận thức. Vì vậy bài viết này còn cho thấy vận động trị liệu còn cần được phát triển hơn nữa, và là cơ sở cho việc phát triển robot phục hồi chức năng.
Vận động trị liệu áp dụng các kiến thức và kỹ năng vận động vào điều trị và phục hồi chức năng.
Để thực hiện được vận động cần phải có sự tham gia đầy đủ của các yếu tố cơ xương khớp và thần kinh- tâm thần (vỏ đại não- dưới vỏ- tiểu não và hành- tuỷ sống). Khi một trong các yếu tố này bị ảnh hướng thì khả năng vận động cũng sẽ ảnh hưởng theo.
Mục đích của vận động trị liệu
Vận động trị liệu làm tăng sức mạnh, tăng tính mềm dẻo và sức chịu đựng của cơ, để phục hồi khả năng vận động của cơ, khớp đã bị suy giảm hoặc mất do các nguyên nhân khác nhau. Vận động trị liệu cũng nhằm tái rèn luyện các cơ bị liệt, bị mất chức năng, phục hồi chức năng thăng bằng, điều hợp và phòng ngừa các thương tật thứ cấp.
TÁC DỤNG SINH HỌC CỦA VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU
– Làm tăng cung lượng tim, tăng cung cấp máu cho mao mạch và các tổ chức được nuôi dưỡng tốt hơn.
– Phòng ngừa teo cơ, cứng khớp, đảm bảo độ vững chắc và hình thể các xương, duy trì tầm hoạt động của khớp.
– Điều chỉnh hoạt động điều hợp của các hoạt động thần kinh- nhận thức.
Khi các cơ hoạt động đều có hoạt động cơ hỗ, nếu không sẽ không có cử động trong cơ thể, gọi là sự điều hợp.
Điều hợp là sự sử dụng đúng các cơ ở một thời điểm đúng và vận dụng lực chính xác theo nhu cầu của động tác.
Cử động cơ được thực hiện nhịp nhàng, trật tự khi có sự nguyên vẹn thần kinh kiểm soát kích thích vận động tới một hệ xương cơ cũng còn nguyên vẹn.
Nếu mất sự kiểm soát đó, cử động của cơ sẽ bị giật.
– Tăng tuần hoàn, tăng chuyển hóa, tăng cường đào thải chất cặn bã.
– Trong quá trình vận động, cơ thế chỉ sử dụng 25% năng lượng cho sự co cơ, còn khoảng 75% năng lượng còn lại tiêu hao cho các hoạt động khác như sinh nhiệt, thắng lực ma sát, thắng trọng lực, trọng lượng chi thể và các lực kháng trở khác.
CÁC LOẠI CO CƠ
Có ba loại co cơ chính:
- Co cơ tĩnh (co cơ đẳng trường): loại co cơ mà lực co chưa đủ mạnh để kéo hai đầu khởi điểm và bám tận của cơ lại gần nhau do đó chưa tạo ra cử động khớp. Loại co cơ này được ứng dụng khi chỉ định tập một nhóm cơ (gồng cơ) mà lại cần bất động phần chi thể đó. Tác động của loại co cơ này để phòng loãng xương, teo cơ, biến dạng khớp và ngăn ngừa các cử động ngoài ý muốn.
- Co cơ đồng tâm (co cơ đẳng trương): loại co cơ mà lực cơ mạnh hơn sức đề kháng cử động, làm cho hai đầu khởi điểm và bám tận của cơ xích lại gần nhau, tạo ra cử động khớp. Tác dụng của loại co cơ này là làm tăng kích thước, tăng sức mạnh và tầm vận động của cơ, khớp tạo thuận phục hồi khả năng vận động nhanh hơn.
- Co cơ sai tâm: khi co cơ làm cho khoảng cách giữa điểm khởi đầu và bám tận xa nhau ra, do lực bên ngoài, tạo nên cử động và sức căng của cơ, điều hòa vận động của động tác.
Khi vận động để thắng kháng trở giai đoạn 1 là co cơ tĩnh, cho đến khi sức co cơ bằng sức đề kháng, thì tiếp theo là giai đoạn 2, co cơ đồng tâm, sau đó là sai tâm.
CÁC LOẠI CƠ THAM GIA VÀO QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG
– Cơ chủ vận: là loại cơ khi co sẽ tạo nên cử động của chi hay phần thân thể.
– Cơ đối kháng: hoạt động kháng đối lại với cơ chủ vận.
– Cơ cố định: giữ vững phần chi thể để cơ chủ vận thực hiện động tác.
– Cơ đồng vận: giúp cơ chủ vận giảm thiểu các cử động không cần thiết
– Cơ trung gian: không tham gia vào các hoạt động trên.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ CO CƠ CÓ HIỆU QUẢ
CÁC PHƯƠNG PHÁP TẬP VẬN ĐỘNG TRONG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
Tập theo tầm vận động
Tập theo tầm vận động là tập các động tác vận động của một hoặc nhiều khớp theo các cách và các hướng mà khớp đó vận động theo mẫu vận động bình thường.
Tập theo tầm vận động gồm có ba loại chủ yếu:
(i)Tập vận động thụ động: bệnh nhân không tự làm được phải nhờ người khác hoặc dụng cụ hỗ trợ tập.
Đó là động tác thực hiện bởi kĩ thuật viên hoặc dụng cụ, không có sự co cơ chủ động của bệnh nhân.
Mục đích là ngăn ngừa co rút, bằng cách duy trì tầm hoạt động bình thường của khớp. Áp dụng cho cơ bị liệt hoặc rất yếu (bậc 0-1). Tập chịu đựng có thể thực hiện bởi kỹ thuật viên tại giường hoặc thân nhân bệnh nhân hoặc chính bệnh nhân (như liệt nửa người).
Tác dụng :
- Ngăn ngừa co rút.
- Ngăn ngừa tạo kết dính khớp.
- Tăng cảm giác cảm thụ bản thể.
- Duy trì độ dài bình thường của cơ.
- Kích thích các phản xạ gập duỗi.
- Chuẩn bị cho tập chủ động.
Ở tư thế nằm ngửa
Ở tư thế nằm sấp
(ii) Tập vận động có trợ giúp: bệnh nhân tự thực hiện được nhưng chưa hết tầm vận động bình thường, phải nhờ hỗ trợ một phần bởi người tập hoặc dụng cụ trợ giúp.
Đó là động tác tập do người bệnh tự co cơ, nhưng có sự trợ giúp của người điều trị hay dụng cụ cơ học. Đây là bước đầu tiên trong tái rèn luyện cơ. Người điều trị hay dụng cụ cơ học loại bỏ trọng lực chi thể tạo thuận lợi cho bệnh nhân thực hiện động tác nhẹ nhàng hết tầm hoạt động. Thường áp dụng trong yếu cơ bậc hai, tập dưới nước, tập có dụng cụ trợ giúp.
Nguyên tắc
- Giải thích cho bệnh nhân rõ về khởi điểm và hướng lực hoạt động của cơ đang định tập.
- Chỉ trợ giúp vừa đủ.
- Nên cho bệnh nhân được nghỉ ngắn sau một tuần hoạt động.
- Giảm dần trợ giúp khi lực cơ tăng tiến.
Chỉ định khi có yếu cơ bậc hai : tập để tăng sức mạnh cơ và lập mẫu cử động điều hợp.
(iii) Tập vận động chủ động: bệnh nhân tự thực hiện được động tác vận động nhưng có thể chưa thực hiện được chức năng
Đây là động tác tập do chính bệnh nhân hoàn tất, không cần có trợ giúp và kháng cản.
Nguyên tắc:
- Giải thích động tác cho bệnh nhân rõ suốt tầm hoạt động.
- Động tác tập không quá khó và quá dễ.
- Phải kiểm soát khi bệnh nhân tập để tránh bệnh nhân cử động thay thế.
Mục đích là cải thiện chức năng, tăng tiến sức mạnh và cải thiện toàn thân: tuần hoàn, hô hấp, chuyển hoá, chức năng tâm lý…
Hướng dẫn bệnh nhân tự tập ở tư thế nằm ngửa và ngồi để tập các khớp ở tay và chân
Hướng dẫn bệnh nhân tự tập đầu, cổ, thân mình và vận động tinh của bàn tay
Tập có kháng trở
Là bài tập chủ động trong đó sự co cơ động hay tĩnh bị kháng lại bằng một lực từ bên ngoài, đây là phương pháp tập tốt nhất đề làm tăng sức mạnh của cơ. Động tác tập chính do người bệnh hoàn tất cùng với sức kháng trở của kỹ thuật viên hoặc dụng cụ. Lực kháng trở cần phù hợp với từng bệnh nhân, có thể do người tập tạo nên với hướng dẫn để bệnh nhân tự làm.
Mục đích: làm tăng sức mạnh (lực cơ), tăng sức bền của cơ, tăng sức mạnh chi thể.
Chỉ định: khi cơ đã đạt bậc 4 hoặc 5 trong thử cơ. Tuy nhiên cũng có thể sớm hơn ở bậc 3 nhưng phải loại bỏ trọng lực.
Chống chỉ định: xương mới bị gẫy chưa liền, khớp mới bị tổn thương chưa bình phục, nhiễm trùng nặng, ung thư xương khớp. Thận trọng khi tập cho bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân cao tuổi, loãng xương nặng, thay thể bộ phận (khớp giả).
Nguyên tắc :
- Quan tâm đến góc, trọng lực co cơ và sức căng tương đối của cơ. Ở đầu và cuối tầm lực cần được sử dụng ít nhất.
- Khi có cử động giật có nghĩa là sức đề kháng quá lớn.
- Lực để kháng được đặt ở điểm xa với khối cử động.
- Nếu tăng kháng trở nên tăng từ từ.
Tập kháng trở tăng tiến
Đó là phương pháp tập tăng dần sức để kháng cơ học của một nhóm cơ. Mục đích là tăng sức mạnh và tăng bền bỉ cho cơ. Thường sử dụng quả tạ có ghi trọng lượng và tập ròng rọc.
Để gia tăng kháng trở, khi tập người ta thực hiện động tác một cách tuần tự một cung vận động nghĩa là không có gia tốc.
Tập kéo giãn
Là một trong những cách tập vận động cưỡng bức do người tập hoặc dụng cụ tạo nên.
Mục đích: tái lập lại tầm vận động của khớp, cơ và tổ chức mềm quanh khớp.
Nguyên tắc :
- Không thực hiện kéo giãn khi có đau cấp.
- Nếu quá liều, đau kéo đài giảm tầm hoạt động.
- Liệu trình bền bỉ, dài lâu sẽ có kết quả.
- Phải tập trung lực đúng vùng mong muốn.
- Cơ được kéo phải thư giãn.
- Kéo từng khớp một.
Chỉ định: Hạn chế tầm vận đông do mất cân bằng cơ, co cứng, co rút, dính khớp, cứng khớp, sẹo tổ chức làm cho cơ, tổ chức liên kết và da bị co ngắn lại. Tầm hoạt động của khớp bị giới hạn do mất đàn hổi mô mềm.
Chống chỉ định: Không được sử dụng kéo giãn khi giới hạn tầm hoạt động của khớp do di lệch không thắng hàng của xương. Chống chỉ định trên bệnh nhân mới gẫy xương cần cố định, loãng xương nặng, tổn thương xương khớp chưa ổn định, nhiễm trùng, lao, ung thư, cơ địa chảy máu.
Các bài tập vận động trị liệu khác
(i)Tập trên đệm: thay đổi vị thế nằm, tập ngồi dậy, đứng lên, điều trị đau lưng.
Khi để bệnh nhân nằm trên nệm, hướng dẫn bệnh nhân tập :
- Thay đổi tư thế : nằm sấp qua nằm ngửa rồi ngồi.
- Giữ thăng bằng khi ngồi di chuyển và vận động như trên.
- Tập mạnh các cơ lưng, tập kéo giãn chủ động, bị động.
- Tập điều hợp và sự khéo léo.
- Tập bóng : để chuẩn bị cho các động tác tập luyện sau này.
(ii)Tập trong thanh song song (có hay không có nẹp): tập đứng, thăng bằng, tập làm mạnh chi trên, kiểm soát khung chậu, di chuyển, tập với nẹp hoặc chân giả.
Mục đích :
- Tăng sức chịu đựng vị trí đứng và sức nặng cơ thể.
- Tập thăng bằng.
- Tập mạnh chi trên.
- Tập kiểm soát khung chậu.
- Tập sử dụng chân giả.
- Tập dáng đi cơ bản.
(iii)Tập thăng bằng với dụng cụ: bóng, bàn thăng bằng, với nạng (có hay không có nẹp)
Mục đích :
- Tập thăng bằng : bên, trước, sau.
- Kiểm soát khung chậu, cơ lưng.
- Tập đặt nạng theo các hướng.
- Tập sử dụng nẹp, chân giả.
- Tập leo.
- Tập ngã để chuẩn bị cho các động tác tập tiếp theo.
(iv)Tập di chuyển bằng khung tập đi, nạng, gậy, xe lăn.
– Tập dáng đi, dáng cơ bản.
– Tập các kỹ thuật di chuyển khi bệnh nhân sử dụng xe lăn tay, nẹp, nạng.
– Tập dáng đi nhanh, chậm, dáng đi bốn điểm, hai điểm, các mặt nền khác nhau, các loại chướng ngại khác nhau trong và ngoài nhà.
– Tập leo trèo thang gác (bậc thang rộng 20cm, xe buýt có bậc thang rộng 40cm).
Hoạt động trị liệu
Là loại hình vận động trị liệu đặc biệt để phục hồi về thể chất và tinh thần bằng các hoạt động có lựa chọn giúp người bệnh có được chức năng tối đa trong tự chăm sóc, thực hiện các hoạt động trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày.
Hoạt động trị liệu là một ngành cận y, (tìm hiểu thêm về nguyên lý ở đây) hiện đã có quy định cấp giấy phép hành nghề. Vì vậy, việc mô tả hoạt động trị liệu ở đây còn rất đơn giản.
Mục đích của hoạt động trị liệu:
- Tăng cường sức khoẻ: bệnh nhân nằm viện lâu ngày sức khoẻ giảm, năng lực làm việc phục hồi chậm. Hoạt động trị liệu làm tăng sức khoẻ và khả năng lao động bằng cách tập cho người bệnh quen dần với những điều kiện lao động bình thường.
- Luyện tập chức năng: bằng những hoạt động có lựa chọn, hoạt động trị liệu làm tăng tầm vận động khớp, làm tăng sức mạnh của cơ, tăng khả năng điều hợp vận động, tăng khả năng vận động tinh.
- Hoạt động trị liệu có thể giúp người bệnh trở về với nghề cũ, hoặc giúp lượng giá năng lực cả về thể chất và tinh thần để hướng dẫn họ chuyển sang nghề khác thích hợp hơn với tình trạng hiện tại. Đây là một lĩnh vực cần hoạt động liên ngành của chuyên gia Cán sự xã hội.
Những vấn đề kỹ thuật viên cần quan tâm:
- Khả năng vận động của toàn thân, đặc biệt là tay. Khuyến khích bệnh nhân sử dụng những chức năng còn lại, càng tập luyện sớm càng tốt
- Thăng bằng khi ngồi, khi di chuyển
- Vận động điều hợp
- Khả năng hiểu lời nói và chữ viết: phần này có thể được phối hợp với chuyên viên ngôn ngữ trị liệu- một ngành cận y và hiện cũng đã có quy định cấp chứng chỉ hành nghề
Chương trình hoạt động trị liệu trong bệnh viện:
- Tập luyện những kỹ năng trong tự chăm sóc, các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày: tắm, gội, đánh răng rửa mặt, ăn uống, mặc quần áo…
- Tập luyện các kỹ năng của tay (vận động tinh), đặc biệt là bàn tay và các ngón tay.
- Nếu cần có thể tập với các dụng cụ trợ giúp, kể cả dụng cụ trợ giúp tập luyện và dụng cụ trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày
Tham khảo về danh mục các bệnh lý được chỉ định Hoạt động trị liệu ở đây.
MỘT SỐ NGUYÊN TẮC TRONG VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU
– Người bệnh phải ở tư thế thoải mái, ít bị căng giãn nhất.
– Động viên người bệnh. Giải thích rõ, gọn, đủ.
– Phải có liều tập đúng, đủ theo chỉ định của bác sĩ. Cần phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh và nhà lâm sàng.
– Khớp gần cần được giữ vững để tránh cử động ngoài ý muốn và tăng hiệu lực phần chi thể cần vận động.
– Mọi động tác đều được tập nhẹ nhàng qua suốt tầm vận động, tuần tự từ khởi điểm và trở lại vị trí ban đầu.
– Tập quá mức: nếu sau tập 3 giờ vẫn còn đau và khó chịu, giảm tầm hoạt động khớp, giảm sức cơ.
– Tập thời gian ngắn và lặp lại trong ngày tốt hơn là tập 1 lần mà kéo dài trong một ngày. Cần lập chương trình tập ngắn và thường xuyên hơn là tập dài và không được kiểm soát tốt.
– Theo dõi chặt chẽ, quan sát kỹ bệnh nhân, có sai lệch chỉnh lý ngay. Sau mỗi lần tập cần ghi vào phiếu theo dõi.
– Theo dõi tai biến, đau, mỏi để điều trị kịp thời.
– Cần loại bỏ sớm những động tác thay thế trong khi tập, chú ý đến an toàn và thẩm mỹ.
– Nên hoạch định một chương trình tiếp theo tại nhà nhưng phải có sự hợp tác của thân nhân và bệnh nhân.
– Cần tái lượng giá.
MỘT SỐ KỸ THUẬT TẬP VẬN ĐỘNG
Tập vận động cột sống cổ:
– Gấp, duỗi cột sống cổ (cúi, ngửa đầu): bệnh nhân ngồi trên ghế ở vị thế thoải mái, thư giãn, hai bàn chân sát trên sàn nhà, cân xứng hai bên. Người tập hướng dẫn bệnh nhân từ từ cúi đầu về phía trước cho đến mức tối đa hoặc hết tầm vận động (cằm sát ngực). Sau đó từ từ ngửa đầu ra phía sau cho đến hết tầm vận động (mặt song song với trần nhà) rồi trở về vị trí bắt đầu và tập lại như cũ.
– Nghiêng cột sống cổ (nghiêng đầu): bệnh nhân ngồi ở vị thế thoải mái, thư giãn. Người tập hướng dẫn bệnh nhân từ từ nghiêng đầu sang phía bên phải rồi nghiêng sang bên trái cho đến mức tối đa hoặc hết tầm vận động (tai chạm vai).
– Xoay cột sống cổ (quay đầu): bệnh nhân ngồi ở vị thể thoải mái, thư giãn. Người tập hướng dẫn bệnh nhân từ từ quay đầu sang bên phải rồi sang bên trái cho đến mức tối đa hoặc hết tầm vận động (cằm ngang mỏm cùng vai).
Tập vận động khớp vai
– Vận động đưa hai vai lên và xuống: bệnh nhân ngồi trên ghế, người tập hướng dẫn bệnh nhân nâng hai vai lên đến mức tối đa sau đó hạ xuống trở lại vị trí ban đầu.
– Vận động đưa hai vai ra trước và ra sau: bệnh nhân ngồi trên ghế, người tập hướng dẫn bệnh nhân đưa hai vai ra trước đến mức tối đa (làm cho hai xương bả vai xa nhau ra) rồi đưa hai vai ra sau đến mức tối đa (làm cho hai xương bả vai gần lại).
– Xoay khớp vai: ở vị thế như trên, bệnh nhân xoay tròn hai vai theo hướng trước sau, rồi xoay ngược lại theo hướng từ sau ra trước.
Tập vận động khớp hàm
– Bệnh nhân ngồi trên ghế, cân xứng hai bên, có thể ngồi trước gương, thư giãn. Người tập hướng dẫn bệnh nhân đưa xương hàm dưới ra sau, đưa xương hàm dưới ra trước, đưa xương hàm dưới xuống dưới (há miệng rộng để hai xương hàm cách xa nhau ra), đưa xương hàm dưới sang phải, đưa xương hàm dưới sang trái.
Tập vận động vùng ngực và các xương sườn
– Bệnh nhân đứng thẳng hoặc ngồi trên ghế, người tập hướng dẫn bệnh nhân thở hít vào thật sâu sau đó thở ra thật hết làm giãn nở lồng ngực và khung sườn.
Cụ thể hướng dẫn bệnh nhân tập bằng cách thổi bóng, thổi còi hoặc các dụng cụ tập thở khác
Tập kéo giãn khớp háng bị gập
– Hiện tượng: khớp háng bị co cứng và gấp do những cơ gấp khớp háng bị co ngắn lại, bệnh nhân không thể duỗi thắng đùi ra được.
– Cách tập: bệnh nhân nằm sấp, hai chân đưa ra khỏi mép giường ngang tầm khớp háng, chân không cần tập thì gấp. Người tập đứng cuối giường, dùng hai chân giữ chân bình thường của bệnh nhân, một tay đặt lên mông bên khớp háng cần tập để cố định và ấn xuống, bàn tay kia nắm giữ khớp gối đó gấp lại và đỡ cẳng chân trong tay mình. Sau đó từ từ kéo gối bệnh nhân lên khoảng 30 giây, thư giãn, rồi tiếp tục như vậy từ 10 đến 15 lần.
Chú ý: khi tập kéo giãn khớp háng, chân bệnh nhân phải luôn giữ thắng góc với thân mình.
– Khi bệnh nhân nằm sấp phải chắc chắn hai bên khớp háng đó tựa vào mép bàn và khi kéo gối lên thì khớp háng không bị kéo lên theo.
Tập kéo giãn khớp gối bị gấp
– Hiện tượng: khớp gối bị co cứng và gấp, bệnh nhân không duỗi thắng cẳng chân được do các cơ và gân ở mặt sau đùi co ngắn lại. Kéo giãn là làm cho khớp gối duỗi thẳng để bệnh nhân có thể vận động bình thường.
– Cách tập: bệnh nhân nằm ngửa, người tập đứng về phía chân cần tập của bệnh nhân, một tay giữ phía trên đùi, sát khớp gối để đẩy xuống, bàn tay kia nắm giữ bắp chân sát khoeo để nâng cắng chân lên, dùng cẳng tay đỡ cằng chân và cánh tay đỡ bàn chân người bệnh, làm gấp khớp cổ chân về phía mu. Ngày tập 3 lần, mỗi lần 10 động tác, mỗi động tác kéo giãn trong 30 giây.
– Có thể kéo giãn khớp gối bằng cách đứng bên mép giường, cạnh chân cần tập của bệnh nhân, một tay đỡ phía trên gối, tay kia đỡ cẳng chân. Nếu muốn kéo giãn khớp gối, đồng thời làm gấp khớp hang, phải kéo giãn khớp gối trước, sau đó mới làm gấp khớp háng bằng cách nâng cao chân bệnh nhân lên khỏi mặt giường.
Cần phải giữ khớp gối duỗi tối đa trong khi tập gấp khớp háng.
Chú ý: Không bao giờ cố làm duỗi thẳng khớp gối bằng cách kéo bàn chân hoặc cẳng chân bệnh nhân vì có thể gây trật khớp gối hoặc gẫy xương đặc biệt với những bệnh nhân chân quá yếu hoặc bị loãng xương.
Tập kéo giãn gân gót
– Hiện tượng: Nhóm cơ và gân cơ ở bắp chân co ngắn, bệnh nhân không đặt được gót chân sát xuống sàn nhà. Khi đứng và khi đi bệnh nhân phải đứng và bước đi bằng đầu mũi bàn chân.
– Cách tập: bệnh nhân nằm ngửa, người điều trị đứng về phía bên chân cần tập, một tay đỡ gối hơi gập, tay kia đỡ gót và bàn chân, bàn tay nắm giữ gót chân, cẳng tay đỡ bàn chân, hơi xoay gót vào trong. Sau đó kéo gót chân xuống, đồng thời dùng cẳng tay đẩy bàn chân gấp về phía mu, lực kéo mạnh hơn lực đẩy, mỗi động tác kéo dài 20 đên 30 giây, sau đó thư giãn rồi làm lại.
Chú ý: không đẩy và kéo mũi bàn chân quá mạnh mà không đỡ gót chân vì rất dễ gây tổn thương khớp gối, hoặc làm khớp gối ưỡn quá mức nếu đùi bệnh nhân quá yếu.
Tập làm khỏe tay để có thể sử dụng nạng, xe lăn khi tổn thương tủy sống
– Hướng dẫn bệnh nhân ngồi trên bàn hoặc ghế, chống hai bàn tay xuống mặt bàn cạnh hai bên hông, sau đó tự nâng mình lên (duỗi thắng hai tay) rồi hạ xuống vị trí cũ (gấp hai khuỷu tay). Tập như vậy cho đến khi có thể làm được trên 30 lần.
– Nếu tay bệnh nhân quá ngắn có thể hướng dẫn bệnh nhân nắm tay lại để chống nắm tay xuống mặt bàn, hoặc kê cao hai tay lên bằng khúc gỗ, viên gạch, quyển sách.
– Bệnh nhân có thể tập như vậy khi ngồi trong xe lăn, ghế tựa… bằng cách nắm tay vào hai bên thành xe, thành ghế sau đó tập đẩy để nâng người lên.
– Khi tập gấp, duỗi khuỷu tay để nâng người lên, phải hướng dẫn bệnh nhân gập khuỷu tay ra phía ngoài chứ không gấp vào phía trong.
Tập làm khỏe cơ đùi
– Hiện tượng: các cơ ở phân trước đùi bị yếu, bệnh nhân vận động, đi lại khó khăn, không thể giữ cơ thể cân xứng khi đứng.
– Cách tập: bệnh nhân ngồi trên ghế, nâng cẳng chân lên (duỗi gối) đên mức tối đa, giữ ở vị trí đó cho tới khi không thể giữ được thì đưa trở lại vị trí bắt đầu càng chậm càng tốt.
– Nếu đùi quá yếu không thể thắng nổi trọng lực, phải để bệnh nhân nằm nghiêng, chân cần tập được đỡ bằng giây treo hoặc ròng rọc sau đó tập gấp duỗi chân.
– Khi cơ đùi đó khỏe hơn, người tập hướng dẫn bệnh nhân tập vận động chủ động có kháng trở bằng cách buộc vào cổ chân một túi cát hoặc tạo lực kháng trở khác sau đó vận động cẳng chân lên, xuống.
– Có thể hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn vào một vật nào đó bên cạnh, co chân lành lên, rồi tập đứng lên, ngồi xuống bằng chân yếu, hoặc tập đi lên, xuống cầu thang.
Tập làm khoẻ các cơ phía bên của hông
– Hiện tượng: vì nguyên nhân nào đó các cơ ở phía bên của hông bị yếu làm cho bệnh nhân phải nghiêng người về phía bên đó khi đứng và đi.
– Cách tập: bệnh nhân nằm nghiêng về phía bên bình thường, người tập hướng dẫn bệnh nhân nâng chân cần tập lên đến mức tối đa, giữ ở vị trí đó càng lâu càng tốt sau đó đưa về vị trí cũ rồi tập lại như trên.
– Khi chân bệnh nhân đó khỏe hơn tiếp tục tập có kháng trở bằng cách dung túi cát hoặc lực kháng từ tay người tập.
– Tập đứng dạng chân hoặc bước đi ngang.
Tham khảo các hướng dẫn tập khỏe cơ
Các bài tập với cổ tay, bàn tay và các ngón tay
– Quay sấp và xoay ngửa cẳng tay: bệnh nhân ngồi trên ghế, đặt hai cẳng tay lên mặt bàn phía trước, sau đó tập quay sấp và xoay ngửa cẳng tay hai bên.
– Gấp cổ tay về phía lưng và phía mu: bệnh nhân ngôi trên ghế, chống khuỷu tay xuống mặt bàn phía trước mặt, sau đó tập gấp khớp cổ tay về phía mu bàn tay đến tầm vận động tối đa.
– Nghiêng khớp cổ tay sang hai bên: bệnh nhân ngôi trên ghế, chống khuỷu tay xuống mặt bàn phía trước mặt, sau đó tập nghiêng khớp cổ tay về phía ngón cái và phía ngón út đến tầm vận động tối đa.
– Tập dạng, khép ngón cái: bệnh nhân ngồi trên ghế, chống khuỷu tay xuống mặt bàn phía trước mặt, sau đó tập dạng và khép ngón tay cái.
– Tập gấp khớp bàn ngón và các khớp liên đốt để tạo thành nắm tay.
– Tập đối chiếu ngón tay cái với các ngón khác (làm thành chữ 0 giữa ngón cái và các ngón khác).
– Hướng dẫn bệnh nhân nắm trong lòng bàn tay một vật hình tròn, chắc, có kích thước phù hợp sau đó tập vận động (xoay) vật hình tròn đó trong lòng bàn tay theo các hướng khác nhau.
Tập để sửa tư thế cột sống (gù, vẹo)
Không hiệu quả ở người trưởng thành, nhưng ở trẻ em, có gù nhẹ thì có tác dụng chỉnh sửa cột sống.
- BS Đỗ Thị Thuý Anh chỉnh lý